/ 600
688

Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa

Tập 92

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa

Giảo duyệt: Huệ Trang và Đức Phong


Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, xin mời ngồi xuống. Xin xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang một trăm lẻ sáu, xem từ dòng thứ tám, cũng là đoạn thứ hai.

“Di Lặc Bồ Tát, cập Hiền kiếp trung nhất thiết Bồ Tát, giai lai tập hội” (Di Lặc Bồ Tát và hết thảy Bồ Tát trong Hiền kiếp đều đến nhóm hội). Đối với câu kinh văn này, trong Chú Giải, cụ Niệm Tổ đã giới thiệu, Di Lặc (Maitreya) là tiếng Phạn, dịch sang nghĩa tiếng Hán là Từ Thị, tức là từ bi. “Bồ Tát chi tánh dã, danh A Dật Đa” (là họ của Bồ Tát, Ngài tên là A Dật Đa). A Dật Đa (Ajita) là tiếng Phạn, dịch sang nghĩa tiếng Hán là Vô Năng Thắng (không ai có thể trỗi hơn được), có nghĩa là thù thắng khôn sánh. “Cụ túc tắc vi Từ Thị Vô Năng Thắng” (nói đầy đủ là Từ Thị Vô Năng Thắng), cũng có nghĩa là trong các vị Bồ Tát, Di Lặc Bồ Tát từ bi nhất. Trên thực tế, Phật Phật đạo đồng, chư Phật Như Lai, Pháp Thân Bồ Tát chẳng hề bất bình đẳng. Trí huệ, đức năng, và tướng hảo đều bình đẳng. Những danh hiệu như vậy trong kinh điển không gì chẳng nhằm thể hiện ý nghĩa biểu thị pháp, pháp môn nào sẽ dùng vị Bồ Tát nào làm đại diện, mang ý nghĩa biểu thị pháp. Di Lặc đặc biệt biểu thị lòng từ bi thù thắng, như Văn Thù tượng trưng trí huệ thù thắng, Phổ Hiền tượng trưng sự thực hành thù thắng, Địa Tạng tượng trưng “hiếu thảo cha mẹ, tôn trọng thầy” thù thắng. Thật ra, đều là bình đẳng, chúng ta phải hiểu điều này! Hiện thân, làm việc, ngôn ngữ, danh hiệu trong Phật pháp, không gì chẳng nhằm biểu thị pháp. Nói cách khác, hết thảy đều là phương tiện dạy học, mục đích là không gì chẳng khiến cho hết thảy chúng sanh thấy hình tượng Bồ Tát, đó là thân hành, nghe Bồ Tát giáo huấn, có thể đạt giác ngộ, trở về tự tánh, đấy là mục tiêu chung cực trong học tập Phật pháp.

Tiếp đó, cụ Hoàng dẫn chứng: “Di Đà Sớ Sao vân” (sách Di Đà Sớ Sao viết). Sớ Sao do Liên Trì đại sư soạn, trong Sớ Sao có một đoạn như vậy, những điều được nói trong đoạn ấy đều là những điều được nói trong kinh điển. “Dĩ tại mẫu thai trung, tức hữu từ tâm, cố dĩ danh tộc” (Do khi Ngài còn trong thai, mẹ liền có tâm Từ, nên lấy đó làm họ): Khi mẹ có thai Ngài, tâm từ bi vô cùng rõ rệt; vì thế, bộ tộc của Ngài lấy tên là Di Lặc. Di Lặc là họ của Ngài, dòng họ là bộ tộc, tại cổ đại Ấn Độ là như vậy, mà ở Trung Quốc cũng là như thế. Trung Quốc cổ đại thường lấy dòng họ làm danh xưng của bộ tộc. “Hựu quá khứ sanh trung, ngộ Đại Từ Như Lai, nguyện đồng thử hiệu, tức đắc Từ Tâm tam-muội” (Lại nữa, trong đời quá khứ, gặp Đại Từ Như Lai, nguyện có cùng danh hiệu ấy, liền đắc Từ Tâm tam-muội). Trong kiếp trước lâu xa, Bồ Tát gặp Phật nghe pháp, gặp được một vị Phật có hiệu là Đại Từ Như Lai, Ngài làm đệ tử của Đại Từ Như Lai, phát nguyện đời đời kiếp kiếp mong có cùng danh hiệu với thầy. Danh và thực nhất định tương xứng, danh hiệu giống nhau, trí huệ, đức năng, hành trì nhất định chẳng khác thầy, đó là “thầy trò đạo hợp”, là truyền nhân của thầy. Do phát nguyện ấy bèn đắc Từ Tâm tam-muội. Tam, đúng mực, còn dịch là Chánh Định, tâm đã định, định trong đại từ đạ-muội (Samādhi) là tiếng Ấn Độ, dịch sang nghĩa tiếng Hán là Chánh Thọ, tức sự hưởng thụ chánh đáng, còn dịch là Chánh Định, tâm đã định rồi, định trong đại từ đại bi.

“Hựu tích vi Bà La Môn, hiệu Nhất Thiết Trí, ư bát thiên tuế, tu tập Từ hạnh” (Xưa kia, Ngài lại là Bà La Môn có hiệu là Nhất Thiết Trí, tu tập hạnh Từ trong tám ngàn năm). Trong đoạn này nói đến rất nhiều thời đại, đấy cũng là sự tích tu hành của Di Lặc Bồ Tát trong đời quá khứ. Lại nữa, trong thời đại ấy, Ngài từng hiện thân làm Bà La Môn. Bà La Môn giáo của cổ Ấn Độ là một tôn giáo vô cùng xa xưa, lịch sử đã lâu đời, hậu thân của tôn giáo này chính là Hưng Đô Giáo (Hinduism) trong hiện tại, người Hoa gọi tôn giáo ấy là Ấn Độ giáo. Nghe nói tôn giáo ấy có hơn một vạn năm lịch sử, chúng ta có thể tin tưởng lời này, người Ấn Độ không coi trọng lịch sử cho lắm, họ chú trọng tu Định, khai ngộ. Điều này cũng có lý, tu Định, khai ngộ là thật; trừ chuyện này ra, như đức Phật đã dạy trong kinh: “Phàm những gì có hình tướng đều là hư vọng”, “hết thảy pháp hữu vi, như mộng, huyễn, bọt, bóng”, những điều này đều là sự thật. Hiện thời, trên thế giới thừa nhận Ấn Độ giáo có lịch sử tối thiểu là tám ngàn năm trăm năm, họ nói Phật giáo chỉ có hơn hai ngàn năm trăm năm lịch sử. Nói như vậy, tối thiểu Ấn Độ giáo lâu hơn Phật giáo năm ngàn năm, thật sự là một tôn giáo cổ xưa. Bà La Môn giáo coi trọng tu Định, trong kinh điển, đức Phật thường nhắc tới Tứ Thiền Bát Định, những món Thiền Định ấy do Bà La Môn giáo của cổ Ấn Độ đề xướng. Thuở đó, ở Ấn Độ, tất cả các tôn giáo, kể cả các học phái đều coi trọng tu Thiền Định. Trong Định có thể đột phá các chiều không gian, có thể thấy quá khứ, mà cũng có thể thấy tương lai. Họ có năng lực thấy trạng huống trong toàn thể lục đạo, học thuyết lục đạo luân hồi do họ đề ra, đó là cảnh giới do họ đích thân chứng nghiệm trong Định. Nói theo hiện thời, điều này cũng thuộc về Triết Học và Khoa Học, bất quá họ chẳng dùng máy móc khoa học, mà dùng công phu Thiền Định để hoàn toàn thấy được, hoàn toàn thông đạt, hiểu rõ! Đây là giới thiệu đơn giản về Bà La Môn giáo.

/ 600