/ 600
998

Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa

Tập 64

Chủ giảng: Tịnh Không pháp sư

Chuyển ngữ: Tử Hà

Biên tập: Bình Minh

Giảng ngày: 21 tháng 06 năm 2010

Địa điểm: Phật Đà Giáo Dục Hiệp Hội- HongKong

 

Các vị pháp sư, các vị đồng học, mời ngồi xuống. Mời xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang năm mươi chín, hàng thứ hai, bắt đầu xem từ câu cuối cùng.

Hựu hữu văn danh đắc nhẫn nguyện, tha phương Bồ Tát dĩ văn danh cố, ứng thời khả hoạch nhất nhị tam nhẫn, chứng bất thoái chuyển.

Đoạn kinh này, nói về công đức danh hiệu không thể nghĩ bàn. Nguyện nghe tên được nhẫn, là một trong bốn mươi tám nguyện, là nguyện thứ 47. Nguyện văn trong kinh nói như vầy: Chư vị Bồ Tát ở phương khác nghe tên, “ứng thời”, ngày nay gọi là lập tức, nghe tên lập tức đạt được ba loại nhẫn, chứng được quả vị bất thoái chuyển. Trong nguyện văn chỉ nói đến nhất nhị tam nhẫn, chứ không nói ra tên gọi, nhưng ở phẩm thứ mười lăm của bộ kinh này, là phẩm Bồ Đề Đạo Tràng, đức Thế Tôn nói về ba loại nhẫn. Chư vị tổ sư đời sau giảng bộ kinh này, đều có dẫn chứng về ba loại nhẫn.

Tam nhẫn:  Thứ nhất là Âm Hưởng Nhẫn. Âm hưởng là nghe được danh hiệu. Nói về Bồ Đề đạo tràng là nói đến cây giác ngộ, công đức của cây không thể nghĩ bàn, có thể hiện tướng, hiện tướng quốc độ trong mười phương thế giới. Nếu chúng ta vãng sanh về thế giới cực lạc, nhớ lại thế giới Ta Bà ngày xưa, thời gian còn sinh sống trên quả địa cầu này, chỉ cần khởi niệm, cây Giác Ngộ cũng giống như ti vi vậy, quí vị sẽ thấy được, thấy được quá khứ, thấy được vị lai, là thấy được sắc. Cây, gió thổi cây, đây là cây thất bảo, cho nên hoa quả lá cành đều là thất bảo. Khi gió thổi vào lá cây, giống như chuông gió vậy, âm thanh đó nghe rất hay, quí vị sẽ nghe thấy âm thanh đó đang nói pháp. Trong Thập Huyền, ai học qua Thập Huyền sẽ hiểu, “một là tất cả, tất cả là một”. Đức Phật A Di Đà dùng phương pháp nào giảng kinh thuyết pháp, giáo hóa chúng sanh? Quí vị nghĩ xem, hàng ngày số người vãng sanh về thế giới cực lạc, không thể tính đếm được, thế giới đó quá lớn, người niệm Phật vãng sanh trong mười phương thế giới, có bao nhiêu! Căn tánh mỗi người không giống nhau, pháp môn tu học cũng không giống nhau, về thế giới cực lạc muốn nghe kinh gì, tất cả những âm thanh mà quí vị nghe được đều đang nói pháp, đúng là vi diệu không thể diễn tả, tùy duyên diệu dụng, về nơi đó mới biết được.

 Tứ Đức trong đại kinh nói, chẳng có cái gì không phải là biểu pháp, chẳng có cái gì không chỉ bảo chúng ta, minh tâm kiến tánh, đại triệt đại ngộ. Cho nên sự trang nghiêm thù thắng ở thế giới cực lạc không thể nghĩ bàn, mười phương chư Phật tán thán, điều này có thể là giả được sao? Từ điểm này chúng ta nên nhận biết về nó. Do âm hưởng mà khai ngộ, đây là nhẫn thứ nhất.

Thứ hai Nhu Thuận Nhẫn. Nhu thuận, thập đại nguyện vương của Bồ tát Phổ Hiền: “hằng thuận chúng sanh, tùy hỷ công đức”. Do tâm từ bi nhu nhuyến chất trực, tùy thuận theo tánh đức. Cái gì không phải là tánh đức? Tất cả đều là tánh đức. Phàm phu không biết, mê mất tự tánh, giác ngộ rồi mới biết, trong cảnh giới đó bất luận là thanh tịnh hay nhiễm ô, là thiện hay ác, đều là tự tánh, rời tự tánh không có pháp nào hết. Vấn đề ở chỗ ta dùng tâm gì để nhìn? Nếu quí vị dùng thanh tịnh bình đẳng giác, ở đây là nói về cảnh giới Hoa Nghiêm, không có pháp nào chẳng phải cảnh giới Hoa Nghiêm. Đó là gì? Trong đại kinh chúng ta thường đọc, rất quen thuộc, gọi là cảnh tùy tâm chuyển. Trong mắt đức Phật nhìn thấy, đúng là cảnh giới Hoa Nghiêm viên mãn, viên minh cụ đức. Trong cõi người, lấy luân lý đạo đức để nhìn thế giới này, nên mới nói rằng: “nhân chi sơ, tánh bổn thiện”, nhìn từ tánh, tướng là bất thiện, nhưng nhìn từ tánh thấy nó là thiện, không có bất thiện. Nếu đứng ở chỗ chúng sanh trong ba đường ác, họ thấy, họ mang theo tập khí sâu dày, họ nhìn thấy là tham sân si, cho nên pháp không có định pháp. Từ hàng Thanh Văn trở lên đều biết tất cả pháp không có thật, mộng huyễn bào ảnh, bất khả đắc, chỉ có chân tánh độc nhất tồn tại, vĩnh hằng bất biến. Nói cách khác, bất luận ở pháp nào đều có thể thấy tánh, kiến tánh thành Phật.

Tâm quí vị là tâm gì? Tâm thanh tịnh bình đẳng giác, điều này rất quan trọng. Học kinh Vô Lượng Thọ, tu tập chính là tu thanh tịnh bình đẳng giác, quả vị chứng được là đại thừa vô lượng thọ trang nghiêm. Đại thừa vô lượng thọ trang nghiêm đây,  là điều trong kinh Hoa Nghiêm đức Thế Tôn nói, tất cả chúng sanh đều có đức tướng trí huệ của Như Lai. Đại thừa là trí huệ, vô lượng thọ là đức, trang nghiêm là tướng, tự tánh vốn sẵn có. Thông thường đứng về mặt nhân quả mà nói, nhân là thanh tịnh bình đẳng giác, quả là đại thừa vô lượng thọ trang nghiêm. Hiểu được chân tướng sự thật và đạo lý này rồi, trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày chúng ta sẽ biết phải dụng công cách nào, làm thế nào mới thành tựu chính mình, tất cả đều hiểu rõ.

/ 600