/ 600
463

Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa

Tập 123

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Thời gian: Ngày 5 tháng 04 năm 2010

Địa điểm: Hương Cảng Phật Đà Giáo Dục Hiệp Hội

Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa

Giảo chánh: Huệ Trang và Đức Phong

 

  Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, xin mời ngồi xuống. Xin xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang một trăm bốn mươi ba, dòng thứ sáu từ dưới đếm lên.

   “Hoa Nghiêm kinh hựu vân” (kinh Hoa Nghiêm lại nói), xem từ chỗ này, “nhất thiết tự tại nan tư nghị, Hoa Nghiêm tam-muội thế lực cố” (Hết thảy tự tại khó nghĩ bàn là do thế lực của Hoa Nghiêm tam-muội). “Hựu Hợp Tán viết: - Pháp giới duy tâm, danh Phật Hoa Nghiêm. Dĩ nhân hạnh hoa, nghiêm quả đức tướng, linh hiển trước cố. Nhập thử tam-muội, hiện kiến thập phương Phật cập Phật độ” (Sách Hợp Tán lại nói: “Pháp giới duy tâm gọi là Phật Hoa Nghiêm. Dùng hoa nhân hạnh trang nghiêm khiến cho tướng trạng của quả đức được hiển hiện. Nhập tam-muội này sẽ thấy mười phương Phật và các cõi Phật trong hiện tại”). Vẫn là dùng kinh luận để giải thích Hoa Nghiêm tam-muội. Lão cư sĩ Hoàng Niệm Tổ chú giải bộ đại kinh này, trích dẫn một trăm chín mươi ba bộ kinh luận, nên chúng ta đọc bản chú giải của cụ, cũng giống như xem hơn một trăm bộ kinh luận. Những văn tự có liên quan đến kinh Vô Lượng Thọ ở đây đều là tinh yếu, cốt lõi, ở chỗ này chúng ta có thể thấy được! Ở đây, cụ trích dẫn kinh Hoa Nghiêm để nói, hai câu sau đây là kinh văn: “Nhất thiết tự tại nan tư nghị, Hoa Nghiêm tam-muội thế lực cố”. Trong phần trước, chúng ta đã học Hoa Nghiêm tam-muội dùng Nhất Chân pháp giới làm duyên khởi vô tận, đó là lý luận và chỗ quy thú của nó. Thông đạt, hiểu rõ, nương theo đó để thực hiện, nương theo lý luận, phương hướng, và mục tiêu ấy để xử sự, chúng ta thường nói là “tu hành”. Đó là tam-muội, [tam-muội ấy] được gọi là Hoa Nghiêm tam-muội. Do đó, đắc Hoa Nghiêm tam-muội thì hết thảy tự tại, vì sao? Thể của Hoa Nghiêm tam-muội là Nhất Chân pháp giới, là vô tận duyên khởi, nói theo cách hiện thời là toàn thể vũ trụ. Bất luận tánh, tướng, lý, sự, nhân, quả, không gì chẳng thông đạt, chẳng có gì không hiểu rõ, nên người ấy mới đắc tự tại. Vì vậy, chúng ta có thể biết: Chẳng tự tại là vì đâu? Do mê mất tự tánh.

  Lục đạo phàm phu chúng ta, cho đến các vị tiểu thánh trong tứ thánh pháp giới, đều chưa khai ngộ. Hoa Nghiêm tam-muội là cảnh giới đại triệt đại ngộ, minh tâm kiến tánh. Chưa khai ngộ là phàm phu, ở trong lục đạo; trong pháp Đại Thừa, những người ấy được gọi là “nội phàm”, do còn ở trong lục đạo. Tứ thánh pháp giới được gọi là “ngoại phàm”, ở ngoài lục đạo. Vì sao gọi họ là phàm phu? Chưa kiến tánh, vẫn dùng vọng tâm y như cũ. Vọng tâm là A Lại Da, vọng tưởng, phân biệt, chấp trước. Bất quá, họ sử dụng [vọng tâm] thù thắng hơn chúng ta. Chúng ta mê mà bất giác, lại không tin lời Phật, Bồ Tát, hoàn toàn cậy vào phiền não tập khí của chính mình để xử sự; trên thực tế, xử sự kiểu đó bèn tạo nên oan nghiệt. Tứ thánh pháp giới tuy dùng vọng tâm, nhưng họ tin Phật. Tôi dùng chữ này, các đồng học phải lưu ý, tức là chúng ta không tin Phật, họ tin Phật. Vì sao? Họ nghe theo giáo huấn của đức Phật, thật sự hành. Còn chúng ta hằng ngày nghe Phật dạy, nghe cũng đã nhàm tai, chẳng thật sự hành. Dẫu có hành thì cũng bớt xén rất lớn! Ví dụ như điều cơ bản nhất là Thập Thiện Nghiệp Đạo, đây là giáo huấn cơ sở của đức Phật, học Phật là học từ chỗ nào? Học bắt đầu từ chỗ này, chúng ta có làm được hay không? Đức Phật dạy chúng ta đừng sát sanh, chúng ta có làm được hay không? [Quý vị khoe] “ta không sát sanh”, nhưng muỗi đến chích quý vị, chẳng phải là quý vị đập nó chết tươi ư? Nếu quý vị đánh chết nó thì chẳng phải là đã sát sanh rồi hay sao? Lại hỏi chúng ta có ăn thịt hay không? Ăn thịt cũng là sát sanh. Chúng ta có ý niệm tổn hại kẻ khác hay không? Có ý niệm tổn hại người khác chính là ý niệm sát sanh, tức là quý vị chẳng đoạn dứt sát tâm, còn có ý niệm làm tổn hoại người khác. Đối với trộm cắp, chúng ta không trộm cắp, nhưng có ý niệm chiếm tiện nghi hay không? Quốc dân đóng thuế cho quốc gia là nghĩa vụ, là chuyện đáng nên làm, chúng ta có hy vọng phải nộp thuế ít hơn một chút, tìm văn bản pháp luật xem có chỗ nào để có thể trốn thuế hay không để chúng ta đóng thuế ít hơn một chút, tâm niệm ấy là tâm trộm cắp. Tuy chẳng trộm cắp, nhưng quý vị có tâm trộm cắp, có ý niệm trộm cắp. Vì thế, mỗi điều đều rất vi tế, chúng ta dường như không làm, nhưng suy nghĩ kỹ, tất cả đều phạm, đó là gì? Đó là lục đạo phàm phu.

/ 600