/ 600
893

Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa

Tập 84

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa

Giảo duyệt: Huệ Trang và Đức Phong


Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, xin mời ngồi xuống. Xin xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang chín mươi ba, dòng thứ hai, xem từ chữ “nhất thời”.

“Nhất thời giả, Thời Thành Tựu dã. Cái thời vô thật pháp, trường đoản tùy tâm, diên xúc đồng thời, tam kỳ, nhất niệm. Như Sớ Sao viết: Hoặc thuyết giả đắc đà-la-ni, nhất sát-na khoảnh, nhất tự chi trung, thuyết nhất thiết pháp môn, hoặc thính giả đắc tịnh nhĩ căn, ư nhất sát-na, văn nhất tự thời, ư dư nhất thiết tất vô chướng ngại; hoặc thuyết giả thời thiểu, thính giả thời đa, hoặc thuyết giả thời đa, thính giả thời thiểu, hoặc thuyết giả thần lực diên xúc tùy nghi, thính giả căn khí lợi độn bất nhất” (“Nhất thời” là Thời Thành Tựu. Do Thời chẳng phải là thật pháp, dài hay ngắn tùy tâm, kéo dài hay rút gọn cùng một lúc, ba A-tăng-kỳ trong một niệm. Như Sớ Sao đã nói: “Hoặc kẻ nói đắc đà-la-ni, trong khoảng một sát-na, trong một chữ, nói hết thảy pháp môn. Hoặc người nghe đắc nhĩ căn thanh tịnh, trong một sát-na, lúc nghe một chữ, đối với những thứ khác đều chẳng chướng ngại. Hoặc người nói trong một thời gian ngắn, người nghe [cảm thấy] thời gian lâu dài. Hoặc kẻ nói lâu lắc, người nghe thành chốc lát. Hoặc người nói dùng thần lực kéo dài hay rút ngắn tùy nghi, người nghe là căn khí lợi hay độn chẳng phải chỉ một loại”). Chúng ta đọc tới đây. Đây là nói về Thời Thành Tựu. Đức Phật nói kinh vào lúc nào, điều này cũng do đức Thế Tôn dạy ngài A Nan. Sáu thứ thành tựu do đức Phật dạy, sau “như thị ngã văn”“nhất thời”, Phật ở nơi nào. Chẳng ghi chép năm, tháng, ngày, chỉ nói là “nhất thời”. Lúc chúng tôi mới học Phật, vừa mới nhập môn, đối với chuyện này, chúng tôi rất hoài nghi. Cổ nhân Trung Quốc luôn ghi chép năm, tháng, ngày, thời cổ dùng Can Chi để ghi chép. Vì sao đối với kinh Phật, Thích Ca Mâu Ni Phật giảng kinh bốn mươi chín năm, vì sao chẳng chép thời gian, chỉ nói mơ hồ là “nhất thời?” Nói chung là chẳng rõ rệt! Trải qua bao nhiêu thời gian, nghiên cứu kinh tạng đôi chút, mới thật sự hiểu rõ, nói “nhất thời” là thật, nói ra năm, tháng, ngày là giả, chẳng thật, “nhất thời” là thật. Tiếp đó, giải thích căn cứ theo kinh Đại Thừa, đức Phật thường nói Thời chẳng phải là thật pháp. Thời gian, đối lập với thời gian là không gian, thời gian và không gian đều chẳng thật. “Thật” là chân thật, [thời gian và không gian] chẳng phải là thật. “Trường đoản tùy tâm”: Quý vị thấy thời gian dài hay ngắn, cảnh chuyển biến theo tâm. Không chỉ là thời gian được cảm nhận chẳng giống nhau theo ý niệm sai khác của chúng ta, mà không gian cũng giống như thế. Không gian lớn hay nhỏ tùy tâm, dần dần nhập cảnh giới Đại Thừa bèn hiểu rõ [điều ấy]. Không chỉ như thế, trong kinh Phật, đúng là chúng ta thấy “diên xúc đồng thời”, “diên” (延) là một thời gian dài, “xúc” (促) là thời gian ngắn ngủi. [Ngắn là] một sát-na, dài là vô lượng kiếp, vô lượng kiếp và một sát-na đồng thời. Cảnh giới ấy chẳng thể nghĩ bàn, cảnh giới ấy là chân thật. “Tam kỳ nhất niệm”: Ba đại A-tăng-kỳ kiếp là một thời gian dài, nhất niệm là thời gian ngắn ngủi. Ba đại A-tăng-kỳ kiếp có thể rút gọn thành nhất niệm, nhất niệm có thể kéo dài thành ba đại A-tăng-kỳ kiếp, đó là thời gian rất ư là dài!

Đức Phật nói “nhất thời” là chính xác, đối với người học Phật chúng ta mà nói, nói “nhất thời” đã ban cho chúng ta hy vọng chân thật. Chúng ta nghĩ thuở ấy, đức Phật giảng kinh này tại “Vương Xá thành, Kỳ Xà Quật sơn”, tức là Linh Sơn, cùng một địa điểm với kinh Pháp Hoa. Chúng ta có thể tham dự hội ấy hay không? Thích Ca Mâu Ni Phật giảng kinh, chúng ta có thể đích thân đến nghe hay không? Có thể! Trong Phật giáo sử Trung Quốc có chép: Khi Trí Giả đại sư đọc kinh Pháp Hoa, nhập Định, trong Định đại sư thấy đức Thế Tôn đang giảng kinh Pháp Hoa, Ngài còn ngồi bên cạnh nghe một buổi, nghe một lần. Sau khi xuất định bảo với mọi người, Thích Ca Mâu Ni Phật giảng kinh Pháp Hoa tại Linh Sơn, pháp hội còn chưa giải tán, Ngài đích thân tham dự một buổi. Trong Định đột phá chiều không gian và thời gian, Trí Giả đại sư sau Thích Ca Mâu Ni Phật hơn một ngàn năm, mà Ngài có thể tiến nhập đạo tràng hơn một ngàn năm trước, có thể đích thân nghe đức Phật giảng kinh. Không chỉ có thể trở lại quá khứ, mà cũng có thể vượt đến tương lai. Thích Ca Mâu Ni Phật có thấy thời đại hiện tại của chúng ta hay không? Thấy được! Nếu chẳng thấy, cớ sao Ngài có thể nói đoạn kinh văn Ngũ Thiêu, Ngũ Thống? Đoạn ấy miêu tả gì vậy? Xã hội hiện thời của chúng ta, Ngài đã thấy! Không chỉ thấy hiện tại, mà còn thấy tới lúc pháp diệt tận. Đức Phật có nói một bộ kinh là Pháp Diệt Tận Kinh, đấy là thời đại nào? Pháp vận của Thích Ca Mâu Ni Phật là một vạn hai ngàn năm, lúc ấy là một vạn hai ngàn năm [sau khi đức Phật diệt độ], đức Phật đã nói rõ trạng huống lúc ấy. Chẳng phải là tiên đoán, mà là chính mắt thấy, thấy chính xác.

/ 600