Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa
Tập 111
Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không
Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa
Giảo duyệt: Huệ Trang và Đức Phong
Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, xin mời ngồi xuống. Xin xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang một trăm ba mươi mốt, dòng thứ ba từ dưới đếm lên:
“Vị giáo Bồ Tát, tác A Xà Lê. Thường tập tương ứng vô biên chư hạnh” (vì dạy Bồ Tát, làm A Xà Lê, thường tập vô biên các hạnh tương ứng). Trước kia, tôi chia hai câu kinh văn này thành hai đoạn:
- Kể từ “thăng Quán Đảnh giai” là thọ ký sự hộ trì của Phật. “Thăng Quán Đảnh giai, thọ Bồ Đề ký”, hai câu này là thọ ký. “Vị giáo Bồ Tát, tác A Xà Lê”, hai câu này là “thị giáo”, tức là thực hiện sự giáo học cho mọi người thấy, nêu tấm gương tốt đẹp.
- Câu kế đó là “thường tập tương ứng vô biên chư hạnh” nói đến sự tương ứng. Giáo học nhất định phải tương ứng, tương ứng với Tánh Đức.
Chúng ta xem lời chú giải của Hoàng lão cư sĩ: “A Xà Lê dịch vi Giáo Thọ” (A Xà Lê dịch là Giáo Thọ), A Xà Lê (Ācārya) là tiếng Phạn, dịch sang nghĩa tiếng Hán là Giáo Thọ, tức là tiếng xưng hô dành cho một vị thầy trong nhà trường. “Hựu dịch Quỹ Phạm Sư” (còn dịch là Quỹ Phạm Sư), dịch cách khác, ta cũng thường đọc thấy cách dịch này trong kinh điển. Quỹ (軌) là quỹ đạo (đường lối), Phạm (範) là mô phạm, [chữ Quỹ Phạm Sư hàm ý] tư tưởng, kiến giải, và ngôn hạnh của vị thầy ấy có thể làm gương cho chúng ta, làm mẫu cho học trò, cũng như làm nề nếp cho học trò học tập. Chẳng thể lệch khỏi quỹ đạo, nhất định phải đi theo quỹ đạo, giống như xe lửa quyết định chẳng thể rời khỏi đường rầy, bao hàm ý nghĩa này! Tiếp theo đó là lời giải thích: “Nãi quỹ phạm chánh hạnh, vị Tăng sư phạm giả chi tôn xưng” (tức là nêu chánh hạnh khuôn phép, là tiếng tôn xưng vị thầy làm khuôn mẫu cho Tăng chúng), là thầy của người xuất gia. Nói theo thực tại thì cũng là như chúng ta thường nói “học vi nhân sư, hành vi thế phạm” (học làm thầy người, hạnh làm khuôn mẫu cho cõi đời), “quỹ phạm chánh hạnh” chính là “hành vi thế phạm”, “vi tăng sư phạm” là “học vi nhân sư”. Do đó, A Xà Lê là tôn xưng.
“Thông chỉ giáo thọ thiện pháp chi sư” ([là từ ngữ] chỉ chung các vị thầy truyền dạy pháp lành), định nghĩa ở đây rất rõ ràng và cũng rất đơn giản: Ngài là vị thầy truyền dạy thiện pháp thì mới có thể gọi là A Xà Lê. Cũng có khi tỉnh lược, gọi là Xà Lê, cũng được, chúng ta thường thấy gọi là Xà Lê. “Kim kinh thừa ‘thăng Quán Đảnh giai’ nhi ngôn, nãi chuyên chỉ Chân Ngôn A Xà Lê, hựu xưng Kim Cang A Xà Lê” (trong kinh này, do nói tiếp ngay theo câu “lên địa vị Quán Đảnh”, nên [chữ A Xà Lê ở đây] chuyên chỉ Chân Ngôn A Xà Lê, còn gọi là Kim Cang A Xà Lê). Trong phần trước kinh này, đã nói “thăng Quán Đảnh giai”, Mật Tông thường nói như vậy. Do vậy, kinh Đại Thừa Vô Lượng Thọ là Viên Giáo, giáo nghĩa của tám giáo Đại Thừa đều được bao hàm trong ấy. Bởi lẽ, trong kinh này có giáo nghĩa Mật Tông, có giáo nghĩa Thiền Tông, như Hoa Nghiêm, Pháp Hoa, Pháp Tướng Duy Thức, cho đến Luật Tông, thảy đều có. Vì thế, từ các câu kinh văn, chúng ta thường có thể thấy và hiểu kinh này mới là kinh điển chí cao vô thượng đại viên mãn. Do tiếp ngay theo câu “thăng Quán Đảnh giai, thọ Bồ Đề ký” trước đó, nên cũng có thể nói [chữ A Xà Lê] ở đây [dùng theo ngữ cảnh] Mật Tông, chuyên chỉ Chân Ngôn A Xà Lê, còn gọi là Kim Cang A Xà Lê.
“Nãi thiệu thừa Kim Cang Tát Đỏa tổ vị, tác truyền pháp quán đảnh giả chi xưng hiệu” (chính là cách gọi người kế thừa ngôi vị Tổ của ngài Kim Cang Tát Đỏa làm người truyền pháp quán đảnh), đây là một cách xưng hô trong Mật Tông, [tiếp nối] Kim Cang Tát Đỏa tổ vị. Kim Cang Tát Đỏa (Vajrasattva) còn được gọi là Kim Cang Thủ Bồ Tát (Vajrapāni). Chân Ngôn Tông là Mật Tông. Trong tám vị tổ sư của Mật Tông[1], đây là vị tổ đời thứ hai. Đại Nhật Như Lai là đệ nhất tổ, là sơ tổ, Kim Cang Thủ Bồ Tát là nhị tổ. Vị tổ sư này có quan hệ rất mật thiết với Hoa Nghiêm, vì Ngài chính là Phổ Hiền Bồ Tát trong kinh Hoa Nghiêm. Phổ Hiền Bồ Tát là nhị tổ trong Mật Tông. Trong Mật Tông, không gọi Ngài là Phổ Hiền, mà gọi là Kim Cang Tát Đỏa, hoặc là Kim Cang Thủ Bồ Tát[2]. Hiển và Mật là một Thể, Mật là Mật của Hiển, Hiển là Hiển của Mật. Nói cách khác, Hiển giáo là hiển thuyết của Mật Tông. Mật Tông là mật thuyết của Hiển Giáo, là một, không hai! Vì sao có nhiều phương thức giáo học như thế? Vì căn tánh của chúng sanh khác nhau. Pháp Thân đại sĩ, chư Phật Như Lai luôn tùy thuận tâm của chúng sanh để ứng với khả năng nhận biết của họ. Nói cách khác, Pháp Thân Bồ Tát, chư Phật Như Lai quyết định chẳng khởi tâm động niệm, chúng ta nhất định phải nhận biết rõ ràng điều này.