/ 600
1.047

Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa

Tập 80

Chủ giảng: Tịnh Không pháp sư

Chuyển ngữ: Tử Hà

Biên tập: Bình Minh

Giảng ngày: 15 tháng 07 năm 2010

Địa điểm: Phật Đà Giáo Dục Hiệp Hội- HongKong


Các vị pháp sư, các vị đồng học, mời ngồi xuống. Mời xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang 85, hàng 2.

Bình đẳng giả, ly sai biệt dã. Kinh vân, tâm Phật chúng sanh, tam vô sai biệt, chánh hiển bình đẳng chi nghĩa.

Đề kinh này là bình đẳng giác. Chúng ta phân chia danh đề này làm ba câu để đọc. Thanh Tịnh, Bình Đẳng, Giác.

Bình đẳng nghĩa là không sai biệt. Tâm Phật chúng sanh đồng một thể tánh. Đều do tự tánh biến hiện ra. Trong kinh điển đại thừa đức Phật thường dạy: “mười phương ba đời Phật, cộng đồng một pháp thân”, chính là ý nghĩa này.

Ba đời Phật là nói về quá khứ, hiện tại, vị lai. Quá khứ đã thành Phật. Đức Thế Tôn giới thiệu cho chúng ta một bộ phận. Kinh Tam Thiên Phật Danh có ba quyển- thượng trung hạ. Quyển thượng là quá khứ thiên Phật, quyển trung là hiện tại thiên Phật, quyển hạ là vị lai thiên Phật. Phật vị lai nghĩa là chưa thành Phật. Ở đâu? Tất cả chúng sanh trong lục đạo hiện nay, đều là Phật vị lai. Trong Phật pháp gọi là hữu tình chúng sanh.

Hữu tình chúng sanh. Tình, trong duy thức nói là thọ tưởng hành thức. Có cảm thọ, cảm thọ khổ lạc ưu hỷ xả, có tư tưởng, chấp trước, ký ức. Gọi là hữu tình.

Ngày nay chúng ta biết được động vật có tình, thực vật có tình, khoáng vật cũng có tình. Thật hiếm có, chúng ta thấy được báo cáo của giới khoa học lượng tử, họ cho chúng ta biết, trong hư không cũng có tình. Đây là điều các nhà khoa học thời cận đại nói, họ khẳng định không có cái không thật sự. Đạo Phật nói chắc chắn không có không vô. Ở trạng thái chân không, trong đó còn có nguyên tử, nó hoạt động rất mạnh, nhục nhãn của chúng ta không thấy được.

Trên thực tế họ đã phát hiện ra những thứ này, rất giống trong kinh đức Phật nói về ý niệm, chính là một niệm bất giác. Đạo Phật nói vô thỉ vô minh. Vô thỉ nghĩa là không bắt đầu. Giới khoa học cũng phát hiện ra rồi, thật sự không có nguyên nhân. Thật sự không có bắt đầu, họ cũng nói sát na sanh, sát na diệt. Giống như Bồ Tát Di Lặc nói, một khảy móng tay có 32 ức trăm ngàn niệm, mỗi niệm đều độc lập riêng biệt.

Hiện tượng vật chất và hiện tượng tinh thần từ đâu mà có? Chính là những ý niệm này tích lũy liên tục mà sanh ra huyễn tướng, nó không có thật. Cho nên hiện tượng vật chất và hiện tượng tinh thần, hiện tượng đại tự nhiên trong vũ trụ, đều do đây mà có.

Các nhà khoa học cho rằng, có thể đây là nguồn gốc của vũ trụ và sanh mạng. Họ đã phát hiện ra. Nhưng nói rõ ràng nhất, minh bạch nhất là kinh điển đại thừa.

Khi đức Phật Thích Ca Mâu Ni còn tại thế, chưa có nhiều dụng cụ khoa học, sao ngài biết được? Ngài dạy chúng ta, hiểu rõ tất cả là bản năng của mỗi chúng sanh. Quí vị vốn nhìn thấy. Ngày nay khoa học muốn thấy được nguyên tử, điện tử, phải dùng kính hiển vi tối tân. Chư Phật Bồ Tát thì không cần. Trong kinh nói chúng ta có ngũ nhãn viên minh. Chúng ta có ngũ nhãn: chúng ta có nhục nhãn, thiên nhãn, huệ nhãn, pháp nhãn, Phật nhãn. Chúng ta đều có đủ. Nhưng bây giờ nó ở đâu? Nếu có đủ năm loại nhãn này, thì đâu cần kính hiển vi! Không cần!

Đức Phật dạy, do chúng ta mê mất tự tánh. Giống như trong Tam Tự Kinh vậy. Phật pháp thật sự làm cho nền văn hóa xưa thêm phong phú. Nếu dùng cảnh giới Hoa Nghiêm để giảng về tam tự kinh, có thể giảng thông. “Nhân chi sơ, tánh bổn thiện”. Thiện ở đây không phải thiện đối với ác. Thiện ở đây là danh từ tán thán, khen ngợi. Hay quá, viên mãn quá, không hề khiếm khuyết tí nào. Trí huệ viên mãn, đức năng viên mãn, tướng hảo viên mãn. Kiến văn giác tri của quí vị, không có điều gì chẳng viên mãn.

Quí vị có thể thấy, có thể thấy được điều gì? Thấy được tiểu quang tử mà giới khoa học ngày nay nói, lạp tử cơ bản. Quí vị có thể thấy được tiểu quang tử này phát sinh như thế nào. Do nhất niệm bất giác biến hiện ra. Niệm niệm bất giác, đó chính là tiểu quang tử tích lũy lại, tiểu quang tử là ý niệm, ý niệm tích lũy lại biến thành hiện tượng vật chất. Trong hiện tượng vật chất có kiến văn giác tri. Kiến văn giác tri vốn sẵn có trong tự tánh.

Động vật do tự tánh biến hiện ra, thực vật do tự tánh biến hiện ra, khoáng vật cũng do tự tánh biến hiện ra, hư không pháp giới đều do tự tánh biến hiện ra. Mỗi lạp tử trong đó, đều có đầy đủ kiến văn giác tri, quí vị có thể thấy được từng lạp tử. Trong đó có âm thanh, diệu âm, âm thanh vi diệu, quí vị đều có thể nghe được. Nó có hương, có vị, quí vị có thể ngửi được, nếm được. Điều này trong kinh đức Phật có nói.

/ 600