/ 600
959

Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa

Tập 97

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa

Giảo duyệt: Huệ Trang và Đức Phong


Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, xin hãy ngồi xuống. Xin xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang một trăm mười hai, dòng cuối cùng, xin xem từ chỗ đó.

“Quang Anh, biểu quang minh anh phát. Hựu kinh trung Vô Lượng Quang, Vô Biên Quang, Vô Ngại Quang đẳng, quang trung cực tôn, thị Quang Anh nghĩa” (Quang Anh biểu thị quang minh chiếu rực. Lại nữa, các câu “Vô Lượng Quang, Vô Biên Quang, Vô Ngại Quang v.v... tôn quý nhất trong các quang minh” trong kinh là ý nghĩa của chữ Quang Anh). Trong mười sáu vị tại gia Bồ Tát, Quang Anh là vị thứ sáu. Vị Bồ Tát thứ sáu là Quang Anh biểu thị quang minh chiếu rực. Trong kinh này, xưng tán A Di Đà Phật là “Vô Lượng Quang, Vô Biên Quang, Vô Ngại Quang”, cuối cùng nói “quang trung cực tôn, Phật trung chi vương” (quang minh tôn quý nhất, là vua trong các vị Phật), đây là lời chư Phật Như Lai tán thán A Di Đà Phật, tán thán đến tột bậc. Quang cũng tượng trưng cho trí huệ, biểu thị Tánh Đức trong tự tánh của chúng ta.

Vị kế tiếp là “Bảo Tràng (kiến Đường dịch, Ngụy dịch tác Trí Tràng), biểu trí huệ thù thắng do như bảo tràng” (Bảo Tràng (danh xưng này thấy trong bản Đường dịch, bản Ngụy dịch ghi là Trí Tràng), biểu thị trí huệ thù thắng giống như tràng báu), quá nửa đều là tán thán trí huệ Bát Nhã vốn có trong tự tánh, mà cũng là tán thán đức năng và tướng hảo. Tánh Đức vô lượng, vô biên, khi đức Phật giới thiệu [các Tánh Đức] bèn quy nạp chúng thành ba loại lớn. Vô lượng đức năng nói chung chẳng ngoài trí huệ và đức tướng (đức năng và tướng hảo).

“Trí Thượng, kiến Đường dịch, Ngụy dịch” (Danh xưng Trí Thượng thấy ghi trong bản Đường dịch, [nhưng trong] bản Ngụy dịch), danh hiệu Bồ Tát được dịch là Huệ Thượng, biểu thị “vô đẳng, vô luân, tối thượng thắng trí, oai đức quảng đại bất tư nghị trí” (trí không gì sánh bằng, trí thù thắng tối thượng, trí oai đức rộng lớn chẳng thể nghĩ bàn), đây là lời tán thán năm thứ trí huệ của Vô Lượng Thọ Phật trong kinh. Nói tóm lại, “như thị vô thượng diệu trí, siêu xuất nhất thiết, cố danh Trí Thượng” (diệu trí vô thượng vượt trỗi hết thảy như thế, nên gọi là Trí Thượng). Trong năm thứ trí, trí cuối cùng là “oai đức quảng đại bất tư nghị trí”, tán thán đến tột bậc. Qua những lời tán thán A Di Đà Phật trong kinh, chúng ta bèn hiểu [những câu tán thán ấy chính là] tán thán Tánh Đức trong tự tánh. Mỗi chữ, mỗi câu trong bộ kinh Vô Lượng Thọ hoặc Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm Kinh đều nhằm tán thán Tánh Đức chẳng thể nghĩ bàn, có thể tán thán trọn hết hay không? Tán thán chẳng cùng tận, đây là lời thật! Dẫu cho mười phương hết thảy chư Phật Như Lai dùng thời gian vô lượng kiếp cùng nhau tán thán vẫn chẳng thể nói trọn hết; bởi lẽ, công đức trong tự tánh thật sự chẳng thể nghĩ bàn. Trong kinh, đức Phật thường dạy chúng ta, chuyện này chỉ có chứng mới biết, chúng ta thật sự chứng đắc sẽ hiểu. Chưa chứng đắc, không có cách nào tưởng tượng, nghĩ chẳng ra, mà cũng chẳng nói được! Nói thật ra, người chứng đắc cũng chẳng có cách nào nghĩ bàn. Giúp đỡ hết thảy chúng sanh là hoằng pháp lợi sanh, để giúp hết thảy chúng sanh thì cũng có thể nói chút phần, hy vọng là từ chút phần ấy, người đó sẽ tự có thể tu, có thể chứng, khi chứng đắc sẽ hiểu viên mãn.

Vị tiếp theo là Tịch Căn, sách Hội Sớ giải thích: “Tịch diệt cảnh trí, chư căn thanh tịnh, cố danh Tịch Căn” (cảnh trí tịch diệt, các căn thanh tịnh, nên gọi là Tịch Căn). Tịch là nói tới Định, tự tánh vốn định. Lục Tổ Huệ Năng đại sư khi kiến tánh đã nói: “Nào ngờ tự tánh, vốn chẳng lay động”, câu này là nói tự tánh vốn định, có lay động hay không? Chẳng có! Lay động thì chẳng phải là tự tánh. “Một niệm bất giác bèn có vô minh”, đã bị lay động rồi! Vì sao có một niệm bất giác? Một niệm bất giác ấy phát sanh khi nào? Trong giáo pháp Đại Thừa, câu hỏi này được gọi là “căn bản đại vấn” (câu hỏi to lớn căn bản). Đức Phật dạy chúng ta: Chuyện này chẳng có nguyên nhân, mà cũng chẳng có thời gian, và cũng chẳng có không gian. Nếu quý vị hỏi khi nào thì có, đức Phật [trả lời bằng cách] dùng một danh từ hết sức xảo diệu, “hễ hơi động một chút bèn là vô minh”, đức Phật gọi hiện tượng ấy là “vô thỉ vô minh”, hai chữ Vô Thỉ hay khéo đến tột bậc! Khi chúng tôi mới học Phật, ngỡ đức Phật nói hai chữ ấy thì đại khái [có nghĩa là] thời gian đã quá lâu chẳng thể nói được, dù chúng ta nói ngàn vạn năm, ức vạn năm, ức triệu vạn năm, nói chung là vẫn chẳng thể diễn tả được, nên mới nói là “vô thỉ”. Chúng tôi đã hiểu sai ý nghĩa, “vô thỉ” chẳng mang ý nghĩa ấy. Dẫu thời gian dài đến mấy đi nữa, đức Phật vẫn có thể nói được; nếu nói không được, làm sao có thể gọi Phật là Nhất Thiết Trí? Vô thỉ có ý nghĩa rất đơn giản: Không có khởi đầu nên gọi là vô thỉ, khéo quá, tuyệt khéo! Cớ sao không có khởi đầu? Rõ ràng là có khởi đầu! Y báo và chánh báo trang nghiêm trong mười pháp giới, lục đạo luân hồi do đâu mà có? Chẳng phải là từ vô thỉ biến hiện ư? Tuy biến hiện, vì nó chẳng phải là thật, nên giống như chúng ta nằm mộng, mỗi cá nhân chúng ta đều có kinh nghiệm nằm mộng, trong mộng có vô lượng vô biên cảnh giới. Quý vị thường nằm mộng, có hai giấc mộng giống hệt nhau hay không? Không có, chưa từng có hai giấc mộng giống hệt nhau. Cũng có khi có hai giấc mộng khá giống, đó là giấc mộng thuộc loại cảm ứng, có thể mộng thấy cùng một chuyện, đó là do cảm ứng. Chứ đối với những giấc mộng thông thường, chẳng thể nào có hiện tượng giống nhau. Vậy thì tôi hỏi quý vị, giấc mộng của quý vị nẩy sanh lúc mấy giờ, mấy phút? Quý vị cũng chẳng nói được! Nếu quý vị hỏi Phật, Phật dạy đó là nằm mộng vô thỉ, vì sao? Nó là giả, chẳng thật, nên đức Phật gọi nó là vô thỉ vô minh. Vì sao có hiện tượng này? Đã mê! Hễ giác sẽ chẳng có hiện tượng này, khi mê bèn có hiện tượng ấy. Giống như một người làm việc đã lâu, rất mệt, khi rất mệt mỏi, mắt sẽ thấy những thứ chẳng bình thường; đó là “hoa mắt”, chẳng phải là quý vị thật sự thấy. Quý vị ngỡ là thấy, nhưng thật ra là do hoa mắt, mệt mỏi. Bất quá, trong khi có hiện tượng như vậy, phàm nhân rất dễ để cho đồng cốt [thỉnh quỷ thần] dựa vào thân mình. Người tinh thần sung mãn, chúng sẽ chẳng dám [léo hánh]. Người đang lúc mệt mỏi tột bậc, chúng rất dễ xâm nhập, mượn thân thể quý vị để dựa xác, sẽ xuất hiện những chuyện đó. Chúng ta hiểu hai chữ “vô thỉ” là không thật, về căn bản, chẳng có chuyện này.

/ 600