/ 600
746

Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa

Tập 86

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Thời gian: Ngày 5 tháng 04 năm 2010

Địa điểm: Hương Cảng Phật Đà Giáo Dục Hiệp Hội

Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa

Giảo chánh: Huệ Trang và Đức Phong


Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, xin mời ngồi xuống. Xin xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang chín mươi bốn, dòng thứ năm, xem từ câu thứ hai:

“Tại Vương Xá thành, Kỳ Xà Quật sơn trung, Xứ Thành Tựu dã. Vương Xá thành cổ hữu nhị thuyết, nhất viết Thượng Mao thành (hoặc tác Thượng Đệ thành, cựu thành), nhất viết Hàn Lâm thành (tân thành), lưỡng thuyết bất nhất” (Tại thành Vương Xá, trong núi Kỳ Xà Quật là Xứ Thành Tựu. Thành Vương Xá, xưa kia có hai thuyết, một thuyết nói nó là thành Thượng Mao (còn gọi là thành Thượng Đệ, tức là thành cũ), thuyết kia nói nó là thành Hàn Lâm (thành mới), hai thuyết khác nhau). Đây là điều thứ tư trong sáu thứ thành tựu, tức Xứ Thành Tựu, là nơi chốn đức Phật giảng kinh. Đức Phật giảng ở đâu? Kinh văn chép: “Tại Vương Xá thành”, chẳng nói “trụ” mà nói “tại”. Trung Quốc vào thời cổ, dùng chữ hết sức cẩn thận. Đức Phật chẳng còn chấp trước thân tướng, như trong kinh Kim Cang Bát Nhã đã nói: “Vô ngã tướng, vô nhân tướng, vô chúng sanh tướng, vô thọ giả tướng”, đức Phật thật sự chứng đắc, chứng đắc Pháp Thân. Pháp Thân ở đâu? Không chỗ nào chẳng tồn tại, không lúc nào chẳng tồn tại. Do vậy, chẳng thể nói Ngài ở nơi đâu, trọn khắp pháp giới tận hư không giới đều là chỗ trụ của Ngài. Cho nên chỉ có thể nói Phật ở tại nơi đâu. Giống như chúng ta đến Bắc Kinh thăm hoàng cung, thấy Tử Cấm Thành to ngần ấy, hoàng thượng ở trong đó, nơi đó lớn dường ấy, hoàng thượng ngự nơi nào? Ở trong một căn nhà nào? Hay trong đình các nào? Trong quá khứ, chẳng thể nói hoàng thượng “trụ”, vì sao? Vua là “tứ hải chi nội, mạc phi vương thổ” (trong bốn biển, chẳng có chỗ nào không phải là đất đai của nhà vua), lãnh thổ quốc gia chính là trụ xứ của vua, vua ở trong quốc gia này. Hiện thời, vua đang ở chỗ nào? Ở trong quốc gia, chẳng thể nói vua trụ chỗ nào. Nếu ra ngoại quốc, [có thể nói] vua trụ trong Trung Quốc. Đối với triều Thanh thì nói [vua nhà Thanh] trụ trong Đại Thanh quốc, nói như vậy thì được. Đối với Phật, quý vị biết Pháp Thân của Phật là trọn khắp pháp giới, hư không giới, trong đại vũ trụ; đại vũ trụ chẳng có gì ra ngoài, không có lớn ra ngoài, không gì nhỏ chẳng gồm trong. Do vậy, đối với Phật đều nói là “tại”, Ngài tại chỗ nào!

Thuở đức Phật tại thế, thành Vương Xá cũng là một tiểu quốc. Đức Phật xuất thế nhằm đời Châu tại Trung Quốc. Chư vị phải hiểu, thuở ấy, quốc gia chưa thống nhất. Vì vậy, chúng ta đọc sách vở thấy vào đời Châu có “tám trăm chư hầu”. Một [nước] chư hầu rộng chừng bằng một huyện hiện thời, còn nhỏ hơn huyện một chút. Một huyện có thể có hai ba nước [chư hầu]. Bởi lẽ, đại quốc là một trăm dặm, tiểu quốc là năm mươi dặm, kích thước là năm mươi dặm, có thể nói giống như một hương trấn hiện thời, vào thời cổ là một tiểu quốc. Đời Châu có hơn tám trăm quốc gia. Tại Ấn Độ cũng giống như vậy, cũng đều là những tiểu quốc san sát, trong kinh nói là “mười sáu đại quốc vương”, những nước tương đối lớn thì ước chừng to bằng một huyện hiện thời, đã rất lớn rồi, đại quốc đấy nhé! Hiểu đại lược hoàn cảnh địa lý và lịch sử như vậy. “Tại Vương Xá thành”, nơi nào trong thành Vương Xá? Trong núi Kỳ Xà Quật. Ngoài thành Vương Xá có năm quả núi; đây là một quả núi trong năm quả núi ấy. Nói ra mọi người đều biết đức Phật đã giảng không ít kinh ở núi này, phía sau sẽ còn giới thiệu, cho nên trước hết nói về Xứ.

Thành Vương Xá: Có hai thành Vương Xá, một là cựu thành, hai là tân thành. Chúng ta đọc đoạn này sẽ biết: Từ trước tới nay, các vị tổ sư đại đức đều khẳng định đức Phật trụ nơi cựu thành, vì tân thành sau khi Thích Ca Mâu Ni Phật viên tịch mới được xây, đương nhiên Phật trụ tại cựu thành, chẳng trụ tại tân thành. Do vậy, Ngài trụ tại thành Thượng Đệ. Chúng ta xem đoạn kinh văn được trích dẫn kế tiếp và cách giảng của các vị đại đức xưa kia. “Kim cứ Trí Độ Luận trung viết: Phật niết-bàn hậu” (nay dựa trên Trí Độ Luận đã nói: “Sau khi đức Phật nhập Niết Bàn”), điều này rất trọng yếu. Sau khi Thích Ca Mâu Ni Phật bát Niết Bàn, tức là sau khi Ngài nhập diệt, “A Xà Thế vương, dĩ nhân dân chuyển thiểu cố, xả Vương Xá đại thành, kỳ biên cánh tác tiểu thành” (do nhân dân trở nên ít hơn, vua A Xà Thế bèn bỏ thành lớn Vương Xá, xây một thành nhỏ bên cạnh). Thành nhỏ là tân thành, tức thành Hàn Lâm. Do vậy, có thể biết: Sau khi đức Phật diệt độ, thành thị ấy chẳng hưng vượng cho lắm, dần dần suy vi, số người ít ỏi. Sau khi dân chúng đã ít đi, vua A Xà Thế cảm thấy chẳng thuận tiện lắm, bèn bỏ thành cũ, xây một thành mới ở bên cạnh. Thành mới nhỏ hơn, quy mô nhỏ hơn, đấy là thành Hàn Lâm. “Chân Giải vân: “Bổn Vương Xá thành giả, Thượng Đệ cựu thành dã” (Sách Chân Giải viết: “Thành Vương Xá vốn là thành cũ Thượng Đệ). “Bổn” là nguyên gốc, thành Vương Xá ban đầu là cựu thành. “Cánh tác tiểu thành giả, Hàn Lâm tân thành dã” (Lại dựng tiểu thành chính là thành mới Hàn Lâm), đấy là tân thành. “Thử ký Phật diệt hậu, Xà vương trúc chi, Phật hà trụ hậu thành hồ” (Thành ấy đã do vua A Xà Thế xây dựng sau khi đức Phật diệt độ, lẽ đâu Phật trụ trong thành sau?) Đức Phật đã viên tịch, làm sao Ngài có thể ngự tại thành sau (thành Hàn Lâm)? Đương nhiên [thành Vương Xá thường được nhắc tới trong kinh] là thành trước (thành Thượng Đệ), thành trước là cựu thành. “Kim chánh Phật sở trụ xứ, minh tri Thượng Đệ thành dã” (nay biết rõ nơi đức Phật trụ chính là thành Thượng Đệ), đó là cựu thành, mà cũng là đại thành. “Thử thuyết khả chứng, Phật thuyết thử kinh thị tại cựu thành” (lời này đủ chứng tỏ: Đức Phật nói kinh này tại cựu thành).

/ 600