/ 600
1.073

Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa

Tập 99

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa

Giảo duyệt: Huệ Trang và Đức Phong


Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, xin hãy ngồi xuống. Xin xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang một trăm mười lăm, dòng thứ năm, xem từ câu thứ hai.

“Như thượng thập nguyện, nguyện nguyện giai viết: Ngã thử đại nguyện, vô hữu cùng tận, niệm niệm tương tục, vô hữu gián đoạn, thân, ngữ, ý nghiệp, vô hữu bì yếm” (Mười nguyện như trên, nguyện nào cũng đều nói: “Ðại nguyện này của tôi chẳng có cùng tận. Niệm niệm nối tiếp chẳng có gián đoạn. Thân, ngữ, ý nghiệp chẳng có nhọc mỏi”). Trong đoạn kinh văn này, lúc Phổ Hiền Bồ Tát phát nguyện, đối với mỗi nguyện đều dùng mấy câu này để tổng kết. Ở đây nói “ngã thử đại nguyện” (đại nguyện này của tôi), nguyện thứ nhất là “lễ kính chư Phật”, nguyện thứ hai là “xưng tán Như Lai”, cho đến nguyện thứ mười là “phổ giai hồi hướng”, mỗi nguyện chẳng có cùng tận, tương ứng với khắp pháp giới. Đúng như “tam chủng châu biến” (ba thứ trọn khắp) trong Hoàn Nguyên Quán của Hiền Thủ quốc sư, thứ nhất là “trọn khắp pháp giới”. Trong Hoàn Nguyên Quán, Ngài nói là “dao động”. Dao động ấy hết sức vi tế, rất nhanh, mỗi dao động đều lập tức trọn khắp pháp giới. Tốc độ ấy chẳng có cách nào tưởng tượng được, chắc chắn không phải là tốc độ ánh sáng hay tốc độ sóng điện từ như đã nói trong hiện tại, chẳng có cách nào sánh bằng. Ánh sáng mặt trời từ mặt trời chiếu đến địa cầu phải mất hơn tám phút, nhưng dao động trong tự tánh vừa động liền trọn khắp pháp giới. Đó là loại thứ nhất trong ba thứ trọn khắp. Nguyện của Phổ Hiền Bồ Tát cũng là một thứ dao động, bất luận là hữu ý hoặc vô tình, bất luận là thiện nguyện hay là ác niệm, đều là cùng một đạo lý. Vì thế, chuyện này chẳng phải là giả, mà là thật!

Đối với mấy câu tổng kết này của Phổ Hiền Bồ Tát, hết thảy các pháp thế gian và xuất thế gian không gì chẳng phải là như vậy. Hữu tình có ý niệm, ý niệm ấy động, tức là hiện tượng dao động; vô tình chúng sanh thuộc về vật chất, vật chất có dao động hay không? Có. Hiện thời, coi như chúng ta đã hiểu rõ, chẳng dao động nó sẽ không tồn tại, nhất định phải dao động nó mới tồn tại. Giống như chúng ta xem phim ảnh, phim ảnh là từng tấm phim một chiếu rất nhanh qua ống kính [của máy chiếu], khiến cho chúng ta thấy huyễn tướng trên màn bạc, ngỡ chúng đang cử động. Trên thực tế, chẳng phải là như vậy, mỗi tấm phim đều độc lập. Nếu chúng chẳng cử động (tức là từng tấm phim không được kéo qua ống kính), sự chuyển động [của hình ảnh trên màn bạc] bèn ngưng dứt. Nếu chúng chẳng còn được liên tiếp chiếu qua ống kính nữa, màn bạc trống rỗng, hiện tượng là như vậy đó. Hiện thời, sáu căn của chúng ta tiếp xúc cảnh giới sáu trần bên ngoài, đó là tướng dao động liên tục. Các nhà khoa học còn thêm vào một câu, [hiện tượng vật chất] là hiện tượng tích lũy liên tục của ý niệm, do ý niệm tích lũy thành. Ý niệm tích lũy thành vật chất, nên vật chất có hiện tượng dao động. Nếu “sóng” [ý niệm] chẳng động, vật chất sẽ chẳng còn nữa, chẳng tồn tại. Các hiện tượng dao động ấy đều trọn khắp pháp giới, lập tức trọn khắp pháp giới. Khoa học hiện thời vẫn chưa thể ứng dụng hiện tượng dao dộng ấy để truyền đạt thông tin. Sự truyền đạt ấy quá nhanh, ánh sáng và sóng điện từ đều chẳng thể sánh bằng. Do vậy, câu này là thật, chẳng phải là nói tỷ dụ, mà tương ứng với pháp giới!

Câu thứ hai, “niệm niệm tương tục” (niệm niệm tiếp nối), nói theo cách bây giờ là “tương ứng với thời gian”. Thời gian có tồn tại hay không? Niệm niệm liên tục, thời gian tồn tại dưới hình thái này. Nếu niệm niệm chẳng liên tục, thời gian chẳng có, đã đoạn rồi. Vì thế, thời gian cũng là huyễn tướng do niệm niệm liên tục sanh ra. “Vô hữu gián đoạn” (chẳng có gián đoạn), đấy là tương ứng với tự tánh, tự tánh bất sanh bất diệt, chẳng gián đoạn. Bất quá, ở đây, hai câu trước nói đến trạng thái dao động của tự tánh. Thật ra, tự tánh bất động, trạng thái dao động ấy chẳng thật, nó khiến cho tự tánh sanh ra ảnh hưởng, nhưng tự tánh quả thật chẳng gián đoạn, tự tánh chẳng biến đổi. Tiếp đó là “thân, ngữ, ý nghiệp”, tức là tương ứng với tam nghiệp. Mỗi nguyện đều tương ứng với pháp giới, tương ứng với thời gian, tương ứng với tự tánh, tương ứng với ba nghiệp thân - ngữ - ý. “Vô hữu bì yếm” (chẳng có nhọc mỏi), tự tánh vốn là như thế. Đây là Phổ Hiền Bồ Tát đã nêu khuôn phép, gương mẫu tu hành cho chúng ta, nêu gương cho ai? Đều là nêu gương cho Pháp Thân Bồ Tát. Phẩm cuối cùng của kinh Hoa Nghiêm là Phổ Hiền Bồ Tát Hạnh Nguyện Phẩm, phẩm này có tựa đề đầy đủ là Nhập Bất Tư Nghị Giải Thoát Cảnh Giới Phổ Hiền Hạnh Nguyện Phẩm. Bất Tư Nghị Cảnh Giới là sở nhập (cái được chứng nhập), tức là trở về tự tánh; Phổ Hiền Hạnh Nguyện là năng nhập (cái có thể nhập, phương tiện hoặc chủ thể thực hiện sự chứng nhập ấy). Chỉ có tu Phổ Hiền hạnh nguyện mới có thể nhập cảnh giới ấy. Tịnh Tông gọi cảnh giới ấy là Thường Tịch Quang Tịnh Độ. Bốn câu này, kể thêm câu cuối là “vô hữu bì yếm” (chẳng có nhọc mỏi) thành năm câu, chính là Phổ Hiền Bồ Tát vì chúng ta hình dung Thường Tịch Quang. Thường Tịch Quang có tác dụng, chẳng phải là vô tác dụng; chúng sanh có cảm, Thường Tịch Quang bèn hiện tướng, thuận theo tâm của chúng sanh để ứng với khả năng nhận lãnh của họ.

/ 600