/ 600
832

Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa

Tập 125

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa

Giảo duyệt: Huệ Trang, Trịnh Lộc và Đức Phong


Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, xin mời ngồi xuống. Xin xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang một trăm bốn mươi bốn, hàng thứ tư đếm từ dưới lên, chúng ta xem từ câu thứ hai:

“Hựu Trí Độ Luận viết: ‘Tùng Thủ Lăng Nghiêm tam-muội nãi chí Hư Không Tế Vô Sở Trước Giải Thoát tam-muội, hựu như Kiến Nhất Thiết Phật tam-muội, nãi chí Nhất Thiết Như Lai Giải Thoát Tu Quán Sư Tử Tần Thân đẳng, vô lượng A-tăng-kỳ Bồ Tát tam-muội’. Như thị đẳng chư tam-muội vô bất cụ túc, cố vân cụ túc thành tựu bách thiên tam-muội” (Lại nữa, Trí Độ Luận chép: “Từ Thủ Lăng Nghiêm tam-muội cho đến Hư Không Tế Vô Sở Trước Giải Thoát tam-muội, lại như Kiến Nhất Thiết Phật tam-muội, cho đến Nhất Thiết Như Lai Giải Thoát Tu Quán Sư Tử Tần Thân v.v…, vô lượng A-tăng-kỳ tam-muội của hàng Bồ Tát”. Các tam-muội như thế không gì chẳng đầy đủ, nên nói là “thành tựu đầy đủ trăm ngàn tam-muội”). Tam-muội (Samādhi) là tiếng Phạn, tức là ngôn ngữ của Cổ Ấn Độ, thường được dịch là Định, hoặc dịch là Chánh Thọ, có nghĩa là Thiền Định. Trong kinh có dịch thành một câu dễ hiểu hơn: “Thiện tâm nhất xứ trụ”, cũng giống như trong kinh Di Giáo có nói: “Chế tâm nhất xứ, vô sự bất biện” (chế ngự tâm trụ tại một chỗ, không gì chẳng hoàn thành). Đó là ý nghĩa của hai chữ Tam Muội. Vì thế, trong Phật pháp, bất luận Đại Thừa hay Tiểu Thừa, chữ Định này được nói đến nhiều nhất. Phàm điều gì được nói đến nhiều nhất, nhất định là rất quan trọng. Chẳng phải là rất quan trọng, cần gì phải rườm lời? Thường xuyên nói, lúc nào cũng nói, chỗ nào cũng nói, điều ấy rất quan trọng. Quả thật, tam-muội là mấu chốt trong sự tu học Phật pháp. Trong Tam Học Giới, Định, Huệ, tam-muội là Định. Cớ sao có nhiều loại Định ngần ấy, trăm ngàn tam-muội? Đó là các phương pháp tu Định khác nhau, phương pháp vô lượng vô biên, nhưng mục đích đều nhằm tu Định, đều mong thu cái tâm về một chỗ.

Quý vị thấy Đại Thế Chí Bồ Tát dạy chúng ta niệm Phật, chúng ta phải niệm như thế nào thì mới có thể vãng sanh Tịnh Độ? Lão nhân gia dạy chúng ta tám chữ “đô nhiếp lục căn, tịnh niệm tương kế” (nhiếp trọn sáu căn, tịnh niệm tiếp nối). Quý vị thấy đó có phải là tam-muội hay không? “Nhiếp trọn sáu căn” tức là thâu hồi vọng niệm. Mắt thấy sắc liền khởi phân biệt, chấp trước, tai nghe tiếng cũng vậy, cho đến ý duyên pháp, không gì chẳng như vậy! Tâm ấy là tâm phân biệt, vọng tưởng, chấp trước, rong ruổi theo bên ngoài. Nay chúng ta muốn tu hành, ắt phải thâu hồi cái tâm lại, thâu hồi mắt từ Sắc Trần, thâu hồi tai từ Thanh Trần. Thật ra, Mạnh phu tử cũng đã từng nói, trong thời đại Mạnh Tử, Phật giáo chưa truyền đến Trung Quốc, nhưng Mạnh Tử đã từng nói: “Học vấn chi đạo vô tha, cầu kỳ phóng tâm nhi dĩ” (đạo học vấn chẳng có gì khác, chỉ cầu sao thâu hồi cái tâm buông lung mà thôi), cũng mang ý nghĩa này. [Ngài nói] đạo lý trong sự học vấn chẳng có gì khác, chỉ là thâu hồi cái tâm, do tâm quý vị buông lung theo bên ngoài. Nhà Phật nói “sáu thức nơi sáu căn rong ruổi bên ngoài, hãy thâu hồi chúng”, Mạnh Tử gọi chuyện đó là “cầu kỳ phóng tâm nhi dĩ”. Đại Thế Chí Bồ Tát nói “nhiếp trọn sáu căn, tịnh niệm tiếp nối”, tâm liền thanh tịnh, mắt không duyên sắc, tai không duyên thanh, lục căn chẳng phan duyên bên ngoài, tâm liền định, đó là tịnh niệm.

Phải giữ gìn cho tịnh niệm tiếp nối, chớ để cho nó đoạn dứt. Chúng ta biết ý niệm là niệm trước diệt, niệm sau liền sanh. Niệm niệm đều là tịnh niệm thì sẽ thành công. Chúng ta dùng phương pháp gì? Dùng trì danh niệm Phật, đó là một loại phương pháp trong vô lượng pháp môn. Trong Tịnh Độ Tông, tuy đức Phật cũng dạy rất nhiều phương pháp niệm Phật, nhưng phân chia tổng quát thì có bốn loại như Thập Lục Quán Kinh đã nói: Thật Tướng Niệm Phật, Quán Tưởng Niệm Phật, Quán Tượng Niệm Phật, Trì Danh Niệm Phật, có bốn loại ấy. Trong bốn loại lớn đó, mỗi loại còn có thể chia ra thành rất nhiều loại. Chúng ta dùng chấp trì danh hiệu [là phương pháp mà] kinh Vô Lượng Thọ và kinh Di Đà đều nói, trong kinh Lăng Nghiêm, Đại Thế Chí Bồ Tát nói “nhiếp trọn sáu căn, tịnh niệm tiếp nối” là nói đến Trì Danh Niệm Phật. Nói cách khác, giữ cho tâm chúng ta định trong câu Phật hiệu, khiến cho câu Phật hiệu niệm niệm tiếp nối, đó là Niệm Phật tam-muội. Kinh luận Tịnh Tông lại nói “Niệm Phật tam-muội, tam-muội trung vương” (Niệm Phật là vua trong các tam-muội), câu này rất quan trọng. Ở đây, cụ Niệm Tổ dùng Trí Độ Luận để nói, trong Trí Độ Luận nói “bách bát tam-muội”, tức là nói đến một trăm lẻ tám loại, đều là nói quy nạp. Một trăm lẻ tám loại triển khai sẽ thành trăm ngàn tam-muội, vô lượng tam-muội, có ý nghĩa này.

/ 600