/ 600
659

Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa

Tập 101

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa

Giảo duyệt: Huệ Trang và Đức Phong

  Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, xin mời ngồi xuống. Xin xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải trang một trăm mười bảy, dòng thứ bảy từ dưới đếm lên, chúng ta đọc từ câu “an trụ nhất thiết”.

  “An trụ nhất thiết giả, Hội Sớ vân: An trụ giả, bất động nghĩa. Đức thành bất thoái, cố viết an trụ. Vô đức bất cụ, cố vân nhất thiết” (“An trụ hết thảy”: Sách Hội Sớ giảng: “An trụ nghĩa là bất động. Đức thành tựu, chẳng lui sụt, nên bảo là an trụ. Không đức nào chẳng đầy đủ nên nói là hết thảy”). Trong phần trước, chúng tôi cũng đã nói đến câu này, từ chỗ này là khởi đầu của một đoạn. An trụ, bất luận là sơ học hay là người tu học đã lâu, đều vô cùng quan trọng, cổ nhân nói “thân an tắc đạo long” (thân yên ổn, đạo sẽ hưng thịnh). Chúng tôi nghĩ đến thời cận đại, trong thế kỷ này, chẳng có cao tăng đại đức xuất hiện trên thế gian. Phật pháp là như thế, mà pháp thế gian cũng chẳng phải là ngoại lệ. Không chỉ tại Trung Quốc, mà gần như tại tất cả mọi nơi trên toàn thể thế giới chúng ta đều thấy [tình trạng như vậy]. Do nguyên nhân nào? Trong thế kỷ này chẳng có hai chữ “an trụ”! Các xã hội trên toàn thể thế giới đều rơi vào tình trạng chao đảo, bất an, nên lòng người chẳng thể định, rất khó thành tựu! Trên thực tế, có vấn đề như thế này: Đại hoàn cảnh bất hảo, xã hội động loạn, nhưng nếu cá nhân thật sự có thiện căn, có phước đức, vẫn có thể thành tựu. Thiện căn là tín tâm kiên định, phước đức là có thể chịu đựng khổ sở, khó khăn, người như vậy rất ít, nhưng chẳng phải là không có! Do vậy, lúc đức Phật sắp nhập diệt, tôn giả A Nan từng hỏi Phật: “Phật tại thế, chúng con nương tựa Ngài làm thầy. Ngài chẳng trụ thế, chúng con nên nương cậy ai?” Đức Phật dạy một câu: “Lấy giới làm thầy”, lại còn nói thêm: “Lấy khổ làm thầy”. Nói cách khác, trong thời đại hiện tiền, chúng ta có thể trì giới, có thể chịu khổ thì sẽ có thể thành tựu. Đầy đủ hai điều kiện ấy, bất luận ở trong thuận cảnh hay trong nghịch cảnh, đều có thể như như bất động. Cổ đại đức đã dạy chúng ta bí quyết thành công: “Thâm nhập một môn, huân tu lâu dài”. Thí dụ như trong hoàn cảnh hiện thời, chính mình có thể tìm được một nơi rất hẻo lánh, một chỗ rất lạc hậu; chỗ lạc hậu là nơi bình yên, mọi người chẳng tranh chấp, chẳng có ai đến giành giật, chắc chắn là điều kiện vật chất rất kém cỏi, nhưng là nơi [tu hành] tốt đẹp. Càng kém cỏi càng tốt, một cái lều tranh bé tí, quý vị tặng cho người ta, người ta chẳng thèm, coi thường, đó là chỗ bình yên!

  Có thể an định mười năm bất động, quý vị an trụ ở nơi ấy, học một bộ kinh giáo đến cùng. Người ta chỉ cần có hai điều kiện như vậy, trì giới bằng cách thực hiện Đệ Tử Quy, Cảm Ứng Thiên, Thập Thiện Nghiệp Đạo, đều thuộc về trì giới, cần phải học. Chẳng có những thứ ấy tức là thiếu cội rễ, căn cơ của các bậc đại thánh đại hiền thế gian và xuất thế gian thuộc trong ba thứ ấy. Ba thứ ấy chẳng khó, [dành ra] thời gian một năm [để tu tập] là đủ rồi! Ba thứ ấy chẳng phải để học suông, chẳng phải để học thuộc lòng, mà là mỗi điều đều phải làm được. Đệ Tử Quy gồm một trăm mười ba điều; Cảm Ứng Thiên cũng chẳng thể coi là nhiều, nhân quả thiện ác tổng cộng gồm một trăm chín mươi lăm điều; Thập Thiện Nghiệp Đạo là mười điều. Đã vun bồi bền vững hai căn cội trước (Đệ Tử Quy và Cảm Ứng Thiên) thì Thập Thiện Nghiệp Đạo sẽ chẳng có vấn đề gì! Cũng có nghĩa là Thập Thiện Nghiệp nói chi tiết sẽ là Cảm Ứng Thiên và Đệ Tử Quy. Vun bồi bền vững những căn cội ấy, quý vị là thiện nam tử, thiện nữ nhân, hội đủ điều kiện! Mười năm học một bộ kinh Vô Lượng Thọ này nhuần nhuyễn, mỗi ngày đọc một lần. Nếu có duyên phận, có thể nghe giảng sẽ càng hay hơn! Nghe giảng thì hiện thời chúng ta có đĩa CD/DVD, có Internet, cũng có truyền hình vệ tinh. Do vậy, có duyên phận thì có thể thâu lấy để nghe, mỗi ngày có thể nghe từ bốn tiếng đồng hồ trở lên, chẳng thể ít hơn bốn tiếng đồng hồ. Những thời gian khác bèn chuyên niệm A Di Đà Phật, tâm quý vị sẽ định. Định chừng dăm ba năm sẽ đắc Niệm Phật tam-muội, lại có trường hợp đôi ba năm rất có thể khai ngộ. Đắc tam-muội là đắc Định, Định có thể khai huệ. Do vậy, thật sự mong thành tựu thì trong bất luận hoàn cảnh nào cũng đều có thể tu hành.

/ 600