/ 600
1.049

Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa

Tập 66

Chủ giảng: Tịnh Không pháp sư

Chuyển ngữ: Tử Hà

Biên tập: Bình Minh

Giảng ngày: 23 tháng 06 năm 2010

Địa điểm: Phật Đà Giáo Dục Hiệp Hội- HongKong


Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, xin mời ngồi xuống. Hôm nay chúng ta tiếp tục học thập huyền vô ngại thập nhân. Bắt đầu xem từ hàng thứ hai.

Pháp vô định tánh, vị nhất thiết chư pháp, ký duy tâm hiện, tùng duyên nhi khởi, vô định tánh dã. Sở vị tiểu phi định tiểu, ư nhất vi trần năng hàm thái hư, đại phi định đại, luân vi vô số nhập mao đoan trung. Kinh vân: Kim cang vi sơn số vô lượng, tất năng an trí nhất mao đoan thị dã. Kết luận phía sau còn một câu. Cố bỉ thử tất hữu khả viên dung chi lý.

Chư vị tổ sư nói cho ta biết, đều là nguyên lý nguyên tắc, có thể ứng dụng trong tất cả pháp, nghĩa là pháp không có định tánh. Vì sao tất cả pháp không có định tánh? Bởi do tâm hiện thức biến. Tâm là tự tánh, tự tánh năng sanh năng hiện, nó bất biến. Biến là gì? Biến là duyên, duyên thay đổi, khác nhau rất nhiều. Các nhà khoa học ngày nay gọi duyên là ý niệm, ý niệm thiên biến vạn hóa, ý niệm trước diệt rồi, ý niệm sau khởi lên, có thể ý niệm trước là thiện, ý niệm sau là ác, không cố định. Nếu tất cả là ý niệm ác, đứng về cá nhân mà nói, người đó sẽ có phiền não, bệnh tật. Cơ thể này, năng sanh năng hiện là tự tánh, không sai tí nào. Thể của nó là tự tánh, nhưng hiện tướng là thức, y chánh trang nghiêm trong mười pháp giới là do thức biến ra. Nếu chuyển tám thức thành bốn trí, thì thế giới đó là nhất chân pháp giới, chứ không phải mười pháp giới.

Chúng tôi thường nói đến Thật Báo Trang Nghiêm độ của chư Phật Như Lai. Đức Phật Thích Ca Mâu Ni giới thiệu cho chúng ta thế giới cực lạc, thế giới cực lạc không biến hóa. Con người thọ vô lượng, tuy thọ vô lượng, thọ mạng rất dài, nhưng không già nua, không bị lão hóa. Vì sao? Vì nó không thay đổi, cho nên hoa cỏ cây cối đều là bốn mùa thường xuân, nó cũng không thay đổi, là một thế giới như vậy. Vì sao? Bởi nơi đó không có vọng niệm. Chẳng những không có phân biệt chấp trước, mà ngay cả khởi tâm động niệm cũng không có. Thế giới đó nương vào đâu mà xuất hiện? Có tập khí khởi tâm động niệm, thật sự không có khởi tâm động niệm, là một thế giới như vậy đấy. Chúng ta chẳng thể không hiểu. Kinh điển đại thừa nói cho ta biết chân tướng sự thật, pháp giới Phật trong mười pháp giới cũng biến hóa. Vì sao? Bởi còn dùng vọng tâm, chứ không phải dùng chân tâm, A Lại Da là vọng tâm.

Chúng tôi dùng cách nói đơn giản nhất để quí vị dễ hiểu, thức thứ tám- thức a lại da, ưu điểm của nó là ký ức, chúng ta ghi nhớ những điều đã học, đều ở a lại da, cho nên a lại da giống như kho chứa vậy, kho chất chứa. Những điều học tập từ vô thỉ kiếp đến nay, đều chất chứa ở đó, đó là phòng tài liệu. Thuật thôi miên ở phương tây, họ dùng phương pháp thôi miên, đã nói ra những điều hàm tàng trong a lại da, mà quí vị chất chứa từ nhiều đời nhiều kiếp, đạo lý là như vậy. Nếu như không chất chứa, sao quí vị có thể biết được những chuyện trong quá khứ? Cho nên nó là kho chất chứa đấy.

Thức thứ bảy-mạt na thức là chấp trước. Thức thứ sáu là phân biệt. Tiền ngũ thức: nhãn nhĩ tỷ thiệt thân là gì? Là truyền thông tin, giao tiếp trong ngoài, truyền bên ngoài vào bên trong, truyền bên trong ra bên ngoài, nó lo công việc này, nó không thể làm chủ, chỉ là truyền đạt mà thôi. Tôi dùng cách này để giải thích thì quí vị sẽ dễ hiểu.

Người thật sự làm chủ là ai? Sức mạnh làm chủ lớn nhất chính là thức thứ sáu, nó biến hóa rất giỏi. Thức thứ bảy rất cố chấp. Thật sự làm chủ chính là hai thức này. Ý niệm biến hóa rất nhanh. Ở đây nói nó không có định tánh, “tiểu phi định tiểu”, trong một vi trần bao hàm được cả hư không. Đại cũng không định đại, Luân Vi lớn, Luân Vi là núi Luân Vi, chính là vũ trụ, ngày nay gọi là vũ trụ, là tinh hệ của chúng ta. Dùng Luân Vi để hình dung tinh hệ, tinh hệ xoay tròn, mặt trời xoay quanh hệ ngân hà, hành tinh trên quả địa cầu xoay quanh mặt trời, đều là xoay, luân vi ở đây có nghĩa là như vậy. Những tinh cầu vận hành trong không trung, đều đang xoay tròn, xoay quanh trục tâm, trục tâm nhỏ xoay quanh trục tâm lớn, trục tâm lớn xoanh quanh trục tâm lớn hơn. Lớn, lớn như thế nào? Lớn có thể đặt vào trong lỗ chân lông, lỗ chân lông. Hiểu được đạo lý này rồi, suy rộng ra, chúng ta nói nhiễm tịnh, nói theo cách này, nhiễm phi định nhiễm, tịnh phi định tịnh, thiện phi định thiện, ác phi định ác. Hiểu được đạo lý này rồi, vừa điểm là thông được ngay.

/ 600