/ 600
726

Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa

Tập 116

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa

Giảo duyệt: Huệ Trang và Đức Phong


Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, xin mời ngồi xuống. Xin xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang một trăm ba mươi sáu, dòng thứ nhất, xem từ câu thứ hai: “Bồ Tát năng hóa”, xem từ chỗ này!

“Bồ Tát năng hóa vô lượng thân ứng hiện vi trần sát, vô hữu trụ xứ, vô hữu trẫm tích, như điện kích không trung, vô sở tùng lai, khứ vô định tích. Bồ Tát bình đẳng, vô hữu tiên thử, hậu bỉ đẳng phân biệt tâm, như điện quang chiếu vật, vô bỉ, thử, tiên, hậu phân biệt” (Bồ Tát có thể hóa vô lượng thân, ứng hiện trong các cõi nước nhiều như vi trần, chẳng có trụ xứ, chẳng có dấu vết, giống như chớp lóe giữa không trung, chẳng từ đâu đến, chẳng có dấu vết nhất định sẽ đi về đâu. Bồ Tát bình đẳng, chẳng có tâm phân biệt “cái này trước, cái kia sau” v.v…, giống như ánh chớp soi các vật, chẳng phân biệt cái này trước, cái kia sau). Đây là ý nghĩa trong Hội Sớ, ý nói các vị Bồ Tát tham dự pháp hội Vô Lượng Thọ lần này của đức Thế Tôn, số lượng vô lượng vô biên, đều là Pháp Thân đại sĩ. Trí huệ, thần thông, và đạo lực của những vị ấy bình đẳng với chư Phật Như Lai, trong hội Hoa Nghiêm, chúng ta đã thấy [điều ấy]. Chỉ là tập khí vô thỉ vô minh còn chưa đoạn sạch, nhưng trí huệ, thần thông, và đạo lực giống như chư Phật Như Lai. Vì thế, các Ngài có năng lực hóa thân, hóa bao nhiêu thân? Vô lượng vô số vô tận thân tướng, ứng hiện trong vi trần sát độ. Câu nói này khiến cho chúng ta thật sự thấu hiểu những người ấy, tức là những người trong cõi Thường Tịch Quang và cõi Thật Báo, năng lực cảm ứng quả thật chẳng thể nghĩ bàn, thật đấy, chẳng giả đâu! Chúng sanh trong các cõi nhiều như vi trần có cảm, các Ngài đều có thể ứng. Cũng rất có thể là thế giới của chúng ta trong hiện thời chính là một cõi nước nằm trong một hạt vi trần, bọn phàm phu chúng ta chẳng biết chân tướng rốt ráo. Hơn nữa, cõi nước đúng như cổ đại đức Trung Quốc đã nói: “Lớn chẳng ra ngoài”, nhìn từ chỗ lớn, hiện thời gọi là “thế giới vĩ mô”, [sẽ thấy] thế giới chẳng có ngằn mé, chẳng có ranh giới, vô cùng lớn. Nhìn từ chỗ nhỏ, nhìn vào vi trần, trong một mảy vi trần có cõi nước, trong cõi nước ấy lại có vi trần, trong vi trần lại có cõi nước. “Cái nhỏ chẳng ở trong”, chẳng tìm được [cái nào rốt cuộc ở] bên trong. Lớn là vô lượng vô biên, nhỏ là vô cùng vô tận, đó là gì? Đấy là tự tánh, tự tánh chẳng thể nghĩ bàn!

Như Lai và các vị đại sĩ đã chứng đắc tâm tánh viên mãn, đã minh tâm kiến tánh. Sau khi đã kiến tánh, chúng ta hỏi các Ngài có trụ xứ hay không? Chẳng có! Nếu nói thật với quý vị về trụ xứ thì chỗ nào cũng đều là Thường Tịch Quang, cho nên chẳng có trụ xứ! Nơi nơi đều là cõi Thật Báo, cõi Thật Báo chẳng có nơi chốn nhất định. Chúng sanh trong mười pháp giới có trụ xứ, các trụ xứ ấy do đâu mà có? Chúng ta hiểu: Từ trong ý niệm sanh ra huyễn tướng và cảm nhận sai lầm, đấy mới là chân tướng sự thật. Không có trụ xứ, nhưng chính mình chấp trước có trụ xứ, không có nơi chốn mà chấp trước có nơi chốn. Các đại sĩ thảy đều buông vọng tưởng, phân biệt, chấp trước xuống, nên trong kinh Bát Nhã, đức Phật đã nói: “Ưng vô sở trụ, nhi sanh kỳ tâm” (hãy nên chẳng trụ vào đâu để sanh tâm). “Vô hữu trụ xứ” chính là “vô sở trụ xứ”. Thích Ca Mâu Ni Phật đã kiến tánh rồi, trụ “vô sở trụ”. “Vô hữu trẫm tích”, “trẫm tích” (朕跡) chính là điềm báo trước. Ngài đến chẳng có dấu hiệu báo trước, Ngài rời khỏi cũng chẳng có dấu hiệu báo trước. Không từ đâu đến, mà cũng chẳng đi về đâu, chẳng có dấu vết gì! Ở đây, nêu lên một thí dụ: “Như điện kích không trung” (như chớp lóe trong không trung). Tia chớp: Trời đổ mưa, chúng ta thấy tia chớp, tia chớp do đâu mà có? Trong một sát-na, ánh sáng ấy chẳng còn nữa, nó đến nơi đâu? Chẳng từ chỗ nào đến, mà đi cũng chẳng có tung tích. Bồ Tát ứng hóa trong đại thiên thế giới, ứng hóa trong mười pháp giới, giống như chớp lóe trong không trung, hiện tượng này xuất hiện trong sát-na. Nói thật ra, ứng thân của Phật, Bồ Tát là như thế. Thân của chúng ta trong mười pháp giới hoặc trong lục đạo chúng sanh được là “nghiệp báo thân”, các Ngài chẳng có, các Ngài là “hễ chúng sanh có cảm, bèn tự nhiên ứng hiện”, cảm ứng đạo giao trọn chẳng sái thời. Cảm lúc nào bèn ứng lúc đó, chẳng bỏ lỡ lần nào! Chẳng có mảy may bỏ lỡ.

/ 600