/ 600
815

Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa

Tập 93

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa

Giảo duyệt: Huệ Trang và Đức Phong


Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, xin hãy ngồi xuống. Xin xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang một trăm lẻ bảy, dòng thứ hai, xem từ dòng thứ hai.

“Bổn kinh dĩ thượng tam đại sĩ vi Bồ Tát chúng trung thượng thủ, cái nhân tam đại sĩ Tịnh Độ duyên thâm, chánh hảo ảnh hưởng hải hội đại chúng đồng quy Tịnh Độ” (Trong kinh này, ba vị đại sĩ trên đây là thượng thủ trong hàng Bồ Tát, do vì ba vị đại sĩ có duyên sâu đậm với Tịnh Độ, rất phù hợp để tạo ảnh hưởng khiến đại chúng cùng quay về Tịnh Độ). Mấy câu này vô cùng hay, khiến tôi cảm xúc rất sâu, vì quả thật ba vị đại Bồ Tát ấy đã hướng dẫn tôi quay về Tịnh Độ, pháp môn này quả thật là pháp khó tin. Đặc biệt là nói [pháp môn này] với những người hiện đang được gọi là “thành phần trí thức” càng đặc biệt khó khăn, vì sao? Sở Tri Chướng quá nặng. Nếu lại thêm Phiền Não Chướng, chuyện này sẽ rất phiền phức. Phiền Não Chướng nhẹ nhàng, Sở Tri Chướng nặng nề, cũng rất khó trở về Tịnh Độ. Chúng ta xem tiếp trang sau: “Phổ Hiền Hạnh Nguyện Phẩm trung Phổ Hiền Bồ Tát ư Thệ Đa lâm trung, phát thập đại nguyện vương” (trong phẩm Phổ Hiền Hạnh Nguyện, Phổ Hiền Bồ Tát ở trong rừng Thệ Đa phát ra mười đại nguyện vương). Thệ Đa Lâm tức là Kỳ Thụ Cấp Cô Độc Viên[1], chúng ta thấy Phổ Hiền Bồ Tát dùng mười đại nguyện vương dẫn về Cực Lạc. Quý vị phải nhớ: Mười nguyện ấy giống như một tòa cao ốc mười tầng, lễ kính là tầng thứ nhất, xưng tán là tầng thứ hai, cúng dường là tầng thứ ba, sám trừ nghiệp chướng là tầng thứ tư, càng về sau càng phát triển cao hơn, tầng sau nhất định bao gồm tầng trước, nhưng tầng trước chẳng bao gồm tầng sau. Tầng thứ nhất không bao hàm tầng thứ hai, nó có thể độc lập; tầng thứ hai nhất định có tầng thứ nhất, không có tầng thứ nhất sẽ chẳng thể xây dựng được. Từ chỗ này, chúng ta biết: Nếu không có lễ kính, tâm cung kính chẳng thể sanh khởi, thứ gì cũng chẳng có. Quý vị không có tầng thứ nhất, toàn bộ đều chẳng có! Ngàn vạn phần chớ nên sơ sót. [Nếu nghĩ] cung kính qua loa một chút là được rồi, không được đâu nhé! Qua quít không được! Hễ qua quít là thôi rồi! Vì vậy, quý vị thấy trong pháp thế gian, người Trung Quốc từ xưa tới nay [tự hào Trung Hoa là] “lễ nghĩa chi bang” (đất nước lễ nghĩa). Chúng ta mở sách Lễ Ký ra xem, câu đầu tiên là “Khúc Lễ viết, vô bất kính” (Khúc Lễ[2] nói: “Không gì chẳng kính”), quý vị thấy, [cổ nhân] đặt lễ kính vào hàng đầu, bèn biết pháp môn này trọng yếu ngần ấy!

Giữa những người quá thân thuộc với nhau, suồng sã một tí, cần gì phải bày vẽ màu mè như thế? Trọn chẳng biết đấy không phải là bày vẽ màu mè, mà [lễ kính] phát xuất từ trong nội tâm, tánh đức tự nhiên lưu lộ, lại còn phải vĩnh viễn chẳng suy thì pháp thế gian và pháp xuất thế gian mới có thể kiến lập. Lễ kính hơi suy một chút, chắc chắn sau đó sẽ nẩy sanh vấn đề. Người sáng mắt hiểu rõ: Lễ số bị suy kém một chút, đó là tín hiệu cho thấy [đoàn thể] bị phân tán, sắp phải chia tay, đã có chuyện thay đổi! Vì thế, chúng ta phải hiểu rõ: Chẳng thể điên đảo thứ tự! Cùng một đạo lý, Bồ Tát tu sáu Ba La Mật, thứ nhất là bố thí, thứ hai là trì giới, thứ ba là nhẫn nhục, thứ tư là tinh tấn; nếu chẳng có bố thí, toàn bộ những điều sau đó cũng chẳng có! Kẻ không chịu bố thí làm sao trì giới được? Chẳng thể nào! Không thể trì giới, làm sao kẻ ấy tu nhẫn nhục cho được? Trong Phật pháp, đức hạnh có rất nhiều thứ, nhưng chắc chắn không thể đảo lộn thứ tự các đức hạnh trong tu hành. Hễ thứ tự bị xáo trộn bèn rối loạn, đến cuối cùng chẳng có chuyện nào thành tựu! Đối với lễ kính, Phổ Hiền Bồ Tát dạy chúng ta “lễ kính chư Phật”, từ cơ sở này mà tu thành Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, đấy mới là công đức xứng tánh viên mãn, làm sao có thể coi thường cho được? Những gì do chư Phật Như Lai, Pháp Thân đại sĩ đã kiến lập, nhất định có đạo lý to lớn trong ấy, chúng ta phải tin sâu chẳng nghi, phải nghiêm túc học tập, tuân thủ các lời răn dạy mới hòng thành tựu. “Phổ giai hồi hướng” là tầng lầu thứ mười ở tận trên cùng, là chót đỉnh của tháp báu, “phổ giai hồi hướng” nghĩa là gì? Chính là nguyện thứ nhất trong Tứ Hoằng Thệ Nguyện, “chúng sanh vô biên thệ nguyện độ”, cơ sở của phổ độ là lễ kính.

/ 600