/ 600
829

Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa

Tập 104

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa

Giảo duyệt: Huệ Trang và Đức Phong

 

Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, xin mời ngồi xuống. Xin xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang một trăm hai mươi ba, hàng thứ năm đếm từ dưới lên, xem từ chỗ “giáng vương cung”.

“Giáng vương cung, giáng sanh ư vương cung, thị trung hàm nhiếp đệ nhị tướng chi thác thai, dữ đệ tam tướng chi xuất sanh. Bổn Sư Thích Tôn chi thác thai, như Nhân Quả Kinh vân: Ư thời, Ma Da phu nhân ư miên ngụ chi tế, kiến Bồ Tát thừa lục nha bạch tượng đằng không nhi lai. Tùng hữu hiếp nhập, thân hiện ư ngoại, như xử lưu ly” (“Giáng vương cung”: Giáng sanh trong vương cung. Trong ấy bao gồm tướng thứ hai là thác thai và tướng thứ ba là xuất sanh. Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật thác thai như kinh Nhân Quả đã chép: “Lúc ấy, phu nhân Ma Da trong lúc ngủ, thấy Bồ Tát cỡi voi trắng sáu ngà từ trên hư không giáng xuống, theo hông phải vào trong thân mẹ, thân hiện bóng ra ngoài như đang ở trong lưu ly”). Đây là nói tới giáng sanh và thác thai, Bổ Xứ Bồ Tát thị hiện tám tướng thành đạo thông thường đều có các thụy tướng (tướng tốt lành) này. Tiếp đó là nói về sự thác thai của Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật, người bình phàm chúng ta nói “đầu thai”, tức là nói lục đạo phàm phu xả thân, thọ thân, lại tìm một thân thể khác. Thông thường, tìm một thân thể khác thì phải tìm cha mẹ. Cha mẹ và chính mình nhất định là hữu duyên; không có duyên, quý vị sẽ chẳng tìm được! Trong kinh giáo, đức Phật thường dạy con cái và cha mẹ là duyên phận gì? Đức Phật chia duyên phận ấy thành bốn loại lớn, gồm:

1) Báo ân: Kiếp trước cha mẹ có ân với người ấy, đời này gặp gỡ, người ấy cảm ân, đến báo đáp. Đứa con như vậy bẩm tánh hiếu thuận cha mẹ, do đến báo ân, nên rất nghe lời, cũng rất đáng yêu. Đó là loại thứ nhất.

2) Loại thứ hai là báo oán. Cha mẹ và kẻ ấy có cừu oán. Có oán thì có thể là do trong đời quá khứ đã giết hại kẻ ấy. Gặp gỡ lần này, kẻ ấy đến báo oán hoặc báo cừu. Đứa con ấy sẽ chẳng nghe lời, chẳng hiếu thuận với cha mẹ.

3) Loại thứ ba là đòi nợ. Đứa con ấy cũng rất khả ái. Nếu mắc nợ thì hai, ba tuổi, nó đã ra đi. Quý vị đã tốn kém nhiều ngần đó, nó đòi nợ xong bèn ra đi. Nếu thiếu nợ nhiều, có thể phải tốn tiền cho nó học hành, học đến Trung Học, hoặc học tới Đại Học, vừa giật được mảnh bằng nó liền ra đi. Nó đến đòi nợ, quý vị thiếu nó nhiều nên phải trả nợ nhiều.

4) Một loại khác nữa là trả nợ. Trả nợ thì đối với cha mẹ chẳng có ân tình gì, nhưng đối với cha mẹ chẳng tệ. Trong quá khứ, kẻ ấy đã nợ cha mẹ rất nhiều. Đời này, hắn chăm sóc cha mẹ về phương diện vật chất rất chu đáo. Nếu mắc nợ ít, đứa con ấy đối xử với cha mẹ khắc bạc. Cuộc sống của chính mình rất khá, nhưng lo cha mẹ có cái ăn cái mặc là đủ rồi, chẳng có hiếu kính chút nào!

Chúng ta hãy lắng lòng quan sát bốn loại tình hình ấy, đều là trong hiện tiền, chúng ta thường luôn có thể thấy bốn loại trạng huống ấy, mới biết những gì đức Phật giảng trong kinh chẳng sai tí nào!

Kẻ chẳng học Phật theo nghiệp thọ báo, khi chịu quả báo nói chung là có oán kết, chuyện này rất phiền phức, lại kết oán mới, oan oan tương báo chẳng ngớt. Vì thế, đây chẳng phải là cách thức [tốt đẹp hòng giải quyết vấn đề]. Chúng ta do duyên phận đến thế gian này, sau khi gặp Phật pháp, đã giác ngộ, phải làm như thế nào để chuyển biến những quan hệ như thế, chuyển ân oán trong đời quá khứ, chuyển quan hệ nợ nần thành pháp quyến, đó là tốt đẹp. Báo ân quá khứ cũng thế, mà báo oán cũng thế, đòi nợ, trả nợ cũng thế, một nét bút xóa sạch, từ nay trở đi, chúng ta đều là đồng tham bạn lữ, vẫn phải vô cùng hiếu thuận, vì sao? Làm cho chúng sanh thấy, tự hành, hóa độ người khác. Chính mình có thể làm như vậy, tuân theo giáo huấn của Phật Đà, làm theo giáo huấn của thánh nhân, nhằm tăng tấn đức hạnh của chính mình, đôi bên đều tăng tấn, chính mình tăng tấn, mà cha mẹ cũng tăng tấn, song phương đều tăng tấn. Đồng thời, thân thích, bằng hữu, hàng xóm của quý vị thấy quý vị một nhà hòa thuận, hiếu thảo, từ bi, họ cũng học theo. Do vậy, sau khi tự hành bèn có thể hóa độ người khác, công đức ấy càng ngày càng thù thắng. Có thể thấy sự giáo dục của thánh hiền lợi ích chúng ta quá lớn, có quá nhiều ưu điểm.

/ 600