/ 600
506

Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa

Tập 85

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Thời gian: Ngày 5 tháng 04 năm 2010

Địa điểm: Hương Cảng Phật Đà Giáo Dục Hiệp Hội

Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa

Giảo chánh: Huệ Trang và Đức Phong

 

Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, xin mời ngồi xuống. Xin xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang chín mươi bốn, dòng thứ tư, xem từ câu thứ hai:

  “Tại bổn kinh trung, thử xứ Phật tự, tức chỉ đại ân từ phụ, Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật” (trong kinh này, chữ Phật ở đây chỉ đức đại ân từ phụ Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật). Ngày hôm nay có các đồng học mới đến tham dự, duyên phận thù thắng khôn sánh, do vậy, ở đây, tôi phải giới thiệu Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật. Trong phần trước, đã giới thiệu ý nghĩa bao hàm trong một chữ Phật này. Đối với sáu thứ thành tựu được nói trong kinh này: “Như thị ngã văn, nhất thời Phật tại Vương Xá thành” (ta nghe như thế này, một thời, đức Phật ngự tại thành Vương Xá), “Phật” là Thích Ca Mâu Ni Phật, Ngài là Thuyết Pháp Chủ trong hội này. Nói theo cách bây giờ, trong khóa giảng này, Ngài là “chủ giảng”; do vậy, vị này vô cùng quan trọng. “Đại ân từ phụ” là [từ ngữ do] người đời sau tán thán ân đức thầy. Nếu chẳng có Phật Thích Ca giáo huấn, có thể nói chúng ta chắc chắn phải trải qua bao kiếp dài lâu, thời gian rất dài, dùng kiếp làm đơn vị, luân hồi trong lục đạo! Luân hồi trong lục đạo chắc chắn là khổ chẳng thể nói nổi. Phải biết lục đạo là sự thật, chúng tôi giới thiệu Bổn Sư bèn bàn tới [chuyện này]. Người học đạo trước hết phải nhận biết Thích Ca Mâu Ni Phật. Nếu quý vị chẳng nhận biết Ngài, sẽ đi theo rất nhiều đường vòng. Nếu quý vị nhận biết Ngài, sẽ đỡ phải đi theo rất nhiều đường vòng, thật sự đạt được lợi ích từ sự giáo dục của Phật Đà. Do vậy, chúng ta gọi Phật Đà là Thích Ca Mâu Ni Phật, Phật Đà là danh xưng học vị trong nền giáo dục của đức Phật. Chúng tôi nói theo cách bây giờ là “học vị” cho mọi người dễ hiểu. Giống như trong hiện thời, nhà trường có ba loại học vị, cao nhất là Tiến Sĩ, kế đó là Thạc Sĩ, kém hơn nữa là Học Sĩ. Trong giáo dục nhà Phật cũng có ba học vị, cao nhất gọi là Phật Đà, tương đương Tiến Sĩ, thứ hai là Bồ Tát, tương đương Thạc Sĩ, thứ ba là A La Hán, tương đương Học Sĩ (Cử Nhân). Do vậy, chư vị nhất định phải biết: Phật, Bồ Tát, La Hán là người, chẳng phải là thần, mà cũng không phải là tiên, đấy là những danh xưng rất thông thường, nhất định phải hiểu điều này!

  Phật là thầy, Bồ Tát và A La Hán đều là học trò, đều là học trò của thầy, bất quá, họ đã đạt được học vị. Nay chúng ta học Phật vẫn chưa đạt được học vị; tuy chưa đạt được học vị, nhưng quan hệ giữa chúng ta và họ (Bồ Tát, A La Hán) là bạn học lớp trước và lớp sau. Vì thế, Bồ Tát là bạn học lớp đàn anh của chúng ta, A La Hán cũng là bạn học lớp đàn anh. Hiểu rõ ràng, minh bạch quan hệ này, ở cùng một chỗ với các học trò đàn anh sẽ thuận tiện hơn, chứ ở cùng một chỗ với Phật ắt sẽ nghiêm túc, đối với thầy do tôn sư trọng đạo, nên ở trước Phật, chúng ta ắt sẽ cung kính, còn đối với Bồ Tát sẽ có thể thoải mái hơn một chút. Do vậy, phải hiểu rõ những danh xưng này, chớ nên mơ hồ. Danh tự Thích Ca Mâu Ni Phật cũng là biểu thị pháp; do vậy, thật ra, [danh xưng] Phật Đà giống như danh xưng “thánh nhân” tại Trung Quốc. Người Trung Quốc nói “thánh nhân, hiền nhân, quân tử”. Quý vị thấy trong truyền thống văn hóa Trung Quốc cũng có ba học vị, chúng ta gọi Khổng phu tử là thánh nhân, học trò của Khổng Tử được gọi là hiền nhân. Thánh nhân tương đương với Phật Đà như người Ấn Độ đã nói, ý nghĩa vô cùng gần gũi. Quý vị thấy trong phần trước, chúng tôi đã nói Phật có nghĩa là giác ngộ, có trí huệ, đại triệt đại ngộ thì gọi là Phật. Thánh của Trung Quốc thì sao? Thánh là hiểu rõ cội gốc. Thánh nhân là gì? Người hiểu rõ. Đối với phàm phu chúng ta mà nói, chúng ta là kẻ hồ đồ, chẳng hiểu rõ. Người hiểu rõ, thông đạt đạo lý và sự tướng vũ trụ, nhân sinh, người như vậy được gọi là thánh nhân. Học theo thánh nhân, nhưng chưa đạt tới tiêu chuẩn thánh nhân thì gọi là hiền nhân. Học trò của Khổng Tử được gọi là hiền nhân, hiền nhân tương đương với Bồ Tát trong Phật pháp. Hiện thời, tuy nói Phật giáo rất hưng thịnh, mọi người quý vị nói Phật giáo rất hưng thịnh, nhưng tôi nói: Theo cái nhìn của tôi, Phật pháp hiện thời suy vi đến cùng cực, vì sao? Mọi người mê tín, sùng bái Phật, Bồ Tát, A La Hán như thần tiên. Các Ngài chẳng dính líu gì đến thần tiên, thần tiên vẫn là phàm phu, chẳng khác chúng ta cho mấy! Rất nhiều thần tiên cũng học Phật, hễ học Phật thì là đồng học với chúng ta, họ chưa chứng A La Hán; vì thế, họ chẳng phải là La Hán, mà cũng chẳng phải là Bồ Tát, phải hiểu rõ ràng, minh bạch điều này!

/ 600