/ 600
919

Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa

Tập 109

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa

Giảo duyệt: Huệ Trang và Đức Phong


Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, xin mời ngồi xuống. Xin xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải trang một trăm hai mươi chín, dòng thứ bảy, xem từ câu cuối cùng: “Hựu Câu Xá Luận hữu tứ phước điền”, (lại nữa, Câu Xá Luận nói có bốn loại phước điền), xem từ chỗ này.

“Nhất, thú điền, súc sanh dã” (Một là thú điền, tức súc sanh). “Trữ công đức, thị phước điền”, câu kinh văn này chỉ dạy chúng ta phải tu phước. Trong giáo pháp Đại Thừa thường nói “phước điền tâm chủng” (vun trồng cái tâm phước điền), chúng ta nhất định phải giữ thiện tâm, phải có thiện ý đối đãi hết thảy hữu tình chúng sanh. Nếu chúng ta có thể đối đãi súc sanh bằng lòng thương yêu, che chở, đương nhiên sẽ chẳng thể hại người. Do vậy, trong bốn loại phước điền, Câu Xá Luận xếp súc sanh đầu tiên rất hữu lý. Chẳng hạn như đối với muỗi, trùng, kiến mà chúng ta đều yêu thương, che chở, chẳng tổn hại chúng nó, đương nhiên sẽ chẳng gây tổn thương cho những loài động vật lớn, đó là đạo lý nhất định. Tiểu động vật mà quý vị đều yêu thương, che chở, sẽ chẳng làm hại loài to hơn, càng chẳng thể tổn thương, làm hại loài người. Dụng ý ở chỗ này, chúng ta chớ nên không biết.

Thứ hai là “khổ điền”: Thấy kẻ bần cùng, khốn khổ, chúng ta nhất định phải tận tâm tận lực giúp đỡ họ. Chưa đủ sức, người khác bần cùng, khốn khổ, ta cũng bần cùng, khốn khổ, ta chẳng thể giúp kẻ ấy về tài lực thì cũng nên tụng kinh, niệm Phật hồi hướng, cầu phước cho kẻ ấy hòng giúp đỡ kẻ ấy. Nếu có duyên phận có thể tiếp xúc với họ, phải giảng rõ ràng, minh bạch những đạo lý sau đây: Vì sao một đời này chúng ta gặp cảnh bần cùng, khốn khổ? Đó là quả báo. Quả nhất định phải có nhân, chúng ta thật sự có thể tìm ra cái nhân, tiêu trừ từ cái nhân, quả báo sẽ được thay đổi tốt đẹp hơn. Trong các kinh điển giảng về nhân quả, những chuyện này được giảng rất tỉ mỉ, rất rõ ràng. Kinh phổ biến nhất mà chúng ta đều có thể xem là Thái Thượng Cảm Ứng Thiên của Đạo Gia, trong ấy đã nêu ra thiện nhân, thiện quả, ác nhân, ác báo, tổng cộng một trăm chín mươi lăm điều. Chúng ta phải hiểu rõ ràng, rành rẽ một trăm chín mươi lăm điều ấy, đều có thể thực hiện được, trong một đời này, chúng ta sẽ thật sự lìa khổ được vui. Chúng ta hãy đối chiếu những khổ nhân đã nói trong ấy với những khổ báo [trong hiện thời] của chúng ta, sẽ tìm được cái nhân để sửa đổi nó. Chẳng có cách nào sửa đổi quả, vì nó đã chín muồi, nhưng có thể thay đổi nhân. Nếu ta không tạo cái nhân ấy, cái quả ấy sẽ dần dần chẳng còn hiện tiền nữa. Chúng ta mong có quả báo tốt đẹp, nhất định phải tạo nhân tốt đẹp.

Thời cổ, giáo dục chẳng phát triển như hiện thời, tôi nói lời này cũng phạm khuyết điểm, vì sao? Thời cổ thật sự có giáo dục! Tuy hiện thời, trường học rất nhiều, nhưng chẳng phải là giáo dục, chẳng giống như giáo dục vào thuở xưa tại Trung Quốc. Vào thời cổ, trường học ở Trung Quốc là giáo dục, tốt đẹp mọi lẽ, dạy quý vị làm người như thế nào, làm một người tốt ra sao. Đó là giáo dục. Mục đích giáo học trong giáo dục truyền thống của Trung Quốc chính là ba cương lãnh đã được giảng rất minh xác, rất rõ ràng trong sách Đại Học, mục đích giáo dục là đâu? Ở trong “minh minh đức, thân dân, chỉ ư chí thiện”, đó là mục đích giáo dục thuở trước. Nói đơn giản hơn một chút, dùng một chữ để nêu rõ thì sẽ là như Tam Tự Kinh đã nói: “Nhân chi sơ, tánh bổn thiện”, mục đích giáo dục là khiến cho chúng ta trở về bổn thiện; đấy là mục đích giáo dục của Trung Quốc trước kia. Hiện thời, chẳng thể tìm được một nền giáo dục như vậy, chẳng còn nữa! Giáo dục hiện thời là [chú trọng rèn luyện] kỹ thuật, kỹ năng, giúp quý vị kiếm được một việc làm trong xã hội hòng mưu sinh, lấy đó làm mục đích. Nói cách khác, nhằm mục đích kiếm lợi, ích kỷ, lấy kiếm lợi làm mục đích, hoàn toàn tương phản thời cổ. Người xưa đọc sách “chí tại thánh hiền” (chí mong thành thánh, thành hiền), vì sao ta đọc sách? Ta mong làm thánh nhân hay làm hiền nhân, thánh hiền là trở về bổn thiện. Mục đích học hành khác nhau.

Mưu sinh trong xã hội chẳng trọng yếu! [Cổ nhân quan niệm] “trời đã sanh ra ta, đương nhiên ta sẽ có cái ăn, chẳng bị chết đói, làm người mới là quan trọng”. Quý vị thấy hiện thời, trong xã hội hiện tại, những người trẻ tuổi biết làm việc, chứ không biết làm người. Giáo dục thời cổ là vừa biết làm người vừa biết làm việc. Vì sao? Trước hết, dạy quý vị làm người rồi mới dạy quý vị làm việc. Làm người chẳng xong, chẳng cần nói tới làm việc nữa! Từ Luận Ngữ, quý vị thấy Khổng lão phu tử dạy học trò những gì? Thứ nhất là đức hạnh, thứ hai là ngôn ngữ, thứ ba mới là chánh sự, “chánh sự” (政事) là khả năng làm việc. Trong tương lai, quý vị muốn theo đuổi một nghề nghiệp nào, sau khi học xong, quý vị có thể kiếm sống. Đức hạnh và ngôn ngữ được xếp trước, cuối cùng mới là văn học, văn học là nghệ thuật, nhằm nâng cao phẩm chất cuộc sống của chính mình. Đó là chuyện cuối cùng. Người hiện thời gọi điều này là “giá trị quan” (cách nhận định giá trị), thời cổ chẳng có danh từ này. Giáo học thời cổ theo giá trị quan nào? Giá trị quan của thánh hiền, giá trị quan của quân tử. Hiện thời điên đảo, người hiện tại chỉ cần học sao cho có khả năng kiếm tiền là được rồi, chẳng cần học làm người, nên xã hội rối loạn. Xã hội vừa loạn, địa cầu liền bị bệnh. Quý vị thấy chánh báo của chúng ta xuất hiện vấn đề, y báo bèn trục trặc theo! Y báo là hoàn cảnh sống của chúng ta. Hoàn cảnh sống chẳng tách rời địa cầu, trong một hai năm qua, các thứ tai biến trên địa cầu chưa hề thấy trong lịch sử quá khứ. Có người hỏi vì sao biến thành nông nỗi này? Trong kinh Phật đã có câu trả lời: “Y báo chuyển theo chánh báo”. Câu trả lời ấy của đức Phật hay quá, đã làm sáng tỏ mọi nghi vấn, lo âu của quý vị. Vì sao biến thành nông nỗi ấy? [Y báo] chuyển theo chánh báo của quý vị, chánh báo là gì? Ý niệm. Ý niệm của chúng ta bất thiện, chẳng biết tu phước, khởi tâm động niệm, ngôn ngữ, tạo tác, không gì chẳng phải là tội, giống như kinh Địa Tạng đã dạy. Chúng ta tạo những gì thì sẽ hứng chịu những thứ ấy, chớ nên không biết điều này! Không chỉ Nho, Thích, Đạo tại Trung Quốc giảng đạo lý này, chúng ta quan sát cẩn thận, gần như trong kinh điển của các đại tôn giáo trên thế giới đều giảng điều này. Thiện tâm, thiện hạnh sẽ có thiện báo, tâm hạnh bất thiện sẽ mắc ác báo. Đối với cá nhân, [ác báo] nhỏ là thân thể chúng ta nhiễm bệnh, bị bệnh khổ, đó là nhỏ; [ác báo] lớn sẽ biến thành tai nạn. Nếu đại đa số người trong xã hội tạo tác bất thiện, vấn đề sẽ nghiêm trọng. Kẻ tạo tác bất thiện rất đông, người thật sự hành thiện gần như tìm không ra, vấn đề bèn nghiêm trọng.

/ 600