/ 600
710

Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa

Tập 88

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa

Giảo duyệt: Huệ Trang và Đức Phong


Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, xin mời ngồi xuống. Xin xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang chín mươi tám, xem từ dòng thứ năm:

“Hựu Tịnh Ảnh viết: Thần thông dĩ đạt, thán kỳ đức thắng. Sở vi thần dị, cố danh viết Thần. Vô ủng viết Thông. Sở vị Thân Thông, Thiên Nhãn, Thiên Nhĩ, Tha Tâm, Túc Mạng, cập dữ Lậu Tận. Cố tri Thần vi bất trắc chi nghĩa, Thông vi vô ngại chi nghĩa” (Ngài Tịnh Ảnh lại nói: “Thần thông đã đạt: Khen ngợi đức của họ thù thắng. Việc làm thần dị nên gọi là Thần. Không bị úng trệ là Thông, [Thần Thông] chính là Thân Thông (Thần Túc Thông), Thiên Nhãn, Thiên Nhĩ, Tha Tâm, Túc Mạng và Lậu Tận. Vì vậy, Thần nghĩa là chẳng lường được, Thông nghĩa là vô ngại”). Hôm qua chúng ta đã học đến chỗ này, do thời gian hạn chế nên chưa giảng xong đoạn này; hôm nay lại tiếp tục giảng lần nữa. “Thần thông dĩ đạt”, “đạt” (達) là thông đạt (通達). Trong Phật pháp nói đến sáu thứ thần thông này. Thuở đức Thế Tôn tại thế, chúng ta biết Ấn Độ thuở ấy là một nước tôn giáo, tôn giáo thịnh vượng nhất, cũng là một nơi có trình độ học thuật cao nhất nếu nói theo [quy mô] cả thế giới. Vì thế, đức Phật xuất hiện ở nơi ấy, vô cùng hợp lý! Đức Phật chẳng xuất hiện tại Trung Quốc, mà xuất hiện ở Ấn Độ, tức là trình độ văn hóa của Ấn Độ cao hơn Trung Quốc. Thật ra, Phật cũng xuất thế ở Trung Quốc, nhưng chẳng dùng thân phận Phật, tôi cảm thấy Khổng, Mạnh, Lão, Trang, Nghiêu, Thuấn, Vũ, Thang đều là Phật, Bồ Tát tái lai. Trong quá khứ, tôi từng hỏi lão cư sĩ Lý Bỉnh Nam xin Ngài chứng thực một phen. Sau khi nghe xong, Ngài cười, bảo tôi: “Nói theo Lý thì hợp lẽ, nhưng về mặt Sự chẳng có chứng cứ”. Thiếu chứng cứ về mặt Sự, nhưng nói theo Lý cũng suông. Nay chúng ta gọi sáu thứ năng lực ấy là “công năng đặc dị”, thật ra chúng là “bản năng” (năng lực sẵn có) của chúng ta, hết thảy chúng sanh ai nấy trọn đủ, ai không có? Ai nấy đều có. Vì sao chúng chẳng hiện ra? Do có chướng ngại ngăn trở. Chướng ngại ấy thường được gọi là “nghiệp chướng”, nói tóm lại là phiền não. Phiền não có ba loại lớn: Vô Minh phiền não, Trần Sa phiền não, và Kiến Tư phiền não; ba loại này khiến cho bản năng, trí huệ và tướng hảo của chúng ta thảy đều bị chướng ngại. Vì thế, trong kinh Đại Thừa đức Phật thường nói: “Hết thảy chúng sanh đều có trí huệ và đức tướng của Như Lai”, sáu thứ ấy là đức, thuộc về năng lực, sáu thứ ấy cũng bị chướng ngại. “Tướng” là tướng hảo, nó cũng được người Hoa gọi là “phước báo”. Trong nhà Phật, phước báo được gọi là “tướng hảo”. [Do phiền não mà trí huệ, đức tướng] đều bị chướng ngại, [Phật và chúng sanh] vốn là bình đẳng.

Người phát hiện sáu thứ ấy sớm nhất chẳng phải là Thích Ca Mâu Ni Phật, ai phát hiện? Bà La Môn giáo, tức là Hưng Đô giáo (Hinduims) hiện thời. Họ có lịch sử hơn một vạn năm, tôi tin họ, tôi có qua lại với họ. Hình như lầu ba [trong cao ốc này] là Ấn Độ giáo. Họ không coi trọng lịch sử, cho nên không ghi chép lịch sử, tương truyền [Ấn Độ giáo đã tồn tại] hơn một vạn năm. Hiện thời, những người nghiên cứu lịch sử trên thế giới thừa nhận họ có tối thiểu tám ngàn năm trăm năm lịch sử. Chiếu theo ghi chép của Trung Quốc cổ đại về Phật giáo, như những người cùng thời đại với lão hòa thượng Hư Vân đều dùng niên đại [Phật giáo] theo cách ghi chép của Trung Quốc thời cổ: Năm Thích Ca Mâu Ni Phật xuất sanh tương đương với năm thứ hai mươi bốn đời Châu Chiêu Vương của Trung Quốc, đức Phật viên tịch nhằm năm thứ năm mươi ba đời Châu Mục Vương, sách vở Trung Quốc đều ghi chép như thế. Nếu ghi chép theo lối ấy, từ lúc Thích Ca Mâu Ni Phật viên tịch cho tới ngày nay phải là ba ngàn lẻ ba mươi bảy năm, gần như sai lệch sáu trăm năm so với cách nói của người ngoại quốc. Chúng ta không cần phải khảo sát chuyện này, [vì nó] chẳng có mảy may ý nghĩa gì, chúng ta [chỉ quan tâm] liễu giải chân tướng sự thật. Do thuở đức Thế Tôn xuất hiện tại Ấn Độ, Ấn Độ đã có văn hóa cao như vậy; đương nhiên năm thứ thần thông trong Bà La Môn giáo đều có, chỉ có Lậu Tận là không có, năm thứ trước họ đều có; vì thế, chúng ta cũng chớ nên xem thường [Bà La Môn giáo]. Hãy suy nghĩ sẽ thấy vì sao Thích Ca Mâu Ni Phật giáng sanh nơi ấy, rất có lý!

Phàm phu làm như thế nào để đạt được các loại bản năng ấy? Hiện thời, công năng đặc dị có hai loại:

/ 600