/ 600
906

Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa

Tập 77

Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư

Chuyển ngữ: Hạnh Chơn

Biên tập: Bình Minh

Thời gian: 12.07.2010

Địa điểm: Phật Đà Giáo Dục Hiệp Hội_HongKong


Các vị pháp sư, các vị đồng học, xin an toạ. Mời quý vị xem “Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải”, trang 82 hàng thứ nhất. Ta bắt đầu xem từ câu cuối cùng ở bên dưới.

“Hựu khả vân, năng tu giả, tức thị tâm thị Phật chi Phật. Sở tu giả, tức thị tâm tác Phật chi Phật”. Hai chữ Phật này có gì sai biệt chăng? Chúng ta đem hai chữ Phật này giải thích rõ ràng trước. “Thị tâm thị Phật” là tự tánh. Tự tánh chính là Phật, Phật chính là tự tánh. Nên từ trên tự tánh mà nói, thì trong kinh Hoa Nghiêm Đức Thế Tôn giảng nhiều nhất, “nhất thiết chúng sanh bổn lai thị Phật”. Nhất thiết chúng sanh ở đây không phải chỉ riêng chúng ta. Mỗi người đều là Phật, không phân nam nữ già trẻ, giàu nghèo sang hèn đều như nhau.

Phật nói chúng sanh, nghĩa gốc của hai chữ chúng sanh này, hiện tượng chúng duyên hoà hợp mà sanh khởi gọi là chúng sanh. Động vật là chúng duyên hoà hợp, Khoáng vật cũng là chúng duyên hoà hợp. Bao gồm cả sơn hà đại địa, cây cỏ hoa lá. Không có thứ gì không phải là Phật, đây gọi là “thị tâm thị Phật”. Vì sao? Tất cả vạn pháp trong toàn thể vũ trụ là duy tâm sở hiện, duy thức sở biến. Tâm đã là Phật rồi, thì còn có cái gì không phải Phật! Đây tức là bổn lai thị Phật. “Thị tâm thị Phật” chính là bổn lai thị Phật chi Phật. Tuy vốn là Phật nhưng vì hiện tại chúng ta đang mê, làm mất tự tánh. Lạc mất tự tánh nên gọi là chúng sanh, gọi là phàm phu. Phàm phu và Phật không có gì sai biệt, chỉ là mê ngộ bất đồng. Phàm phu giác ngộ là Phật, chính là đạo lý này.

Nên ở dưới “thị tâm tác Phật”, là phàm phu hồi đầu. Tôi bây giờ muốn làm Phật, nên đây là “thị tâm tác Phật chi Phật”, đó là chúng ta bây giờ. Ta bây giờ muốn làm Phật, có thật được thành Phật không? Thật. Vấn đề là tâm niệm này nó không thể lâu dài. Bây giờ đang nghe kinh nghe pháp, thì tâm này không tệ, tôi phát tâm làm Phật. Nhưng ý niệm sau nó lại đọa lạc vào trong phàm phu. Vấn đề là ở đây. Nếu hiện tại tâm làm Phật này vĩnh viễn bảo trì, thì Phật bây giờ và thị tâm thị Phật ở trước là tương ưng, hợp thành một. Như vậy chúng ta thật đã thành Phật. Lời này không phải lời nói chơi, sự thật này hoàn toàn chính xác. Nếu bạn hỏi tôi có thể thành Phật Chăng? Bạn không cần hỏi người khác, hảy hỏi chính bạn, có phải thật sự muốn thành Phật chăng? Thật sự muốn thành Phật, thì làm gì có chuyện không thể thành Phật?

Trong đại thừa giáo, Đức Phật thường nói tất cả pháp từ tâm tưởng sanh. Thật vậy, tâm tưởng cái gì là hiện ra cái đó. Nếu chúng ta nghe hiểu lời này, thật sự rõ ràng, thật sự minh bạch. Chúng ta sẽ nghĩ như vậy, ta sẽ từng niệm nhớ Phật A Di Đà, mỗi niệm nhớ thế giới Cực Lạc. Tưởng thế giới Cực Lạc thì thế giới Cực Lạc sẽ hiện tiền. Tưởng A Di Đà Phật thì Phật A Di Đà với chính mình sẽ tương ưng. Thật giống như Trung Phong Thiền Sư nói “Tâm tôi tức A Di Đà Phật, A Di Đà Phật tức là tâm tôi”. Tôi và A Di Đà Phật là một không phải hai. Trong tất cả chánh niệm, đây là chánh niệm thứ nhất. Bạn muốn hỏi, phải nghĩ bao lâu tôi mới có thể biến thành A Di Đà Phật?

Điều này trong kinh Di Đà nói vô cùng cụ thể. Nhược nhất nhật, nhược nhị nhật, nhược tam nhật cho đến nhược thất nhật. Xưa nay các vị tổ sư đại đức dạy, bậc thượng căn lợi trí một ngày là thành tựu. Người căn cơ kém độn bảy ngày cũng có thể thành tựu. Còn nghĩ bảy ngày vẫn chưa thành tựu, thì lời trong kinh nói có tính chăng? Trong kinh nói là thật. Nhưng “thất”_bảy_có hai loại giải thích. Một là chữ số_bảy ngày. Cái thứ hai là biểu pháp. Biểu pháp gì? Thất đại biểu viên mãn. Thất có nghĩa là gì? Đông- tây- nam- bắc- thượng- hạ- ở giữa gọi là thất, cho nên viên mãn. Số liệu viên mãn này không nhất định, nhưng đây là nói theo cách thông thường.

Chúng ta nhìn trên sự tướng, từ “Vãng Sanh truyện” mà nhìn, từ “Tịnh Độ Thánh Hiền Lục” mà nhìn. Từ cổ chí kim chuyên niệm A Di Đà Phật, họ niệm bao lâu là có thể biết trước giờ chết tự tại vãng sanh? Tuyệt đại đa số là ba năm. Ba năm này tức là bảy ngày. Thất tượng trưng cho viên mãn, nó viên mãn. Nếu ba năm chưa đủ, thì năm năm khẳng định thành tựu. Thật vậy, không phí quá nhiều thời gian. Vấn đề chính là chuyên nhất, phải chuyên tâm, phải nhất tâm thì thành Phật không khó. Buông bỏ vạn duyên, nhất tâm chuyên chú. Chúng tôi tin rằng mỗi người tuyệt đối không quá ba năm sẽ thành tựu được thế giới Cực Lạc.

/ 600