Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa
Tập 94
Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không
Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa
Giảo duyệt: Huệ Trang và Đức Phong
Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, xin hãy ngồi xuống. Xin xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang một trăm lẻ bảy, hàng thứ ba từ dưới đếm lên, xem từ chữ thứ ba trong dòng thứ ba từ dưới đếm lên.
“Thứ liệt Di Lặc giả, Đại Bảo Tích Kinh Phát Thắng Chí Nhạo Hội, Di Lặc vấn Phật: Nhược hữu chúng sanh phát thập chủng tâm, tùy nhất nhất tâm chuyên niệm hướng ư A Di Đà Phật, thị nhân mạng chung đương đắc vãng sanh bỉ Phật thế giới. Thế Tôn! Hà đẳng danh vi phát thập chủng tâm?” (Kinh Ðại Bảo Tích, pháp hội Phát Khởi Bồ Tát Thù Thắng Chí Nhạo, có chép ngài Di Lặc hỏi Phật: “Nếu có chúng sanh phát mười tâm, đối với mỗi tâm chuyên niệm hướng về A Di Ðà Phật, người ấy mạng chung sẽ được vãng sanh thế giới của đức Phật ấy. Bạch Thế Tôn! Những gì gọi là phát mười thứ tâm?”). Trong phần trước, chúng ta học đến chỗ này, [chúng tôi] trích lục đoạn kinh nói về “phát mười thứ tâm” trong kinh Đại Bảo Tích. Trong phần trước, chúng ta đã học bốn tâm trong mười thứ tâm, thứ nhất là vô tổn hại tâm, thứ hai là vô bức não tâm, thứ ba là nhạo thủ hộ tâm, thứ tư là vô chấp trước tâm, trong mỗi tâm bao hàm ý nghĩa sâu rộng vô tận. Hôm nay, chúng ta lại xem tâm thứ năm: “Khởi tịnh ý tâm. Niệm Phật chi nhân, năng ly thế gian tạp nhiễm chi pháp, phục ư lợi dưỡng đẳng sự, thường sanh tri túc chi tâm, thị danh khởi tịnh ý tâm” (Khởi tịnh ý tâm: Người niệm Phật có thể lìa pháp tạp nhiễm thế gian, tâm lại thường biết đủ đối với những sự như lợi dưỡng v.v... thì gọi là khởi tịnh ý tâm). Điều này nói tới “chẳng tham”, hai điều trước đó là “chẳng giết”, điều thứ ba là hộ pháp, điều thứ tư vô cùng quan trọng, buông chấp trước xuống. Vì trong các kinh Đại Tiểu Thừa, đức Phật thường dạy chúng ta, nếu chúng ta có thể chẳng chấp trước hết thảy các pháp thế gian và xuất thế gian, đức Phật nói quý vị sẽ vượt thoát lục đạo luân hồi. Do điều này có thể biết lục đạo luân hồi do đâu mà có? Do chấp trước mà có, chỉ cần quý vị có ý niệm chấp trước, hiện tượng luân hồi bèn xuất hiện.
Người thật sự giác ngộ sẽ như Vĩnh Gia đại sư đã nói trong Chứng Đạo Ca. Ngài Vĩnh Gia là người đời Đường, cùng thời đại với Lục Tổ của Thiền Tông, và cũng là học trò của Lục Tổ, minh tâm kiến tánh, kiến tánh thành Phật trong hội của Lục Tổ. Suốt đời Lục Tổ, trong số các học trò có bốn mươi ba người thành tựu, “thành tựu” là minh tâm kiến tánh. Minh tâm kiến tánh không chỉ vượt thoát lục đạo, mà còn vượt thoát mười pháp giới, thật sự thành tựu! A La Hán chỉ là tiểu thành tựu, chẳng thể coi là thành tựu thật sự. Ngài chỉ thoát ly lục đạo luân hồi, chưa thoát ly mười pháp giới. Chúng ta biết luân hồi do ý niệm chấp trước mà xuất hiện; do vậy, Vĩnh Gia đại sư bảo: “Mộng lý minh minh hữu lục thú” (trong mộng rành rành phô sáu nẻo), “lục thú” là lục đạo luân hồi; “giác hậu không không vô đại thiên” (giác rồi ba cõi rỗng toang hoang), đã giác ngộ sẽ không chấp trước. Chấp trước là mê, mê mà bất giác nên mới chấp trước, nhưng chấp trước nghiêm trọng nhất là tình chấp, thứ này cũng chẳng thật. Chấp trước chẳng còn thì lục đạo chẳng còn! A La Hán chẳng còn chấp trước, nhưng còn có phân biệt. Có phân biệt thì có bốn thánh pháp giới, tức là Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ Tát, Phật, có những pháp giới ấy xuất hiện. Những pháp giới ấy vẫn là mộng, cũng chẳng thật. Lục đạo là mộng trong mộng, quý vị thấy đó, mê rất sâu!
Từ lục đạo tỉnh giấc, cảnh giới hiện tiền là bốn thánh cảnh giới, bốn thánh cảnh giới vẫn là mộng, vẫn chẳng thật. Lại phải buông phân biệt xuống! Không chỉ chẳng chấp trước, mà còn vĩnh viễn lìa khỏi phân biệt đối với hết thảy các pháp thế gian và xuất thế gian. Sau đấy, lại nâng cao công phu tới mức “chẳng khởi tâm, không động niệm”, sẽ chẳng thấy mười pháp giới. Đúng như đức Thế Tôn đã dạy trong kinh Bát Nhã: “Phàm những gì có tướng đều là hư vọng”, mười pháp giới có tướng, nên chúng chẳng thật, đạt đến một trình độ nhất định sẽ chẳng thấy cảnh giới nữa, nó tiêu mất. Vì thế, các nhà khoa học hiện đại bảo chúng ta: Vũ trụ to lớn vô cùng tận, khoa học hiện thời có thể thăm dò vũ trụ vĩ mô, nhưng chỉ có thể thăm dò mười phần trăm của toàn thể vũ trụ. Nói cách khác, hãy còn chín mươi phần trăm vũ trụ chưa thấy! Chúng ta nghe câu ấy bèn hiểu, người tu học Đại Thừa bèn hiểu rõ, lời các nhà khoa học nói là thật, chín mươi phần trăm chẳng thấy, vì sao không thấy? Đã tỉnh mộng, sau khi tỉnh giấc, chẳng thấy cảnh giới trong mộng nữa, do đạo lý này. Vì thế, họ đã dò xét chân tướng vũ trụ khá lắm, chúng ta rất bội phục, [nhưng họ] vẫn chưa đạt đến rốt ráo, vẫn chưa triệt để. Nếu đạt đến triệt để, tôi tin là sẽ hoàn toàn giống như kinh Đại Thừa đã nói.