/ 600
919

Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa

Tập 82

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa

Giảo duyệt: Huệ Trang và Đức Phong


Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, xin mời ngồi xuống. Xin xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang tám mươi tám, dòng thứ ba đếm từ dưới lên.

“Chánh thích kinh nghĩa” (chính thức giải thích ý nghĩa kinh văn), đây là phần lớn thứ ba trong [bản Chú Giải] kinh này, chính thức giải thích ý nghĩa trong kinh văn. “Tiền minh toàn kinh cương tông” (trong phần trên, đã nói về cương lãnh và tông chỉ của cả kinh), nêu cương lãnh và tông chỉ, “dữ kinh đề tổng nghĩa” (và ý nghĩa tổng quát của tựa đề kinh). “Cẩn dĩ cục tâm hạn lượng chi ngôn, lược chương Tịnh Tông vô tận chi diệu” (kính cẩn dùng cái tâm hạn hẹp để phô bày đại lược sự mầu nhiệm vô tận của Tịnh Tông), đây là lời khiêm hư của cụ Hoàng Niệm Tổ. “Cục tâm hạn lượng” ý nói: Chưa khai ngộ, tâm lượng phàm phu. Sau khi khai ngộ, tâm lượng sẽ giống như Phật, Bồ Tát, quả thật là “tâm bao thái hư, lượng châu sa giới” (tâm trọn khắp hư không, tâm lượng rộng khắp các cõi nhiều như cát). “Cục” (局) là có giới hạn, “cục tâm hạn lượng” là tâm lượng và kiến giải phàm phu. “Lược chương Tịnh Tông”, đây là một bộ kinh điển trọng yếu nhất trong Tịnh Tông, quả thật là vô tận diệu nghĩa. “Tư y tiên lệ, toàn kinh phân tam” (nay dựa theo lệ trước, chia toàn bộ kinh này thành ba phần), “tiên lệ” là thông lệ giảng giải kinh văn của cổ thánh tiên hiền, luôn chia một bộ kinh thành ba phần lớn, tức là ba bộ phận. Bộ phận thứ nhất gọi là Tự Phần, bộ phận thứ hai là Chánh Tông Phần, bộ phận thứ ba gọi là Lưu Thông Phần. Tự (序) là như trong các tác phẩm văn chương hiện thời, phía trước có phần Tự Luận (dẫn nhập), giữa là Chánh Thuyết (nội dung chánh yếu), sau đó là Tổng Kết, ba đoạn lớn như vậy. Trong kinh Phật, bản thân mỗi kinh có ba đoạn, thứ nhất là Tự, sau Tự là Chánh Tông, sau Chánh Tông là Lưu Thông, [phần này] cũng gần như quá nửa là đức Phật dặn dò chúng ta nên thực hiện nghĩa lý, giáo huấn và cảnh giới của bộ kinh này như thế nào trong cuộc sống hằng ngày, nâng cao chính mình, thậm chí thực hiện trong công việc, trong toàn bộ công tác. Đây là dạy quý vị sau khi chính mình đã thành tựu, còn phải tạo ảnh hưởng người khác, mong cho người khác cũng có thể tu học, cùng nâng cao cảnh giới giống như chính mình. Đấy là Lưu Thông Phần.

“Ngẫu Ích đại sư viết: Tự như thủ, ngũ quan câu tồn. Chánh Tông như thân, phủ tạng vô khuyết. Lưu Thông như thủ túc, vận hành bất trệ” (Ngẫu Ích đại sư nói: “Tự như đầu, ngũ quan đầy đủ. Chánh Tông như thân, phủ tạng chẳng thiếu, Lưu Thông như chân tay, vận hành không trệ ngại”). Thuở tại thế, suốt đời Ngẫu Ích đại sư cũng giảng kinh giáo học. Ngẫu Ích đại sư là người xuất gia thuở trước, sống vào những năm cuối triều Minh và những năm đầu triều Thanh. Ngài sống vào cuối đời Minh, viên tịch trong đời Thanh, là tổ sư đời thứ chín của Tịnh Độ Tông. Trước tác vô cùng phong phú, tuy tuổi tác chẳng cao lắm, sáu mươi mấy tuổi đã viên tịch, nhưng Ngài lưu lại trước tác vô cùng phong phú, đúng là trước tác suốt cả đời. Đối với chuyện giải thích kinh chia thành ba phần, Ngài đã nêu thí dụ, dùng con người chúng ta làm tỷ dụ: Tự Phần giống đầu người, ngũ quan đầy đủ, vừa nhìn thấy vẻ mặt liền biết quý vị là người như thế nào. Kế đó là Chánh Tông giống như thân thể, bên trong có ngũ tạng, lục phủ. Lưu Thông Phần giống như tay chân, quý vị có thể hoạt động, có thể khởi tác dụng. Tiếp đó, cụ Niệm Tổ nói: “Y đại sư ý, Tự như thủ (đầu dã) chỉ kinh chi Tự Phần do nhân chi hữu thủ. Do thủ chi ngũ quan (mi, nhãn, nhĩ, tỵ, khẩu) khả khuy kỳ nhân chi thiện, ác, trí, ngu” (Theo ý đại sư, “Tự như đầu” tức là Tự Phần của kinh giống như người có đầu, từ ngũ quan (lông mày, mắt, tai, mũi, miệng) có thể biết được phần nào con người ấy là thiện hay ác, trí hay ngu), quý vị vừa nhìn liền hiểu rõ. “Quán nhất kinh chi Tự phẩm, tiện khả tri toàn kinh chi Đại, Tiểu, Thiên, Viên” (Nhìn vào Tự Phần của một bộ kinh, liền có thể biết toàn bộ bản kinh ấy là Đại Thừa hay Tiểu Thừa, Thiên Giáo hay Viên Giáo). Từ Tự Phần, quý vị có thể thấy, trong Tự Phần có ý nghĩa biểu thị pháp. Nếu quý vị hiểu, vừa nhìn vào Tự Phần sẽ hiểu rõ ràng, rành rẽ [những ý nghĩa biểu thị pháp ấy]. “Cố Tự Phần trung, diệc tất hàm hữu thâm văn” (Vì thế trong Tự Phần ắt phải có những đoạn kinh văn ý nghĩa sâu xa). Điều này chẳng sai tí nào! Trong Tự Phần chứa đựng những ý nghĩa sâu xa, quyết định chẳng khác gì Chánh Tông và Lưu Thông. “Kim y đại sư chi chỉ, phán phân bổn kinh như hạ” (Nay y theo ý chỉ của đại sư, phân định kinh này như sau), chia làm ba phần:

/ 600