Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa
Tập 91
Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không
Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa
Giảo duyệt: Huệ Trang và Đức Phong
Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, xin hãy ngồi xuống. Xin xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải trang một trăm lẻ ba, xem hàng thứ sáu kể từ dưới lên.
“Bổn kinh tiên liệt Thanh Văn, hậu chương Bồ Tát, chánh như Phật Địa Luận đệ nhị vân: - Tiên thuyết Thanh Văn, hậu thuyết Bồ Tát. Thanh Văn chúng giả, cận đối Thế Tôn, thân thọ hóa cố. Hựu chư Thanh Văn, thường tùy Phật cố, hình đồng Phật cố. Thị cố, chư kinh đa thị tiên Thanh Văn, nhi hậu Bồ Tát” (Kinh này trước là liệt kê Thanh Văn, sau nêu bày hàng Bồ Tát. Đúng như Phật Địa Luận, quyển thứ hai đã nói: “Trước nói Thanh Văn, sau nói Bồ Tát. Vì hàng Thanh Văn thân cận đức Thế Tôn, được Ngài đích thân giáo hóa. Lại nữa, các vị Thanh Văn thường theo đức Phật, có hình dáng giống như Phật. Do vậy, các kinh phần nhiều liệt kê chúng Thanh Văn trước, sau đó mới nói đến hàng Bồ Tát”). Trong phần trước, chúng ta đã nói tới ý nghĩa này. Khi kết tập Kinh Tạng, Sáu Thứ Thành Tựu trong phần trước chính là lời mào đầu của đức Thế Tôn, liệt kê các vị Thượng Thủ hoàn toàn nhằm biểu thị pháp. Từ các vị Thanh Văn và Bồ Tát, chúng ta liền biết tánh chất của bộ kinh này. Từ những vị biểu thị pháp, chúng ta sẽ thấy: Qua bộ kinh này, đức Thế Tôn muốn dạy chúng ta pháp môn nào. Như đã nói trong phần trước, ngài Liễu Bổn Tế tượng trưng cho tự tánh, Bổn Tế là bổn tánh, Liễu là hiểu rõ. Nói theo cách bây giờ, [Liễu Bổn Tế] chính là “minh tâm kiến tánh, kiến tánh thành Phật”, biểu thị ý nghĩa này, thành tựu trong một đời. Thông thường, ta thấy [những vị Thượng Thủ được nêu tên] nhiều nhất là Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên, gần như mỗi bộ kinh đều có hai Ngài, điều đó tượng trưng cho trí huệ và thần thông trong tự tánh, đồng thời [biểu thị] bản năng (năng lực sẵn có) của sáu căn chẳng có chướng ngại. Mắt thấy thì chúng ta có thể thấy khắp pháp giới hư không giới, có thể thấy tự tánh, có năng lực to dường ấy, căn tánh của sáu căn đều chẳng thể nghĩ bàn. Ngài Ca Diếp biểu thị Thiền Tịnh bất nhị, tôn giả A Nan biểu thị đa văn đệ nhất, khiến cho chúng ta trông thấy những vị ấy liền biết tánh chất trọng yếu của bộ kinh này, chúng ta học tập bộ kinh này sẽ có thể đạt tới cảnh giới như thế nào!
Hôm nay chúng ta xem tới phần Bồ Tát Chúng. “Hựu hữu Phổ Hiền Bồ Tát” (lại có Phổ Hiền Bồ Tát), xếp Phổ Hiền trước Văn Thù giống như trong kinh Hoa Nghiêm, kinh Hoa Nghiêm cũng xếp ngài Phổ Hiền đầu tiên, Văn Thù thứ hai. Phổ Hiền tượng trưng Hành môn, Văn Thù tượng trưng Giải môn. Nói cách khác, bộ kinh này chú trọng thực hành, phải thật sự làm, chú trọng Hành môn. Chúng ta đọc lời chú giải của Hoàng lão cư sĩ, “Bồ Tát nãi Phạm ngữ chi lược tồn” (Bồ Tát là nói tắt của tiếng Phạn), đây là nói tới [nguyên gốc của chữ Bồ Tát] trong tiếng Phạn, người Trung Quốc chuộng đơn giản, nên đã rút gọn [từ ngữ ấy], “cụ túc ưng vân Ma Ha Bồ Đề Chất Đế Tát Đỏa” (nói đầy đủ phải là Ma Ha Bồ Đề Chất Đế Tát Đỏa). Phía trước còn thêm chữ Ma Ha, Ma Ha có nghĩa là Đại. “Bồ Đề Chất Đế Tát Đỏa”, Ma Ha dịch là Đại, Bồ Đề dịch là Đạo, Chất Đế (Citta) dịch thành Tâm, Tát Đỏa (Sattva) dịch thành Chúng Sanh hoặc Hữu Tình, gộp lại là Đại Đạo Tâm Chúng Sanh, trong giáo pháp Đại Thừa, cách này được gọi là Cổ Dịch. [Nói đến] cổ hay kim bèn lấy Huyền Trang đại sư làm đại biểu, [những nhà dịch kinh] trước thời ngài Huyền Trang đại sư gọi là Cổ Dịch, sau Huyền Trang đại sư gọi là Kim Dịch. Chúng ta đọc chú giải thấy nói Cổ Dịch hay Kim Dịch là theo ý nghĩa này, [chứ Kim Dịch] chẳng phải là [dịch thuật theo lối] hiện đại. Thời cổ dịch [Bồ Tát] là Đại Đạo Tâm Chúng Sanh, Huyền Trang đại sư dịch từ ngữ này thành Giác Hữu Tình, vì Bồ Đề (Bodhi) là giác ngộ, Tát Đỏa (Sattva) là hữu tình chúng sanh. Tình của họ chưa đoạn, [tức là] chưa đoạn tình thức, vẫn chưa thể chuyển A Lại Da thành Đại Viên Kính Trí, chưa chuyển tám thức thành bốn trí. Bậc Bồ Tát như vậy được gọi là Bồ Đề Tát Đỏa, đã giác ngộ. Nếu Ngài chuyển tám thức thành bốn trí sẽ gọi là Ma Ha Tát. Ma Ha Tát là Pháp Thân đại sĩ, Pháp Thân đại sĩ là Phật. Cho nên “giản xưng Bồ Đề Tát Đỏa, nghĩa vi Giác Hữu Tình” (gọi đơn giản là Bồ Đề Tát Đỏa, nghĩa là Giác Hữu Tình). Giác Hữu Tình là do Huyền Trang đại sư dịch, trước thời Huyền Trang đại sư, [từ ngữ ấy] được dịch là Đại Đạo Tâm Chúng Sanh.