/ 600
1.030

Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa

Tập 65

Chủ giảng: Tịnh Không pháp sư

Chuyển ngữ: Tử Hà

Biên tập: Bình Minh

Giảng ngày: 22 tháng 06 năm 2010

Địa điểm: Phật Đà Giáo Dục Hiệp Hội- HongKong

 

Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, xin mời ngồi xuống. Mời xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang năm mươi chín, hàng thứ hai.

Hoa Nghiêm Huyền Đàm vị chư pháp hà cố sự sự vô ngại? Tùng duy tâm sở hiện cố chư pháp chi bổn nguyên, phi hữu biệt chủng. Duy tự Như Lai tàng tâm duyên khởi chi sai biệt pháp, cố tất hữu khả hòa dung chi lý.

Thập Huyền nói về sự sự vô ngại. Vì sao sự sự vô ngại? Đối với duyên khởi nhất định phải có sự nhận biết sâu sắc. Cũng có nghĩa là khoa học và triết học ngày nay, mấy trăm năm rồi đều nghiên cứu về vấn đề này, cho đến ngày nay, cũng chưa có một đáp án nào khiến người ta vừa lòng. Vũ trụ từ đâu có? Vì sao có vũ trụ? Sinh mạng từ đâu mà có? Đều là những vấn đề lớn của nền triết học và khoa học. Trong Phật pháp cũng như vậy. Sự việc này trong kinh Hoa Nghiêm đức Phật nói rõ ràng. Kinh Hoa Nghiêm là bộ kinh không thể nghĩ bàn, bộ kinh này được đức Phật Thích Ca Mâu Ni nói ở trong định. Cho đến nay, Phật giáo Nam truyền vẫn chưa thừa nhận bộ kinh này, họ nói bộ kinh này do Bồ Tát Long Thọ tự nói ra, Bồ Tát Long Thọ truyền lại. Đức Phật Thích Ca Mâu Ni diệt độ được 600 năm, Bồ Tát Long Thọ ra đời ở Ấn Độ. Mọi người đều biết ngài là Bồ Tát sơ địa ứng hóa thân ở thế gian. Trong truyện ký ghi rằng, người này rất thông minh, sự học của ngài giống như lời người xưa nói, nhìn qua đã được mười hàng, đọc đến đâu nhớ đến đó, ngài đã có năng lực lớn như vậy. Trong thời gian ba tháng, đọc hết tất cả pháp khi đức Phật Thích Ca Mâu Ni còn tại thế nói trong bốn mươi chín năm, ngài đã học hết. Người thường dùng thời gian ba năm cũng không thể đọc hết được. Muốn đọc hết bộ đại tạng kinh của đức Phật Thích Ca Mâu Ni nói, có thể 30 mươi năm cũng chưa đọc hết. Chúng ta có lý do để tin, nhưng ngài vẫn còn tập khí phiền não, đứng về mặt tập khí phiền não mà nói, những điều ngài chứng được không thể là viên giáo. Nếu là Bồ Tát Sơ Trụ của viên giáo, chắc chắn không còn tập khí phiền não, ngài vẫn còn tập khí ngạo mạn, cảm thấy trên thế gian này, trong Phật pháp chỉ có một mình ngài, không có ai siêu việt hơn ngài nữa, sự thật là như vậy.

Nhân duyên này khiến Long vương cảm động. Long vương là Bồ Tát Đẳng Giác, Long vương cảm động nên dẫn ngài về long cung tham quan, cho xem  bộ kinh Hoa Nghiêm, được đức Phật Thích Ca Mâu Ni  nói  ở trong định khi ngài mới thành đạo, là đại bổn Hoa Nghiêm Kinh. Sau khi xem xong, tập khí ngạo mạn tức thời không còn nữa. Trong 21 ngày đức Thế Tôn nói bộ kinh Hoa Nghiêm, phân lượng của nó là bao nhiêu? 10 đại thiên thế giới vi trần bài kệ. Một đại thiên thế giới, là khu giáo hóa của một đức Phật, quí vị đều biết. Cũng giống như Hoàng Niệm Tổ lão cư sĩ nói, hệ ngân hà là đơn vị thế giới. Bao nhiêu hệ ngân hà? Mười ức hệ ngân hà, một đại thiên thế giới là mười ức hệ ngân hà. Đức Phật nói bộ kinh này phân lượng của nó là bao nhiêu? Mười đại thiên thế giới vi trần bài kệ. Đại thiên thế giới có bao nhiêu vi trần? Không thể đếm được, nhất tứ thiên hạ vi trần phẩm, bộ kinh này có bao nhiêu phẩm? nhất tứ thiên hạ vi trần phẩm. Bồ Tát Long Thọ nhìn thấy, ngài biết chúng sanh trong cõi Diêm Phù không ai có thể thọ trì được, ai thọ trì được bộ kinh này? Pháp thân Bồ Tát. Kinh Hoa Nghiêm nói từ bậc Sơ trụ trở lên, 41 vị pháp thân đại sĩ, đây là bộ kinh gì? Là bộ kinh viên mãn, cũng có nghĩa là bộ kinh mười phương ba đời tất cả chư Phật nói, tên là Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm, đây là tổng danh xưng của tất cả kinh, giống như ngày nay gọi là đại tạng kinh vậy, phân lượng của bộ kinh này còn nhiều hơn đại tạng kinh nữa .

Bồ Tát Long vương tiếp tục để ngài xem trung bổn, trung bổn là gì? Trung bổn là tiết yếu, ghi chép lại những tinh hoa trong đại bổn, phân lượng là bao nhiêu? Bồ Tát Long Thọ xem rồi cảm thấy vẫn chưa được, chúng sanh trong cõi Diêm Phù, học suốt đời cũng không thể hết.

Kế đến xem tiểu bổn, tiểu bổn là mục lục đề cương, giống như Tứ Khố Toàn Thư, Tứ Khố Toàn Thư Đề Yếu. Bộ Tứ Khố Toàn Thư hiện nay có 1500 cuốn, đề cương năm cuốn, nghĩa là 5 cuốn mục lục, giới thiệu qua nội dung trong bộ sách này viết gì, đây là mục lục đề cương. Mục lục của bộ kinh này có 10 vạn bài kệ, 40 phẩm, truyền đến thế gian này. Bồ Tát Long Thọ nói bộ này được. Ngài có trí nhớ hay, sức đọc nhanh, đọc qua bộ kinh này một lần và ghi nhớ hết. Sau khi trở lại ngài đọc tụng và viết ra, thế là bộ kinh Hoa Nghiêm được truyền đến thế gian, phân lượng vẫn còn rất lớn. Truyền đến Trung Quốc tất cả là ba lần, lần đầu tiên vào thời Đông Tấn, chỉ có một phần ba, là bổn khiếm khuyết không đầy đủ. Quí vị nghĩ xem, nguyên văn là 10 vạn tụng, nhưng truyền đến Trung Quốc chỉ có 3 vạn 6 ngàn tụng, Trung Quốc phiên dịch hoàn chỉnh, có tên là Lục Thập Hoa Nghiêm, 60 quyển. Lần thứ hai vào đời nhà Đường, khi đó Võ Tắc Thiên làm hoàng đế. Võ Tắc Thiên đã thay đổi quốc hiệu, gọi là Chu, cho nên trong tay bà ấy, bộ kinh này được phiên dịch hoàn chỉnh, kệ khai kinh do bà ấy viết, có tên là Kinh Đại Chu, Kinh Đại Chu  là kinh Hoa Nghiêm được phiên dịch lần thứ hai. Ngài Thật Xoa Nan Đà từ Ấn độ đến Trung Quốc, mang theo kinh Hoa Nghiêm, lần này mang đến là 4 vạn 5 ngàn tụng, nhiều hơn lần trước 9 ngàn tụng, gần một nửa. Toàn bộ kinh là 10 vạn tụng, 4 vạn 5 ngàn tụng được dịch thành chữ Hán, gọi là Bát Thập Hoa Nghiêm, Bát Thập Hoa Nghiêm từ đây mà có.

/ 600