/ 600
543

Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa

Tập 122

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Thời gian: Ngày 5 tháng 04 năm 2010

Địa điểm: Hương Cảng Phật Đà Giáo Dục Hiệp Hội

Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa

Giảo chánh: Huệ Trang và Đức Phong

 

Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, xin mời ngồi xuống. Xin xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang một trăm bốn mươi hai, dòng thứ ba.

  “Hựu Đà-la-ni, Phạn ngữ, thử phiên vi Trì, Tổng Trì, Năng Trì, Năng Giá” (Lại nữa, Đà-la-ni (Dhāraṇī) là tiếng Phạn dịch là Trì, Tổng Trì, Năng Trì, Năng Giá), có nhiều ý nghĩa như vậy. Từ chỗ này trở đi là giải thích câu kinh văn thứ hai, tức câu “cập đắc nhất thiết đà-la-ni môn” (và đắc hết thảy các môn đà-la-ni), giải thích câu kinh văn này. Câu trước là “đắc vô sanh vô diệt chư Tam Ma Địa”, chúng ta đã học xong. Tam Ma Địa hết sức trọng yếu, chúng ta thường gọi nó là Tam-muội, cũng gọi là Định. Khiến cho tâm trụ một chỗ thì gọi là Tam-muội. Không chỉ đắc Tam Ma Địa, mà các Ngài đồng thời còn đắc đà-la-ni. Những danh từ này đều là tiếng Phạn, “đắc nhất thiết đà-la-ni môn”. Trì là bảo trì (gìn giữ). Đối với chữ Tổng Trì, thông thường để giải thích chữ đà-la-ni, quá nửa chúng ta dùng cách nói theo ý nghĩa Tổng Trì này. Tổng Trì (總持) có nghĩa là gì? Bao gồm hết thảy pháp, nắm giữ hết thảy nghĩa. Ý nghĩa này hết sức hay, mà cũng là nói: Đã nắm vững tổng cương lãnh, tổng nguyên tắc của hết thảy các pháp thì gọi là “đắc đà-la-ni”. Chữ Đà-la-ni trong tiếng Phạn có ý nghĩa là “năng trì” (có thể gìn giữ). “Năng giá” (có thể ngăn che), tức là ngưng dứt, nay chúng ta nói là “khống chế”, có ý nghĩa ấy.

  Tiếp đó, [sách Chú Giải] dẫn kinh luận, đó là những lời giải thích của Phật và các vị tổ sư đại đức. “Trí Độ Luận viết: Đà-la-ni giả, Tần ngôn Năng Trì, hoặc Năng Giá” (Trí Độ Luận giảng: “Đà-la-ni, tiếng Hán là Năng Trì hoặc Năng Giá”). Trí Độ Luận được dịch vào thời Diêu Tần, nên nói là “Tần ngôn”, “Tần ngôn” nghĩa là tiếng Hán. Dịch sang nghĩa tiếng Hán, [Đà-la-ni] là Năng Trì, hoặc Năng Giá. Năng Trì là gì? Tiếp đó có giải thích: “Năng trì giả, tập chủng chủng thiện pháp, năng trì linh bất tán, bất thất. Thí như hoàn khí thịnh thủy, thủy bất lậu tán” (Năng Trì là nhóm họp các pháp lành, có thể giữ cho chúng chẳng tản mát, chẳng mất mát. Ví như đồ đựng hoàn thiện có thể chứa nước, nước chẳng bị rỉ mất). Tiếp đó là tỷ dụ, “khí” (器) là dụng cụ, giống như chén trà [chẳng hạn]. Chén trà hoàn hảo, chẳng bị hư vỡ, có thể đựng nước, nước chẳng bị chảy mất. Đà-la-ni cũng có ý nghĩa ấy, nó có thể gom góp, nắm giữ các thứ thiện pháp. Những thiện pháp ấy sau khi đạt được sẽ chẳng bị mất đi. Những thứ nào? Trong Phật pháp, chẳng hạn như Thập Thiện Nghiệp Đạo. Sau khi đạt được Thập Thiện Nghiệp Đạo, sẽ chẳng mất đi, quý vị có thể trong một thời gian dài thậm chí đời đời kiếp kiếp đều có thể gìn giữ. Vì vậy, Đà-la-ni có ý nghĩa Trì.

  Tiếp đó, nói: “Năng Giá giả”, Giá (遮) là gì? Giá là đối với pháp bất thiện. “Ác bất thiện căn tâm sanh, năng giá linh bất sanh” (đối với những tâm ác, bất thiện căn sanh khởi, có thể ngăn che, khiến cho chúng chẳng sanh). Vì quý vị có thiện pháp, pháp bất thiện sẽ chẳng thể sanh. Thí dụ như trong Thập Thiện, quý vị biết chẳng sát sanh là tốt đẹp, [vì] chẳng kết oán cừu với hết thảy chúng sanh. Không ăn trộm là tốt. Chẳng sát sanh là không nợ mạng kẻ khác, chẳng trộm cắp là không nợ tài vật của người ta. Những điều ấy tốt lắm, cho nên chúng có thể ngăn che hết thảy các điều bất thiện. Thật sự có thể nắm giữ Thập Thiện Nghiệp Đạo, sẽ chẳng có ý niệm hại người, mà cũng chẳng có ý niệm chiếm tiện nghi của kẻ khác. Vì ý niệm chiếm tiện nghi của kẻ khác, tuy không trộm cắp, nhưng kẻ ấy có tâm trộm cắp, ý niệm ấy chẳng tốt, vẫn muốn chiếm một chút tiện nghi, đó là tâm trộm cắp chưa dứt! Hễ có ý niệm ấy, rất có thể sẽ có hành vi bất thiện. Chúng ta phải hiểu: Đối với người trong thế gian này, cổ nhân có nói: “Suốt đời đều là mạng, chẳng nửa điểm do người”. Mạng do đâu mà có? Chẳng phải do ông trời ban cho quý vị! Có rất nhiều người hiểu lầm vận mạng do Thượng Đế ban cho chúng ta. Vì sao có người thăng quan phát tài, có người bần cùng hạ tiện? Chẳng phải là ông trời rất thiếu công bằng ư? Há có loại ông trời như vậy! Vì thế, phải hiểu: Chẳng dính líu gì đến trời, đất, quỷ thần, Phật, Bồ Tát, vận mạng của mỗi cá nhân chúng ta do chính mình chịu trách nhiệm. Có vận mạng hay không? Có! Vận mạng do đâu mà có? [Chủng tử] của những điều thiện và bất thiện do quý vị đã tạo trong đời đời kiếp kiếp quá khứ, chúng ở trong A Lại Da Thức, được gọi là vận mạng của quý vị. Trong quá khứ, quý vị làm việc thiện, đời này phú quý, hưởng thụ, hưởng lạc. Trong đời quá khứ tạo nghiệp bất thiện, quý vị sẽ sống cuộc đời nghèo khổ. Đạo lý là như thế đó. Do vậy, sau khi đã hiểu, chúng ta chẳng oán trời, hờn người; sau khi đã hiểu rõ, bèn an phận giữ mình, xã hội liền hòa hài, an định. Chúng ta muốn phú quý, muốn phát tài, có được hay không? Được chứ! “Trong cửa nhà Phật, có cầu ắt ứng”, quý vị cầu trong cửa nhà Phật, đức Phật giúp đỡ quý vị như thế nào? Đức Phật giảng đạo lý và phương pháp phát tài cho quý vị nghe, quý vị đã hiểu rõ, nương theo đạo lý và phương pháp ấy để tu học, sẽ có tiền của đưa đến, chẳng giả tí nào. Cổ thánh tiên hiền bảo là “sanh tài hữu đại đạo” (có đạo lý to lớn để sanh sôi tiền của).

/ 600