/ 600
891

Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa

Tập 103

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa

Giảo duyệt: Huệ Trang và Đức Phong

 

Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, xin mời ngồi xuống. Xin xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang một trăm hai mươi mốt, dòng thứ nhất, xem từ câu thứ hai.

“Đẳng Giác hữu nhị nghĩa” (Đẳng Giác có hai nghĩa), thứ nhất, “Đẳng Giác thị Bồ Tát chi cực vị, tương đắc Diệu Giác chi Phật quả. Kỳ trí huệ, công đức, đẳng tự Diệu Giác, cố vị chi Đẳng Giác” (Đẳng Giác là địa vị tột bậc trong hàng Bồ Tát, sắp đắc Phật quả Diệu Giác. Trí huệ và công đức của vị này gần giống như Diệu Giác, nên gọi là Đẳng Giác). Đây là ý nghĩa thứ nhất trong hai ý nghĩa của danh từ Đẳng Giác. Theo kinh Đại Thừa, Bồ Tát có năm mươi mốt địa vị, nhìn từ dưới lên sẽ là Thập Tín vị Bồ Tát, tiến lên cao hơn là Thập Trụ, Thập Hạnh, Thập Hồi Hướng, Thập Địa, đó là năm mươi địa vị, cao hơn Thập Địa là Đẳng Giác. Địa vị cao nhất được gọi là Diệu Giác, Diệu Giác chỉ có một địa vị, đã chứng đắc Phật quả viên mãn rốt ráo, là Phật; từ Đẳng Giác trở xuống đều gọi là Bồ Tát. Vì thế, trong các địa vị Bồ Tát, địa vị thứ năm mươi mốt (Đẳng Giác) là cao nhất, là địa vị tột bậc trong hàng Bồ Tát. Sắp đạt được Diệu Giác Phật quả, nếu Ngài tiến cao hơn một bậc nữa sẽ là quả vị Diệu Giác. Trên thực tế, trí huệ và công đức của Ngài cũng chẳng khác địa vị Diệu Giác cho mấy, bằng với Diệu Giác, nên gọi là Đẳng Giác. Đàm Loan đại sư nói: “Vọng ư Diệu Giác do hữu nhất đẳng” (xét ra, còn kém Diệu Giác một bậc); so với Diệu Giác, Ngài kém hơn một cấp. “Tỷ hạ danh Giác” (So với những địa vị thấp hơn thì gọi là Giác). “Hạ” là từ Thập Địa trở xuống, tức năm mươi địa vị từ Thập Địa trở xuống, so với họ, Ngài (Diệu Giác Bồ Tát) giác ngộ cao minh hơn họ rất nhiều, gần như đạt đến viên mãn; vì thế, gọi là Đẳng Giác. Ý nghĩa thứ hai: “Đẳng Giác là Phật quả”. Như vậy là Đẳng Giác có hai ý nghĩa như thế.

“Vãng Sanh Luận Chú viết: Dĩ chư pháp đẳng, cố chư Như Lai đẳng. Thị cố chư Phật Như Lai, danh vi Đẳng Giác” (Sách Vãng Sanh Luận Chú giảng: “Do các pháp bình đẳng, nên chư Như Lai bình đẳng. Vì thế, chư Phật Như Lai được gọi là Đẳng Giác”). Ý nghĩa này cũng rất hay, đây là luận theo phía hết thảy chư Phật. Do các pháp bình đẳng, trong kinh Bát Nhã, đức Phật thường nói: “Pháp môn bình đẳng, chẳng có cao, thấp”, nên trí huệ, thần thông, và đạo lực của hết thảy Như Lai đều bình đẳng. Do vậy, chư Phật Như Lai đều được gọi là Đẳng Giác. Ý nghĩa này cũng hay, chúng ta nhìn theo ý nghĩa này thì như bốn mươi mốt địa vị Pháp Thân đại sĩ trong kinh Hoa Nghiêm đều có thể gọi là Đẳng Giác. Vì sao? Trong cõi Thật Báo Trang Nghiêm của chư Phật Như Lai, mỗi người đều “đại triệt đại ngộ, minh tâm kiến tánh, đã phá vô minh” như trong Thiền Tông đã nói. “Đã phá vô minh” tức là nói trong bất luận cảnh giới nào, các Ngài chẳng khởi tâm động niệm. Khởi tâm động niệm chẳng còn, đương nhiên chẳng có phân biệt, chấp trước, lẽ nào bất bình đẳng cho được? Khởi tâm động niệm là bất bình đẳng. Chẳng khởi tâm, không động niệm, đương nhiên là bình đẳng. Do vậy, cảnh giới ấy thật sự là thế giới bình đẳng, cớ sao đức Phật lại nói có bốn mươi mốt tầng cấp? Thập Trụ, Thập Hạnh, Thập Hồi Hướng, Thập Địa, Đẳng Giác là bốn mươi mốt tầng cấp. Bốn mươi mốt tầng cấp ấy trong lúc chúng ta học kinh Hoa Nghiêm đã có học, chẳng thể nói là chúng có, nhưng cũng chẳng thể nói là chúng không có. Vì sao chẳng thể nói chúng là có? Các Ngài chẳng khởi tâm, không động niệm, chia ra tầng cấp bằng cách nào? Chia thành tầng cấp, nhất định là do khởi tâm động niệm, nhất định có phân biệt; nói không có chấp trước thì còn được, chứ chắc chắn là có phân biệt, không có phân biệt thì làm sao có tầng cấp cho được? Do vậy, chẳng thể nói là “chúng có”. Chẳng thể nói “chúng không có” là do lẽ nào? Tuy chẳng khởi tâm, không động niệm, nhưng vô minh đã phá, đức Phật bảo chúng ta: Các vị Bồ Tát ấy còn có tập khí vô minh, chưa đoạn tập khí. Đã là tập khí chưa đoạn, chắc chắn tập khí có dầy hay mỏng khác biệt. Có người tập khí rất nặng, có kẻ tập khí rất mỏng. Do vậy, chúng ta hiểu rõ, nói theo phương diện còn mang theo tập khí chưa đoạn, sẽ có bốn mươi mốt tầng cấp, nói theo phương diện này.

Bốn mươi mốt tầng cấp ấy tự hành hóa tha có bị chướng ngại hay không? Chẳng có chướng ngại tí nào! Nhưng bốn mươi mốt phẩm tập khí vô minh ấy chẳng có cách nào đoạn được. Chư vị hãy nghĩ xem, nếu chúng ta muốn có một phương pháp để đoạn, tức là lại khởi tâm động niệm, lại phân biệt, chấp trước mất rồi! Do vậy, trong tình cảnh ấy, các kinh cũng nói, cổ đại đức cũng nói là “vô công dụng đạo”, tức là nói ở đây chẳng thể sử dụng sức [hòng đoạn trừ tập khí vô minh] được! Chẳng thể khởi tâm động niệm thì quý vị dùng sức như thế nào đây? Phải làm sao đối với những tập khí vô minh ấy? Không quan tâm đến, để mặc chúng, qua một thời gian lâu dài, chúng sẽ tự nhiên đoạn mất, nhất định phải cậy vào thời gian. Thời gian bao lâu? Kinh nói “ba đại A-tăng-kỳ kiếp”, cần phải mất một thời gian dài như thế thì tập khí hoàn toàn chẳng còn nữa. Hoàn toàn chẳng còn nữa mới là địa vị Diệu Giác. Do vậy, bốn mươi mốt tầng cấp đều có thể gọi là địa vị Đẳng Giác, các Ngài chứng đắc Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Vì thế, trong giáo pháp Đại Thừa và trong Thiền Tông đều nói “minh tâm kiến tánh, kiến tánh thành Phật”. Đối với kinh Kim Cang, cư sĩ Giang Vị Nông chú giải kinh Kim Cang đã bảo: Hễ kinh Kim Cang nói tới “chư Phật Như Lai” thì chữ “chư Phật” chỉ bốn mươi mốt địa vị [Bồ Tát] này, [các vị Bồ Tát chứng đắc những địa vị ấy] đều được gọi là chư Phật, từ Thập Trụ, Thập Hạnh, Thập Hồi Hướng, Thập Địa, Đẳng Giác, cho đến Diệu Giác, đều gọi là “chư Phật”, Phật nhiều ngần ấy. Bởi lẽ đó, hai ý nghĩa của Đẳng Giác đều tồn tại.

/ 600