/ 600
880

Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa

Tập 105

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa

Giảo duyệt: Huệ Trang và Đức Phong


Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, xin mời ngồi xuống. Xin xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải trang một trăm hai mươi bốn, coi từ hàng cuối cùng.

“Dĩ Định Huệ lực, hàng phục ma oán. Thử nhị cú diệc tự Đường dịch, thị đệ ngũ tướng chi hàng ma. Ma giả, Phạn ngữ Ma La chi lược xưng. Thử phiên Chướng Ngại, năng vị tu đạo tác chướng ngại cố. Hựu phiên Sát Giả, hại nhân thiện cố. Hựu Thường Hành Phóng Dật, đoạn huệ mạng cố. Hựu phiên Ác Giả, đa ái dục cố” (“Dùng sức Định Huệ, hàng phục ma oán”: Hai câu này cũng trích từ bản Đường dịch, là tướng thứ năm, tức hàng ma. Ma là nói tắt của chữ Ma La trong tiếng Phạn. Cõi này dịch là Chướng Ngại vì nó có thể gây chướng ngại cho sự tu đạo. Lại dịch là Sát Giả (kẻ giết) vì làm hại điều lành của con người. Lại dịch là Thường Hành Phóng Dật vì đoạn huệ mạng. Lại dịch là Ác Giả (kẻ ác) vì nhiều ái dục). Chúng ta đọc tới chỗ này. Đức Thế Tôn xuất hiện trên thế gian, vì giáo hóa hết thảy chúng sanh, lại thị hiện hàng ma. Phật chẳng có ma, mà Bồ Tát cũng chẳng có ma nạn, nhưng phàm phu thì có. Ma do đâu mà có? Một là phiền não, thứ khác là thiên ma. Thiên ma bao gồm tất cả những thứ chướng nạn trên đường Bồ Đề, những thứ ấy đều thuộc loại thiên ma. Hai câu này đều trích từ kinh văn hội [Vô Lượng Thọ] Như Lai của kinh Đại Bảo Tích, nói về tướng thứ năm. Chữ Ma (魔) này, quý vị thấy nguyên gốc trong các bản kinh sách xưa là chữ Ma (磨) như trong Chiết Ma (hành hạ, vùi dập), phía dưới [chữ Ma] không phải là chữ Quỷ (鬼), mà là chữ Thạch (石), tức tảng đá, tức là chữ Ma (磨) trong Chiết Ma (折磨). Lương Võ Đế là một Phật giáo đồ kiền thành, thật sự toàn tâm toàn lực hộ trì Phật môn. Chữ này do nhà vua tạo ra. Nhà vua nói Chiết Ma quá đáng sợ, giống như ma quỷ, nên thay chữ Thạch bằng chữ Quỷ. Tiếng Phạn là Ma La (Māra), người Hoa chuộng đơn giản, bèn lược bỏ âm cuối, rút gọn, nên gọi bằng một chữ Ma. Chữ ấy dịch sang nghĩa tiếng Hán là Chướng Ngại vì nó có thể chướng ngại người tu đạo. Nói theo Phật pháp, nó chuyên môn tạo ra các thứ chướng ngại đối với người tu hành; đó là ý nghĩa “vùi dập”. Lại dịch là Sát Giả, vì sao? Gây hại cho điều lành của người ta. Luôn ngăn trở người ta hành thiện, đây cũng là chướng ngại, khiến cho việc thiện của người khác chẳng thể thành tựu, ma thường làm những chuyện ấy. Lại còn dịch là Thường Hành Phóng Dật vì đoạn huệ mạng, biếng nhác, tán loạn, nên chẳng thể nghiêm túc tu đạo, khiến cho đạo nghiệp của quý vị chẳng thể thành tựu, [đó là] “đoạn trí huệ mạng”. Trong chữ Ma có những ý nghĩa ấy. Lại dịch là Ác Giả, vì Ma có nhiều ái dục, tình chấp rất nặng, đều là nhân duyên chướng đạo.

Trong hết thảy các kinh, kinh Đại Thừa hay Tiểu Thừa đều thường nói đến Tứ Ma, tức bốn loại Ma, “ma loại tứ chủng” (ma có bốn loại). Trong Tịnh Ảnh Sớ, đây là tác phẩm chú giải kinh Vô Lượng Thọ, nói đến bốn loại ma đều là những loại thường được các kinh nhắc tới:

1) Loại thứ nhất là “Phiền Não Ma, vị tham sân đẳng, năng hại thiện pháp” (Phiền Não Ma, có nghĩa là tham, sân v.v... có thể làm hại thiện pháp). Chúng ta hãy suy nghĩ, chẳng phải là [những thứ] bên ngoài, mà chính là tham, sân, si của chúng ta, kinh gọi ba thứ ấy là Tam Độc. Các phiền não như tham, sân v.v... còn gọi là Ma. Tham, sân, si đều là Ma, ở đây nói “tham, sân”, sau đó có chữ Đẳng. Chữ Đẳng nhằm nói đến sáu Căn Bản Phiền Não, tức là tham, sân, si, mạn, nghi, và ác kiến. Ác kiến là kiến giải sai lầm, đó là Phiền Não Ma. Nếu chẳng thể buông phiền não xuống, đạo nghiệp chẳng thể thành tựu. Vì thế, xưa, nay, trong ngoài nước, bao nhiêu người tu hành, kẻ tu hành đông đảo, có mấy ai thành tựu? Vì sao chẳng thể thành tựu? Tu hành nửa chừng ngã lòng, vì sao ngã lòng? Tập khí phiền não quá nặng, tất nhiên là ngã lòng! Nếu chẳng triệt để buông xuống những phiền não ấy, đến cuối cùng, nó sẽ khởi tác dụng, xóa sạch toàn bộ công sức của người tu hành, hết sức đáng tiếc. Cần phải trừ bỏ cội rễ của phiền não, phải trừ bỏ tâm tham tận gốc rễ. Chẳng phải là thay đổi đối tượng! Có những kẻ chẳng hiểu rõ, đối với tài, sắc, danh vọng, ăn uống, ngủ nghê trong thế gian đã buông xuống, chẳng tham, nhưng như thế nào? Tham Phật pháp, tham luyến Phật, Bồ Tát, vẫn chưa được! Vẫn là tham. Đức Phật dạy chúng ta đoạn tham, sân, si, chẳng bảo chúng ta thay đổi đối tượng, nhất định phải biết điều này. Tham tài, sắc, danh vọng, ăn uống, ngủ nghê trong thế gian là bất thiện pháp, nhưng đối với thiện pháp cũng chớ nên tham, Đức Phật bảo chúng ta đoạn tâm tham, phải ghi nhớ: Tuyệt đối chẳng phải là bảo chúng ta thay đổi đối tượng [của tâm tham].

/ 600