/ 600
828

Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa

Tập 110

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa

Giảo duyệt: Huệ Trang và Đức Phong


Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, xin mời ngồi xuống. Xin xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang một trăm hai mươi chín, xem từ giữa dòng thứ hai từ dưới đếm lên:

“Gia Tường Sớ vân: Tam hữu chi khổ (tức tam giới sanh tử), cố vân tam khổ. Chân Giải vị ‘Tường thích vi ổn’ (chỉ Gia Tường sư chi thích cánh vi ổn thỏa)” (Gia Tường Sớ viết: “Do [dựa trên] các nỗi khổ trong Tam Hữu (tức tam giới sanh tử) mà nói là Tam Khổ”. Sách Chân Giải nhận định: “Tường thích vi ổn”, ý nói cách giải thích của ngài Gia Tường rất ổn thỏa), ổn trọng, thỏa đáng. Trước hết, chúng ta nói đến Tam Hữu. Đây là danh từ Phật học. Tam là tam giới, theo lời chú thích trong ngoặc đơn, chính là Dục Giới Hữu, Sắc Giới Hữu, Vô Sắc Giới Hữu, nên gọi là Tam Hữu. Hữu (有) là gì? Có nhân. Có nhân, đương nhiên có quả báo. Hữu ở đây là có nhân. Chúng ta có cái nhân Dục Giới, gặp duyên, hiện tượng Dục Giới bèn hiện tiền. Sắc Giới là phân biệt, Vô Sắc Giới là vọng tưởng, kinh Hoa Nghiêm nói là “chấp trước, phân biệt, vọng tưởng”. Đương nhiên [trong tam giới] ba thứ ấy đều có, chỉ là xét coi thành phần nào nhiều nhất [trong mỗi cõi]. Dục Giới chấp trước vô cùng nghiêm trọng, lại còn kèm thêm phân biệt và vọng tưởng, đó là cái nhân của Dục Giới. Sắc Giới chấp trước nhẹ nhàng, nhưng phân biệt khá nặng, đó là Sắc Giới. Tuy nói khá nặng, vẫn nhẹ hơn Dục Giới rất nhiều, rốt cuộc người ta ở trong mười tám tầng trời của Sắc Giới. Vô Sắc Giới hoàn toàn là mê hoặc, tức là vọng tưởng, nên họ chưa thể giác ngộ, chưa thể vượt thoát tam giới. Tam giới là lục đạo, vượt thoát tam giới cũng là vượt thoát lục đạo luân hồi. Nói theo Phật pháp, chúng là Kiến Tư phiền não, Trần Sa phiền não, và Vô Minh phiền não. Ba thứ phiền não ấy đều trọn đủ nên Tam Hữu đều khổ, quả báo ở trong tam đồ lục đạo, rất khó vượt thoát. Có thể nói là chẳng gặp Phật pháp thì về căn bản là chẳng thể nào vượt thoát. Trong các tôn giáo có giáo dục rất tốt, quá nửa là dạy quý vị đoạn ác tu thiện. Thật sự có thể đoạn ác tu thiện thì trong lục đạo chỉ có thể giữ sao cho chẳng đọa trong tam ác đạo, luân chuyển trong hai đường trời - người, trạng huống ấy vẫn tốt hơn trong tam ác đạo rất nhiều, bởi đó là phước báo nhân thiên. Phước nhất định phải do chính mình tu. Một đoạn kinh văn dài trong phần trước nhằm dạy chúng ta tu phước. Tu phước còn phải có trí huệ, có trí huệ thì quý vị mới nhận biết phước điền thật sự. Nếu quý vị chẳng nhận biết phước điền thật sự, ngỡ giả là thật, không chỉ chẳng gieo phước, mà còn gây tạo tội nghiệp, lầm mất rồi! Vì vậy, trí huệ rất trọng yếu. Kinh Đại Thừa còn gọi ba thứ phiền não ấy là Kiến Tư Thập Sử, toàn là nói đến chấp trước, là một vấn đề nghiêm trọng trong lục đạo. Kiến (見) là năm loại sai lầm to lớn trong cách nhìn, Tư (思) là tham, sân, si, mạn, nghi, năm thứ ấy là tư tưởng sai lầm, tạo thành nghiệp nhân sanh tử trong tam giới, đó là các nỗi khổ trong Tam Hữu. Đối với cách giải thích này của ngài Gia Tường, pháp sư Đạo Ẩn của Nhật Bản cũng khẳng định cách giải thích ấy rất hay.

Chúng ta xem phần kế tiếp: “Cái trừ Tam Hữu sanh tử chi khổ, cánh hợp Tịnh Tông chi chỉ” (Bởi lẽ, trừ bỏ nỗi khổ sanh tử trong Tam Hữu càng hợp với tông chỉ của Tịnh Tông), [nói về] tông chỉ tu học của Tịnh Độ Tông chúng ta. “Chân Giải thích kinh văn viết: Như Lai đại y vương, năng tri kỳ bệnh, ứng bệnh dữ dược, trị Tam Hữu chi khổ. Bệnh hữu chúng đa, pháp dược diệc đa, cố vân chư pháp dược” (Sách Chân Giải giải thích kinh văn như sau: “Như Lai đại y vương biết các bệnh, ứng theo căn bệnh mà cho thuốc để trị nỗi khổ trong Tam Hữu. Do có nhiều loại bệnh, nên pháp dược cũng nhiều. Vì thế, nói là chư pháp dược”), đây là một đoạn giải thích trong sách Chân Giải. Như Lai là nói hết thảy chư Phật đều gọi là Như Lai. Sánh ví chúng sanh trong lục đạo và trong mười pháp giới giống như các bệnh nhân. Trong bốn thánh pháp giới, bệnh nhẹ hơn một chút, chúng sanh trong lục đạo bị bệnh rất nghiêm trọng, vô cùng nghiêm trọng. Những vị ấy biết hết thảy chúng sanh mắc bệnh gì, chư Phật Như Lai biết, vì sao các Ngài biết? Các Ngài đã kiến tánh, mấu chốt của căn bệnh ở chỗ nào, không gì chẳng biết. Chỉ cần kiến tánh thì không gì chẳng biết, không gì chẳng thể. Quý vị biết cái gốc bệnh của họ ở chỗ nào, bèn ứng theo chứng bệnh mà cho thuốc. Uống thuốc vào, hết bệnh, thật sự chữa lành bệnh. Vì thế, [nói là] “ứng bệnh dữ dược”. Toàn là tỷ dụ chúng sanh lắm nỗi mê hoặc, lắm tập khí phiền não, nên tạo tác vô lượng vô biên tội nghiệp. Những gì quý vị đã tạo nhất định phải thọ báo, chẳng phải là “tạo rồi bèn hết chuyện!” Đức Phật dạy chúng ta tu pháp môn sám hối, tội từ tâm khởi thì vẫn phải dùng tâm để sám. Sám trừ nghiệp chướng, tội bèn tiêu. Tội đã tiêu, có phải là nghiệp chướng chẳng còn nữa hay không? Không luôn luôn là như thế! Vì sao? Trong tâm chúng ta đã chẳng còn nghiệp chướng, nhưng ta tổn thương, làm hại các chúng sanh, họ còn có nghiệp chướng hay không? Nếu họ vẫn còn có nghiệp chướng, sẽ ghi hận, oán cừu chẳng báo chẳng được! Ta tuy thành Phật, thành Bồ Tát, vẫn là đối tượng báo cừu của họ.

/ 600