/ 600
671

Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa

Tập 117

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa

Giảo duyệt: Huệ Trang và Đức Phong


Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, xin hãy ngồi xuống. Xin xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải trang một trăm ba mươi bảy, dòng thứ năm.

“Viễn siêu Thanh Văn, Bích Chi Phật địa, nhập Không, Vô Tướng, Vô Nguyện pháp môn (kiến Đường dịch). Thử nhị cú trùng thán hội trung đại sĩ chi Thật Đức, sở giác thù thắng, viễn siêu Thanh Văn dữ Bích Chi Phật chi địa” (“Vượt xa địa vị Thanh Văn và Bích Chi Phật, nhập pháp môn Không, Vô Tướng, Vô Nguyện (xem bản dịch đời Đường)”: Hai câu này một lần nữa tán thán Thật Đức của các vị đại sĩ trong hội, sự giác ngộ của các Ngài thù thắng, vượt xa các địa vị Thanh Văn và Bích Chi Phật). Mấy câu này dễ hiểu; đoạn kinh văn “siêu tình ly kiến” này là đoạn thứ năm, mà cũng là chuyện thứ năm. “Viễn siêu Nhị Thừa”, Thanh Văn là Tiểu Thừa, Bích Chi Phật là Trung Thừa. Câu kế tiếp là khế nhập tam-muội, “nhập Không, Vô Tướng, Vô Nguyện pháp môn”, những tam-muội này còn gọi là Đại Tam Không Tam-muội. Hai câu này cũng là tán thán đức năng chân thật của các vị Pháp Thân Bồ Tát dự hội. “Sở giác thù thắng”: “Sở giác” cũng là điều các Ngài chứng đắc, thù thắng ở chỗ nào? Thù thắng ở chỗ vượt trỗi Nhị Thừa, “thù thắng” là nói đến ý nghĩa này!

Tiếp đó, giải thích cho chúng ta biết Thanh Văn là gì? “Thanh Văn giả, Phật Tiểu Thừa pháp trung chi đệ tử, văn Phật chi giáo, ngộ Tứ Đế pháp chi lý, đoạn Kiến Tư nhị hoặc, xuất Phần Đoạn Sanh Tử, nhi nhập ư Niết Bàn giả” (Thanh Văn là đệ tử trong pháp Tiểu Thừa của đức Phật, nghe giáo pháp của Phật, ngộ lý của pháp Tứ Đế, đoạn Kiến Hoặc và Tư Hoặc, thoát khỏi Phần Đoạn Sanh Tử, bèn nhập Niết Bàn). Đối với những điều này, phải nói đại lược một phen. Vì sao gọi là Thanh Văn? Nghe đức Phật giảng kinh, giáo học, bèn khai ngộ, ngộ nhập lý của pháp Tứ Đế. Tứ Đế là nói đến Khổ, Tập, Diệt, Đạo. Khổ là quả thế gian, Tập là nhân thế gian. Cách nói của đức Phật và cách nghĩ của cổ thánh tiên hiền Trung Quốc giống nhau, đều là nói quả trước rồi mới nói đến nhân. Quả là gì? Quý vị đã từng nếm trải, nên khi nhắc tới, quý vị sẽ có cảm xúc vô cùng nhạy bén. Sau đấy, lại nói cho quý vị biết cái nhân phát sanh cái quả ấy, chẳng phải là nói nhân trước rồi mới nói đến quả. Vào thời ấy, hễ nói “Đông Phương và Tây Phương” thì Đông Phương là Trung Quốc, Tây Phương là Ấn Độ, cách nhìn của cổ nhân tương thông. Đây là hai tầng nhân quả, Diệt và Đạo là nhân quả xuất thế gian; Diệt là quả, Đạo là nhân. Đó là pháp Tứ Đế. Đế (諦) là chuyện chân thật, người hiện thời gọi nó là “chân lý”.

Đức Phật dạy con người: Thế gian này chỉ có khổ, chẳng có vui! Cái gọi là “vui” chính là gì vậy? Khổ tạm thời ngừng trong chốc lát, tạm ngừng, chẳng phải là vĩnh viễn ngưng dứt, quý vị bèn cảm thấy rất vui. Thí dụ như ăn uống, quý vị ăn no nê, ăn rất ngon, rất vui sướng. Nếu quý vị chẳng được ăn một bữa, liền cảm thấy khổ, đói bụng mà! Hai bữa chẳng được ăn càng khổ hơn. Đói tới bảy ngày sẽ chết đói! Lẽ nào chẳng khổ? Khổ chẳng thể biến thành lạc, cho nên khổ là thật, lạc là giả. Thí dụ như ăn thứ gì đó [cảm thấy] rất sung sướng. Ăn thứ quý vị ưa thích, ăn một chén rất vui sướng, ăn hai chén vẫn còn được, nhưng bắt quý vị ăn liên tục tới hai mươi chén, khổ ngay! Đó gọi là gì? Lạc có thể biến thành khổ, nên lạc chẳng phải là thật, nhưng khổ chẳng thể biến thành lạc. Trong kinh, đức Phật đã giảng những chuyện này rất nhiều, rất rõ ràng. Ngài dạy chúng ta, người sống trong thế gian này có tám nỗi khổ. Ngoài tám nỗi khổ (được gọi chung là Khổ Khổ), còn có Hoại Khổ, còn có Hành Khổ. Chúng sanh trong Dục Giới phải chịu đủ ba loại khổ lớn này, ai nấy đều chẳng có cách nào tránh né bốn loại đầu trong Khổ Khổ là sanh, lão, bệnh, tử.

“Thần thức”: Nhà Phật gọi là “thần thức”, người thế gian gọi là “linh hồn”. Linh hồn đi đầu thai. Đến đầu thai thì nhất định là có duyên với cha mẹ. Chẳng có duyên, kẻ ấy chẳng đến! Có người mong có con cái, mong ngóng cả đời vẫn chẳng có! Người ấy chẳng có duyên, chẳng có duyên gặp gỡ. Duyên gì vậy? Trong kinh, đức Phật đã dạy, duyên rất nhiều, rất phức tạp, nhưng chẳng ngoài bốn loại lớn, bốn loại lớn ấy gọi là “tứ duyên sanh pháp”. Trong bốn loại lớn ấy, thứ nhất là báo ân. Đứa trẻ ấy sanh vào nhà quý vị hết sức ngoan ngoãn, khéo léo, thông minh, đáng yêu, nó đến báo ân. Người Hoa gọi [đứa con như vậy] là “hiếu tử, hiền tôn” (con hiếu, cháu hiền). Vì thế, người ta phải bố thí ân đức, vì sao? Trong tương lai, con cháu đến báo ân đông đảo. Nếu kết oán cừu cùng kẻ khác, chuyện này sẽ phiền toái lắm! Trong tương lai, đứa trẻ sanh vào nhà quý vị để báo cừu, chẳng phải là phiền phức hay sao?

/ 600