/ 600
835

Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa

Tập 120

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Thời gian: Ngày 5 tháng 04 năm 2010

Địa điểm: Hương Cảng Phật Đà Giáo Dục Hiệp Hội

Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa

Giảo chánh: Huệ Trang và Đức Phong


Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, xin hãy ngồi xuống. Xin xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang một trăm ba mươi chín, dòng thứ tư từ dưới đếm lên, xem từ chính giữa, xem từ chữ “tam thừa”:

“Tam thừa giả, thừa giả, xa dã. Tứ Giáo Nghi Tập Chú viết: Thừa dĩ vận tải vi nghĩa, vận xuất tam giới, quy ư Niết Bàn” (Tam thừa: Thừa là cỗ xe. Sách Tứ Giáo Tập Nghi Chú [1] giảng: “Thừa có nghĩa là chuyên chở, chuyên chở thoát khỏi tam giới, trở về Niết Bàn”). Chúng tôi giải thích đoạn này. Câu này [nhằm giải thích một câu] trong kinh văn là “thiện lập phương tiện, hiển thị tam thừa”. Chúng ta đã học về “thiện lập phương tiện”, nay xem đến Tam Thừa. Chữ Thừa (乘) đọc theo cổ âm là Thặng, hiện thời đọc là Thừa; đọc Thặng mọi người đều chẳng biết nghĩa là gì, có lẽ có người nói chúng ta đọc sai, nên thuận theo tập tục [mà đọc là Thừa]! Thừa là cỗ xe. Trong Tứ Giáo Nghi Tập Chú có một câu giải thích như thế này: Thừa là cỗ xe, xe có ý nghĩa chuyên chở, ở đây dùng ý nghĩa ấy. “Vận xuất tam giới, quy ư Niết Bàn” (chở ra khỏi tam giới, trở về Niết Bàn). Phật pháp dùng Thừa làm tỷ dụ, giống như cỗ xe, Phật pháp có thể giúp chúng ta vượt khỏi tam giới, giống như chúng ta ngồi xe có thể đi xa, mang ý nghĩa này. Tam giới là lục đạo luân hồi, nói “tam giới” hay nói “lục đạo”, ý nghĩa hoàn toàn giống nhau. Tam giới là Dục Giới, Sắc Giới, Vô Sắc Giới. Dục Giới có sáu tầng trời, dưới Tha Hóa Tự Tại Thiên có sáu tầng trời, kể cả A Tu La đạo, nhân đạo, súc sanh đạo, ngạ quỷ, địa ngục đều thuộc về Dục Giới. Vì họ chẳng lìa khỏi năm thứ ham muốn là “tài, sắc, danh vọng, ăn uống, ngủ nghỉ”, nên gọi là Dục Giới. Dục Giới càng lên cao, ngũ dục càng nhạt ít, càng đi xuống, càng nghiêm trọng. Chúng ta chớ nên không biết điều này!

Hễ liễu giải chúng ta bèn hiểu rõ: Mong vượt thoát, nhất định phải buông ngũ dục lục trần xuống. Tài, sắc, danh vọng, ăn uống, ngủ nghỉ là ngũ dục. Lục trần là đối tượng tiếp xúc của sáu căn; mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý là sáu căn, đối tượng tiếp xúc là sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp. Ý là ý niệm, ý đối ứng với Pháp Trần. Những thứ này đều phải nhạt bớt, càng nhạt bớt càng hay! Thật sự có thể buông xuống, sẽ vượt thoát Dục Giới, đến nơi đâu? Đến Sắc Giới. Chư vị phải hiểu Sắc Giới có mười tám tầng trời, đó là chư thiên. Chư thiên Sắc Giới trọn chẳng đoạn dục, chư vị phải biết điều này. Vì sao họ chẳng có dục? Họ có công phu Thiền Định. Khi họ nhập Định, Định có công năng chế ngự ngũ dục, lục trần, nên họ là Phục Đoạn (đoạn trừ bằng cách chế phục), chẳng phải là Diệt Đoạn (đoạn trừ sạch sành sanh), nhưng họ có Sắc. Lên cao hơn là Vô Sắc Giới Thiên, đây là tầng cao nhất trong lục đạo. Vô Sắc Giới thì ngay cả nhục thân cũng chẳng có, chữ Sắc chỉ thân thể vật chất và hiện tượng vật chất. Do vậy có thể biết, trong bốn tầng trời của Vô Sắc Giới, chỉ có hiện tượng tinh thần tồn tại, chẳng có vật chất, chẳng có nhục thân vật chất, mà cũng chẳng có những kiến trúc vật chất, quý vị đều chẳng nhìn thấy. Chúng ta thường gọi những cõi trời ấy là “linh giới”, linh hồn của họ tồn tại. Đó là phàm phu cao cấp.

Vô Sắc Giới Thiên tuy khá lắm, nhưng chẳng vượt thoát tam giới, tức là chẳng vượt thoát lục đạo luân hồi. Vô Sắc Giới Thiên tốt đẹp, trong ấy gần như là Niết Bàn. Niết Bàn là bất sanh, bất diệt, cõi trời ấy giống như Niết Bàn, nhưng chẳng phải là Niết Bàn thật sự. Chư thiên Sắc Giới đạt tới cảnh giới cao nhất trong Tứ Thiền Bát Định, tưởng lầm Vô Sắc Giới Thiên là Niết Bàn. Vô Sắc Giới Thiên vẫn có thọ mạng, thọ mạng dài nhất là tám vạn đại kiếp, thời gian ấy thật dài. “Đại kiếp”: Một đại kiếp là một lần “thành, trụ, hoại, không” của thế giới này, đủ thấy thế giới này vô thường. Một lần thành - trụ - hoại - không gọi là một đại kiếp. Thành - trụ - hoại - không tám vạn lần, quý vị nghĩ xem, thời gian ấy dài lắm! Tuy dài, rốt cuộc vẫn có ngày chấm dứt, đến ngày ấy, họ đánh mất công năng Thiền Định. Công năng Thiền Định vừa mất đi, phiền não bèn hiện tiền. Ý niệm sai lầm đầu tiên là kẻ ấy tưởng lầm [Vô Sắc Giới Thiên] là bất sanh, bất diệt; cớ sao lại có sanh diệt? [Do hiểu lầm], bèn hủy báng thánh hiền. Thánh hiền đã nói “Niết Bàn bất sanh, bất diệt”, nay kẻ ấy đã mất công năng Thiền Định, phiền não hiện hành, bèn nghĩ các vị thánh hiền lừa gạt họ, ý niệm ấy chính là đại bất kính đối với các vị thánh hiền. Đại bất kính đối với thầy, đối với thánh hiền thì tội nghiệt ấy có cùng mức độ với tội bất hiếu với cha mẹ. Nếu kẻ nào bất hiếu với cha mẹ, không tôn trọng thánh hiền, quả báo là trong địa ngục A Tỳ. Do đó, quý vị thấy trèo lên cao nhất, trèo đến tầng trời Phi Tưởng Phi Phi Tưởng, té lộn nhào xuống cũng nặng nhất, rơi xuống địa ngục A Tỳ, cầu làm thân người chẳng được! Trong kinh điển, đức Phật giảng chuyện này rất nhiều, và cũng giảng rất rõ ràng. Dụng ý nhằm đặc biệt nhắc nhở chúng ta, chúng ta mong thành Phật, chúng ta phải sanh về Tây Phương Tịnh Độ, đừng cầu thiên đạo! Đạt đến chỗ cao nhất trong thiên đạo, vẫn chẳng thể giải quyết vấn đề! Hai mươi tám tầng trời chẳng thể giải quyết vấn đề, huống hồ Dục Giới! Người bình phàm sanh lên trời, tuyệt đại đa số đều là sanh trong Tứ Vương Thiên hoặc Đao Lợi Thiên, vì sao? Tình chấp và dục vọng chưa đoạn, khá hơn người bình phàm chúng ta một chút, nhạt bớt một chút, nhưng chưa đoạn, nên họ tiến cao hơn vô cùng khó khăn! Đó là ý nghĩa của tam giới. “Vận xuất tam giới” (chở thoát ra tam giới), nương theo Phật pháp tu hành, có thể vượt thoát tam giới, “quy ư Niết Bàn” (trở về Niết Bàn). Tiểu Niết Bàn, chẳng phải là Niết Bàn thật sự, mà là Tương Tự Niết Bàn, là sở chứng của A La Hán, vượt thoát tam giới là chứng đắc [của hàng A La Hán], điều này trong phần sau chúng tôi sẽ còn nhắc tới.

/ 600