/ 600
1.076

Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa

Tập 121

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Thời gian: Ngày 5 tháng 04 năm 2010

Địa điểm: Hương Cảng Phật Đà Giáo Dục Hiệp Hội

Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa

Giảo chánh: Huệ Trang và Đức Phong


Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, xin mời ngồi xuống. Xin xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang một trăm bốn mươi mốt, dòng thứ sáu. Chúng ta đọc một đoạn kinh văn:

(Kinh) Đắc vô sanh vô diệt chư Tam Ma Địa, cập đắc nhất thiết đà-la-ni môn, tùy thời ngộ nhập Hoa Nghiêm tam-muội, cụ túc tổng trì bách thiên tam-muội. Trụ thâm Thiền Định, tất đổ vô lượng chư Phật, ư nhất niệm khoảnh, biến du nhất thiết Phật độ.

(經) 得 無 生 無 滅 諸 三 摩 地。及 得 一 切 陀 羅 尼 門。隨 時 悟 入 華 嚴 三 昧。具 足 總 持 百 千 三 昧。住 深 禪 定。悉 睹 無 量 諸 佛。於 一 念 頃,遍 遊 一 切 佛 土。

(Chánh kinh: Đắc các Tam Ma Địa vô sanh vô diệt và đắc hết thảy đà-la-ni môn. Tùy thời ngộ nhập Hoa Nghiêm tam-muội, đầy đủ tổng trì trăm ngàn tam-muội, trụ Thiền Định sâu, ắt thấy vô lượng chư Phật. Trong khoảng một niệm, dạo khắp hết thảy các cõi Phật).

Đây là một đoạn kinh văn, đoạn kinh văn này nói đến đức tự lợi của các vị Bồ Tát tham dự pháp hội. Chúng ta vừa xem kinh văn liền hiểu: Đây chẳng phải là những vị Bồ Tát bình phàm, mà vị nào cũng đều là Pháp Thân đại sĩ minh tâm kiến tánh, kiến tánh thành Phật. Các Ngài có trọn đủ các đức tướng, chẳng khác gì những vị đã chứng rốt ráo Phật quả. Chúng ta đọc đoạn kinh văn này, cảm thấy vô hạn ngưỡng mộ, mà đồng thời cũng là vô hạn an ủi, vì sao? Sở chứng của hết thảy chư Phật chính là Tánh Đức của chúng ta. Kinh Đại Thừa thường nói: “Ngoài tâm chẳng có pháp, ngoài pháp chẳng có tâm”. Những pháp này đều là pháp môn đạt đến quả địa rốt ráo, hết thảy các pháp!

Trước hết, chúng ta xem chú giải. Đầu tiên, cụ Hoàng Niệm Tổ chỉ ra Tam Ma Địa là gì? Tam Ma Địa (Samādhi) là một thuật ngữ, “Phạn ngữ, cựu xưng Tam Muội, Tam Ma Đề, Tam Ma Đế đẳng” (là tiếng Phạn, xưa kia gọi là Tam Muội, Tam Ma Đề, Tam Ma Đế v.v…) Trong kinh văn, hoặc trong các bộ luận, hoặc trước thuật của tổ sư đại đức, chúng ta thường thấy những danh từ ấy, phải có lý giải chánh xác danh từ này! Đây là tiếng Phạn, dịch sang nghĩa tiếng Hán là Định. “Phiên vi Định, Chánh Định, Chánh Thọ, Điều Trực Định, Chánh Tâm Hành Xứ, Đẳng Trì” (dịch là Định, Chánh Định, Chánh Thọ, Điều Trực Định, Chánh Tâm Hành Xứ, Đẳng Trì), những danh từ ấy đều dịch từ danh tướng Tam Ma Địa, những danh tướng ấy đều có ý nghĩa giống nhau. Kế đó, cũng có giải thích: “Trí Độ Luận viết: Thiện tâm nhất xứ trụ bất động, thị danh tam-muội” (Trí Độ Luận giảng: “Thiện tâm nhất xứ, trụ bất động, thì gọi là tam-muội”). Giải thích theo ý nghĩa này rất hay. Trong những người hiện diện chúng ta, các đồng học chẳng học Phật thì thôi, chứ các đồng học học Phật đều chẳng ra ngoài lệ này: Hễ biểu lộ tính tình bộp chộp, hời hợt, tức là chẳng có Tam Ma Địa; nói theo kiểu người Hoa là “thiếu định lực, không có công năng Thiền Định”. Nếu không có thì có liên quan gì đến sự tu hành của chúng ta hay không? Quan hệ khá lớn! Không có định lực, bất luận dùng công phu gì, bất luận dùng pháp môn gì, Phật pháp nói tám vạn bốn ngàn pháp môn, vô lượng pháp môn, cho đến pháp môn Niệm Phật phương tiện thù thắng khôn sánh đều chẳng thể thành tựu! Nguyên nhân chẳng thể thành tựu là gì? Tâm quý vị tán loạn, vấn đề này nghiêm trọng. Tâm tán loạn không chỉ là tu đạo chẳng thể thành tựu, mà tu bất cứ điều gì trong thế gian cũng chẳng thể thành tựu, nên mới biết [không có định lực] có quan hệ to lớn. Vì thế, xếp câu này lên phía trước, nhằm nói lên đức thành tựu thứ nhất của hết thảy các vị Pháp Thân đại sĩ tham dự pháp hội. Chúng ta phải học, không học chẳng được! Có tam-muội thì mới có thể khai trí huệ. Quý vị xem câu tiếp theo là: “Đắc nhất thiết Đà-la-ni môn, tùy thời ngộ nhập Hoa Nghiêm tam-muội”.

Nếu chúng ta truy cứu nguyên nhân vì sao tâm chúng ta chẳng thể định? Tôi nghĩ các vị đồng học tu tập đã lâu, nhất định thấu hiểu: Những người tu học Đại Thừa nhất định chẳng thể rời khỏi Lục Ba La Mật của Bồ Tát; Định được tu thành bằng cách nào? Tinh tấn! Quý vị thấy tâm quý vị tán loạn, tức là quý vị chẳng tinh tấn. Vì sao chẳng thể tinh tấn? Quý vị chẳng có kiên nhẫn, chẳng có Nhẫn Nhục Ba La Mật! Chẳng thể nhẫn, chứng tỏ quý vị chẳng trì giới. Trì giới chẳng tốt đẹp, chứng tỏ quý vị chẳng buông xuống. Bố thí là buông xuống. Quý vị xem nhé: Trụ Tam Ma Địa là tầng thứ năm trong Lục Ba La Mật. Không có bốn tầng công phu phía trước, làm sao quý vị có thể đắc tam-muội cho được? Đồng học niệm Phật đạt được môn Định có tên là Niệm Phật tam-muội. Chỉ cần đắc Niệm Phật tam-muội, vãng sanh bèn nắm chắc. Tuy công phu không sâu, tu các pháp môn khác chưa chắc có thể thành tựu, nhưng do một chút công phu này, có thể thọ dụng khá lớn trong pháp môn Tịnh Tông, sanh về cõi Phàm Thánh Đồng Cư, há còn có vấn đề gì hay chăng? Điều này có quan hệ to lớn với chúng ta. Chúng ta hiểu: Nếu muốn đắc Niệm Phật tam-muội, đầu tiên là phải biết tinh tấn. Chân tinh tấn nhất định phải do Nhẫn Nhục Ba La Mật mà có. Quý vị chẳng thể nhẫn nại chịu đựng thì không được, chẳng thể định! Do vậy, trước đó là trì giới và bố thí, bố thí là buông xuống. Thứ gì vẫn mong tham đắm, vẫn muốn khống chế, vẫn muốn chiếm hữu, người như vậy tu hành trong Phật môn, nói dễ nghe một chút là “tu một chút phước báo nhân thiên”. Nói như vậy là tán thán kẻ ấy, nói lời giả, chẳng nói thật. Nói lời thật sẽ rất khó nghe, nói lời thật thì là gì? Cổ đại đức có nói một câu rất hay: “Trước cửa địa ngục, tăng, đạo đông!”, đó là nói lời thật! Vì sao? Vì quý vị không hiểu Phật pháp mà cứ tự cho là đã hiểu, chẳng chân tu mà ngỡ mình là chân tu! Nếu quý vị hộ trì đạo tràng, nhưng tri kiến bất chánh, sẽ chẳng thật sự làm chuyện hoằng dương, hộ trì, mà ngược lại trở thành gây chướng ngại. Chướng ngại người khác tu hành, nhân quả ấy quý vị chẳng có cách nào tránh né, vấn đề bèn nghiêm trọng! Người ta tu hành chẳng thể thành tựu. Đoạn dứt Pháp Thân huệ mạng của người khác, tội còn nặng hơn giết hại thân mạng của người ta! Thân mạng bị mất đi, họ lại đầu thai chuyển thế rất nhanh, lại có được [thân mạng mới]! Nhưng huệ mạng chẳng vậy, dẫu lại đầu thai chuyển thế trong loài người, có cơ hội gặp gỡ Phật pháp hay không? Kinh giáo có nói: “Thân người khó được, Phật pháp khó nghe”, đúng vậy, chẳng giả!

/ 600