/ 600
1.147

Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa

Tập 98

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa

Giảo duyệt: Huệ Trang và Đức Phong


Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, xin hãy ngồi xuống. Xin xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang một trăm mười bốn, đọc từ phần kinh văn, in chữ to, xem từ phần kinh văn.

Hàm cộng tuân tu Phổ Hiền đại sĩ chi đức. Cụ túc vô lượng hạnh nguyện. An trụ nhất thiết công đức pháp trung. Du bộ thập phương, hành quyền phương tiện. Nhập Phật pháp tạng, cứu cánh bỉ ngạn.

咸 共 遵 修 普 賢 大 士 之 德。具 足 無 量 行 願。安 住 一 切 功 德 法 中。遊 步 十 方。行 權 方 便。入 佛 法 藏。究 竟 彼 岸。

(Ðều cùng tuân tu đức của Ðại Sĩ Phổ Hiền, đầy đủ vô lượng hạnh nguyện, an trụ trong hết thảy các pháp công đức, dạo chơi mười phương, hành phương tiện quyền biến, nhập pháp tạng của Phật, rốt ráo đạt đến bờ kia).

Đây là tổng cương lãnh của cả phẩm, tán thán công đức của Phổ Hiền Bồ Tát. Chúng ta đọc lời chú giải của cụ Niệm Tổ: “Bổn phẩm tùng hàm cộng tuân tu” (phẩm này từ câu “đều cùng tuân tu”) cho đến cuối phẩm này “bất khả tư nghị” (chẳng thể nghĩ bàn). Trong bản này là trang một trăm bốn mươi bảy, nếu chúng ta lật ra xem, [sẽ thấy] kinh văn phẩm này đến câu cuối cùng là lời tổng kết, hoàn toàn là tán thán đức của Phổ Hiền Bồ Tát. Lão cư sĩ nói: “Giai thị tán thán Phổ Hiền đại sĩ kỵ hội trung nhất thiết Bồ Tát chi đức” (đều là tán thán đức của Phổ Hiền đại sĩ và hết thảy các vị Bồ Tát trong hội). Trên thực tế, đức của hết thảy Bồ Tát trong hội đều là đức của Phổ Hiền đại sĩ. Kinh văn phẩm này khá dài, có thể nói là mỗi chữ, mỗi câu chúng ta đều nên học tập, vận dụng vào cuộc sống, công việc, đãi người, tiếp vật, đó là chúng ta tu đức của Phổ Hiền đại sĩ.

Chúng ta xem lời chú giải kế tiếp: “Đại sĩ giả tức Bồ Tát, tức Đại Đạo Tâm Hữu Tình” (Đại sĩ là Bồ Tát, tức Đại Đạo Tâm Hữu Tình). Cổ nhân dịch là Đại Đạo Tâm Chúng Sanh, Huyền Trang đại sư dịch là Giác Hữu Tình. Đại Đạo Tâm Hữu Tình thì nói cách khác, vị ấy vẫn chưa đoạn sạch tình, nên là Bồ Tát. Nếu sau Đại Đạo Tâm không có hai chữ ấy (Hữu Tình) sẽ là Phật Đà, sai biệt ở chỗ này. “Sĩ vị sĩ phu” (sĩ là sĩ phu), người Hoa gọi người đọc sách dạy học là “sĩ đại phu”. Vào thời cổ, đó là người dạy học, hiện thời gọi là thầy giáo. Thời cổ không gọi là thầy mà gọi là “phu tử”, Khổng phu tử tức là thầy Khổng, nay gọi là “thầy”, cổ nhân gọi là Phu Tử. Vì thế, gọi là “sĩ phu” tức là người đọc sách, dạy học. “Đại giả, tức tiền thích Đại Đạo Tâm chi Đại” (Đại chính là chữ Đại trong phần giải thích về Đại Đạo Tâm ở phần trước), chẳng lập lại điều này, chẳng nhắc lại. “Bổn kinh hội trung, dĩ Phổ Hiền Bồ Tát vi nhất thiết Bồ Tát chi Thượng Thủ” (pháp hội kinh này lấy Phổ Hiền Bồ Tát làm Thượng Thủ của hết thảy các vị Bồ Tát), dùng Phổ Hiền Bồ Tát làm đại diện cho vô lượng vô biên Bồ Tát tham gia pháp hội, lấy Ngài làm đại biểu. “Dư Văn Thù, Di Lặc, Hiền Hộ đẳng xuất gia, tại gia Bồ Tát” (các vị khác như Văn Thù, Di Lặc, Hiền Hộ, các vị tại gia hay xuất gia Bồ Tát), đều bao gồm hết, “kỵ thập phương lai hội vô lượng vô biên chi chư đại Bồ Tát, giai tất tuân hành Phổ Hiền đại sĩ chi đức” (và vô lượng vô biên các vị đại Bồ Tát đến từ mười phương, ắt đều tuân hành đức của Phổ Hiền đại sĩ). Từ mấy câu kinh văn ngắn ngủi này, chúng ta có thể thấu hiểu rõ ràng, hội Vô Lượng Thọ này và hội Hoa Nghiêm chẳng hai, chẳng khác! Để biểu thị pháp, trong kinh Hoa Nghiêm cũng lấy Phổ Hiền Bồ Tát làm con trưởng, tức là ý nghĩa Thượng Thủ đang nói ở đây. Trong phần sau, cụ Hoàng cũng nói: “Phổ Hiền đại sĩ nãi Hoa Nghiêm trưởng tử, kỳ chí đức tức thập đại nguyện vương, đạo quy Cực Lạc dã” (Phổ Hiền đại sĩ chính là trưởng tử trong hội Hoa Nghiêm, đức tột cùng của Ngài là mười đại nguyện vương dẫn về Cực Lạc). Nói đến cùng tột, đức của Phổ Hiền Bồ Tát chính là một câu “mười đại nguyện dẫn về Cực Lạc”. Do đây, ta có thể biết tầm quan trọng của mười đại nguyện vương. Kinh luận và cổ đại đức cũng thường nói, Bồ Tát chẳng tu mười nguyện Phổ Hiền (tức là Phổ Hiền hạnh), sẽ chẳng thể viên thành Phật đạo. Do điều này ta có thể biết Phổ Hiền hạnh nguyện là khoa mục ắt phải tu học của tất cả các vị Bồ Tát. Tuy cương lãnh chỉ có mười điều, tức mười câu, nhưng tế hạnh vô lượng vô biên. Từ kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo, chúng ta có thể thấu hiểu, Thập Thiện chỉ có mười điều, Đại Thừa Bồ Tát đã triển khai mười điều ấy thành tám vạn bốn ngàn tế hạnh. Quý vị thấy mười điều có thể biến thành tám vạn bốn ngàn điều, Bồ Tát đấy! Mười nguyện Phổ Hiền chẳng phải chỉ có chừng đó chữ, mà là vô lượng vô biên, vô số vô tận hạnh nguyện, nhưng chẳng vượt ngoài mười cương lãnh ấy, ta mới biết mười cương lãnh đó trọng yếu ngần ấy! Tám vạn bốn ngàn nhớ không xuể, mười điều này dễ nhớ. Nhớ mười điều, thực hiện được thì tám vạn bốn ngàn tế hạnh bèn viên mãn.

/ 600