/ 600
1.078

Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa

Tập 89

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa

Giảo duyệt: Huệ Trang và Đức Phong


Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, xin mời ngồi xuống. Xin xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang chín mươi chín, hàng thứ bảy từ dưới đếm lên, đây cũng là đoạn thứ hai trong trang này:

“Tôn giả Xá Lợi Phất, Phạn ngữ Xá Lợi, dịch vi Thu Lộ. Phạn ngữ Phất, dịch vi Tử, cố viết Thu Tử, nhân mẫu đắc danh” (“Tôn giả Xá Lợi Phất”: Chữ Xá Lợi trong tiếng Phạn là chim Thu Lộ, Phất (Putra) trong tiếng Phạn được dịch là Tử (con). Do vậy, tên Ngài được dịch là Thu Tử, do mẹ mà có tên ấy). Trước hết, giới thiệu tôn giả Xá Lợi Phất. Trong Phật pháp, ngài Xá Lợi Phất tượng trưng trí huệ bậc nhất, trong các kinh Đại, Tiểu Thừa thường thấy nhắc đến Ngài. [Hai vị đại đệ tử thường được nhắc đến nhiều nhất là] Xá Lợi Phất và Đại Mục Kiền Liên, Đại Mục Kiền Liên tượng trưng thần thông bậc nhất. Trong hết thảy các kinh do đức Phật đã nói đều có trí huệ, đều có thần thông, “thần thông” là thông đạt, hiểu rõ. Xá Lợi (Śāri) là tiếng Phạn, dịch sang nghĩa tiếng Hán là Thu Lộ, là tên một loài chim, người Hoa gọi [loài chim ấy] là Lộ Tư (鷺鷥). Chữ Phất (Putra) trong tiếng Phạn dịch sang nghĩa tiếng Hán là Tử; vì thế, danh hiệu Xá Lợi Phất dịch sang nghĩa tiếng Hán là Thu Tử, tức là con bà Thu Lộ, “nhân mẫu đắc danh” (do mẹ mà có tên ấy). “Kỳ mẫu thân hình đoan chánh, nhãn tịnh như Thu Lộ, nãi danh Thu Tử” (Bà mẹ Ngài thân hình đoan chánh, mắt trong trẻo như mắt chim Thu Lộ, nên Ngài có tên là Thu Tử). Nêu ra nguyên do Ngài mang tên ấy, mẹ Ngài vô cùng xinh đẹp, vô cùng đoan chánh, trang nghiêm, đặc biệt là tròng mắt vô cùng trong sáng giống như [mắt] chim Thu Lộ, nên người ta gọi bà là Thu Lộ và con bà được gọi là Thu Tử. “Vị thị Thu Lộ chi tử. Hựu danh Châu Tử, diệc biểu kỳ mẫu nhãn tịnh như châu. Hựu danh Thân Tử, biểu mẫu thân đoan chánh” (Ý nói Ngài là con bà Thu Lộ. Ngài lại còn được gọi là Châu Tử, cũng là ý nói mắt mẹ Ngài trong trẻo như hạt châu. Ngài lại còn được gọi là Thân Tử, biểu thị ý nghĩa thân mẹ Ngài đoan chánh). Tên họ Ngài có liên quan đến mẹ, mẹ Ngài tướng mạo vô cùng đoan trang. “Xá Lợi Phất tại Phật Thanh Văn đệ tử trung, trí huệ đệ nhất” (Trong các hàng đệ tử Thanh Văn của đức Phật, ngài Xá Lợi Phất trí huệ bậc nhất).

Tiếp theo đó là một câu chuyện nhỏ, ở đây bèn tiện dịp nhắc tới: “Tại mẫu thai thời, năng linh mẫu đắc diệu biện, thắng ư nãi cữu Câu Hy La” (Lúc còn trong thai, Ngài đã khiến cho mẹ nói năng hùng hồn hơn cả ông cậu Câu Hy La), vị này về sau cũng chứng A La Hán. Trong kinh Lăng Nghiêm có kể câu chuyện này. Cậu của Ngài là tôn giả Câu Hy La (Kaustthila) biện tài vô ngại, chị của vị này là mẹ ngài Xá Lợi Phất. Mỗi lần biện luận, bà đều cãi thua em trai, người em trai bà ta quả thật rất tài giỏi. Nhưng sau khi bà có mang Xá Lợi Phất, đột nhiên biện tài nâng cao trên một mức độ to lớn; hễ cùng Câu Hy La biện luận, Câu Hy La thường thua cuộc! Do vậy, Ngài nghĩ: “Nói chung, đây chẳng phải là biện tài của chị, bà ta mang thai đứa bé này nhất định nó là người hết sức có trí huệ”. Ngài nói với chị như vậy, sau này quả nhiên chẳng sai! Đứa bé ấy đúng là trí huệ bậc nhất.

Quý vị thấy phần kế tiếp nêu lên hành trạng của ngài Xá Lợi Phất. “Bát tuế đăng tọa” (tám tuổi lên giảng tòa), lên tòa giảng kinh là một tiểu Sa Di, tiểu Sa Di giảng kinh, A La Hán đều ở bên cạnh nghe. “Thập lục xuất quốc, nghị luận vô song. Thất nhật chi nội, biến đạt Phật pháp” (mười sáu tuổi đi các nước, nghị luận chẳng ai sánh bằng. Trong vòng bảy ngày, hiểu trọn Phật pháp). Ở đây, “biến đạt Phật pháp” bao hàm ý nghĩa đại triệt đại ngộ. Mười sáu tuổi vẫn còn là một thiếu niên, đã thông đạt trọn khắp Phật pháp. Vì vậy, phàm phu thành Phật đúng là trong một niệm. Tại Trung Quốc, Thiền Tông Lục Tổ Huệ Năng thông hiểu trọn khắp Phật pháp lúc hai mươi bốn tuổi, còn ngài Xá Lợi Phất là mười sáu tuổi. Trong kinh Đại Thừa, đức Thế Tôn cũng bộc lộ thân phận của tôn giả: Ngài là cổ Phật tái lai, cùng với Mục Kiền Liên, hai vị ấy đều đã thành Phật, đến thị hiện trong thế gian này, thị hiện làm đệ tử Thanh Văn của Thích Ca Mâu Ni Phật. Đấy là các vị Pháp Thân đại sĩ, hoặc chư Phật Như Lai, nên dùng thân gì để độ được bèn hiện thân ấy. Các Ngài là những người đến giúp đỡ, đúng là “một vị Phật ra đời, ngàn vị Phật ủng hộ”, từ chỗ này chúng ta có thể thấy [điều ấy]. Những bậc giác ngộ trong Phật pháp, họ chẳng có ý niệm ham cao, chuộng xa, chẳng bị ghen ghét chướng ngại. Pháp duyên của Thích Ca Mâu Ni Phật chín muồi, đến xuất hiện trong thế gian này dưới thân phận Phật, Ngài xuất hiện một mình có thể độ nổi chúng sanh hay chăng? Lúc ấy sẽ chẳng thể độ, nhất định phải có rất nhiều người phối hợp với Ngài, đến giúp đỡ, những ai sẽ giúp đỡ? Nhất định là những vị nội hạnh (thông hiểu, lão luyện), chứ những kẻ lơ mơ ngoài rìa sẽ chẳng thể giúp được! Những vị [nội hạnh] ấy tuyệt đại đa số là chư Phật Như Lai, một số ít là Pháp Thân Bồ Tát, Pháp Thân Bồ Tát đều là Địa Thượng Bồ Tát.

/ 600