/ 600
733

Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa

Tập 119

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Thời gian: Ngày 5 tháng 04 năm 2010

Địa điểm: Hương Cảng Phật Đà Giáo Dục Hiệp Hội

Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa

Giảo chánh: Huệ Trang và Đức Phong


Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, xin hãy ngồi xuống. Xin xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang một trăm ba mươi tám, hàng thứ sáu từ dưới đếm lên, xem từ đoạn này.

“Hựu vân: Quán chư pháp Không, thị danh Không. Ư Không trung, bất khả thủ tướng, thị thời, Không chuyển danh Vô Tướng. Vô Tướng trung, bất ưng hữu sở tác vi tam giới sanh, thị thời, Vô Tướng chuyển danh Vô Tác (tức Vô Nguyện)” (Lại nói: “Quán các pháp là Không, nên gọi là Không. Trong cái Không đó, chẳng thể giữ lấy tướng, ngay khi ấy, cái Không đổi tên là Vô Tướng. Trong Vô Tướng, chớ nên có thứ gì được làm để sanh trong tam giới, nên ngay khi ấy, Vô Tướng đổi tên là Vô Tác, tức là Vô Nguyện). Chúng ta xem từ chỗ này, vẫn là những điều được nói trong Trí Độ Luận, dạy chúng ta trong cuộc sống hằng ngày thấy thấu suốt và buông xuống như thế nào. “Quán chư pháp Không” được kinh Bát Nhã giảng nhiều nhất. Trong các đồng học, rất nhiều vị đã đọc kinh Kim Cang Bát Nhã. Kinh Kim Cang chẳng dài, Thiền Tông Lục Tổ Huệ Năng đại sư khai ngộ do kinh ấy. Do vậy, bộ kinh ấy trở thành kinh bậc nhất và cơ bản trong Thiền Tông, biến thành một khóa trình phải tu học. Kinh văn chẳng dài lắm, đại khái chỉ có hơn năm ngàn chữ, do ngài Cưu Ma La Thập phiên dịch, vô cùng thích hợp khẩu vị của người Trung Quốc, nên người niệm [kinh Kim Cang] đặc biệt nhiều. Câu quan trọng nhất trong kinh, cũng là câu khiến cho ngài Huệ Năng khai ngộ là “ưng vô sở trụ, nhi sanh kỳ tâm” (đừng nên trụ vào đâu để sanh tâm). Câu ấy dạy chúng ta cách nhìn vạn sự vạn vật trong toàn thể vũ trụ, nói rất đơn giản, rất rõ ràng, dạy chúng ta thấy hết thảy sự vật: “Phàm những gì có tướng đều là hư vọng”. Đó là quán các pháp Không, tức là Không Giải Thoát môn trong ba môn giải thoát.

Không ở chỗ nào? Không ở trong Sắc, Sắc tức là Không. Không chẳng ở bên ngoài, mà từ ngay trong vạn sự, vạn pháp, quý vị thấy Không. Vì sao có thể thấy Không? Quý vị thấy tất cả hết thảy các pháp đều do nhân duyên sanh, như Trung Quán Luận đã nói: “Nhân duyên sở sanh pháp, ngã thuyết tức thị Không” (pháp do nhân duyên sanh, ta nói chính là Không), “ta” ở đây là đức Phật nói. Các pháp do nhân duyên sanh, chẳng có tự thể. Chúng ta thường cầm tràng hạt (xâu chuỗi), chúng ta thấy nó là một chuỗi, hãy thấy bản thể của nó là Không. Tràng hạt là từng hạt một, do một sợi dây xâu lại, nó là duyên sanh (do các duyên hội tụ mà sanh ra). Chúng ta tháo sợi dây ấy ra, từng hạt từng hạt một [tách rời], tướng tràng hạt chẳng còn nữa. Đối với từng hạt, chúng ta thấy nó là hạt cây, do cây sanh ra, nên [mỗi hạt] cũng là pháp sanh bởi nhân duyên. Duyên tụ, bèn có một hạt xâu chuỗi; khi duyên tán, hạt xâu chuỗi chẳng còn nữa, biến thành bột! Bỏ đó đã lâu, quý vị chẳng dùng đến nó, bỏ mặc đó, nó sẽ biến thành bột, gió vừa thổi bèn tan mất. Tụ thì nó có tướng; tán thì tướng chẳng còn nữa! Chẳng cần chờ nó tán, quý vị mới biết là Không, mà hiện thời đã biết nó là Không. Tướng của nó chẳng thể duy trì vĩnh cửu! Nói chung, sẽ có ngày nó hư hoại, tan mất, bản thể chính là Không, đó là trí huệ. Chúng ta thấy hết thảy các pháp đều như thế, kể cả các tinh cầu cũng chẳng ra ngoài lệ ấy. Nếu chúng ta có dịp đến thăm đài Thiên Văn, gần như sẽ thường thấy các tinh cầu bùng nổ trong không gian, những tinh cầu ấy chẳng còn nữa. Vì thế, đối với với sự tồn tại của tinh cầu, kinh Phật nói là “thành, trụ, hoại, không”, tinh cầu chẳng có! Cũng rất có thể là chúng ta thường phát hiện: Ở nơi đây vốn chẳng có tinh cầu, đột nhiên xuất hiện một ngôi sao sáng lấp lánh, chúng ta biết là một ngôi sao mới hình thành. Đấy cũng là nói các ngôi sao già đã tử vong, hủy diệt; trong vũ trụ có thành, trụ, hoại, không. Quý vị biết thứ gì cũng đều là vô thường, không chỉ là “biển xanh, nương dâu”. Nếu chúng ta rất lắng lòng quan sát, sẽ biết hết thảy các pháp “hễ duyên tụ bèn có, duyên tán bèn không”, nên biết là Không! Đã biết là Không, nên đối với Không, chớ nên chấp tướng!

Gì là Không? Tướng là Không, tất cả các tướng là Không. Tất cả các tướng, động vật có sanh, lão, bệnh, tử, thời gian tồn tại chẳng dài. Con người sống trong thế gian này, chúng ta nghĩ tới các thế hệ trước, thế hệ cha mẹ đã khuất, thế hệ ông bà đã khuất. Trong dòng thời gian dài vô hạn, họ chỉ tồn tại một thời gian ngắn, trước giai đoạn ngắn ngủi đó, chẳng có họ, sau giai đoạn ngắn ngủi đó, cũng chẳng có họ, đều chẳng còn! Sau đấy, lập tức nghĩ đến chính mình, bản thân chúng ta cũng chiếm một khoảng ngắn trong dòng thời gian dài dằng dặc. Có người thời gian ngắn một chút, ba bốn mươi tuổi đã mất, thời gian ngắn chủn! Có người thời gian dài hơn một chút, nhưng bảy tám mươi tuổi cũng đi. Cổ nhân Trung Quốc nói người ngoài bảy mươi tuổi là: “Nhân sanh thất thập cổ lai hy” (người bảy mươi tuổi xưa nay hiếm), người trên bảy mươi chẳng nhiều lắm, người chưa đến bảy mươi đã mất rất nhiều. Do vậy, chúng ta phải hiểu toàn là rỗng tuếch. Nếu toàn là rỗng tuếch, ở đây, “bất khả thủ” (chẳng thể chấp lấy) là “đừng chấp tướng”. Chấp tướng là sai mất rồi! Đối với những tướng ấy, chớ nên chấp trước, chớ nên phân biệt. Đại Thừa Bồ Tát không chỉ chẳng phân biệt, chẳng chấp trước, mà đối với hết thảy các tướng đều chẳng khởi tâm, không động niệm, hạng người nào vậy? Kinh nói những vị đại sĩ, các vị Bồ Tát, được gọi là cao nhân, các Ngài chẳng khởi tâm, không động niệm, chẳng có phiền não, chẳng tạo nghiệp, vô cùng cao minh. Các Ngài trọn chẳng bỏ tướng, vì sao? Chẳng cần thiết! Tướng là huyễn tướng, đều là chẳng thật. Đã hiểu rõ, đối với những tướng ấy, chẳng khởi tâm, chẳng động niệm, chẳng phân biệt, chẳng chấp trước, những vị ấy là Phật, là Pháp Thân Bồ Tát. Khi đó, chẳng gọi là Không, mà gọi là Vô Tướng. Thấy những tướng ấy, chẳng dùng danh từ Không, mà dùng chữ Vô Tướng.

/ 600