/ 600
574

Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa

Tập 108

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa

Giảo duyệt: Huệ Trang và Đức Phong

 

  Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, xin mời ngồi xuống. Xin xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang một trăm hai mươi tám, dòng thứ hai đếm từ dưới lên, xem từ câu “điều chúng sanh, tuyên diệu lý”, chúng ta hãy đọc đoạn văn này.

  “Điều chúng sanh, tuyên diệu lý. Điều giả, hòa dã. Chúng sanh giả, nhất thiết hữu tình dã. Tuyên giả, thị dã. Diệu lý giả, Thật Tướng chi Lý Thể, diệc tức Pháp Hoa Phật chi tri kiến dã. Khai Phật tri kiến, thị Phật tri kiến, nãi tuyên diệu lý dã” (“Điều chúng sanh, tuyên diệu lý”: “Điều” là điều hòa. “Chúng sanh” là hết thảy các hữu tình. “Tuyên” là chỉ dạy. “Diệu lý” là Thật Tướng Lý Thể, mà cũng chính là “tri kiến của Phật” trong kinh Pháp Hoa. Khai tri kiến của Phật, chỉ bày tri kiến của Phật, chính là “tuyên diệu lý”). Chúng ta xem đoạn này, đoạn này thuộc về hạnh môn thù thắng của Phổ Hiền. Đoạn trước giảng về phá mê khai ngộ, vô cùng trọng yếu. Nếu chúng ta mê chẳng giác, chư Phật, Bồ Tát dẫu từ bi cũng chẳng giúp được. Do vậy, đặt phá mê khai ngộ lên trước, rồi sau đấy mới dạy chúng ta lìa khổ được vui như thế nào. Kinh giáo được xếp theo thứ tự thuận như thế đã ban cho chúng ta một khải thị rất lớn, khiến cho chúng ta nghĩ trong giáo pháp Đại Thừa thường nói: “Phật độ kẻ hữu duyên”. Kẻ hữu duyên là ai? Kẻ có thể tín, giải, hành, chứng, đó là kẻ hữu duyên. Điều kiện thứ nhất đối với kẻ hữu duyên là kẻ ấy có trí huệ, có năng lực phân biệt đúng, sai, tà, chánh. Thiếu điều kiện này sẽ không được. Thiếu điều kiện này thì Phật xuất hiện, Bồ Tát xuất hiện, kẻ ấy chẳng tin tưởng. Phật, Bồ Tát vì kẻ ấy thị hiện, diễn nói, kẻ ấy nghe nhưng chẳng hiểu, đúng là vô duyên, nên chư Phật, Bồ Tát dẫu từ bi vẫn chẳng thể gia hộ. Trọn đủ điều kiện trên đây, giác chứ chẳng mê, hễ tiếp nhận kinh văn này sẽ bèn bi và trí cứu khổ. Bồ Tát giúp chúng ta lìa khổ được vui, thứ nhất là tâm đại bi, tâm từ bi thúc đẩy. Tâm từ bi ấy lưu lộ từ tự tánh, nó là Tánh Đức. Chỉ cần kiến tánh, nó sẽ tự nhiên lưu lộ. Lòng từ bi ấy chẳng có điều kiện, nên kinh thường nói “vô duyên Đại Từ, đồng thể Đại Bi”. Từ là giúp kẻ khác được vui, Bi là giúp người khác lìa khổ, đều chẳng có điều kiện. “Vô duyên” là vô điều kiện, hãy nên làm theo cách như vậy, giống như lòng yêu thương, che chở của cha mẹ đối với con cái chẳng có điều kiện. Chư Phật, Bồ Tát sau khi minh tâm kiến tánh, biết hết thảy chúng sanh và chính mình là một Thể. Đã là một Thể, đương nhiên chẳng có điều kiện gì để nói, nên gọi là Đồng Thể Đại Bi. Chúng ta có thể tin, hiểu, hành theo lời các Ngài đã nói.

  “Điều chúng sanh”: Điều (調) là điều hòa (調和). Cổ thánh tiên hiền Trung Quốc cũng rất coi trọng chữ Hòa này, “hòa vi quý” (hòa thuận là đáng quý). Hết thảy chúng sanh sống trên cuộc đất này, cùng sống trên quả địa cầu này, nếu bất hòa sẽ có tai nạn, thiên tai lẫn nhân họa đều xảy ra. Bí quyết mầu nhiệm nhất để hóa giải những tai nạn ấy là Hòa; do vậy, Hòa là quý. Con người hòa hợp, chiến tranh chẳng có, tai họa do con người gây ra chẳng có. Nếu con người hòa hợp, núi, sông, đại địa, cây cối, hoa cỏ đều hòa hợp, thiên tai chẳng có. Nếu bất hòa, phiền phức gì cũng đều xuất hiện; do vậy, phải điều hòa. Chúng sanh, ở đây nói là “hết thảy hữu tình chúng sanh”, [bởi lẽ], trong hết thảy chúng sanh, hữu tình trọng yếu nhất, vì sao? Hữu tình có thể nẩy sanh biến hóa, [khiến cho] vô tình chúng sanh bị biến hóa theo. Chúng (vô tình chúng sanh) chẳng chủ động, không thể chủ động, mà thuận theo hữu tình chúng sanh. Hữu tình chúng sanh tâm thái thiện lương, vô tình chúng sanh cũng thiện lương theo. Nay chúng ta gọi “hữu tình chúng sanh” là “động vật”, trong các động vật, con người lanh lợi nhất. Con người sở dĩ khác với hết thảy động vật là vì con người có thể hiểu lý, thông suốt đạo lý, con người biết sống tùy thuận quy luật thiên nhiên. Con người là như thế đó, tùy thuận thiên nhiên là tùy thuận Pháp Tánh, đó là thiện lương.

  Chúng ta thấy người thật sự giác ngộ là ai? Người sống trong Nhất Chân pháp giới, ai nấy đều giác ngộ, chẳng phải là giác ngộ bình phàm, mà là bậc đại triệt, đại ngộ, minh tâm kiến tánh như trong giáo pháp Đại Thừa đã nói, người như vậy đó! Vì thế, những người ấy mới là hòa hài đúng tiêu chuẩn. Vì sao? Chẳng có chính mình, phá trừ Ngã Chấp, như trong kinh Kim Cang đã nói “vô ngã tướng, vô nhân tướng, vô chúng sanh tướng, vô thọ giả tướng”, họ ở trong cảnh giới ấy. Không chỉ lìa khỏi hết thảy huyễn tướng, chẳng còn chấp trước nữa, chẳng phân biệt, mà ngay cả ý niệm cũng chẳng có nữa. Nửa sau kinh Kim Cang nói “vô ngã kiến, vô nhân kiến, vô chúng sanh kiến, vô thọ giả kiến”. Kiến (見) là ý niệm, chẳng có ý niệm thì đương nhiên là một bầu hòa hài, người Trung Quốc nói là “một bầu hòa khí”, [điều này] được thấy trong cõi Thật Báo Trang Nghiêm của chư Phật Như Lai. Cõi Thật Báo ở chỗ nào? Trong giáo lý Nhất Thừa, đức Phật đã giảng lời chân thật là “đương hạ, đương xứ” (ngay lập tức, ngay tại nơi đây). Một mai cư dân trên địa cầu giác ngộ, ý niệm vừa chuyển, nơi đây sẽ là Thật Báo Trang Nghiêm, nơi đây là Nhất Chân pháp giới. Vì sao? Chúng tôi đã tuyên giảng nguyên lý và nguyên tắc nhiều lần: “Hết thảy các pháp sanh từ tâm tưởng”. Tư tưởng của chúng ta cong vẹo, lầm lỗi, nên hết thảy các tai nạn hiện tiền. Nếu tư tưởng thiện lương, thuần chánh, hết thảy các tai nạn đều chẳng có. Vì vậy, tai nạn chẳng phải là thật, trong nhãn quan của chư Phật, Bồ Tát, chúng là hư huyễn, chẳng thật sự tồn tại. Đây là nói rõ về sự trọng yếu của Hòa.

/ 600