/ 600
1.135

Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa

Tập 100

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa

Giảo duyệt: Huệ Trang và Đức Phong


Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, xin mời ngồi xuống. Xin xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang một trăm mười sáu, xem dòng thứ năm từ dưới đếm lên, chúng ta đọc từ chỗ ấy:

“Cụ túc vô lượng hạnh nguyện, an trụ nhất thiết công đức pháp trung. Thượng lưỡng cú sơ tán chư đại sĩ chi thật đức. Vô lượng giả, kỳ đa, kỳ đại, vô pháp xứng lượng” (Đầy đủ vô lượng hạnh nguyện, an trụ trong hết thảy các pháp công đức. Hai câu này khen ngợi thật đức của Ðại Sĩ. Vô lượng là nhiều, lớn, chẳng có cách nào đo lường), nói không được,“cố danh vô lượng. Nhiếp Đại Thừa Luận Thích vân: Bất khả dĩ thí loại đắc tri” (nên gọi là vô lượng. Nhiếp Đại Thừa Luận Thích nói: “Chẳng thể dùng thí dụ, so sánh để biết được”). [Thông thường], do thí dụ sẽ có thể biết được, nhưng [ở đây] vẫn chẳng có cách nào thí dụ sao cho thích hợp nên gọi là Vô Lượng. Vô lượng hạnh nguyện, “Hạnh vị Lục Độ, Tứ Nhiếp đẳng đại hạnh” (Hạnh là các đại hạnh như Lục Độ, Tứ Nhiếp v.v...), trong phần trước chúng tôi đã trình bày rồi. “Nguyện vị Tứ Hoằng Thệ dữ thập đại nguyện đẳng thắng nguyện” (Nguyện là các nguyện thù thắng như Tứ Hoằng Thệ Nguyện và mười đại nguyện v.v...), Tứ Hoằng Thệ Nguyện là tổng nguyện (nguyện chung) của hết thảy chư Phật, Bồ Tát trong giáo pháp Đại Thừa, chỉ nói bốn câu, nhưng bốn câu đã bao gồm toàn bộ vô lượng đại nguyện trong lúc tu nhân của hàng Bồ Tát. Nguyện thứ nhất là “chúng sanh vô biên thệ nguyện độ”, nói theo cách bây giờ, chữ Độ (度) này là giúp đỡ, góp sức thành tựu họ. Chúng sanh vô lượng vô biên, trong kinh giáo đã nói: “Phật thị môn trung, bất xả nhất nhân” (trong cửa nhà Phật, chẳng bỏ một ai). Chắc chắn Phật, Bồ Tát chẳng bỏ qua bất cứ một ai, bất cứ chúng sanh nào, vì sao? Các vị Bồ Tát biết hết thảy chúng sanh và chính mình là một Thể, so với “một nhà” còn thân thiết hơn. Một chúng sanh bị khổ, chịu nạn, há có thể bỏ qua? Đã là một chúng sanh cũng chẳng bỏ qua, hiện thời chúng sanh khổ nạn nhiều ngần ấy, vì sao Phật chẳng độ họ? Chúng ta nhất định phải hiểu điều này, trong kinh đã có giải thích: “Tâm, Phật, chúng sanh, tam vô sai biệt” (tâm, Phật, chúng sanh, ba thứ chẳng sai biệt). Ý nghĩa của “ba thứ chẳng sai biệt” rất rộng, chẳng phải chỉ có một ý nghĩa. Cách giải thích thứ nhất là ba điều ấy bình đẳng, một mà ba, ba mà một, chúng sanh, Phật, tâm là một chuyện, chẳng phải là ba chuyện, mà là một, chẳng phải là ba. Cách giải thích thứ hai là sức của ba thứ ấy bằng nhau. Nghiệp lực của chúng sanh, nguyện lực của chư Phật và sức mạnh của tâm là bình đẳng. Tâm là Thể, Phật và chúng sanh đều là tác dụng, một đằng là tác dụng chánh diện, Phật là chánh diện, một đằng là tác dụng phản diện, chúng sanh là tác dụng phản diện. Cũng có thể nói, Phật là tác dụng thiện, chúng sanh là tác dụng bất thiện, sức mạnh bằng nhau. Do vậy, chúng sanh có cảm, Phật bèn có ứng. Tội nghiệp của chúng sanh chẳng tiêu trừ, sức mạnh của Phật chẳng tăng thêm, sức mạnh của tâm cũng chẳng tăng thêm. Tâm, Phật, chúng sanh, nghiệp lực bất thiện của chúng sanh ắt phải tiêu trừ thì sức mạnh của Phật mới giúp được. Tâm chẳng có thiện hay ác, nó là bản thể, nhưng bất luận là chân hay vọng, đều là từ Thể khởi lên tác dụng. Tâm tùy duyên, có thể thuận theo duyên nhiễm hay tịnh; chúng sanh tạo tội nghiệp, nó bèn thuận theo nhiễm duyên hiện ra lục đạo luân hồi, hiện ra quả báo trong tam đồ, nó tùy duyên. Chư Phật, Bồ Tát đoạn ác, tu thiện, tích công, lũy đức, nó cũng tùy duyên. Thế giới Hoa Tạng là tâm tùy duyên, thế giới Cực Lạc cũng là tâm tùy duyên, nó có thể thuận theo duyên nhiễm hay tịnh, chưa hề có khởi tâm động niệm. Vì thế, đức Phật mới nói: “Hết thảy các pháp sanh từ tâm tưởng”, chữ “tâm tưởng” chỉ ý niệm của chúng ta, người hiện thời gọi là “tâm thái”, nó làm chủ, chủ tể thiên biến vạn hóa, có ý nghĩa như thế đó.

Do vậy, nguyện thứ nhất trong Tứ Hoằng Thệ Nguyện là bổn nguyện độ chúng sanh, là thật, chẳng giả. Quả thật, trong cửa nhà Phật chẳng bỏ một ai. Phật, Bồ Tát đối với hết thảy chúng sanh bình đẳng, nghiệp chưa tiêu trừ, bèn giúp kẻ ấy tiêu trừ nghiệp chướng. Tiêu trừ nghiệp chướng lại chẳng thể miễn cưỡng, phải hằng thuận chúng sanh, khi nào chúng sanh giác ngộ, ngộ có tiểu ngộ và đại ngộ, đẳng cấp khác biệt rất nhiều. Đối với chúng sanh chưa giác ngộ, Bồ Tát luôn dùng thiện xảo phương tiện giúp họ giác ngộ. Sau khi họ bắt đầu giác ngộ, vẫn dùng thiện xảo phương tiện giúp họ nâng cao, hy vọng họ giác ngộ càng sâu rộng hơn mãi cho tới lúc viên mãn. Chúng ta thường gọi viên mãn là “thành Phật”, thành Phật là viên mãn, đấy là nguyện độ chúng sanh. Nói đúng ra, [Tứ Hoằng Thệ Nguyện] thật sự là nói đến một nguyện này, ba nguyện sau là để hoàn thành chuyện này. Ngày nay, chúng ta cũng phát nguyện này, nguyện đã phát, nhưng chẳng có năng lực giúp chúng sanh; vì thế, ba nguyện sau nhằm thành tựu chính mình. Quý vị thấy: Dạy người khác là dạy chính mình trước, độ chúng sanh cũng là độ chính mình trước. Chưa độ được mình mà có thể độ người, chẳng có lẽ ấy! Kinh Phật thường nói “chẳng có đạo lý ấy”. Nếu quý vị muốn giúp người khác, nhất định phải thành tựu chính mình trước. Do vậy, điều thứ hai là “phiền não vô tận thệ nguyện đoạn”, phải đoạn trừ tập khí phiền não, đoạn trừ là gì? Thành tựu đức hạnh của chính mình, điều này rất trọng yếu. Xưa nay, trong ngoài nước, trong sự giáo dục của thánh hiền, đức hạnh luôn được đặt hàng đầu. Nếu người nào chẳng có đức hạnh, kẻ ấy ngu si chút nào càng tốt chút ấy, do chẳng tạo tội nghiệp to lớn. Nếu kẻ ấy thông minh, hắn sẽ hại người, làm hại rất nhiều. Vì thế, giáo dục phẩm đức được đặt hàng đầu!

/ 600