/ 600
870

Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa

Tập 95

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa

Giảo duyệt: Huệ Trang và Đức Phong

 

  Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, xin hãy ngồi xuống. Xin xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang một trăm lẻ bảy, xem từ ba chữ cuối cùng:

  “Hựu bổn kinh trung đệ tam thập nhị phẩm hạ, Di Lặc đương cơ” (lại nữa, trong kinh này từ phẩm ba mươi hai trở đi, ngài Di Lặc là đương cơ). Đức Phật thuyết bộ kinh này gồm tổng cộng bốn mươi tám phẩm, trong ba mươi mốt phẩm đầu, tôn giả A Nan là đương cơ, trong các phẩm cuối từ phẩm ba mươi hai đến phẩm bốn mươi tám, Di Lặc Bồ Tát là đương cơ, điều này cũng hy hữu và là duyên phận thù thắng. Người đương cơ biểu thị loại căn cơ nào thích hợp để tu học pháp môn này. Di Lặc làm đương cơ có ý nghĩa rất sâu, vì trong thời kỳ Mạt Pháp của đức Thế Tôn, trong xã hội hiện thời có rất nhiều tin đồn Di Lặc Bồ Tát đã thành Phật, sắp đến thế gian này hóa độ chúng sanh. Đấy là lời lẽ yêu mị dối người, về căn bản chẳng có chuyện này! Trong kinh, đức Phật đã nói rất rõ ràng, khi nào Di Lặc Bồ Tát sẽ đến thành Phật trong thế gian của chúng ta? Trong phần trước, chúng ta đã đọc thấy “tứ thiên niên chi hậu” (sau bốn ngàn năm), bốn ngàn năm ấy là bốn ngàn năm trên cõi trời Đâu Suất, không phải là bốn ngàn năm trong nhân gian chúng ta. Nay Di Lặc Bồ Tát đang ở Đâu Suất Thiên, thọ mạng của Đâu Suất Thiên là bốn ngàn tuổi. Sự khác biệt thời gian giữa Đâu Suất Thiên và thế gian chúng ta rất lớn, hiện nay [sự sai biệt ấy] được gọi là “thời sai”, một ngày trên ấy bằng bốn trăm năm trong nhân gian. Nếu nói theo nhân gian, thọ mạng con người rất dài thì sống được một trăm năm, trên trời Đâu Suất cũng là một ngày gồm hai mươi bốn giờ, dùng thời gian trên trời Đâu Suất để tính toán, [người trong nhân gian thọ trăm tuổi] sống được bao nhiêu giờ? Sáu giờ. Sáu giờ của họ bằng một trăm năm của chúng ta, sai khác rất lớn. Đổi theo cách tính thời gian trên địa cầu, sẽ là năm mươi bảy ức sáu ngàn vạn năm, năm mươi bảy ức! Thời gian còn dài quá, rất ư là lâu! Trên thế gian nếu không có Phật xuất thế sẽ hết sức đáng thương, năm mươi bảy ức sáu ngàn vạn năm, tôi tính sai rồi! Nhưng Phật, Bồ Tát vô cùng từ bi, trong lúc không có Phật xuất thế, tuy hiện thời Thích Ca Mâu Ni Phật đã diệt độ, nhưng sức ảnh hưởng của Ngài, tức là pháp vận của lão nhân gia là một vạn hai ngàn năm. Dựa theo cách ghi chép của tổ sư đại đức Trung Quốc từ xưa, Thích Ca Mâu Ni Phật sanh vào năm thứ hai mươi bốn đời Châu Chiêu Vương, lão nhân gia nhập diệt vào năm thứ năm mươi ba đời Châu Mục Vương. Nếu tính theo cách này, phải biết từ khi Thích Ca Mâu Ni Phật diệt độ đến nay là ba ngàn lẻ ba mươi bảy năm, khác với cách tính của người ngoại quốc. Theo cách tính của người ngoại quốc thì là hơn hai ngàn năm trăm năm, sai biệt sáu trăm năm. Chúng ta chẳng cần phải khảo cứu chuyện này, “phàm những gì có tướng đều là hư vọng”, chuyện này không quan trọng, điều quan trọng nhất là hiểu lý, chúng ta niệm Phật, cầu nhất tâm bất loạn, đó là trọng yếu.

  Do vậy, tuy Phật chẳng tại thế, kinh điển vẫn còn. Kinh Đại Thừa nói chỗ nào có kinh điển, chỗ đó có Pháp Thân của Như Lai hiện diện. Đức Phật dùng kinh giáo để độ chúng sanh, những thứ khác đều thuộc loại kỷ niệm, chẳng hạn như xá-lợi của Phật hoặc xương ngón tay đức Phật đều thuộc loại kỷ niệm. Dẫu quý vị đến xem cho nhiều, lễ bái nhiều đến đâu đi nữa, vẫn chẳng thể khai ngộ, cũng chẳng thành Phật. Chúng ta muốn khai ngộ, muốn thành Phật, vẫn phải nương theo giáo huấn trong kinh điển để nghiêm túc tu hành. Đó là chánh pháp, chẳng phải là mê tín, phải hiểu đạo lý này. “Di Lặc làm đương cơ” có nghĩa là trong thời kỳ Mạt Pháp, Di Lặc Bồ Tát dạy chúng ta pháp môn gì? Dạy chúng ta niệm Phật, dạy chúng ta cầu sanh Di Đà Tịnh Độ, chẳng phải là Di Lặc Tịnh Độ. Phải hiểu ý nghĩa này. Nếu chẳng hiểu ý nghĩa này, phần sau kinh, từ phẩm ba mươi hai trở đi, ngài Di Lặc làm đương cơ sẽ chẳng có ý nghĩa gì hết! Do vậy, chúng ta phải hiểu, phải thấu hiểu ý nghĩa biểu thị pháp của đức Phật. Không chỉ là hiện thời Di Lặc Bồ Tát dạy chúng ta phải niệm A Di Đà Phật cầu sanh Tịnh Độ, mà trong tương lai, tức là vào năm mươi bảy ức sáu ngàn vạn năm sau, khi Di Lặc Bồ Tát đến thành Phật trong thế gian này, vẫn giảng bộ kinh này, vẫn tuyên dương Tịnh Độ, khuyên dạy mọi người niệm Phật cầu sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới, [phải là như vậy] thì sự biểu thị pháp mới là viên mãn. Nếu không, Ngài biểu thị pháp có ý nghĩa gì đâu? Đối với những chỗ như thế này, xem kinh phải chú tâm, chớ nên hời hợt qua loa đọc lướt qua. Vì thế, ở chỗ này, [kinh điển] đã đặc biệt nhắc nhở chúng ta.

/ 600