Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa
Tập 124
Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không
Thời gian: Ngày 5 tháng 04 năm 2010
Địa điểm: Hương Cảng Phật Đà Giáo Dục Hiệp Hội
Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa
Giảo chánh: Huệ Trang và Đức Phong
Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, xin mời ngồi xuống. Xin xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang một trăm bốn mươi bốn, xem từ dòng thứ tám, xem từ chỗ “bách thiên tam-muội” trong dòng thứ tám.
Trong đoạn kinh văn “cụ túc tổng trì bách thiên tam-muội”, trong phần trước đã học về Tổng Trì, nay xem tới phần “bách thiên tam-muội”: “Hội Sớ viết: Bách thiên tam-muội giả, chúng sanh vô lượng, tâm hạnh bất đồng, hữu lợi, hữu độn, ư chư kết sử, hữu hậu, hữu bạc, thị cố Bồ Tát hành bách thiên chủng tam-muội, đoạn kỳ trần lao” (Sách Hội Sớ giảng: “Trăm ngàn tam-muội là vì chúng sanh vô lượng, tâm hạnh bất đồng, có kẻ lợi căn, có kẻ độn căn. Đối với các kết sử, có kẻ sâu dầy, có kẻ mỏng nhẹ. Vì vậy, Bồ Tát thực hành trăm ngàn loại tam-muội để đoạn trừ trần lao cho họ”). Trước hết, chúng ta xem chỗ này, đây là một đoạn ngắn. Tam-muội là Thiền Định, dịch sang nghĩa tiếng Hán thì thường dịch là Chánh Thọ, tức là sự hưởng thụ chánh đáng, đúng mực, bèn gọi là tam-muội. Tiêu chuẩn chánh đáng, đúng mực ở chỗ nào? Xa lìa tập khí phiền não thì sự hưởng thụ của chúng ta là chánh đáng, đúng mực. Nói cách khác, có tự tư tự lợi là chẳng chánh đáng, đúng mực, có đúng - sai, ta - người là không chánh đáng, đúng mực, có tiếng tăm, lợi dưỡng, ngũ dục, lục trần, đều là chẳng chánh đáng, đúng mực. Do điều này có thể biết, người thật sự tu hành có công phu sẽ đạt được sự hưởng thụ chánh đáng, đúng mực. Trong tựa đề kinh, chúng ta thấy nửa đoạn [trước] giảng về quả đức. Quý vị tu hành thành tựu, quả đức hiện tiền, đó là “Đại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm”. Chúng ta suy nghĩ cái quả ấy, quả đương nhiên có nhân. Quả ấy rất thù thắng, nhân đương nhiên thù thắng. Nhân là gì? Thanh tịnh, bình đẳng, chánh giác, đó là tiêu chuẩn của tam-muội hiện tiền. Nếu chúng ta đắc thanh tịnh tâm, bèn gọi là đắc tam-muội; tâm không thanh tịnh, bèn chẳng có tam-muội. Nếu tâm là tâm bình đẳng, đó là tam-muội càng sâu hơn. Giác chứ không mê, đó là tam-muội nơi quả địa của chư Phật. Vì thế, năm chữ ấy là sở tu của A La Hán, Bồ Tát và Phật.
Vì sao có trăm ngàn tam-muội? Trên thực tế, không chỉ là trăm ngàn, mà là vô lượng, vô biên. Vì sao? Chúng sanh vô lượng. Chúng sanh có phạm vi bao quát vô cùng rộng, không chỉ là nhân loại. Đối với hai chữ “chúng sanh”, các hiện tượng do các duyên hòa hợp sanh khởi đều gọi là “chúng sanh”. Vì thế, chúng sanh được hiểu theo nghĩa rộng, trừ con người ra, tất cả thực vật và động vật đều là chúng sanh. Thực vật cũng là chúng sanh, khoáng vật cũng là chúng sanh. Hiện tượng tự nhiên cũng do các duyên hòa hợp mà sanh khởi. Chúng ta thấy mây trên hư không, đó là do các duyên hòa hợp mà sanh, nên cũng gọi là chúng sanh. Vì thế, “chúng sanh” có phạm vi rất rộng. Trừ những thứ này ra, còn có những loài chúng ta không thấy, các chúng sanh thuộc những chiều không gian khác biệt, đều có y báo và chánh báo trang nghiêm, y báo và chánh báo quả thật vô lượng vô biên. Tâm hạnh của hết thảy chúng sanh bất đồng. “Tâm” là khởi tâm động niệm, phân biệt, chấp trước, đó là tâm. “Hạnh” là tạo tác, tạo tác cũng khác nhau. Phân chia đại lược, tức là như kinh Phật thường nói thì có hữu tình chúng sanh, căn tánh có lợi và độn. Lợi (利) là thông minh, độn (鈍) là ngu độn, do nguyên nhân nào? Hai câu kế tiếp đã nói rõ: “Ư chư kết sử”, Kết (結) là phiền não, Sử (使) cũng là phiền não. Thông thường, chữ Sử chỉ Thập Sử, tức là Kiến Tư phiền não. “Hữu hậu, hữu bạc” (có dầy, có mỏng) Nếu là kẻ phiền não dầy bèn ngu độn, nếu phiền não mỏng nhẹ liền tỏ lộ sự thông minh, mức độ dầy mỏng khác nhau. Trong nhà trường, cùng học một cấp lớp, chúng ta thường nói là cùng một cấp lớp thì trình độ không chênh lệch cho lắm, nhưng khi thi cử, thứ tự vẫn khác nhau, từ đứa đậu hạng nhất đến đứa đậu hạng bét, quý vị thấy đó, vẫn chẳng giống nhau. Nói cách khác, nói theo tâm hạnh, tuyệt đối chẳng tìm thấy hai người hoàn toàn giống nhau, chẳng thể được! Đến khi nào bèn giống nhau? Thành Phật sẽ giống nhau, hoàn toàn như nhau. Vì sao? Phiền não đều đoạn hết, đoạn sạch cả rồi! Do vậy có thể biết: Đẳng Giác Bồ Tát cũng bất đồng, mọi người đều là Đẳng Giác Bồ Tát, nhưng trong các vị Đẳng Giác Bồ Tát, phiền não tập khí vẫn dầy, mỏng khác nhau, chúng ta có thể lý giải điều này. Chỉ có đạt đến Phật quả rốt ráo mới là thật sự giống nhau, mảy may phiền não tập khí đều chẳng có. Chính vì tình hình này, nên “Bồ Tát hành bách thiên chủng tam-muội” (Bồ Tát hành trăm ngàn loại tam-muội).
Bồ Tát trong hết thảy cảnh duyên, hoàn cảnh bất đồng, “cảnh” là hoàn cảnh vật chất, hoàn cảnh khác nhau, “duyên” là hoàn cảnh nhân sự. Hoàn cảnh vật chất bất đồng, hoàn cảnh nhân sự bất đồng, tâm các Ngài định một chỗ. Tam-muội là tâm định một chỗ, tương ứng với Tánh Đức. Nói cách khác, trong hết thảy cảnh duyên, “cảnh duyên” là hai chữ thường dùng trong nhà Phật, tức là hoàn cảnh vật chất và hoàn cảnh nhân sự, chẳng bị hoàn cảnh bên ngoài quấy nhiễu, trong tâm có chủ ý, đó là tam-muội. Do vậy, tam-muội cũng được gọi là Vi (làm), trong phần trước chúng ta đã học, tâm chúng ta định ở một chỗ. Người học Phật định ở chỗ nào? Nhất định phải định trong Tam Học Giới, Định, Huệ, chúng ta sẽ chẳng bị cảnh giới bên ngoài quấy nhiễu, cũng chẳng còn mê trong cảnh giới, tạo các điều lành, bất thiện nghiệp là mê. Nếu giác chứ không mê, trong tâm sẽ có chủ tể. Nói nông cạn, tuy chúng ta là kẻ mới học Phật, nếu thiện căn của chúng ta sâu dầy, cảnh giới hiện tiền, chúng ta biết phải đối phó như thế nào, biết cư xử rất viên mãn trong cảnh giới, lại chẳng tạo nghiệp. Đó là “hành Bồ Tát đạo”. Còn có thể giúp đỡ người khác, lợi ích chúng sanh, đó là Bồ Tát hạnh, là trăm ngàn tam-muội của Bồ Tát khởi tác dụng. “Đoạn kỳ trần lao” (đoạn trần lao cho họ), trong tâm hạnh, đầu tiên là đoạn trần lao của chính mình, “trần lao” (塵勞) là phiền não; sau đấy, giúp đỡ người khác, giác ngộ chúng sanh.
Tiếp đó, nêu tỷ dụ để nói, “thí như vị chư bần nhân dục linh đại phú, đương bị chủng chủng tài vật, nhất thiết bị cụ, nhiên hậu năng tế chư bần giả” (ví như vì muốn giúp cho người khác được giàu to, hãy nên chuẩn bị đầy đủ các món tài vật. Đã chuẩn bị đầy đủ hết thảy rồi thì mới có thể giúp đỡ những người nghèo). Đây là nêu tỷ dụ để nói. Bồ Tát vì muốn giúp những kẻ nghèo ấy, nay gọi là “thoát nghèo, xóa sổ đói nghèo”, đạt được của cải to lớn, vị Bồ Tát ấy nhất định có năng lực, đã chuẩn bị khá nhiều tài vật, hết thảy đều chẳng thiếu khuyết; có như vậy thì mới có thể cứu giúp hết thảy chúng sanh bần khổ. Chữ “bần khổ” có ý nghĩa rất sâu, rất rộng. Những kẻ sơ học bình phàm chúng ta thấy nói “bần khổ”, bèn tưởng là bần trong bần phú (nghèo, giàu), đều nghĩ đến tài vật. Phật pháp có ý nghĩa sâu xa! Tài vật nghèo khổ chẳng tính là bần khổ, thật sự bần khổ là gì? Chẳng có đạo! Chẳng có đạo mới là nghèo thật sự. Cũng có thể nói, người chẳng có Giới, Định, Huệ là kẻ thật sự nghèo. Dẫu trong hiện tại, kẻ ấy có rất nhiều của cải, có địa vị rất cao, chúng ta thường nói kẻ ấy là người phú quý, phú quý là quả báo. Vì sao mà có? Trong đời quá khứ, tu tập, tích lũy phước đức; do tích phước nên kẻ ấy giàu có, do tích đức nên kẻ ấy sang quý, kẻ ấy vừa giàu, vừa sang. Nếu suốt đời này hưởng phú quý, chẳng hề tích đức tu phước nữa, kẻ ấy thật sự là bần khổ. Vì sao? Hưởng hết phước báo ấy, sau khi hưởng hết phước báo, khổ nạn liền đưa tới, phải biết thời gian trôi qua rất nhanh, chớp mắt đã thấy ngay! Trong kinh Phật, chúng ta thường thấy các trường hợp như vậy rất nhiều. Bậc đại phú trưởng giả tu tập, tích lũy cái nhân tối thiểu từ ba đời trở lên. Trong nhân gian, làm đế vương, nay gọi là người lãnh đạo quốc gia, phước báo to lớn, tối thiểu người ấy tích lũy công đức đã mười đời. Chẳng có mười đời [tích lũy công đức], sẽ không thể đạt đến địa vị ấy. Do vậy, đây là chuyện kẻ bình phàm chẳng thể làm được. Quý vị chẳng có phước báo ấy mà quý vị đạt được, tai họa liền xảy tới, hoặc là quý vị ngã bệnh, hoặc có thể quý vị mắc bệnh chết ngỏm. Quý vị thấy đạt được địa vị, nhưng chẳng hưởng phước, vì chẳng có phước báo to lớn ngần ấy. Ngoài ra là những tai họa ngang trái, tức là tai nạn ngoài ý muốn. Những nghiệp nhân quả báo đều ở trước mặt chúng ta, quý vị chú tâm quan sát rành mạch, [sẽ thấy] chẳng sai mảy may! Chúng ta hiểu đạo lý này, liễu giải chân tướng sự thật, mới biết tu tập, tích lũy công đức trọng yếu dường ấy. Đức Phật dạy chúng ta tu công đức, không khuyên chúng ta tu phước đức, vì sao? Phước đức chỉ ở trong nhân thiên, quả báo ở trong cõi trời người, chẳng thể vượt thoát tam giới. Đức Phật dạy chúng ta tu công đức, Công là gì? Công là công phu. Công phu là gì? Công phu là tam-muội, Tam Học Giới, Định, Huệ. Giới là phương pháp, do Giới đắc Định, Định là tam-muội, do Định khai Huệ, Định - Huệ có thể vượt thoát tam giới lục đạo. Định - Huệ nếu gặp Tịnh Tông, quyết định được sanh về Tịnh Độ, phước báo ấy quá lớn. Đến Tây Phương Cực Lạc thế giới, phước báo bình đẳng với chư Phật Như Lai, thế giới ấy là một thế giới bình đẳng. Phước báo thứ nhất là thọ mạng vô lượng. Chư vị phải biết: Ở trong thế gian này, thọ mạng rất hữu hạn. Bao nhiêu người hâm mộ một trăm tuổi; thật ra, một trăm tuổi cũng chỉ là một cái khảy ngón tay mà thôi. Trên Đao Lợi Thiên là một ngày, một ngày trong Đao Lợi Thiên là một trăm năm trong nhân gian chúng ta, các đồng học học Phật chớ nên không biết điều này.
Do vậy, chúng ta bình thường phải đổ công dốc sức tu luyện, công tu như thế nào? Cổ thánh tiên hiền đã nêu ra rất nhiều hạng mục và đức mục. Trong những năm qua, chúng ta cùng nhau học tập Đệ Tử Quy, đó là giới luật. Không chỉ là giới luật, mà còn là căn bản giới. Nói cách khác, chẳng làm được Đệ Tử Quy, những thứ khác đều chẳng thể thành tựu, nó là căn bản của căn bản. Đệ Tử Quy học được thì [những thứ khác] đều có thể làm được. Nếu tiến cao hơn một bước, bèn học Cảm Ứng Thiên. Cảm Ứng Thiên là giáo dục nhân quả; Ấn Quang đại sư hết sức coi trọng, suốt đời toàn tâm toàn lực đề xướng. Vào đời Thanh trước kia, cư sĩ Châu An Sĩ có hai câu danh ngôn, ông nói: “Ai nấy đều tin nhân quả, đó là đạo khiến cho thiên hạ đại trị”. “Đại trị” là đời thái bình thịnh trị, cũng là nói nhân dân nơi ấy hạnh phúc mỹ mãn, mỗi người tin nhân quả đều có thể làm được. Ông ta nói: “Ai nấy không tin nhân quả, đó là đạo khiến cho thiên hạ đại loạn”. Hiện thời thiên hạ đại loạn, vì sao? Mọi người không tin nhân quả. Vì sao không tin nhân quả? Chẳng có Đệ Tử Quy, cũng có nghĩa là quy củ làm người chẳng có, tiêu chuẩn làm người chẳng có. Nếu con người rời khỏi tiêu chuẩn làm người, cổ nhân nói rất hay, con người và cầm thú có khác gì nhau? Sở dĩ, con người khác cầm thú ở chỗ con người biết lễ, con người hiểu lễ. Đệ Tử Quy thuộc loại lễ giáo, nên nó là căn bản. Nếu chúng ta muốn học giáo dục nhân quả, trước hết phải làm người cho tốt, điều này rất trọng yếu, sau đó mới có thể thực hiện giáo dục nhân quả. Vun bồi hai căn bản ấy, Thập Thiện Nghiệp Đạo của nhà Phật cũng rất dễ thực hiện, chẳng khó khăn tí nào. Đó là giáo dục truyền thống mấy ngàn năm của Trung Quốc, căn bản to lớn. Vì thế, chúng ta phải đặc biệt coi trọng.
Trăm ngàn tam-muội, vô lượng tam-muội, đều sanh từ căn bản này! Nếu chẳng có căn bản này, quyết định chẳng đạt được tam-muội, cũng tức là chúng ta không đạt được sự hưởng thụ chánh đáng, đúng mực. Học Nho thì sự hưởng thụ chánh đáng, đúng mực là “bất diệc duyệt hồ” (cũng chẳng vui sao), kẻ ấy sung sướng. Sự hưởng thụ chánh đáng, đúng mực trong Phật pháp là “thường sanh tâm hoan hỷ, pháp hỷ sung mãn”. Sự hưởng thụ ấy chẳng liên can gì đến địa vị và của cải. Người học Phật dẫu nghèo hèn, chẳng được phú quý, cũng vẫn vui sướng, pháp hỷ sung mãn giống như Bồ Tát. Giống như thuở Thích Ca Mâu Ni Phật tại thế, quý vị thấy trong Tăng đoàn, trong kinh chúng ta thường thấy Thường Tùy Chúng của đức Thế Tôn là một ngàn hai trăm năm mươi lăm người, mỗi ngày ra ngoài khất thực, nghỉ dưới gốc cây, giống như Thích Ca Mâu Ni Phật, nhìn vào bất cứ ai đều thấy vẻ mặt họ tươi cười, trên thân chẳng có thứ gì, nhưng họ sung sướng khôn sánh. Vì sao sung sướng, hạnh phúc như vậy? Họ đắc tam-muội, đạo lý ở chỗ này, người đắc tam-muội hưởng thụ chánh đáng. Người bình phàm chúng ta hưởng thụ chẳng chánh đáng, đúng mực, người bình phàm thì sao? Có năm loại Thọ, tức là khổ, lạc, ưu, hỷ, xả, những cảm thụ ấy đều chẳng bình thường. Thân có khổ, lạc, tâm có ưu, hỷ, nên không chánh đáng, đúng mực. Thân chẳng có khổ, lạc, tâm chẳng có ưu, hỷ, tâm thanh tịnh hiện tiền, đó là chân lạc. Do vậy, đức Phật nói lục đạo phàm phu có năm thứ Thọ, là khổ, lạc, ưu, hỷ, xả. Xả Thọ khá lắm, Xả Thọ là khi nào? Trong một thời gian ngắn ngủi, thân chẳng có khổ hay lạc, tâm chẳng có ưu, hỷ, tốt lắm! Đó là Chánh Thọ. Vì sao nó chẳng thể được coi là Chánh Thọ? Vì thời gian quá ngắn; chẳng giống như người thật sự tu hành, vĩnh viễn giữ được Xả Thọ, chẳng bị mất đi. Xả Thọ là tam-muội.
Do vậy đối với sự tu hành, mấu chốt tu hành là gì? Nguyên lý và nguyên tắc trọng yếu nhất trong tu hành là gì? Là buông xuống. Bắt đầu từ chấp trước, buông chấp trước xuống, đối với hết thảy người, sự, vật, chẳng còn chấp trước, quý vị sẽ hết sức sung sướng, đắc thanh tịnh tâm. Lại buông phân biệt xuống, không chỉ chẳng chấp trước, mà ngay cả ý niệm phân biệt cũng chẳng dấy lên, đó là Bồ Tát, cao hơn A La Hán nhiều lắm. Vì buông xuống thuộc về Định, Định thì nhất định là đến một lúc nào đó sẽ hoát nhiên đại ngộ, trí huệ mở mang, đó là giác. Giác là khai trí huệ, bèn thành Phật. Trí huệ đã khai, chẳng thấy mười pháp giới nữa, quý vị vượt thoát mười pháp giới, trụ trong cõi Thật Báo Trang Nghiêm của chư Phật Như Lai. Thật ra, cõi Thật Báo của Phật là cõi Thật Báo của chính mình; khi ấy, tự và tha bất nhị, chính mình và Phật là một, chẳng hai. “Nhập pháp môn Bất Nhị” như trong giáo pháp Đại Thừa thường chính là ý nghĩa này, quý vị chứng đắc pháp môn Bất Nhị. Pháp môn Bất Nhị là quý vị thấy Pháp Thân, khẳng định, thừa nhận nó, chẳng có tí hoài nghi nào. Vạn sự vạn pháp trong khắp pháp giới hư không giới và chính mình là một Thể, người ta thường gọi nó là “sanh mạng cộng đồng Thể”. Thể ấy là gì? Trong Hoàn Nguyên Quán của Hiền Thủ quốc sư, Thể ấy được gọi là “tự tánh thanh tịnh viên minh thể”. Do vậy, học Phật hãy nên thường nghĩ tới Giới, Định, Huệ, phải ghi nhớ những điều này trong tâm, niệm niệm đều có thể tương ứng với Giới, Định, Huệ thì chúng ta đang hành Bồ Tát đạo.
“Nhất thiết cụ bị” (hết thảy chuẩn bị đầy đủ), vô lượng tam-muội đã đầy đủ, vô lượng pháp môn đã đầy đủ thì mới có thể giúp đỡ hết thảy chúng sanh. “Nhiên hậu năng tế chư bần giả” (sau đấy mới có thể giúp các người nghèo), dạy hết thảy chúng sanh vĩnh viễn thoát ly lục đạo luân hồi, thoát khỏi nỗi khổ trong lục đạo, vĩnh viễn thoát ly mười pháp giới. Trong đại vũ trụ, nhà Phật nói khắp pháp giới hư không giới, nơi nào thù thắng nhất? Hết thảy chư Phật khác miệng cùng lời bảo: “Thế giới Cực Lạc của A Di Đà Phật”. Chẳng phải riêng một mình Thích Ca Mâu Ni Phật giới thiệu, quý vị thấy bản kinh Di Đà chúng ta thường đọc là bản dịch của ngài Cưu Ma La Thập, [trong ấy] sáu phương Phật khuyên dạy chúng ta. Trong kinh Vô Lượng Thọ và kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật, mười phương chư Phật khuyên chúng ta vãng sanh. Phật quyết định chẳng nói dối, Phật mong mỏi chúng ta, Ngài chỉ có một mong mỏi là mong ước chúng sanh mau chóng thành Phật. Đó là bổn nguyện của chư Phật Như Lai. Vì sao? Vì hết thảy chúng sanh và các Ngài là một Thể, chúng sanh thành Phật là công đức của các Ngài viên mãn. Chúng sanh còn chưa thành Phật thì công đức của các Ngài còn có phần khiếm khuyết, đạo lý là như vậy đó. Chúng ta cũng hết sức khó có, đã hiểu rõ ràng, minh bạch, bèn hạ quyết tâm nhất định phải thành tựu trong một đời này. Thoát ly biển khổ tam giới lục đạo, đó là thật sự thoát khỏi nghèo khổ, sanh về thế giới Cực Lạc bèn đắc đại phú quý.
Tiếp đó, lại nói: “Hựu như dục trị chư bệnh” (Lại như muốn chữa các bệnh), chúng ta mong chữa trị rất nhiều thứ bệnh khổ trong thế gian, người bệnh rất đáng thương, “đương bị chủng chủng chúng dược”, [nghĩa là] chúng ta nên chuẩn bị đầy đủ các món dược phẩm. Trong Trung Y, sử dụng dược vật đại khái hơn một vạn thứ. Trong hơn một vạn thứ, tám mươi phần trăm là thảo dược, tức thực vật. Động vật và khoáng vật cũng đều có, nhưng số lượng ít hơn, dược thảo chiếm tuyệt đại đa số, có thể trị hết thảy bệnh. Nói tới chỗ này, hiện thời rất nhiều người tin tưởng Tây Y. Thuở còn trẻ, chúng tôi cũng vậy, đau ốm toàn là chữa trị theo Tây Y trong bệnh viện. Tôi theo thầy Phương học Triết Học, thầy nói tới văn hóa truyền thống của Trung Quốc. Có một hôm nói đến y thuật, thầy bảo: “Trung Y có năm ngàn năm lịch sử”. Thật vậy, chẳng giả, từ lúc vua Thần Nông nếm trăm loại cỏ, đúng là năm ngàn năm, từ Hoàng Đế đến thời đại chúng ta là bốn ngàn năm trăm năm. Từ Thần Nông đến Hoàng Đế là năm trăm năm, đúng là năm ngàn năm lịch sử. Chúng tôi tin tưởng trước thời Hoàng Đế đã có Trung Y, con người biết dược thảo có thể chữa bệnh, chúng tôi có lý do để tin tưởng chuyện này. Trước thời Thần Nông là Phục Hy Thị, Phục Hy cách Thần Nông tối thiểu cũng hơn năm trăm năm, coi như là nguyên khởi của lịch sử Trung Quốc, ít nhất là từ năm ngàn năm trăm năm trở lên. Xa xưa hơn nữa là truyền thuyết, có lịch sử dài như thế, có trí huệ, phương pháp, kinh nghiệm và hiệu quả chữa trị. Thầy nói Tây Y chỉ có ba trăm năm, từ Đệ Nhị Thế Chiến phát minh nền Tây Y chữa trị bằng chất kháng sinh. Vì thế, thầy hỏi tôi: “Anh tin tưởng ba trăm năm, hay tin tưởng năm ngàn năm?” Đương nhiên chúng tôi tin tưởng năm ngàn năm, lịch sử quá phong phú. Hiện thời, quý vị đọc tin tức, thấy có báo cáo cho biết đã phát hiện loại virus mới, tên gọi của loại virus mới ấy tôi không nhớ, tất cả các chất kháng sinh đều vô hiệu đối với nó. Tổ chức Y Tế Thế Giới cảnh cáo, mong chúng ta phải đặc biệt cẩn thận đề phòng, vì sao? Chưa có thuốc để chữa trị. Nếu bị lây nhiễm, đại khái chỉ chừng ba, bốn giờ là chết, rất nhanh. Đối với loại virus như vậy, Trung Y có phương pháp trị liệu hay không? Nay chúng ta vẫn chưa nghe thấy, nhưng chúng tôi có lý do để tin tưởng là có thể! Vấn đề là hiện thời Trung Y dần dần thất truyền, người học quá ít. Hơn nữa, ở Trung Quốc vào thời xưa, Trung Y luôn là đời đời truyền thừa, thầy lang tối thiểu là ba đời, [hành nghề Y] từ ba đời trở lên. Họ bắt đầu học Y từ lúc nào? Ba, bốn tuổi liền bắt đầu học, người già chữa bệnh, họ ở bên cạnh xem, có thể nhận biết huyệt đạo. Trẻ ba tuổi đã có thể chỉ huyệt đạo rành mạch, họ hiểu biết; chẳng phải là học trong viện Y Học dăm bảy năm, chẳng phải vậy! Trung Y là của báu, có thể dưỡng sanh, có thể trị bệnh, chúng ta hãy nên coi trọng nó. Đó là quốc bảo của Trung Hoa, nội dung rộng lớn, tinh tường, sâu xa. Chữa bệnh thì phải chuẩn bị đầy đủ các món thuốc.
Chúng ta thấy Thái Thượng Lão Quân của Đạo Giáo đã nói tới một trăm thứ bệnh, và cũng nhắc tới một trăm món thuốc. Chúng ta hãy xem những căn bệnh ấy, chúng ta có vướng phải hay không? Trước hết, nói tới một trăm thứ bệnh.
Thứ nhất là “hỷ nộ vô thường là một bệnh”, chúng ta có phạm phải hay không? Hỷ nộ vô thường, nếu phạm phải thì phải có tánh cảnh giác, bệnh ấy là gì? Là nguyên do khiến chúng ta nhiễm bệnh. Phàm là người ngã bệnh thì là không bình thường, đúng mực, chẳng thể khống chế tâm tình. Bản thân chúng tôi đã chính mắt trông thấy một trường hợp: Trong quá khứ, Hàn Quán Trưởng hộ trì chúng tôi ba mươi năm, con gái bà ta hai mươi tám tuổi qua đời, để lại hai đứa con thơ. Nửa năm trước khi bà qua đời bèn hỷ nộ vô thường; trước kia, bà ta chẳng như vậy. Do vậy bèn nói đây là điềm báo bệnh tật nẩy sanh, tỏ lộ tâm tình đặc biệt nóng nảy, bộp chộp. Nếu chúng ta có tình hình ấy, cần phải đi khám sức khỏe. Người học Phật phải nên bình lặng, nên niệm Phật hiệu cho nhiều, lạy Phật cho nhiều hòng tiêu nghiệp chướng.
Thứ hai, “quên nghĩa hám lợi là một bệnh”, lợi là thứ con người hiện thời ắt phải tranh giành. Không chỉ chớ nên tranh, mà còn phải suy nghĩ ta có nên giữ lấy [món lợi đó] hay không? Nếu đáng nên được thì có thể lấy, chẳng đáng nên được thì đừng nên lấy! Vì sao? Nếu quý vị đọc Liễu Phàm Tứ Huấn sẽ biết. Trong Liễu Phàm Tứ Huấn có nói, trong cuộc đời của bất cứ một ai, “một miếng ăn, một hớp uống, không gì chẳng được định sẵn”. Nói cách khác, trong mạng quý vị có, chắc chắn quý vị sẽ đạt được, chỉ là thời gian có sớm hay muộn khác nhau. Trong mạng chẳng có, quý vị nghĩ trọn mọi phương cách, vẫn chẳng cầu được. Nếu cầu được, quý vị chẳng ngã bệnh thì cũng có tai nạn xảy đến. Nói cách khác, quý vị chẳng có cách nào hưởng thụ, do chẳng có số mạng ấy! Những chuyện này đều bày ra trước mặt chúng ta, nếu chư vị chú tâm quan sát sẽ hoảng nhiên đại ngộ. Lúc tôi mới xuất gia, tôi vừa xuất gia bèn bắt đầu giảng kinh. Ở Đài Bắc có một người cũng có thể coi như là bậc đại phú trưởng giả, nay ta gọi là “xí nghiệp gia”, cất một tòa biệt thự lộng lẫy tại núi Dương Minh, dựng một căn biệt thự, tôi từng ở nơi đó một ngày, [vì] người thân thích của ông ta dẫn tôi đi chơi, nên ở đó một ngày. Sau này, tôi nghe nói, vị xí nghiệp gia ấy qua đời, qua đời khi tuổi đã rất cao, nghe nói suốt đời ông ta cũng chỉ ở trong tòa biệt thự ấy một tối. Bình thường cũng chẳng có ai đến, họ dùng ba người đầy tớ trông nom tòa biệt thự, quét dọn sạch sẽ, ba người ấy hưởng phước ở đó, sống nhiều năm ở đó. Quý vị thấy: Suốt đời ông ta chỉ ở một hôm, quyền sở hữu tài sản thuộc về ông ta, nhưng quý vị thấy ông ta chẳng có cách nào hưởng phước! Ba người hầu có quyền sử dụng, họ hưởng phước, đó là do mạng vận đã định. Chuyện như vậy có thể thấy khắp mọi nơi trên cả thế giới.
Cổ nhân nói rất hay: “Cả đời đều là mạng, nửa điểm chẳng do người”. Cần gì [phải khổ sở như vậy]? Quý vị là một cá nhân, toàn là do tham dục, dục vọng [chi phối], xây một tòa biệt thự to như vậy, nhưng chẳng có thời gian để hưởng thụ, suốt đời chỉ ở có một ngày! Tôi tin tưởng còn có những người suốt cả một đời cũng chưa ở một ngày, sao mà khổ thế? Sao không dùng món tiền đó để làm một ít chuyện tốt, giúp đỡ những chúng sanh khổ nạn, họ chẳng nghĩ tới điều này. Công đức giúp chúng sanh khổ nạn có thể mang đi được, chứ tòa biệt thự ấy đâu thể mang theo! Đức Phật có trí huệ, thường xuyên cảnh tỉnh chúng ta, chuyện có thể mang theo được thì làm nhiều, chuyện chẳng mang theo được, chẳng cần làm! Do vậy, chúng ta hãy nghĩ, điều gì có thể mang theo, điều gì chẳng mang đi được. Trong thế giới hiện thời, chuyện tốt đẹp bậc nhất là gì? Chuyện tốt gì vậy? Dạy hết thảy chúng sanh làm người tốt, đấy mới là chuyện tốt lành to lớn nhất. Thích Ca Mâu Ni Phật thực hiện suốt đời, kể từ sau khi Ngài khai ngộ liền giảng kinh, dạy học, khuyên người khác không chỉ làm người tốt, mà còn là người tốt nhất trong những người tốt, làm Phật, làm Bồ Tát. Đức Phật là người tốt đạt đến rốt ráo viên mãn, chẳng có khiếm khuyết. Bồ Tát là hữu tình chúng sanh giác ngộ, tuy phiền não tập khí còn chưa đoạn sạch, nhưng giác chứ không mê, chánh chứ không tà, tịnh chứ chẳng nhiễm, Ngài làm được. Do vậy, chúng ta phải lấy Phật Thích Ca làm gương, đối với chuyện lấy - bỏ, nhất định phải chú tâm cẩn thận, [xét coi] có hợp với đạo nghĩa hay không? Nói thông thường, “nghĩa” là hợp tình, hợp lý, hợp pháp, điều ấy có thể giữ lấy. Nếu trái nghịch tình, lý, pháp, chớ nên giữ lấy. Bất cứ chuyện gì hễ có nhân ắt có quả, chúng ta hãy cẩn thận nơi nhân, quả báo liền thù thắng, tránh khỏi khổ quả!
“Háo sắc, hoại đức là một bệnh”, bệnh này hết sức phổ biến trong xã hội hiện thời. Con người không hiểu, Thái Thượng Lão Quân coi trọng nhân quả. Quý vị thấy trong ba căn bản của chúng ta, có Thái Thượng Lão Quân Cảm Ứng Thiên, câu đầu tiên đã nói rất hay: “Họa phước không có cửa, chỉ do con người tự chuốc lấy”. Không ai cai quản quý vị, mà do chính quý vị tự mình cảm lấy quả báo, thiện nhân, thiện quả, ác nhân, ác báo, nhân duyên quả báo chẳng sai sót mảy may, bất luận kẻ nào trong một đời đều chẳng thể tránh khỏi! Trong xã hội hiện thời, quan hệ nam nữ rất hỗn loạn, mỗi ngày có bao nhiêu kẻ phá thai? Phá thai là sát nhân. Luật nhân quả thường cảnh tỉnh chúng ta, đó là chuyện thật! Thiếu mạng phải đền mạng, thiếu nợ phải đền tiền. Đức Phật dạy cha con có bốn thứ duyên; chẳng có duyên, quý vị sẽ chẳng trở thành cha con, sẽ chẳng trở thành người một nhà. Trong bốn thứ duyên ấy, thứ nhất là báo ân. Đứa con này ngoan ngoãn, dễ dạy, hiếu tử hiền tôn là nó đến báo ân. Trong đời quá khứ, quý vị có ân đối với nó. Loại thứ hai là báo oán, kiếp trước có hiềm khích, có oán hận, kẻ ấy đến báo cừu, lớn lên sẽ khiến cho quý vị tan cửa, nát nhà. Loại thứ ba là đòi nợ, đòi xong bèn ra đi. Loại thứ tư là trả nợ. Chẳng có những duyên ấy, sẽ không trở thành người một nhà. Trong kinh, đức Phật đã dạy rõ chuyện này, người một nhà có quan hệ gì. Vì thế, gia đình phải có đạo, phải có quy củ. Nếu chẳng có đạo, chẳng có quy củ, gia đình ấy bèn rối loạn. Phá thai đáng sợ lắm! Tôi nghe một đồng tu kể, không phải là người ấy, mà là một người khác. Người ấy có một người bạn dường như đã phá thai hơn hai mươi lượt. Có người thông linh thấy theo sau cô ta là một bầy tiểu quỷ; vì thế, bản thân cô ta khổ chẳng thể nói nổi, thân thể hết sức tệ, bệnh tật rất nhiều. Bệnh tật là gì vậy? Bệnh tật là do oán thân trái chủ gây rối cô ta. Do vậy, người hiểu nhân quả quyết định chẳng dám làm chuyện này, vì sao? Tương lai phải đền mạng! Quý vị đời này giết một người, đời sau phải đền mạng cho kẻ ấy. Quý vị giết hại [hơn] hai mươi người, phải đền hơn hai mươi cái mạng! Chẳng phải là giỡn chơi đâu nhé! Vì thế, chuyện sát hại tánh mạng há có nên làm? Háo sắc, phá thai chính là sát nhân, tội ấy nặng lắm! Không chỉ là bại hoại đức hạnh, con người hiện thời chẳng nói đến đạo đức, nhưng hiểu theo lẽ nhân quả thì phải đền mạng, quý vị có dám làm hay không? Đó là bệnh. Chúng ta thấy chứng bệnh ấy, thân thể suy bại, đau khổ khôn kham, nhưng chính cô ta chẳng biết nguyên nhân, người mắt sáng thấy rõ ràng, rành rẽ.
“Chuyên tâm yêu thương mê mệt là một bệnh”, nay chúng ta gọi “chuyên tâm yêu thương mê mệt” là “sủng ái”. Quý vị sủng ái một ai thì người ta thường nói là “thiên vị”. Nếu trong một gia đình, quý vị yêu thương một ai đó quá lẽ, kẻ khác có phục hay không? Khiến cho người khác ganh tỵ, thậm chí khiến cho kẻ khác báo thù, phiền não liền xảy đến. Vì thế, chuyện này rất đáng sợ.
“Thù ghét, mong cho kẻ khác chết đi là một bệnh”. Oán hận kẻ ấy, không ưa, mong cho kẻ ấy chết ngay lập tức. Điều này thuộc loại oán hận, thuộc loại nguyền rủa, tự nhiên kết thù chuốc oán. Cổ thánh tiên hiền khuyên dạy chúng ta, người trong thế gian oan gia hãy nên cởi gỡ, đừng nên trói buộc. Oán thì phải nghĩ cách hóa giải, chớ nên kết oán. Vì sao? Sau khi oán đã kết, sẽ oan oan tương báo chẳng xong! Đời này là oan gia, đời sau có thể là oán cừu càng sâu, quý vị nói có phải là phiền phức lắm không? Đôi bên đều đau khổ. Do vậy, sau khi giác ngộ, hãy nên buông xuống, đôi bên chỉ cần một bên giác ngộ, mối oán cừu ấy liền hóa giải. Bên giác ngộ luôn nghĩ đủ mọi cách để hóa giải, hoặc là trên phương diện vật chất, hoặc trên phương diện tinh thần, bồi hoàn, bù đắp, chẳng còn kết oán nữa, điều này rất quan trọng. Chẳng hạn như kẻ khác hủy báng, lăng nhục, thậm chí hãm hại chúng ta, chúng ta gặp phải những chuyện ấy, trong tâm phải giác ngộ, vì sao họ chẳng đối xử với kẻ khác như vậy, mà làm như thế đối với ta? Người học Phật chúng ta hiểu rõ, nhất định là trong đời quá khứ, ta có lỗi với kẻ ấy. Nay kẻ ấy đối đãi ta như vậy, ta cam tâm tình nguyện nhận lãnh, chẳng có tâm báo thù, chẳng có tâm oán hận, vậy là tốt, tiêu trừ nghiệp chướng của chính mình. Chúng ta chẳng có oán hận, chẳng báo thù, đối phương dần dần cũng nhạt bớt. Chúng ta thấy đối phương có những ưu điểm bèn tán thán họ; đối phương có khuyết điểm, chúng ta chẳng phê bình, một mực dùng thiện ý để đáp trả, thời gian lâu sau, mối oán kết ấy bị hóa giải. Quyết định đừng nên báo thù, quyết định chớ nên oán hận, phiền phức rất lớn, chẳng thể giải quyết vấn đề, mà còn tạo ra tranh chấp, gieo gốc họa đời đời kiếp kiếp, sai lầm quá đỗi! Chính mình bồi dưỡng những đức hạnh ấy bằng cách nào? Đọc sánh thánh hiền, đọc sách Phật, quý vị đọc nhiều sẽ có trí huệ, biết nên xử sự ra sao. Bồ Tát có trí huệ và đức hạnh như vậy thì mới có thể trong một đời hoàn toàn xóa tan, hóa giải [nỗi bất bình của] oán thân trái chủ từ trong vô lượng kiếp. Bồ Tát sanh tâm đại từ bi, giống như chư Phật Như Lai bỏ mình vì người, thành tựu hết thảy chúng sanh, nêu gương tốt cho hết thảy chúng sanh, giúp đỡ người khác phá mê khai ngộ, lìa khổ được vui, đó là trí huệ hạnh.
“Tham dục phóng túng, ẩn giấu lỗi lầm là một bệnh”, tham dục đã là lầm lỗi, lại còn phóng túng thì còn gì để nói nữa? Tham lam không bờ bến, càng bị hãm sâu hơn. Có lỗi phải sám hối, phải sửa đổi, không thể che giấu. “Tế” (蔽) là che giấu. Che giấu lỗi lầm chẳng cho người khác biết, đó là bệnh. Quý vị càng tích lũy càng sâu hơn, đầu tiên là lỗi nhỏ, dần dần biến thành lỗi to, sai mất rồi! Ta có lầm lỗi, kẻ khác phê bình, đó là chuyện tốt, vì sao? Báo đền xong! Nay đã báo đền xong xuôi, chúng ta phải sanh tâm cảm tạ kẻ phê bình, đó là đúng. Nếu oán hận, sẽ có phiền phức to lớn, đến đời sau giải quyết chưa xong. Chỗ tốt đẹp lớn nhất trong học Phật là tánh cảnh giác cao, có tầm nhìn xa, chẳng phải chỉ nhìn một đời này, mà càng phải thấy đời sau và những đời sau đó nữa, biết nhân quả, biết họa phước vì sao mà có!
“Chê người, khen mình là một bệnh”, chuyện này cũng thường nẩy sanh. Quan trọng nhất là bản thân chúng ta có phạm hay không? Có hủy báng kẻ khác hay không? Có tán thán chính mình hay không? Chính mình có một chút tốt lành, cứ sợ kẻ khác chẳng biết đến. Trong Phật pháp, điều này được gọi là “tự tán, hủy tha” (khen mình, chê người), ý nghĩa hoàn toàn tương đồng. Trong Bồ Tát Giới, “tự tán hủy tha” là một trọng giới, đức Phật nghiêm khắc ngăn cấm, chẳng chấp thuận. Đối với người khác phải tán thán, Phổ Hiền Bồ Tát dạy chúng ta “lễ kính chư Phật, tán thán Như Lai”. Người khác có ưu điểm, chúng ta phải tán thán. Người khác có khuyết điểm, có chỗ bất thiện, quyết định đừng nên phê bình. Hễ có trách nhiệm khuyên răn bạn thân thì phải làm khi nào? Khi chẳng có kẻ thứ ba trông thấy hoặc nghe thấy, bèn khuyên nhủ, chỉ dạy, khuyên lơn kẻ ấy sửa đổi, ăn năn hối lỗi. Lại còn khuyên dạy tối đa là hai lượt, chớ nên ba lượt; khuyên hai lần không nghe thì đừng nói nữa. Nói nữa sẽ biến thành oán cừu, điều này rất quan trọng. Hễ [kẻ ấy] hoan hỷ nghe người khác khuyến cáo, sau khi nghe, có thể thật sự sửa đổi, quý vị hãy nên khéo chiếu cố người ấy, phải thường xuyên khuyên răn kẻ ấy, ngõ hầu kẻ ấy có thể trở thành thánh, thành hiền. Kẻ bị người khác phê bình, trong tâm bực bội thì chớ nên nói nữa, chẳng cần kết oán cừu với kẻ ấy, đó là đạo nghĩa bạn bè. Giữa các bạn học [là như thế], mà giữa thầy trò cũng là như thế. Thuở trước, tôi theo thầy Lý học Giáo, các bạn học của chúng tôi trong lớp kinh giáo đều là học tập kinh giáo, hơn hai mươi người học giảng kinh. Có mấy bạn học dường như từ trước đến nay thầy chưa hề tươi cười với họ, có đánh, có chửi. Học trò giỏi có thể tiếp nhận đánh chửi mà vẫn cảm tạ thầy, cảm ơn thầy, thầy thật sự dạy bảo. Còn có hai ba vị đồng học, thầy đối xử với họ rất tốt, chẳng bao giờ nói này nói nọ, do nguyên nhân gì? Lần đầu tiên thầy phê bình họ, vẻ mặt họ rất khó coi, rất bực bội, từ đó về sau, thầy chẳng phê bình họ nữa, xem họ như học trò dự thính, hoan nghênh quý vị đến nghe, tuyệt đối chẳng phê bình quý vị. Thuở ấy, chúng tôi tuổi trẻ, trong tâm nghi hoặc thầy đối đãi đồng học chúng tôi chẳng công bằng, một thời gian lâu sau, thầy cũng nhìn ra. Có một hôm, thầy gọi tôi vào phòng, nói rõ vì sao có những người thầy giáo huấn nghiêm ngặt, khắt khe: “Những người ấy có thể tiếp nhận, nếu tôi không dạy họ như vậy, tức là có lỗi với họ. Vì sao có mấy đồng học chẳng thể nói, chưa bao giờ nói động tới họ? Họ chẳng thể tiếp nhận, cần gì phải kết oán cừu?” Tôi mới hiểu rõ. Trong khi giáo học, thầy cũng dạy tôi cách làm người như thế nào. Vì lẽ đó, trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta xử sự, đãi người, tiếp vật đều phải có chừng mực.
Điều tiếp theo, “tự tiện thay đổi là một bệnh”, vấn đề này cũng hết sức nghiêm trọng! Cổ thánh tiên hiền đã lập ra quy củ, chính chúng ta sửa đổi, có phải gánh trách nhiệm nhân quả hay không? Khẳng định phải chịu. Cổ thánh tiên hiền đã lập ra những phép tắc ấy, thường được các tôn giáo hiện thời gọi là “chân lý”, không thể thay đổi! Tám câu đầu trong Tam Tự Kinh chính là nguyên lý và nguyên tắc giáo học của tổ tiên và cổ thánh tiên hiền đối với người sau trong suốt mấy ngàn năm qua, có thể sửa đổi hay không? Hễ sửa đổi, toàn bộ các vấn đề sẽ xuất hiện. Tự tiện thay đổi là một căn bệnh nặng của người hiện thời. Nguyên tắc chỉ đạo giáo học cao nhất của cổ nhân là “quý dĩ chuyên” (chú trọng chuyên nhất), người hiện tại chẳng làm theo nguyên tắc ấy, học quá nhiều, học quá tạp. Đặc biệt là những vị làm phụ mẫu tuổi trẻ, chẳng có kinh nghiệm dạy dỗ trẻ thơ, tâm mong con trở thành kẻ tài năng quá mạnh, hy vọng con mình có thể vượt trỗi kẻ khác, thứ gì cũng biết, thứ gì cũng học, đứa bé ấy rất đáng thương, chẳng thể chịu đựng nổi, học hành rất đau khổ. Hiện thời, chúng ta thường nghe nói học trò Tiểu Học tự sát, trong quá khứ, chưa hề có chuyện này. Vì sao chúng tự sát? Chúng quá đáng thương, quá khổ! Đó là gì? Lỗi lầm của cha mẹ, không biết dạy con! Thời cổ, trẻ nhỏ đi học chỉ học một môn, “quý dĩ chuyên” mà! Mấy ngàn năm qua đều là như vậy. Học một môn này chưa xong, chẳng thể học môn thứ hai. Nay thì có thể học đồng thời bảy, tám môn, thế thì sao? Chẳng được rồi! Cổ nhân Trung Quốc học gì cũng là học một môn, học chu đáo một môn xong rồi mới có thể học môn thứ hai.
Chúng tôi theo học kinh giáo trong lớp dạy kinh giáo của thầy Lý, thầy quy định cũng là một môn, bảo rõ ràng cùng quý vị: “Các vị chắc chắn không thể học cùng lúc hai môn!” Nếu nói rất khó nghe thì ý thầy là: “Quý vị chắc chắn chẳng có sức học hai môn”. Thầy nói hết sức khẳng định. Một môn học tốt đẹp rồi, tốt đẹp đến mức độ nào? Phải được thầy công nhận, thầy nói “có thể” thì mới được phép học môn thứ hai; nhưng tiêu chuẩn của thầy cũng trọn chẳng nghiêm ngặt lắm, mà cũng rất khoan dung. Tiêu chuẩn của thầy là thí dụ như học một bộ kinh, quý vị có thể lên bục giảng, thầy ngồi dưới nghe, gật đầu, được lắm, coi như thông qua bộ kinh ấy. Nhưng lúc tôi theo thầy, tôi đặt tiêu chuẩn cho chính mình nghiêm khắc hơn một chút. Tôi cảm thấy giảng một lần không đủ, tối thiểu phải giảng mười lần, tôi mới học bộ kinh thứ hai. Mười lần thì đến giảng ở đâu? Đến nhà đồng học hoặc đồng tu. Thứ Hai đến nhà Trương cư sĩ, thứ Ba đến nhà Vương cư sĩ, thứ Tư đến nhà Lý cư sĩ. Đều là giảng một thứ, tức là với mỗi bài học, mỗi tuần tôi tìm tối thiểu ba nhà hay bốn nhà [để tập giảng], cách giảng của tôi là như vậy. Thính chúng một, hai, ba người đều được, học giảng mà! Số lượt luyện giảng càng nhiều, càng thuần thục, quen tay hay việc! Không quen thì làm sao được? Do vậy tôi nói “một lần không được”, tôi đặt tiêu chuẩn cho chính mình, tôi nói “mười lượt”. Kinh Vô Lượng Thọ tôi đã giảng mười lần, lần này đặc biệt chọn giảng chú giải của lão cư sĩ Hoàng Niệm Tổ, chúng ta cùng nhau học tập, cùng nhau chia sẻ.
Do vậy, quý vị tuân thủ quy củ của cổ thánh tiên hiền định, nhất định có lợi. Nếu quý vị sửa đổi, chắc chắn sẽ nẩy sanh phiền phức. Quý vị thấy tại Trung Quốc mấy ngàn năm qua, chẳng có ai dám sửa đổi. Tổ tiên định ra điều gì? Ngũ Luân, Ngũ Thường, Tứ Duy, Bát Đức, chẳng nhiều lắm. Giáo dục thời cổ nhằm dạy gì? Dạy bốn thứ ấy. Bốn thứ ấy nhằm dạy tiêu chuẩn giáo dục làm người. Đều có thể làm được thì quý vị mới giống như con người. Ngũ Luân là nói về quan hệ giữa con người với nhau, điều này rất trọng yếu, chớ nên không biết! Cha con có tình thân, vua tôi có nghĩa, vợ chồng sai khác ([có nghĩa là] nhiệm vụ khác nhau), lớn nhỏ có tôn ty trật tự, bạn bè giữ chữ tín. Cốt lõi của nền giáo dục Trung Quốc là cha con có tình thân, tức là thân ái. Vì thế, giáo dục Trung Quốc nhằm giáo dục tình thân ái. Những thứ sau đó như Ngũ Thường, Tứ Duy, Bát Đức đều là tình thân ái mở rộng, từ lòng thân ái khuếch trương, cốt lõi là tình thân ái. Ngũ Thường là nhân, nghĩa, lễ, trí, tín. Nhân là yêu thương con người. Nghĩa là tuân theo lý, tức hợp tình, hợp lý, hợp pháp. Lễ là chừng mực, xử sự, đãi người, tiếp vật đều phải có chừng mực, chớ nên quá lố, mà cũng chớ nên quá bãi buôi, nhất định phải là chừng mực. Cư xử giữa con người với nhau chớ nên vô lễ. Trí là lý trí, không thể xử sự theo cảm tình! Trong cuộc sống, công việc, xử sự, đãi người, tiếp vật phải dùng lý trí, đừng dùng cảm tình. Phải nói đến tín nhiệm. Con người thiếu chữ tín, sẽ chẳng thể tồn tại trong xã hội. Chữ Tín hết sức quan trọng. Tứ Duy là lễ, nghĩa, liêm, sỉ. Bát Đức là hiếu, đễ, trung, tín, nhân, ái, hòa, bình. Cương lãnh là như vậy, do tổ tiên đặt ra, chẳng thể thay đổi. Hễ biến đổi, toàn thể trật tự xã hội rối loạn, nhà chẳng ra nhà, nước chẳng ra nước. Quy củ của tổ tiên được thi hành tại Trung Quốc suốt mấy ngàn năm. Thái Thượng Lão Quân nói tới một trăm chứng bệnh, chúng tôi chỉ nêu mấy điều này là đủ rồi!
Lại xem Ngài nói về thuốc chữa, đối với điều đầu tiên, Ngài nói: “Thể nhược, tánh nhu là một loại thuốc”, chẳng phải là Thái Thượng Lão Quân bảo thân thể chúng ta phải suy nhược, chẳng phải là ý nghĩa đó! “Nhược” là đối diện với cái gì mạnh mẽ, nếu chúng ta biểu hiện rất kiên cường sẽ không tốt, đấy cũng là như hiện thời chúng ta nói “hòa hài”, tánh tình phải mềm mỏng. Nói thật ra, trong Phật pháp, quý vị đọc phần Tứ Đức được giảng trong Hoàn Nguyên Quán, điều thứ ba là “nhu hòa, chất trực”. “Thể nhược” nghĩa là chất trực, đãi người, tiếp vật phải mềm mỏng. Chất trực là chân thành, phải có thành ý đối với người khác. Chớ nên dùng thái độ cường bạo để đối xử với người khác, phải dùng thái độ mềm mỏng khiến cho người khác hoan hỷ. Nói theo cách bây giờ, trong tư thế xử sự, đãi người, tiếp vật, chúng ta phải biết hạ mình một chút, “nhược” có ý nghĩa như vậy. Chớ nên dùng ngôn ngữ cứng cỏi, đụng chạm, ra lệnh, khiến người ta nghe rất ngứa tai! Dẫu là thuộc hạ của chính mình, nếu quý vị có thể khiêm hư, người khác sẽ thực hiện công việc tốt đẹp hơn. Kỵ nhất là lớn tiếng la lối, chẳng tốt! Người khác ngoài mặt phục tùng quý vị, trong tâm không phục. Nếu quý vị có thể khiến cho trong tâm người ta cảm phục quý vị, đó gọi là “tâm phục, khẩu phục”, sẽ thành công!
“Hành vi phải khoan dung, tâm hòa hoãn là một loại thuốc”. Nói thật ra, loại thuốc này đối với chúng ta sẽ hữu ích trong việc tu thân. Tu thân, dưỡng tánh, thân tâm khỏe mạnh, gia đình hòa thuận, sự nghiệp thuận lợi. Loại thuốc này đều có thể giúp quý vị, xã hội hòa hài, thế giới hòa bình, nó rất tốt. “Hành” phải khoan, tức là khoan hậu, “hành” là hành vi, phải khoan hồng, độ lượng, tâm phải hòa hài, đó gọi là “hòa bình”. Bình đẳng thì mới hòa, bình là nhân, hòa là quả. Đối đãi với kẻ khác chẳng bình đẳng, chắc chắn chẳng thể đạt được hòa.
“Động tĩnh hữu lễ là một loại thuốc”. Lễ hết sức trọng yếu. Có lễ, người khác tôn kính, kính mến quý vị, thật sự đạt được lợi ích, người được lợi là chính mình.
“Sống theo nề nếp là một loại thuốc”: Cuộc sống có quy luật là một loại thuốc, đó là đường lối để sống lâu, khỏe mạnh.
“Gần đức, xa rời sắc là một loại thuốc”, thân cận người có đức hạnh, tránh xa sắc. Nam đối với nữ phải xa cách một chút, nữ đối với nam cũng phải xa cách một chút, đó là Thuốc.
“Trừ khử dục tâm là một loại thuốc”. Dục là dục vọng. Mọi người đều có dục vọng. Nếu chẳng có dục vọng, quý vị chẳng sanh trong nhân gian. Trong Phật pháp, gọi cõi nhân gian là Dục Giới; do vậy, kẻ chẳng có dục sẽ chẳng đến Dục Giới, họ tới Sắc Giới và Vô Sắc Giới. Đối với dục thì nên như thế nào? Càng nhạt bớt càng tốt. Dục vọng trọng yếu của con người là cuộc sống. Thích Ca Mâu Ni Phật đã vì chúng ta mà biểu diễn, ngày ăn một bữa, tối nghỉ dưới cội cây, đúng là giảm dục vọng đến mức độ thấp nhất, vâng giữ bất động, suốt đời chẳng thay đổi. Giảng kinh, giáo học bốn mươi chín năm, bảy mươi chín tuổi viên tịch trong rừng, chẳng phải là trong nhà, quây quần, bầu bạn với thiên nhiên.
“Lúc phân chia bèn nhường nhịn hòng tăng trưởng đạo nghĩa là một loại thuốc”, hay lắm! Đặc biệt là đối với tài vật, khi phân chia tài vật, hãy nên lùi bước, nhượng bộ, chẳng cần phải tranh giành. Hiện thời, chúng ta thấy rất nhiều người già cả qua đời, con cái đông đảo, anh em, chị em chia chác gia tài thường lôi nhau ra tòa, đó là bất nghĩa, lẽ nào chẳng có lỗi đối với người già? Người già nếu trông thấy tình cảnh ấy, lẽ đâu chẳng đau lòng? Cổ nhân từ nhỏ đã hưởng sự giáo dục tốt đẹp, giáo dục luân lý, giáo dục đạo đức, giáo dục nhân quả, khi chia gia tài ai nấy đều khiêm nhượng, đều mong người khác được nhiều hơn một chút, chính mình được ít hơn một chút. Tuy ở riêng, vẫn là thân tình, vĩnh viễn đoàn kết với nhau, tốt đẹp thay! Do vậy, cổ nhân khi phân chia tài sản chẳng tham tài, cốt sao cho anh chị em ruột thịt của mình đều được chăm sóc tốt đẹp. Ai có năng lực mạnh mẽ thì tài sản chia phần ít một chút, họ có năng lực làm việc mà! Kẻ năng lực kém cỏi thì mong chia cho họ nhiều hơn một chút. Họ có đạo nghĩa, có tâm yêu thương, chiếu cố lẫn nhau, đó là đúng.
“Chẳng lấy thứ gì phi phận là một loại thuốc”, “phi phận” là gì? Thứ gì chẳng nên lấy thì quyết định chớ nên lấy. Tiền tài phi phận cũng gọi là “tiền tài bất nghĩa”. Nếu quý vị tham lam những thứ ấy thì sẽ gặp tai nạn, trước mắt chẳng thấy tai nạn, nhưng đã gieo gốc họa. Nói theo luật nhân quả, hiện thời do quý vị có phước, nên tuy đã gieo những nhân ác ấy, nhưng chẳng có quả báo trong hiện tiền. Đợi đến khi quý vị hưởng hết phước, tai nạn liền hiện tiền. Nói thật ra, ai nấy đều có oán thân trái chủ, oán thân trái chủ do đâu mà có? Kết từ trong đời quá khứ, nay chúng ta chẳng nhớ, họ chẳng bỏ đi, cứ theo sau ta. Đối với những tạo tác trong một đời, Phật pháp đã cảnh cáo rất nhiều, rất nghiêm trọng! Quý vị ăn người khác tám lượng, trong tương lai phải đền trả nửa cân. Chúng ta ăn thịt, chẳng thể không gánh trách nhiệm nhân quả, nhất là chính mình giết chóc. Động vật bị giết cũng là một cái mạng, nó có cam tâm tình nguyện cúng dường thịt nó cho quý vị hay chăng? Chẳng có chuyện cam tâm tình nguyện! Nếu chẳng cam tâm, chẳng tình nguyện, nó có thể nào chẳng có tâm báo thù ư? Chúng tôi đã từng thấy, thuở bé, tôi sống ở nông thôn. Nhà nông nuôi dưỡng gia súc, nuôi gà, nuôi lợn là con vật thông thường nhất. Quý vị thấy tết đến giết gà, gà có tình nguyện hay không? Nó chạy lung tung, chạy trối chết! Khi giết lợn, quý vị nói xem có phải là tiếng lợn rú rất thảm thiết, rất đáng thương! Đó là gì? Chẳng hiểu nhân quả báo ứng, làm những chuyện xuẩn ngốc. Đức Phật biết chúng sanh chẳng bỏ ăn thịt được; vì thế, khuyên kẻ khác hãy ăn ba thứ tịnh nhục, đó là chuyện bất đắc dĩ! Tam tịnh nhục nghĩa là gì? Chẳng thấy giết, tức là khi con lợn ấy bị giết, ta chẳng trông thấy, cũng chẳng nghe tiếng nó kêu, thứ ba là chẳng phải vì ta mà giết. Đó là tam tịnh nhục. Chúng ta ra chợ mua về, đều thuộc loại tam tịnh nhục, trọn chẳng [do chính ta, hay ta sai người khác] giết mổ. Thời cổ, người đọc sách ở Trung Quốc thường nói: “Văn kỳ thanh, bất nhẫn thực kỳ nhục”, tức là khi nghe nó bị giết, nghe âm thanh kêu gào thê thảm của nó, nỡ lòng nào làm thịt nó? Vì thế, “chẳng lấy thứ gì quá phận là một món thuốc”. Đó là điều nên làm, đối với tài vật trái phận đều chớ nên tùy tiện chiếm hữu, cho đến khống chế, đều chớ nên!
Câu tiếp theo là “tuy ghét nhưng vẫn thương yêu là một loại thuốc”. Tuy ghét kẻ ấy, chán ngán họ, nhưng vẫn yêu thương kẻ ấy, đó là tâm từ bi, tâm thương xót. Một người chẳng được người khác ưa thích thì trong ấy có nhiều nhân tố, quan trọng nhất là nghiệp báo. Nghiệp báo đã tạo rồi thì người hiểu rõ, người có tu dưỡng phải biết tha thứ. Phàm những kẻ trong xã hội chẳng được người khác giúp đỡ là vì không khiến cho người khác ưa thích. Do vậy, người thật sự nhân từ, trông thấy không đành lòng, vẫn thương xót họ, giúp đỡ họ, chăm sóc họ, đó là đức hạnh. Người bình phàm chúng ta thường nói là tích đức rất trọng yếu, phải biết học tập. Thiên sách ấy (Thái Thượng Lão Quân Thuyết Bách Bệnh) có thể nói là bổ sung cho Cảm Ứng Thiên, khiến cho Cảm Ứng Thiên càng viên mãn, chúng ta tu học sẽ được lợi ích chân thật. Trong thiên văn tự ấy, đối với câu “dục trị chư bệnh, đương bị chủng chủng chủng dược” (muốn trị các bệnh, hãy nên chuẩn bị đầy đủ các món thuốc) [trong sách Hội Sớ đã được cụ Hoàng Niệm Tổ trích dẫn ở đây], chúng tôi đọc thiên văn chương này của Thái Thượng Lão Quân bèn cảm xúc sâu đậm. Đối với những lời dạy của Lão Quân, chúng ta có thể dùng bài văn ấy để phản tỉnh, chúng ta có bệnh hay không? Lại xem tới một trăm thứ bệnh do Ngài đã nói, chúng ta có hay không? Lại xem một trăm loại thuốc, chúng ta có những thuốc ấy hay không? Một trăm loại ấy đều giúp cho thân tâm chúng ta khỏe mạnh, giúp chúng ta gia đình hạnh phúc, công việc mỹ mãn, lợi ích quá nhiều, hãy nên học tập! Hôm nay đã hết thời gian rồi, chúng ta học tới chỗ này.