/ 600
834

Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa

Tập 107

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa

Giảo duyệt: Huệ Trang và Đức Phong


Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, xin mời ngồi xuống. Xin xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang một trăm hai mươi bảy, dòng thứ sáu từ dưới đếm lên, xem từ câu “phá phiền não thành”.

“Phá phiền não thành (kiến Đường dịch). Phiền não giả, tham, sân, si đẳng, phiền tâm, não thân, cố danh phiền não” (“Phá phiền não thành” (câu này trích từ bản Đường dịch). Phiền não là phiền tâm, não thân, nên gọi là “phiền não”). Trước hết, giới thiệu đơn giản danh từ “phiền não”. Vì sao gọi nó là “phiền não”? Nó khiến cho tâm quý vị phiền muộn, khiến cho thân quý vị khổ não, nên gọi là “phiền não”. Tham, sân, si là cội rễ của phiền não, vô lượng vô biên phiền não đều sanh từ chỗ này. Trong Phật pháp, ba cội rễ ấy được gọi là Tam Độc Phiền Não, đúng là bẩm sanh. Tiếp theo đó, sách viết: “Hựu tham, sân, si, mạn, nghi, Thân Kiến, Biên Kiến, Tà Kiến, Kiến Thủ, Giới Thủ” (lại nữa, tham, sân, si, mạn, nghi, Thân Kiến, Biên Kiến, Tà Kiến, Kiến Thủ, Giới Thủ), những thứ này được gọi chung là “mười loại phiền não”. Mười loại phiền não này còn gọi là Kiến Tư phiền não. “Thiên Thai Tông dĩ Kiến Tư, Trần Sa, Vô Minh Tam Hoặc xưng vi tam phiền não” (Thiên Thai Tông gọi Kiến Tư, Trần Sa, Vô Minh Tam Hoặc là ba phiền não). Các phiền não này được quy nạp lại thành ba loại lớn: Thứ nhất là Kiến Tư. Kiến Tư là mười loại phiền não đã nói trên đây, mười thứ phiền não ấy được gọi là Kiến Tư phiền não. [Hai loại kia là] Trần Sa và Vô Minh, trong phần trước, chúng ta cũng thường nhắc tới [hai loại này]. Tham là tham ái, Sân là sân khuể, [Si là] ngu si, [Mạn là] ngạo mạn, [Nghi là] hoài nghi. Hoài nghi ở đây chẳng phải là hoài nghi thông thường, mà là nghi ngờ Phật pháp, tức là hoài nghi thánh giáo, hoài nghi giáo huấn của thánh nhân. Đó là phiền não nghiêm trọng.

Trong kinh Đại Thừa, đức Phật đã nói đến khởi nguyên của vũ trụ, đây là một vấn đề căn bản trong Phật pháp, triết học và khoa học. Mãi cho đến hiện thời, khoa học và triết học vẫn chưa thể hiểu rõ ràng, minh bạch vấn đề này. Trong mấy năm gần đây nhất, do Lượng Tử Lực Học xuất hiện, chuyện này đã có cách giải thích mới mẻ. Họ tìm ra cách giải thích mới, cách giải thích mới mẻ ấy hết sức gần với kinh Phật. Nói theo Phật pháp, kinh Đại Thừa thường nói: “Nhất niệm bất giác nhi hữu vô minh” (do một niệm bất giác bèn có vô minh), từ vô minh biến hiện A Lại Da. Chân tâm là tự tánh. Tự tánh là chân tâm, A Lại Da là vọng tâm; Vọng do đâu mà có? Đương nhiên chẳng thể rời Chân; rời khỏi Chân há có hư vọng? Giống như chúng ta đứng dưới ánh nắng bèn có bóng, cái bóng ấy là hư vọng. Bóng do đâu mà có? Do thân người mà có. Nếu chẳng có thân người, lấy đâu ra bóng? Chúng ta sánh ví thân người như tự tánh, bóng là A Lại Da. Tự tánh chẳng phải là vật chất, mà cũng chẳng phải là tinh thần, thứ gì cũng đều chẳng phải, trong Tịnh Tông gọi là Thường Tịch Quang. Đồng học Tịnh Tông đều biết Tây Phương Cực Lạc thế giới có bốn cõi, ba bậc, chín phẩm. Bốn cõi là Thường Tịch Quang Tịnh Độ, Thật Báo Trang Nghiêm Độ, Phương Tiện Hữu Dư Độ, và Phàm Thánh Đồng Cư Độ. Cõi Phàm Thánh Đồng Cư tương đương với lục đạo luân hồi nơi này, cõi Phương Tiện Hữu Dư tương đương với bốn thánh pháp giới trong thế giới của chúng ta. Đối với Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ Tát, Phật, cõi Thật Báo giống nhau, cõi Thường Tịch Quang cũng giống nhau. Thường Tịch Quang là bản thể, không đâu chẳng tồn tại, không lúc nào chẳng hiện hữu, nó là Lý Thể của vạn sự vạn vật trong vũ trụ.

Vọng tâm xuất hiện, A Lại Da xuất hiện. A Lại Da có ba tánh chất. Phật pháp gọi [ba tánh chất ấy] là ba tế tướng, hết sức vi tế, rất khó thấy. Nói theo giáo pháp Đại Thừa, Bát Địa Bồ Tát mới thấy [ba tế tướng ấy]. Đây là nói đến công phu định lực, phải đạt đến mức độ sâu như Bát Địa, tức là đại định rất sâu mới thấy được! Trên Bát Địa còn có Cửu Địa, Thập Địa, Đẳng Giác, và Diệu Giác; do vậy, trong hàng Bồ Tát, kể cả [địa vị] Phật, trong bốn mươi hai địa vị thì năm địa vị tột đỉnh sẽ có thể thấy [ba tế tướng ấy], đương nhiên [những tế tướng ấy] chẳng phải là giả. Một người trông thấy, chưa chắc đã là thật, nhưng chỉ cần chứng đắc từ Bát Địa trở lên, quý vị đều thấy, [tức là những tế tướng ấy] chẳng phải là giả! Do vậy, [cảnh giới] trong Thiền Định là cảnh giới Hiện Lượng, nó có ba tánh chất gì? Nó bao quát [các đặc tánh sau đây], nếu dùng danh từ hiện thời để nói, nó có năng lượng, có hiện tượng vật chất, và hiện tượng thông tin. Thông tin là hiện tượng tinh thần, chúng ta thường nói tinh thần là Thọ, Tưởng, Hành, Thức, nó có hiện tượng ấy. Những hiện tượng ấy do đâu mà có? Đều là vốn sẵn trọn đủ trong tự tánh, trong tự tánh sẵn có. Bất quá là bị mê. Tự tánh bị mê bèn gọi là A Lại Da, A Lại Da khiến cho những hiện tượng ấy bị biến chất. Trong tự tánh có trí huệ, có đức năng, có tướng hảo, hễ một thứ bị mê, toàn bộ sẽ bị biến đổi, trí huệ biến thành phiền não, ở đây chúng ta nói là Kiến Tư phiền não. Nói theo tông Thiên Thai, phạm vi sẽ to lớn, Kiến Tư, Trần Sa, và Vô Minh hoàn toàn là trí huệ Bát Nhã vốn sẵn có trong tự tánh bị biến chất, biến thành những thứ ấy. Đức năng biến thành tạo nghiệp, khởi tâm động niệm, tạo tác hết thảy nhiễm, tịnh, thiện, ác, cội nguồn của chúng là đức năng trong tự tánh. Lục đạo, mười pháp giới vốn là tướng hảo trong tự tánh, toàn bộ đã bị biến chất, nên trong kinh đức Phật thường nói: “Hết thảy các pháp sanh từ tâm tưởng”. Đức Phật lại thường dạy chúng ta, điều này được nói trong kinh Hoa Nghiêm, vũ trụ và vạn pháp được hình thành như thế nào? “Duy tâm sở hiện, duy thức sở biến”. Cái có thể hiện, có thể sanh là tâm chúng ta; nó có thể biến, sanh ra vô lượng vô biên biến hóa, đó là thức của chúng ta khởi tác dụng. Thức là gì? Phân biệt, chấp trước! Phân biệt, chấp trước bèn sanh ra biến hóa. Chẳng có phân biệt, chấp trước, nó bèn hiện tướng, chẳng nẩy sanh biến hóa, nó có thể hiện ra. Vì thế, cõi Thật Báo Trang Nghiêm là do tâm hiện, trong ấy chẳng có biến hóa vì chẳng có phân biệt, chấp trước.

/ 600