/ 600
1.106

Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa

Tập 81

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa

Giảo duyệt: Huệ Trang và Đức Phong

 

Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, xin mời ngồi xuống. Xin xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang tám mươi lăm, dòng thứ hai từ dưới đếm lên, xem từ chữ Kinh.

  “Kinh giả, Phạn ngữ Tu Đa La. Trực dịch vi Tuyến, ý dịch vi Khế Kinh. Khế giả, nhất giả khế Lý. Lý giả, Thật Tế lý thể dã. Nhị giả khế Cơ, Cơ giả, cơ nghi, chúng sinh căn cơ dã, kiêm chỉ thời cơ, thời tiết nhân duyên dã. Cố khế Cơ giả, thiết hợp chúng sanh thủy bình dữ thời đại dã” (Kinh: Tiếng Phạn là Tu Đa La, dịch sát nghĩa là Tuyến (sợi dây), dịch ý là Khế Kinh. Khế: Một là Khế Lý, Lý là Thật Tế lý thể. Hai là khế Cơ, Cơ là cơ nghi, tức căn cơ của chúng sanh, đồng thời có nghĩa là thời cơ, thời tiết nhân duyên. Do vậy, Khế Cơ là phù hợp trình độ của chúng sanh và thời đại). Chúng ta đọc tới chỗ này. Kinh là những lý luận và phương pháp do Thích Ca Mâu Ni Phật thuở tại thế đã dùng để giáo hóa hết thảy chúng sanh, nhưng thuở ấy Thích Ca Mâu Ni Phật chẳng viết thành tài liệu giảng dạy. Vào thời cổ, dường như đều giống như vậy. Như tại Trung Quốc, Khổng Tử chỉ dùng ngôn ngữ để dạy dỗ, không có sách giáo khoa, ngay cả đại cương cũng chẳng có. Nhìn từ chỗ này, suốt bốn mươi chín năm, đức Phật giảng kinh, dạy học mỗi ngày chẳng gián đoạn, sau khi Ngài viên tịch, các học trò dựa trên ký ức, dùng văn tự ghi chép lời thầy đã dạy, lưu truyền hậu thế; đấy là cội nguồn của kinh điển Phật giáo. Kinh điển là những lời “giảng nghĩa” trong lúc Phật giáo học thuở ấy, nay chúng tôi dùng chữ “giảng nghĩa” cho mọi người dễ hiểu! Phân lượng [kinh điển nhà Phật] vô cùng to lớn, công tác kết tập gian truân do tôn giả A Nan phức giảng (nhắc lại lời giảng). Trong các đệ tử, cũng như trong số các đồng học, ngài A Nan có trí nhớ tốt nhất. Sở trường đặc biệt của Ngài là trí nhớ mạnh mẽ, gần như nghe qua một lần sẽ vĩnh viễn chẳng quên mất. Ngài có năng lực ấy, sức lý giải rất mạnh. Vì thế, mọi người cùng đề cử Ngài phức giảng, [tức là] nhắc lại những gì Thích Ca Mâu Ni Phật đã nói trong thuở ấy. Có năm trăm vị đồng học, các đồng học đều chứng quả A La Hán. Các vị A La Hán và Bồ Tát ngồi ở dưới nghe, chứng minh lời Ngài nói chẳng sai! Nếu có một vị nào bảo: “A Nan! Hình như đức Phật chẳng nói câu này”, câu ấy phải gạt bỏ, chẳng thể lưu thông. Nghiêm ngặt như vậy chủ yếu nhằm mục đích giữ chữ Tín với đời sau, chẳng phải là đa số thông qua, hễ có một người có ý kiến sẽ không thể ghi lại [câu nói ấy]. Vì thế, kinh điển được thẩm tra nghiêm ngặt; nói cách khác, những câu nói [được chép trong kinh Phật] đều do chính miệng Thích Ca Mâu Ni Phật thốt ra. Đó là nguồn gốc của kinh điển vậy!  

Chữ “Kinh” là chữ Hán, chúng ta dùng chữ này để dịch chữ Ấn Độ. Tiếng Ấn Độ [gọi Kinh] là Tu Đa La (Sūtra), Tu Đa La vốn có nghĩa là Tuyến (sợi dây). Vì sao? Do trước đây, vào thời kỳ đầu, chép kinh trên lá cây, tức lá cây Bối-đa-la. Đương nhiên thuở ấy vẫn chưa có giấy, nên dùng lá cây Bối-đa-la. Lá cây ấy rất bền, có thể giữ rất nhiều năm chẳng bị hư hoại. Lá cây được cắt thành từng miếng, cắt thành miếng dài, hai bên đục lỗ. Mỗi bên đục một lỗ, dùng dây xâu qua [để buộc lại cho khỏi lạc mất]. [Các miếng lá] đã xỏ dây được gọi là một quyển sách, khi dịch [sát nghĩa chữ Sūtra] thì dịch theo cách như vậy. Quý vị đến Cố Cung sẽ có thể thấy hình dạng nguyên thủy của kinh lá Bối. Nếu dịch nghĩa thì nên dùng ý nghĩa của chữ Kinh trong tiếng Hán để dịch sẽ rất hay. Bởi lẽ, những giáo huấn của cổ thánh tiên hiền Trung Quốc lưu lại, chúng ta đều gọi là Kinh. Do giáo huấn của đức Phật cũng vô cùng quý báu, dùng chữ Kinh này để phiên dịch là hay nhất.

Trước chữ Kinh, thêm chữ Khế (契). Khế là Khế Lý. Lý là Thật Tế lý thể, Lý là gì? Lý là chân tướng sự thật. Nói theo cách bây giờ, Thật Tế lý thể là chân tướng của vũ trụ và nhân sinh, mọi người dễ hiểu điều này. Do vậy, kinh nhất định giảng chân tướng sự thật, chẳng phải là nói mò, chẳng phải là nói tùy tiện. Đây là chân tướng sự thật thứ nhất.

Thứ hai là phải Khế Cơ, tức là thích hợp trình độ của chúng sanh. Quý vị giảng quá sâu, họ nghe sẽ không hiểu. Quý vị giảng quá cạn, họ sẽ chẳng hứng thú! Nhất định phải thích hợp! Lại còn phải thích hợp thời đại. Vì thế, kinh điển sống động. Kinh Phật do đức Phật nói. Quý vị thấy, mỗi triều đại đều chú giải kinh điển rất nhiều. Chú giải là gì? Chú giải nhằm khế cơ. Trong mỗi triều đại, trong mỗi xã hội và dân tộc khác nhau, họ cần những gì, dùng phương pháp gì để giảng [cho thích hợp], đó là sống động. Lời Phật giảng là nguyên lý, nguyên tắc, các vị tổ sư đại đức giảng giải, tức là đã giảng theo kiểu hiện đại hóa, người hiện thời đều có thể thụ dụng, đó là Khế Cơ.

/ 600