/ 600
794

Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa

Tập 112

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa

Giảo duyệt: Huệ Trang và Đức Phong


Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, xin mời ngồi xuống. Xin xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang một trăm ba mươi ba, hàng thứ ba, xem từ giữa hàng thứ ba.

“Như Vô Lượng Thọ Kinh Khởi Tín Luận viết” (như Vô Lượng Thọ Kinh Khởi Tín Luận nói), chúng ta xem từ chỗ này. “Bất độ Văn Thù trí hải, nan nhập Phổ Hiền hạnh môn” (chẳng vượt biển trí Văn Thù, khó nhập hạnh môn Phổ Hiền), hai câu này vô cùng quan trọng, đặc biệt nhắc nhở các đồng học học Phật chúng ta nhất định phải coi trọng trí huệ. Trong xã hội hiện thời, nhìn trên hình thức, giáo dục dường như rất phát triển, trường học rất nhiều. Quan sát cẩn thận, tất cả sự giáo dục hiện thời, chúng ta thường nói là giáo dục gia đình, giáo dục trong học đường, giáo dục trong xã hội, cho đến giáo dục tôn giáo, đều chẳng nhấn mạnh trí huệ, chỉ nhấn mạnh kiến thức. Chư vị phải biết: Trí huệ và kiến thức khác nhau, chẳng tương đồng! Trí huệ có thể giải quyết hết thảy vấn đề, giải quyết rất viên mãn, chẳng để lại hậu quả. Kiến thức có hạn chế, nó chẳng thể giải quyết hết thảy vấn đề, có những vấn đề có thể giải quyết được, nhưng cũng có những vấn đề chẳng thể giải quyết, lại còn để lại rất nhiều hậu quả, chúng ta chớ nên chẳng biết điều này! Học rộng nghe nhiều, mà nếu chẳng có trí huệ, sẽ là tri thức (kiến thức). Trí huệ học từ đâu? Trí huệ chẳng lìa Giới, Định, Huệ, nhất định là từ Giới - Định mà khai trí huệ, trí huệ mới thấu lộ. Nói cách khác, người tâm thường ở trong Định, sẽ dễ khai trí huệ. Nếu một kẻ tâm bộp chộp, hời hợt, làm sao có trí huệ cho được? Do vậy, vào thời cổ, tại Trung Quốc, đối với người đọc sách, điều trọng yếu nhất là trong cuộc sống hằng ngày phải thể hiện sự ổn trọng, ít nói, động tác rất thong thả. Như trong kinh, đức Phật đã nêu tỷ dụ: “Na Già thường tại Định, vô hữu bất định thời” (Na Già thường trong Định, chẳng lúc nào bất định). Na Già (Nāgá) là tiếng Phạn, dịch sang nghĩa tiếng Hán là Long, hoặc Tượng. Chúng ta chưa thấy rồng, nhưng đã thấy voi. Quý vị thấy dáng vẻ của con voi, chúng ta gọi [dáng vẻ ấy] là oai nghi, rất ổn trọng, nó đứng ở đó, bước đi cũng rất chậm. Phải học ổn trọng như vậy, hiển thị đang ở trong Định. Trong đời này, tôi đã gặp một người là Chương Gia đại sư, lão nhân gia giống như kinh nói “vô hữu bất định thời” (chẳng lúc nào không định). Ngài nói với tốc độ rất chậm, nói từng chữ một. Tôi nói khá chậm, nhưng so với Chương Gia đại sư, tốc độ của tôi quá nhanh! Tốc độ nói của Ngài hết sức chậm, mỗi câu nói từng chữ một, lại còn giữa mỗi câu nghỉ một chút, chẳng nói tiếp ngay. Đi, đứng, nằm, ngồi vô cùng thong thả. Lúc tôi quen biết Ngài, lão nhân gia sáu mươi lăm tuổi, tôi tin tưởng Ngài đã huấn luyện thành tâm thái như vậy từ nhỏ.

Bởi lẽ đó, gia giáo tại Trung Quốc xưa kia dạy dỗ trẻ nhỏ, từ bé đã dạy con hành động thong thả, dưỡng thành thói quen rất ổn trọng, tâm rất thanh tịnh, rất định, dễ dàng khai trí huệ. Trí huệ có tiểu ngộ, có đại ngộ, có đại triệt đại ngộ. Tiểu ngộ thì gần như mỗi ngày đều có. Đại ngộ một năm cũng có vài lần thì người ấy có trí huệ. Con người hiện tại đòi hỏi tốc độ, chuyện gì cũng đều phải nhanh, nhanh đến mức tâm tánh bộp chộp, hời hợt, chẳng còn ổn trọng, đương nhiên trí huệ cũng chẳng còn nữa, toàn là tri thức, cho nên nẩy sanh vấn đề. Vấn đề nẩy sanh đầu tiên là thân thể chẳng khỏe mạnh, rất nhiều bệnh tật, đến tuổi trung niên sẽ rất rõ rệt. Vào thời cổ, người có bệnh tật quá nửa là lứa tuổi lão niên, chứ trung niên và tráng niên sẽ chẳng có tình trạng ấy, đều là tuổi lão niên. Hiện thời đã sớm hơn, ngay tuổi thanh niên cũng xuất hiện vấn đề, bệnh tật đã lộ ra. Do đó, cầu trí huệ là trọng yếu, học ổn trọng là trọng yếu. Nói cách khác, Giới, Định, Huệ là trọng yếu. Giới học từ chỗ nào? Từ Đệ Tử Quy, Cảm Ứng Thiên, hãy nghiêm túc học tập. Chẳng có hai thứ ấy, nói cách khác, người đó chẳng tĩnh tâm được, chẳng định được, biểu hiện bên ngoài chắc chắn là tâm bộp chộp, vội vàng. Chẳng cần xét ai khác, từ chính mình cũng có thể nhận biết, tật xấu ấy chớ nên không sửa. Do vậy, hai câu ở đây nhắc nhở chúng ta phải khai trí huệ, sau khi đã khai trí huệ rồi thì mới có thể bắt tay học tập hạnh Phổ Hiền. Chẳng phải là kẻ bình phàm không học hạnh Phổ Hiền, kẻ bình phàm cũng học, nhưng chẳng phải là hạnh Phổ Hiền. Thí dụ như “lễ kính chư Phật”, ta thấy người khác đều rất lễ phép, đó có phải là hạnh Phổ Hiền hay không? Chẳng phải! Hạnh của quý vị giống như hạnh Phổ Hiền, là bề ngoài, trong tâm chẳng phải là Phổ Hiền, vì sao? Trong tâm còn có tự tư tự lợi, còn có tiếng tăm, lợi dưỡng, như vậy thì chẳng phải là hạnh Phổ Hiền. Hạnh Phổ Hiền là tâm thanh tịnh, tâm bình đẳng, tâm giác chứ không mê, tu lễ kính chư Phật như vậy chính là hạnh Phổ Hiền. Do đó, hai câu này rất chánh xác, nếu trí huệ đã khai thì ngôn hạnh sẽ tương ứng với hạnh Phổ Hiền. Nay chúng ta học cách nào cũng chẳng giống, chủ yếu là vì tâm chẳng giống!

/ 600