/ 600
742

Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa

Tập 106

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa

Giảo duyệt: Huệ Trang và Đức Phong


Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, xin mời ngồi xuống. Xin xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang một trăm hai mươi sáu, xem từ dòng thứ nhất, coi từ chữ Chánh Giác trong dòng thứ nhất.

“Chánh Giác giả, Như Lai chi Thật Trí, cố thành Phật viết thành Chánh Giác. Tối Chánh Giác giả, sùng hiển Phật giác chi vô thượng viên mãn cứu cánh” (Chánh Giác là Thật Trí của Như Lai, vì thế, thành Phật được gọi là “thành Chánh Giác”. Tối Chánh Giác: Đề cao, hiển thị sự giác ngộ của Phật là vô thượng viên mãn rốt ráo). Đoạn này về tướng thứ sáu (tức “thành đạo”) trong tám tướng thành đạo, kinh văn chỉ có hai câu: “Đắc vi diệu pháp, thành Tối Chánh Giác”, đoạn này nhằm giải thích Tối Chánh Giác là gì. Trong phần trước, tôi có nói lão cư sĩ Niệm Tổ đã trích dẫn kinh luận nhằm giải thích từ ngữ “đắc vi diệu pháp”“khế Thế Tôn chi Phật trí”, tức là khế nhập [Phật trí của đức Thế Tôn], “nhập Thật Tướng chi diệu lý” là thành Chánh Giác. Nay lại giải thích, “Chánh Giác giả, Như Lai chi Thật Trí” (Chánh Giác là Thật Trí của Như Lai). [Hễ nói] Như Lai thì quá nửa là nói về tự tánh, là tự tánh của đương nhân. Trong kinh Phật thường nói “đương nhân” thì “đương nhân” (當人) là chính mình, “đương xứ” (當處) là ở ngay nơi đây, cho nên gọi là “đương hạ” (當下: ngay nơi đây, ngay trong lúc này). Trong tự tánh của chính chúng ta vốn sẵn có trí huệ chân thật, trí huệ ấy chẳng giả. Trí huệ chân thật vĩnh viễn chẳng mất đi, vĩnh viễn tồn tại. Không chỉ trí huệ là như thế, mà đức năng cũng là như thế, tướng hảo cũng là như thế, chẳng có một pháp nào không như vậy, pháp nào cũng đều là như vậy, vì hết thảy các pháp chẳng lìa tự tánh, đều do tự tánh biến hiện. Ở đây, cổ đại đức có một tỷ dụ, sánh ví tự tánh như vàng, vàng ròng, sánh ví vạn pháp như các món vật làm bằng vàng, dùng vàng ròng làm thành các dụng cụ. Thí dụ như phổ biến nhất là đồ trang sức, nhẫn, xuyến, vòng đeo cổ, những món trang sức ấy, lắm thứ kiểu dáng, chẳng có cùng tận. Năm xưa tôi ở Mỹ, chúng tôi có một vị đồng tu là cư sĩ Trần Đại Xuyên kinh doanh đồ trang sức. Ông ta làm đồ trang sức giả, tức là [đồ bằng] vàng mạ, chẳng phải là vàng ròng, làm vô cùng xinh đẹp, lại vừa rẻ. Hàng bán hết sức chạy, bán khắp cả thế giới. Có lần, ông ta dẫn tôi đến thăm phòng trưng bày, phòng trưng bày ấy to gần gấp đôi studio của chúng ta, những sản phẩm trong ấy ước chừng gần hai vạn loại, quý vị đến xem, đẹp đẽ khôn xiết, thật xinh đẹp! Người ngoại quốc rất thích những món ấy, chúng hết sức đẹp đẽ, trông còn đẹp hơn đồ thật. Mất đi cũng chẳng đáng giá mấy. Một món đắt nhất cũng không hơn mười mấy đồng, đại khái chẳng thể nào mắc hơn hai mươi đồng. Quý vị thấy giá thành rất thấp, rất đẹp, ai đến cũng mua vài món, có thể thường thay đổi để đeo. Quý vị thấy làm ra mấy vạn thứ, hình dạng khác nhau, chúng được gọi là “khí” (器:vật dụng). Tất cả hết thảy các món trang sức có chất liệu đều là hoàng kim, nó là vàng mạ. Cổ đức dùng tỷ dụ này, sánh ví “dĩ kim tác khí, khí khí giai kim” (dùng vàng làm đồ vật, món nào cũng đều là vàng), “vàng” ấy chính là Thật Trí của Như Lai được nói đến ở đây. Chỉ cần quý vị chứng đắc, tìm được trí huệ chân thật trong tự tánh, tác dụng sẽ vô cùng.

Do vậy, Phật được gọi là Tối Chánh Giác, Tối Chánh Giác “sùng hiển”, Sùng (崇) là sùng thượng (đề cao), tôn sùng, Hiển (顯) là hiển thị, “Phật giác chi vô thượng viên mãn cứu cánh” (sự giác ngộ của Phật vô thượng viên mãn rốt ráo). Ba hình dung từ này hay lắm! Vô Thượng là chẳng có gì cao hơn, nó có thể sanh ra vạn pháp. Viên Mãn là chẳng có mảy may khuyết hãm nào. Cứu Cánh là đạt tới chỗ tột bậc. Đây là nói về trí huệ hiện tiền, đức năng cũng là vô thượng viên mãn rốt ráo, tướng hảo cũng như thế. Cũng có thể nói là chẳng có pháp nào không phải là vô thượng viên mãn rốt ráo. Chỗ như vậy ở nơi đâu? Tây Phương Cực Lạc thế giới là như vậy, thế giới Hoa Tạng của Tỳ Lô Giá Na Phật được nói trong kinh Hoa Nghiêm cũng là như vậy, báo độ của hết thảy chư Phật đều là như vậy. Vì sao? Có thể tiến nhập báo độ của Như Lai là ai? Đều là những người tu hành đã đạt địa vị, vọng tưởng, phân biệt, chấp trước thảy đều buông xuống. Do vậy, thế gian ấy là một thế gian bình đẳng, chẳng có cao, thấp. Vì sao? Ai nấy đều đạt đến vô thượng viên mãn rốt ráo. Chẳng phải ở trong cảnh giới ấy, quý vị sẽ chẳng thể tiến vào, thế giới ấy ở ngay trước mặt mà quý vị cũng chẳng nhìn thấy. Các nhà khoa học hiện thời đang nói đến các chiều không gian khác nhau. Chúng có tồn tại trước mặt chúng ta hay không? Ở ngay trước mặt chúng ta! Về căn bản là hiện tiền, chẳng hề rời khỏi, ở ngay đó, nhưng chúng ta chẳng thấy. Giống như chúng ta xem TV, quý vị thấy [những hình ảnh] đều ở trong màn hình này, đang tồn tại. Ở đây (Úc) thì tôi không biết, chứ ở Mỹ có hơn một trăm băng tần TV, đều hiện diện trong một màn hình. Quý vị chẳng mở đúng băng tần, chẳng thể nói nó không có. Nhà Phật nói “ẩn - hiển”, nó ẩn chẳng hiển vì quý vị chẳng bắt đúng băng tần. Sau khi ấn nút đúng băng tần, nó bèn hiển hiện, hiển chứ không ẩn. Khi ẩn, quý vị chẳng thể nói là nó không có; khi hiện, quý vị chẳng thể nói là nó có, đó là Diệu! Chẳng phải có, chẳng phải không, đó là Diệu. Trong kinh Phật, chữ Diệu thường được dùng để chỉ ý nghĩa này. Duyên đầy đủ bèn hiện, duyên chẳng đủ bèn chẳng hiện. Trong chân tánh, ở đây [chân tánh được] gọi là Thật Trí, trí huệ chân thật chẳng hiện, giống như chúng ta nhìn vào màn hình TV, chẳng nhấn đúng băng tần, cái gì cũng chẳng có, nhưng hễ gặp duyên, nó có thể hiện tướng, có thể sanh ra vạn pháp. Không chỉ có thể sanh ra vạn pháp, sách Hoàn Nguyên Quán còn cho biết nó “xuất sanh vô tận”, biến hóa vô cùng, những điều này đều là thật. Vì sao nó biến hóa vô cùng? Vì nó vô thượng viên mãn rốt ráo!

/ 600