/ 600
771

Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa

Tập 96

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa

Giảo duyệt: Huệ Trang và Đức Phong


Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, xin hãy ngồi xuống. Xin xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang một trăm mười, dòng thứ hai từ dưới đếm lên, xem từ câu thứ hai:

“Hựu Danh Nghĩa Tập viết: “Bạt Đà Bà La” (Lại nữa, sách Danh Nghĩa Tập[1] nói: “Bạt Đà Bà La”), đây là tiếng Phạn, “phiên vi Hiền Hộ, tự hộ hiền đức, phục hộ chúng sanh cố. Hoặc vân Hiền Thủ, dĩ vị cư Đẳng Giác, vi chúng hiền chi thủ cố” (dịch là Hiền Hộ, tự gìn giữ hiền đức, lại hộ trì chúng sanh. Hoặc dịch là Hiền Thủ, do Ngài ở địa vị Ðẳng Giác, là Thượng Thủ của các bậc hiền nhân). Đoạn này giải thích ý nghĩa biểu pháp trong danh hiệu. Tiếng Phạn Bạt Đà Bà La (Bhadrapāla), dịch sang nghĩa tiếng Hán là Hiền Hộ. Hiền là gì? Hộ là gì? “Tự hộ hiền đức” (tự gìn giữ hiền đức) là ý nghĩa của chữ Hiền, “phục hộ chúng sanh” (lại hộ trì chúng sanh) là ý nghĩa của chữ Hộ. Do vậy, Hiền là đối với chính mình mà nói, Hộ là đối với đại chúng mà nói. Hiền đức vô lượng vô biên, cũng giống như người Hoa dạy trẻ nhỏ, quý vị thấy họ dạy trẻ con, lúc mới nhập học, nói chung là sáu bảy tuổi, học Tam Tự Kinh. Tam Tự Kinh là khái luận của văn hóa truyền thống Trung Quốc, quý vị thấy vừa nhập môn sẽ dạy tác phẩm này, vun đắp khái niệm này trước hết. Phương pháp dạy học như thế thật sự là trí huệ lỗi lạc, chẳng giống như người ngoại quốc. Người ngoại quốc dạy trẻ nhỏ, họ nói rất thực tế, cho là trẻ nhỏ chẳng hiểu lý luận lớn lao như “nhân chi sơ, tánh bổn thiện” (con người thoạt đầu, tánh vốn lành), làm sao chúng nó có thể hiểu được? Chúng nó có thể hiểu điều gì? Con cún sủa, con mèo bé nhảy nhót, chúng hiểu những điều này, bèn dạy cho chúng những điều ấy. Tuy [nhìn bề ngoài] trẻ chẳng hiểu, quý vị chẳng thể nói chúng nó không hiểu, chớ nên coi thường chúng. Trẻ nhỏ có trí huệ vô cùng cao. Các bác sĩ tâm lý học của Tây phương trong thời cận đại đã dùng thuật thôi miên để chứng thực điều này. Không chỉ là trẻ thơ sau khi được sanh ra, mà ngay cả trước khi sanh, ở trong thai mẹ, chúng cũng rất thông minh, hoàn toàn hiểu rõ tâm tình của mẹ, mẹ ăn uống gì, chúng nó đều có thể cảm nhận được. Làm sao quý vị có thể nói là chúng không biết? Những người ấy sau khi phát hiện [sự thật trên đây], mới thật sự nghĩ cổ nhân Trung Quốc nói “thai giáo” rất hữu lý!

Hiền đức là như trong kinh Hoa Nghiêm đức Phật đã dạy: “Hết thảy chúng sanh đều có trí huệ và đức tướng của Như Lai”. Trí huệ là đức, trí huệ chính là đức được nói tới trong “hiền đức” ở đây. Ở chỗ này, đức năng và tướng hảo được gọi là Hiền, chúng vốn sẵn có trong tự tánh. Trong câu nói này, đức Phật hoàn toàn nói tới cương lãnh của nó (tánh đức). Trong khi dạy học, đức Phật bảo chúng ta, Thập Thiện là hiền đức, chính mình vốn sẵn có. Tam Quy, Ngũ Giới, Lục Hòa, Lục Độ, mười nguyện Phổ Hiền đều là nói tới cương mục, cũng chẳng nhiều. Chúng tôi khẳng định tổ tông đều là Phật, Bồ Tát tái lai, lời họ nói hoàn toàn tương tự với kinh Phật. Nếu quan sát kỹ lưỡng, có đến bảy tám phần trong mười phần giống như những điều do các vị sáng lập các đại tôn giáo trên toàn thể thế giới đã nói trong kinh điển, chỉ sai khác một hai phần trong mười phần. Chỗ không giống nhau là gì? Tập quán sinh hoạt. Trên thế giới này, chúng sanh đông dường ấy, hoàn cảnh cư trụ khác nhau, bối cảnh văn hóa khác nhau, cho nên có những thói quen khác nhau, Phật, Bồ Tát hằng thuận chúng sanh, hoàn cảnh ấy, phong tục tập quán ấy sẽ có lợi cho họ. Tập quán của người thuộc hàn đới là sống trong cảnh trời băng đất tuyết, họ đến vùng nhiệt đới chẳng thể chịu được, không thể chịu đựng khí hậu nơi đó. Cũng giống như vậy, người vùng nhiệt đới đến vùng băng giá cũng sống chẳng quen. Hiện thời, giao thông thuận tiện, trước kia giao thông bất tiện, đúng là có những trường hợp cho đến khi chết già vẫn chẳng qua lại với nhau, hoạt động cả đời chỉ là mấy thôn trang thân cận, có bao giờ tới huyện thành hay không? Cả đời cũng chẳng đi đến. Vì thế, thánh nhân giáo hóa tùy thuận tánh đức.

/ 600