Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa
Tập 87
Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không
Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa
Giảo duyệt: Huệ Trang và Đức Phong
Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, xin mời ngồi xuống. Xin xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang chín mươi bảy, dòng thứ tư, bắt đầu từ câu cuối cùng:
“Thắng giả, thắng quá dư học, siêu ư cửu thập lục chủng ngoại đạo chi thượng” (Thắng là vượt hơn những kẻ học khác, vượt lên trên cả chín mươi sáu thứ ngoại đạo). Chữ Đại có ba ý nghĩa là Đại, Đa, Thắng, trong phần trước đã học [Đại và Đa]. Hôm nay, [chúng ta] xem từ chữ Thắng. “Thắng quá dư học” (vượt hơn những kẻ học khác), “thắng” (勝) là thù thắng, cũng có nghĩa là vượt trội. Thuở ấy, tại Ấn Độ, lúc Thích Ca Mâu Ni Phật tại thế, nổi tiếng nhất là chín mươi sáu loại ngoại đạo. Ngoại đạo trọn chẳng phải là những người tu đạo ở ngoài Phật pháp, chẳng mang ý nghĩa ấy! Các đồng học chúng ta nhất định phải biết: Cầu pháp ngoài tâm đều gọi là ngoại đạo. Nếu người học Phật chúng ta cũng cầu pháp ngoài tâm thì cũng gọi là ngoại đạo, loại ngoại đạo này gọi là “môn lý ngoại” (門裡外), tức là ngoại đạo trong Phật môn, trên thực tế, có chẳng ít người! Phật pháp được gọi là “nội học”, “nội” (內) là gì? Nội là tự tánh, do vậy, hết sức coi trọng trở về tự tánh. Vì sao? Chúng ta đã học Vọng Tận Hoàn Nguyên Quán của Hiền Thủ đại sư, tôi nhắc tới cuốn sách này mọi người liền hiểu, sẽ hiểu rất rõ nội và ngoại. Giáo pháp Đại Thừa thường nói: “Ngoài tâm không pháp, ngoài pháp không tâm”, nếu hướng về tâm để cầu, đấy là nội học, gọi là Phật pháp. Nếu trái ngược phương hướng ấy, hướng ra ngoài để cầu thì là ngoại đạo. Do vậy, có thể biết: Chúng ta học Phật, ngoại đạo trong Phật môn cũng chẳng ít, mấy ai chẳng phan duyên bên ngoài? Nhãn Căn phan duyên Sắc Trần bên ngoài. Nhĩ Căn phan duyên Thanh Trần bên ngoài. Sắc, Thanh, Hương, Vị, Xúc, Pháp đều ở bên ngoài, phàm kẻ học theo những thứ ấy đều gọi là ngoại đạo. Do vậy, biết: Ý nghĩa được bao hàm trong từ ngữ “ngoại đạo” vô cùng rộng, mấy ai có thể hướng theo tâm tánh? Quả thật chỉ có Đại Thừa Phật pháp! Tiểu Thừa vẫn còn phan duyên bên ngoài; chỉ có Đại Thừa Phật pháp khởi tâm động niệm quán chiếu tự tánh, nên gọi là “nội học”. Vì thế, kinh Phật, đặc biệt là kinh Đại Thừa, được gọi là “nội điển”. Chúng ta hiểu rõ sự khác biệt giữa nội và ngoại. Do vậy, [từ ngữ] “ngoại đạo” chẳng phải là coi rẻ người khác, chẳng phải là xem nhẹ, cũng chẳng có nghĩa là hạ thấp, mà là tông chỉ, phương hướng, mục tiêu tu học [của họ] khác với pháp Đại Thừa. Mục tiêu, phương hướng, và tông chỉ của pháp Đại Thừa đều là minh tâm kiến tánh; bất luận pháp môn nào, Tông Môn, Giáo Hạ, Đại Thừa, Tiểu Thừa, Hiển giáo, Mật giáo, mục tiêu cuối cùng đều là “minh tâm kiến tánh, kiến tánh thành Phật”. Trong sự giáo dục của đức Phật, đạt đến kiến tánh thì người ấy được coi như đã tốt nghiệp, [tức là] tốt nghiệp pháp Đại Thừa. Tốt nghiệp là thành Phật.
Thuở ấy, Thích Ca Mâu Ni Phật đại triệt đại ngộ, minh tâm kiến tánh dưới cội Bồ Đề, điều ấy được gọi là “thành đạo”, hoặc còn gọi là “thành Phật”. Tại Trung Quốc, mọi người đều coi nhân vật đại biểu [cho sự đại triệt đại ngộ] là Lục Tổ Huệ Năng đại sư của Thiền Tông đời Đường. Thật ra, tại Trung Quốc, người đại triệt đại ngộ trong Tông Môn và Giáo Hạ rất nhiều. Từ Cao Tăng Truyện và Cư Sĩ Truyện, quý vị có thể thấy: Bất luận tại gia hay xuất gia đều đạt tới cảnh giới ấy. Trong các buổi giảng, chúng tôi cũng thường nhắc tới cảnh giới ấy, vì chuyện này hết sức trọng yếu. Học Phật rốt cuộc là học gì? Kinh giáo chẳng phải là trọng yếu nhất, nhưng [những điều được giảng trong kinh điển] là phương pháp trọng yếu nhất, phải hiểu điều này. Kinh giáo đã là phương pháp thì dụng ý ở chỗ nào? Dụng ý là đức Phật giảng rõ ràng, minh bạch nội và ngoại, quý vị sẽ giác ngộ. Sự giác ngộ ấy được gọi là giải ngộ; “tín, giải” là giải ngộ. Sau khi giải ngộ, quý vị có thể khởi hạnh, sau đấy mới có thể chứng ngộ. Chứng ngộ mới đáng kể, chứ giải ngộ chẳng đáng kể đến! Nói theo cách bây giờ, giải ngộ thuộc về Phật học, chứng ngộ là học Phật. Bởi lẽ, quý vị chẳng tin, sẽ không thể lý giải, làm sao tu hành? Tu hành là tu gì? Chúng ta bèn hiểu rõ ràng, minh bạch dụng ý của kinh điển. Không có kinh điển, chúng ta vĩnh viễn mê hoặc, chẳng liễu giải chân tướng của vũ trụ và nhân sinh, kinh điển giảng rõ chân tướng. Vũ trụ do đâu mà có? Trong Phật pháp nói tới “pháp giới”, y báo và chánh báo trang nghiêm trong mười pháp giới, kinh điển thường nhắc tới những thứ này, chúng do đâu mà có? Cớ sao có mười pháp giới? Khoa học và triết học hiện thời đều nghiên cứu vấn đề này, không chỉ là trong hiện tại, mà xưa nay, trong ngoài nước, bao nhiêu người đang tra xét, nghiên cứu, thăm dò. Ai hiểu rõ ràng, minh bạch? Thích Ca Mâu Ni Phật hiểu rõ, thật sự hiểu rõ. Các khoa học gia và triết học gia hiện thời thảo luận vấn đề, nhưng chẳng thể giải quyết vấn đề. Trong kinh Đại Thừa đã có toàn bộ [giải đáp], cho thấy Thích Ca Mâu Ni Phật thật sự hiểu rõ.