/ 600
794

Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa

Tập 90

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa

Giảo duyệt: Huệ Trang và Đức Phong


Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, xin mời ngồi xuống. Xin xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang một trăm lẻ một, dòng thứ năm đọc từ dưới lên, xem từ câu “tôn giả A Nan đẳng” (tôn giả A Nan v.v...):

“Tôn giả A Nan đẳng, Đường, Tống dịch tác A Nan Đà, lược xưng A Nan, dịch viết Khánh Hỷ, Hoan Hỷ, hựu vân Vô Nhiễm, nãi Bạch Phạn Vương chi tử, Phật chi đường đệ dã. Sanh ư Phật thành đạo nhật, Tịnh Phạn Vương ký văn Thái Tử thành Phật, hựu văn cung trung đản tử, cánh tăng hoan hỷ, nãi viết: ‘Kim nhật đại cát, thị hoan hỷ nhật’. Ngữ lai sứ ngôn, thị nhi đương tự vi A Nan” (“Tôn giả A Nan v.v...”: Đời Ðường, Tống dịch là A Nan Ðà (Ānanda), gọi tắt là A Nan, Hán dịch là Khánh Hỷ, Hoan Hỷ, còn dịch là Vô Nhiễm. Ngài là con của vua Bạch Phạn (Śuklodana), em họ của Phật, sanh nhằm ngày Phật thành đạo. Vua Tịnh Phạn (Śuddhodana) nghe tin Thái Tử thành Phật, lại nghe trong cung sanh con trai càng thêm hoan hỷ, bèn phán: “Hôm nay đại cát, là ngày hoan hỷ”, bảo với sứ giả: “Ðứa trẻ ấy nên đặt tên là A Nan”). Chúng ta xem tới đây. Ở đây, sau “tôn giả A Nan” có chữ Đẳng (等), Đẳng là còn có những người khác, vì trong năm bản dịch gốc, bản kể tên nhiều nhất có hơn ba mươi vị, khi cụ Hạ hội tập, đã chọn lấy những vị mang tính chất biểu thị pháp trọng yếu, những vị khác đều tỉnh lược; vì thế, dùng chữ Đẳng. Bản Đường dịch và Tống dịch đều phiên âm là A Nan Đà, Đà là âm cuối, người Trung Quốc, đặc biệt là cổ nhân Trung Quốc chuộng đơn giản, nên lược bớt âm cuối. Giống như chữ Phật, sau chữ Phật có âm cuối, tức Phật Đà Da, âm cuối cũng bị tỉnh lược. Vì thế, gọi gọn là A Nan, dịch sang nghĩa tiếng Hán là Khánh Hỷ, hoặc Hoan Hỷ, cũng có nghĩa là Vô Nhiễm, Ngài là con của vua Bạch Phạn. Cha của đức Thế Tôn là vua Tịnh Phạn có bốn anh em, mỗi người đều có hai con trai. Vì thế, Phật Thích Ca có tám người anh em họ. Trong số tám người anh em họ, đức Phật lớn nhất, A Nan nhỏ nhất, đứng vào hàng thứ tám. A Nan sanh nhằm ngày đức Phật thành đạo, Thích Ca Mâu Ni Phật ba mươi tuổi thành đạo, người em này nhỏ hơn đức Phật ba mươi tuổi, vì đức Phật thành đạo lúc ba mươi tuổi. Sanh nhằm ngày hôm ấy, cũng là ngày đức Phật thành đạo, tin vui báo về hoàng cung, vua Tịnh Phạn nghe tin Thái Tử thành Phật, chứng quả, lại nghe trong cung sanh ra đứa bé này, là em họ của đức Phật, tức là cháu trai của nhà vua, nên vô cùng hoan hỷ. Vua bèn nói: “Hôm nay là ngày đại cát, là ngày hoan hỷ”, bảo người đến báo tin: “Đứa bé ấy nên đặt tên là A Nan”, tức A Nan Đà, mang ý nghĩa hoan hỷ.

“Hựu tôn giả đoan chánh, thanh tịnh, như hảo minh kính, kiến kỳ tướng giả, văn kỳ thanh giả, đổ kỳ oai nghi giả, mạc bất hoan hỷ, cố dĩ vi danh” (Hơn nữa, tôn giả đoan chánh, thanh tịnh như tấm gương trong vắt. Trông thấy hình dạng Ngài, nghe tiếng Ngài, xem oai nghi của Ngài, không ai chẳng hoan hỷ, nên đặt tên như vậy). Cái tên này vô cùng thích hợp. A Nan cũng là bậc tái lai, chẳng phải là phàm nhân. Đức Phật có ba mươi hai tướng, tám mươi vẻ đẹp, A Nan có ba mươi tướng; vì thế, rất hiếm có. “Đoan chánh, thanh tịnh, như hảo minh kính”, gương sáng đặc biệt đẹp đẽ; vì thế, có người thấy đứa bé ấy, hoặc nghe tiếng nó nói, thấy động tác của nó, không ai chẳng hoan hỷ, ai trông thấy cũng yêu mến đứa bé ấy. Vì thế, bác cả đặt tên cho đứa bé là A Nan, danh tương xứng thực. “Hựu tôn giả tùy Phật nhập thiên cung, long cung, tâm vô nhạo trước, cố danh Vô Nhiễm” (Ngoài ra, tôn giả theo Phật vào long cung, thiên cung, tâm không ham đắm, nên gọi là Vô Nhiễm). Sau khi xuất gia, Thích Ca Mâu Ni Phật từng dẫn Ngài lên xem thiên cung, tức Dục Giới Thiên, cũng đã từng đến thăm cung rồng, là nơi Đại Long Bồ Tát ở, bất luận tại long cung hay thiên cung, Ngài đều chẳng bị nhiễm ô, tâm địa thanh tịnh. Vì thế, danh hiệu ấy cũng có nghĩa là Vô Nhiễm. “Phật thọ ngũ thập ngũ tuế thời, A Nan xuất gia” (Khi đức Phật đã năm mươi lăm tuổi, A Nan mới xuất gia), A Nan xuất gia lúc hai mươi lăm tuổi, “thị Phật nhị thập ngũ niên” (hầu Phật hai mươi lăm năm) thì gặp lúc Thích Ca Mâu Ni Phật diệt độ. Người Trung Quốc nói theo tuổi ta [nên bảo đức Phật diệt độ lúc] tám mươi tuổi, người ngoại quốc nói theo tuổi thật sự, tuổi thật sự là bảy mươi chín tuổi. Ngài làm thị giả cho đức Phật hai mươi lăm năm, chăm sóc đức Phật hai mươi lăm năm. “Phật sở tuyên thuyết, tất năng ức trì, bất vong nhất tự” (các pháp do đức Phật tuyên thuyết Ngài đều nhớ giữ, chẳng quên một chữ). Trong các vị đệ tử của đức Phật, Ngài có trí nhớ tốt nhất, sức lý giải đặc biệt mạnh mẽ. Từ hội Lăng Nghiêm chúng ta có thể thấy, đức Thế Tôn giảng kinh Lăng Nghiêm, Ngài có thể hoàn toàn lý giải những ý nghĩa do đức Phật đã nói. Cùng lúc ấy, tôn giả Phú Lâu Na đã đắc Tứ Quả La Hán, nhưng nghe chẳng hiểu, mà ngài A Nan có thể nghe hiểu, chứng tỏ căn tánh của Ngài chẳng giống người khác! Vì thế, Ngài truyền thừa pháp tạng của đức Phật. Tôn giả Ca Diếp truyền Thiền Tông của đức Phật, còn Giáo Hạ do ngài A Nan truyền. “Thảy đều có thể ghi nhớ, chẳng quên một chữ” vô cùng khó, nên Ngài đương nhiên là bậc tái lai. “Niết Bàn xưng A Nan đa văn sĩ. Hựu Ca Diếp tán viết: ‘Phật pháp đại hải thủy, lưu nhập A Nan tâm’. Cố viết, đa văn đệ nhất” (Kinh Niết Bàn gọi A Nan là bậc Đa Văn. Ngài Ca Diếp cũng khen rằng: Nước biển cả Phật pháp chảy vào tâm A Nan”, nên gọi Ngài là đa văn bậc nhất). Trong mười vị đại đệ tử, Ngài là đa văn đệ nhất.

/ 600