440

Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa

Tập 118

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa

Giảo duyệt: Huệ Trang và Đức Phong

 

  Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, xin hãy ngồi xuống. Xin xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang một trăm ba mươi bảy, dòng thứ hai từ dưới đếm lên, xem từ câu cuối cùng, xem từ “như Chân Giải viết” (như sách Chân Giải nói), xem từ đoạn này.

  “Như Chân Giải viết: Nhị Thừa tuy đắc tam Không môn, duy trầm Thiên Không. Bồ Tát bất nhiên, năng đạt huyễn võng, đắc bình đẳng pháp. Cố tuy trụ tam Không môn, nhi bất trụ vô vi, bất trụ hữu vi. Cố năng hành Thanh Văn, năng hành Duyên Giác, nhi siêu việt Thanh Văn, Duyên Giác chi địa” (như sách Chân Giải nói: “Nhị Thừa tuy đắc ba Không môn, nhưng chỉ chìm đắm trong Thiên Không. Bồ Tát chẳng vậy, có thể thấu đạt lưới huyễn, đắc pháp bình đẳng. Vì thế, tuy trụ trong ba Không môn, nhưng chẳng trụ vô vi, chẳng trụ hữu vi. Vì thế, có thể hành Thanh Văn, có thể hành Duyên Giác, vượt trỗi địa vị Thanh Văn và Duyên Giác”). Trong buổi học trước, chúng ta học đến chỗ này, hôm nay, tôi sẽ nói từ đoạn này. Đây là nói những vị Bồ Tát tham dự pháp hội này đều đắc ba Không môn, kinh nói Tam Không là “nhập Không, Vô Tướng, Vô Nguyện pháp môn”, ba môn này Tiểu Thừa và Đại Thừa đều nói tới. Tuy người Nhị Thừa là Thanh Văn và Duyên Giác chấp trước Không, họ chấp trước Không Môn, nhập Không Môn, bèn chấp trước Không Môn; do đó, họ chẳng có cách nào tiến cao hơn. Bồ Tát thông minh hơn họ, Bồ Tát có thể thấu đạt lưới huyễn, biết Hữu Môn là huyễn. Hữu chẳng phải là Chân Hữu, Không cũng chẳng phải là Chân Không. Không và Hữu bất nhị. Đại Thừa Bồ Tát liễu giải chân tướng sự thật này, nhưng Tiểu Thừa chẳng liễu giải, nên nhập Không bèn trụ Không, nghe đức Phật nói hết thảy Hữu là giả: “Phàm những gì có hình tướng đều là hư vọng”, họ bèn buông tướng hư vọng xuống, trụ vào Không. Thật ra, đó vẫn là sai lầm, chẳng phải là thật sự giác ngộ. Bồ Tát biết chân tướng của Không và Hữu, nên đắc pháp bình đẳng, Không và Hữu bất nhị, Không và Hữu như một; đó là pháp bình đẳng. Tuy trụ ba Không môn, Ngài chẳng chấp trước hai bên Không và Hữu, mà cũng có thể nói là đối với hai bên Không và Hữu, tức là hai bên Tánh và Tướng, Tánh là Không, Tướng là Hữu; đối với hai bên đều chẳng khởi tâm, không động niệm, chẳng phân biệt, không chấp trước. Vì thế, Ngài có thể hành Thanh Văn, mà cũng có thể hành Duyên Giác. Thanh Văn, nếu nói theo hiện thời, là từ giáo học mà khai ngộ, Ngài có thể dùng phương pháp này, mà cũng có thể dùng hiện tượng đại tự nhiên như một thứ chỉ dạy, khơi gợi người tu hành, đó là Duyên Giác. Ngài đã đạt đến cảnh giới vô chướng ngại, Lý Sự vô ngại, Sự Sự vô ngại; vì thế, có thể vượt trỗi các địa vị Thanh Văn và Bích Chi Phật.

  “Hựu Đại Bảo Tích Kinh, Thiện Đức Thiên Tử Hội thuyết” (lại nữa, trong hội Thiện Đức Thiên Tử của kinh Đại Bảo Tích), hội này cũng do Thích Ca Mâu Ni Phật giảng; trong ấy, đức Phật có nói mấy câu như thế này: “Dĩ Thanh Văn pháp giáo hóa chúng sanh, cố ngã thị Thanh Văn. Dĩ Bích Chi Phật pháp hóa ích chúng sanh, cố ngã thị Bích Chi Phật. Dĩ đại bi pháp giáo hóa chúng sanh, cố ngã thị Bồ Tát. Ư nhất thiết pháp đắc giải thoát, nhất thiết vô ngại cố. Tùng sở hóa chúng sanh, hoặc dĩ Thanh Văn pháp hóa ích, hoặc dĩ Bích Chi Phật pháp hóa ích, hoặc dĩ Bồ Tát pháp hóa ích. Cố ngã thị Thanh Văn, ngã thị Duyên Giác, ngã thị Bồ Tát” (Dùng pháp Thanh Văn giáo hóa chúng sanh, nên ta là Thanh Văn. Dùng pháp Bích Chi Phật giáo hóa, lợi ích chúng sanh, nên ta là Bích Chi Phật. Dùng pháp đại bi giáo hóa chúng sanh, nên ta là Bồ Tát. Trong hết thảy các pháp đắc giải thoát, nên hết thảy vô ngại. Do giáo hóa chúng sanh, hoặc dùng pháp Thanh Văn để giáo hóa, lợi ích, hoặc dùng pháp Bích Chi Phật để giáo hóa, lợi ích, hoặc dùng pháp Bồ Tát để giáo hóa, lợi ích, nên ta là Thanh Văn, ta là Duyên Giác, ta là Bồ Tát). Đoạn kinh này nói rõ, các vị Pháp Thân Bồ Tát và Như Lai chẳng sai biệt, nên dùng thân gì để giáo hóa, các Ngài bèn hiện thân ấy. Ở chỗ này, đối tượng toàn là đệ tử trong Phật môn, có duyên với Phật. Phật, Bồ Tát có thể hiện thân A La Hán, tức là Thanh Văn, dùng thân phận A La Hán để giáo hóa chúng sanh. Vì sao? Chúng sanh là căn tánh Tiểu Thừa, quý vị phải dùng thân phận căn tánh Tiểu Thừa để dạy họ. Họ là căn tánh Duyên Giác Thừa, quý vị bèn thị hiện Duyên Giác. Họ là căn tánh Bồ Tát, quý vị bèn hiện làm Bồ Tát. Chúng tôi dùng tỷ dụ để nói, chư vị sẽ hiểu rõ hơn. Phật, Bồ Tát là nhà đại giáo dục, là một vị thầy tốt thật sự, đối với học trò Tiểu Học, dạy học tại trường Tiểu Học, các Ngài là giáo viên Tiểu Học. Dạy học tại trường Trung Học, các Ngài là giáo viên Trung Học. Dạy học tại Đại Học, các Ngài là giáo sư Đại Học, hoàn toàn tùy thuộc đối tượng. Đối tượng như thế nào, các Ngài bèn chuyển biến thân phận [như thế ấy]. Đoạn này nhằm nói lên ý nghĩa sau đây: Tùy loại hóa thân. Nếu nói theo tôn giáo, đối tượng là tín đồ Phật giáo bèn dùng thân phận trong Phật giáo để giáo hóa, nay chúng ta gọi [những vị ấy] là A Xà Lê trong Phật môn. Nếu đối tượng là thân phận Cơ Đốc Giáo, là căn tánh Cơ Đốc Giáo, các Ngài bèn hiện thân phận Gia Tô (Jesus) để dạy họ, khác nhau! Căn tánh gì bèn hiện thân tướng đó. Chúng ta hiểu rõ đạo lý này, tức là thật sự thấu hiểu: Các tôn giáo trên thế giới là một nhà. Tôi qua lại với rất nhiều tôn giáo, [nhận thấy] tất cả những vị thánh nhân sáng lập tôn giáo đều là hóa thân của một Chân Thần. Tôi nói như vậy, quý vị có tin hay không? Nhiều năm qua, chẳng có ai phản đối, mọi người đều cảm thấy có lý, xác thực là một chân thần thị hiện nơi đó. Trong đoạn kinh văn này, những vị Pháp Thân đại sĩ tượng trưng cho chân thần. Quý vị thấy: Do căn tánh của chúng sanh bất đồng, các Ngài bèn hiện các thân bất đồng, thuyết pháp bất đồng, khiến cho hết thảy chúng sanh ai nấy đạt được lợi ích hiện tiền. Mọi người hiểu rất rõ lợi ích hiện tiền cần thiết của chính mình, các Ngài cũng đem lại cho họ lợi ích vĩnh viễn, đó mới là viên mãn.