/ 600
815

Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa

Tập 83

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa

Giảo duyệt: Huệ Trang và Đức Phong


Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, xin mời ngồi xuống. Xin xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang chín mươi hai, dòng thứ ba.

“Hựu Như Thị giả, chỉ sở văn chi pháp thể, tức Thật Tướng chi Lý Thể. Thật Tướng diệu lý, cổ kim bất biến, cố viết Như. Như Lý nhi thuyết, cố viết Thị” (Lại nữa, Như Thị chỉ pháp thể của điều được nghe, tức là Lý Thể của Thật Tướng. Diệu lý Thật Tướng xưa nay chẳng thay đổi, nên gọi là Như. Đúng như Lý mà nói nên gọi là Thị). Chúng ta xem đoạn này trước. Vừa mới mở kinh ra [thì câu đầu tiên] là “như thị ngã văn”. Hai chữ Như Thị là Tín Thành Tựu, trong phần trước chúng ta đã đọc về Tín Thành Tựu. Những ý nghĩa được bao hàm trong hai chữ Như Thị nói về pháp thể của cái được nghe (sở văn), cũng có nghĩa là nói những đạo lý do đức Phật đã nói trong khi giảng kinh và giáo học đã căn cứ vào đâu? Nhất định phải biết điều này. Ngài căn cứ trên những gì, Ngài nói những điều gì đều được hoàn toàn bao quát trong hai chữ này. Pháp thể là [bản thể của] pháp do đức Phật nói và pháp chúng ta được nghe. Lý Thể là gì? Là Lý Thể của Thật Tướng. Nói theo cách bây giờ, Thật Tướng là chân tướng. Nói cách khác, những điều đức Phật đã giảng, những điều chúng ta nghe từ nơi đức Phật đều giảng về chân tướng của vũ trụ và nhân sinh. Chư vị hãy suy nghĩ: Vấn đề này rất trọng yếu, các triết gia và khoa học gia xưa nay, trong ngoài nước đều nghiên cứu vấn đề này, chân tướng của vũ trụ rốt cuộc là gì? Vì sao có vũ trụ? Vì sao có vạn vật? Nếu nói sát sao hơn một chút, ta do đâu mà có? Vì sao có ta? Những chân tướng sự thật ấy do đức Phật nói ra, chúng ta cũng do học từ đức Phật mà biết.

Lúc tôi mới học Phật, chẳng biết Phật pháp rốt ráo là gì, nghe người trong xã hội nói sao thì cũng hùa theo thế ấy. Người ta nói như thế nào? Người ta bảo Phật giáo là tôn giáo, là mê tín, chúng tôi cũng thật sự tin tưởng Phật giáo là tôn giáo, mê tín. Vì thế, trong một thời gian rất dài, chúng tôi chẳng có ý muốn tiếp xúc Phật giáo. Du sơn ngoạn thủy chẳng thể nào không thấy chùa miếu, vào trong ấy ngắm nghía, cũng chẳng có ai giới thiệu [Phật giáo] với chúng tôi. Thấy trong chùa thờ rất nhiều tượng thần; vì thế, đã tạo cho chúng tôi một quan niệm sai lạc: Phật giáo là tôn giáo, là đa thần giáo, là phiếm thần giáo! Trong tôn giáo học, đa thần giáo và phiếm thần giáo là tôn giáo cấp thấp; tôn giáo cao cấp chỉ có một vị chân thần. Điều ấy tạo thành sai lầm nghiêm trọng đối với những kẻ bình phàm chẳng thông hiểu Phật pháp. Nếu cả đời này, tôi chẳng gặp giáo sư Phương Đông Mỹ, sẽ chẳng thể tiến nhập Phật môn. Tôi theo học Triết Học với thầy Phương, thầy chỉ bảo tôi, giảng cho tôi nghe một bộ Triết Học Khái Yếu, phần cuối cùng là triết học trong kinh Phật. Thầy bảo tôi: “Thích Ca Mâu Ni Phật là một triết gia vĩ đại nhất thế giới, kinh Phật là đỉnh cao nhất trong triết học toàn thế giới, học Phật là hưởng thụ cao nhất trong cuộc đời”. Chúng tôi học Phật năm mươi chín năm, phát hiện triết học trong kinh Phật không chỉ là triết học, mà còn là khoa học, và cũng là đỉnh cao nhất trong khoa học toàn thế giới. Học Phật không chỉ là hưởng thụ tối cao, mà còn là phước báo tối cao trong cuộc đời! Người có phước mới có thể tiếp xúc [Phật pháp], chẳng được tiếp xúc là thiếu phước! [Phật giáo] chẳng phải là tôn giáo. Tôi mới hiểu rõ ràng, minh bạch, tiếp nhận sự giáo dục của Phật Đà là phước báo lớn bậc nhất trong đời người. Đức Phật giảng về chân tướng của vũ trụ và nhân sinh, Thật Tướng của các pháp.

“Thật Tướng diệu lý, cổ kim bất biến, cố viết Như” (diệu lý Thật Tướng xưa nay chẳng thay đổi nên gọi là Như). Đấy là một hạng mục nghiên cứu chủ yếu trong triết học và khoa học, mãi cho đến hiện tại, có thể nói là khoa học hiện đại và kinh Phật đã trở nên rất gần gũi. Khoa học Lượng Tử nghiên cứu về thế giới vi mô. Khoa học phát triển theo hai phương hướng:

- Một là thế giới vĩ mô (macrocosm), tức vũ trụ. Những điều được giảng trong phẩm Thế Giới Hoa Tạng và Thế Giới Thành Tựu của kinh Hoa Nghiêm chính là thế giới vĩ mô.

- [Hai là] thế giới vi mô (microcosm), chính là ba tế tướng của A Lại Da như đức Phật đã giảng, nói đến khởi nguyên của vũ trụ.

Trong hiện thời, Lượng Tử Lực học rất tuyệt vời, cũng nói đến A Lại Da khiến cho chúng tôi thật sự bội phục năm vóc sát đất. Nói tới chân tướng vũ trụ thì khởi nguyên của vật chất cũng là khởi nguyên của vũ trụ, vũ trụ do vật chất hợp thành, vật chất do đâu mà có? Các nhà Lượng Tử Lực học bảo chúng ta: “Vật chất là từ Không sanh ra Có”. Trong Không vì sao có thể sanh ra Có? Họ không thể nói được, chỉ phát hiện những thứ từ trong Không sanh ra Có; lại còn xuất hiện với tốc độ vô cùng nhanh trong thời gian tột bực ngắn ngủi, tạm bợ, gần như vừa hiện ra bèn lập tức tiêu diệt, hiện tượng thứ hai lại xuất hiện. Do vậy, rốt cuộc vật chất là gì? Vật chất là một thứ hiện tượng tích lũy liên tục của ý niệm (trong Lượng Tử Lực Học nói tới “thông tin”, đó cũng là ý niệm); nói nghiêm ngặt, vật chất chẳng tồn tại! Trong giáo pháp Đại Thừa, đức Phật thường bảo: “Phàm những gì có hình tướng đều là hư vọng”, tướng ấy là hiện tượng vật chất, mà cũng bao gồm cả hiện tượng tinh thần, đều là hư vọng. Kinh Kim Cang dạy: “Hết thảy các pháp hữu vi, như mộng, huyễn, bọt, bóng”, có hay không? Chẳng thể nói chúng không có, mà cũng chẳng thể nói là chúng thật sự có. Vì sao? Hiện tượng ấy ở ngay trước mặt, “đương thể tức không, liễu bất khả đắc” (bản thể chính là Không, trọn chẳng thể được), chân tướng đấy! Hiện tượng này rất khó hiểu, chẳng ngờ hiện thời Lượng Tử học đã phát hiện! Các nhà Lượng Tử Lực Học bảo chúng ta: Trong vũ trụ chỉ có ba thứ, trừ ba thứ ấy ra, quả thật thứ gì cũng đều không có. Ba thứ do họ phát hiện chính là ba tế tướng của A Lại Da; họ nói trong vũ trụ có năng lượng, vật chất, và thông tin, thông tin là hiện tượng tinh thần. Đây là một môn khoa học mới nổi lên[1], tôi tin tưởng ba năm nữa, tối đa là năm năm, mọi người trên cả thế giới sẽ thừa nhận, khẳng định học thuyết này, đây là một phát hiện chưa lâu!

/ 600