Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa
Tập 63
Chủ giảng: Tịnh Không pháp sư
Chuyển ngữ: Tử Hà
Biên tập: Bình Minh
Giảng ngày: 20 tháng 06 năm 2010
Địa điểm: Phật Đà Giáo Dục Hiệp Hội- HongKong
Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, xin mời ngồi xuống. Mời xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang năm mươi tám, hàng thứ hai đếm từ dưới lên, bắt đầu xem từ câu giữa.
Kinh trung Tam Bối Cửu Vãng Sanh Phẩm vân, nãi chí hoạch đắc nhất niệm tịnh tâm, phát nhất niệm tâm, niệm ư bỉ Phật, thử nhân lâm mạng chung thời, như tại mộng trung kiến A Di Đà Phật, định sanh bỉ quốc, đắc bất thoái chuyển vô thượng bồ đề. Thử minh tịnh tâm niệm Phật nhất thanh chi vô lượng bất khả tư nghị công đức. Chúng ta học đến đoạn này.
Kinh Hoa Nghiêm, phẩm Hoa Tạng Thế Giới và phẩm Thế Giới Thành Tựu, phân lượng cũng rất khả quan, nói về vũ trụ. Vũ trụ xuất hiện như thế nào, trước đây có nói qua. Vũ trụ vô cùng rộng lớn, đúng như lời người xưa nói: “lớn không gì lớn hơn”, lớn đến mức độ nào? Không tìm thấy biên tế, nghĩa là không có biên tế. “Nhỏ không gì nhỏ bằng”, trong một vi trần, khoa học ngày nay gọi vi trần là lạp tử, lạp tử cơ bản. Ý nghĩa lạp tử cơ bản, theo sự tiến bộ của khoa học nên thường xuyên sửa đổi. Nửa thế kỷ trước, cho rằng lạp tử cơ bản là nhỏ nhất, nhưng sau này phát hiện nó còn có thể phân ra được. Đạo Phật nói cực vi chi vi, nghĩa là không thể phân ra được nữa, đây là cảnh giới tuyệt đối, không thể phân ra được nữa, đương nhiên nhục nhãn của chúng ta không thể thấy được. Trong một vật chất nhỏ như vậy, trong kinh gọi là nhất trần, trong nhất trần này còn có thế giới. Ngày nay thấy khoa học kỹ nghệ, một cái thẻ nhớ, chỉ nhỏ bằng móng tay thôi, trong đó dung chưa biết bao tài liệu, chúng ta cảm thấy vô cùng kinh ngạc, không biết rằng trong một vi trần, dung chứa thông tin cả một vũ trụ này, trong đó có cả một vũ trụ, không tăng không giảm. Khoa học ngày nay gọi là thế giới vi quan, lượng tử lực học, gọi đại vũ trụ là hồng quan thế giới. Đạo Phật nói hồng quan và vi quan là một chẳng phải hai. Tất cả quốc độ của chư Phật trong vũ trụ, ngày nay gọi là tinh cầu, tinh hệ, vô lượng vô biên, vô tận vô số. Sao đức Phật biết được? khoa học không ngoài việc trước dùng số học để suy đoán, sau đó dùng dụng cụ khoa học quan sát phát hiện.
Nếu căn cứ theo lịch sử Trung Quốc ghi chép, đức Phật Thích Ca Mâu Ni nhập niết bàn cho đến ngày nay là 3037 năm, nhưng người ngoại quốc chỉ thừa nhận là 2554 năm, sự khác biệt rất lớn, cách nhau gần 500 năm, những việc này chúng ta không cần phải khảo sát, không sao cả, vì sao vậy? Bởi thời gian vốn không có thật, không gian cũng không có thật, thời gian và không gian là một khái niệm trừu tượng, chắc chắn không phải là sự thật. Trước đây chúng ta học qua chương này, thập thế cổ kim. Trường kiếp có thể biến thành một niệm, một niệm triển khai ra có thể biến thành vô lượng kiếp, nghĩa là nói về thời gian có thể kéo dài ra, có thể rút ngắn lại, điều này khoa học ngày nay vẫn chưa làm được. Phật pháp ứng dụng linh hoạt như thế, dùng cái gì? Dùng ý niệm, chính là ý thức, công năng của ý thức rất lớn, đối ngoại duyên đến vũ trụ, đối nội duyên đến A Lại Da, ngày nay gọi là lạp tử, có thể duyên đến lạp tử, nhưng không duyên đến được tự tánh, không duyên đến được bổn tánh. Vì sao? Nếu thật sự muốn thấy bổn tánh, bắt buộc phải buông bỏ khởi tâm động niệm, phân biệt chấp trước, thì sẽ thấy được, như thế mới thấy được chân tướng sự thật. Nếu quí vị hỏi khắp vũ trụ này, bất luận là hồng quan hay vi quan, sao ngài thấy được rõ như vậy? Ngài đã thấy được. Sao thấy được? Thấy được trong thiền định. Thiền định như thế nào? Là tự tánh bổn định. Thông thường tu học công phu thiền định chưa đủ, chưa có năng lực cao như vậy, chỉ có thể thấy được trạng thái như khoa học ngày nay đã thấy, đã là giỏi lắm rồi. Nếu thấy tánh, thấy được tự tánh, bắt buộc phải dùng nội công, chứ không thể dùng bên ngoài, gọi là công phu thiền định, công phu thiền định đến chỗ cuối cùng là quay trở về tự tánh. Khi Lục Tổ Huệ Năng thấy tánh nói, “đâu ngờ tự tánh vốn không dao động”, đó chính là tự tánh bổn định. Đến khi đó thì sẽ thấy được tất cả. Thế giới đó, bất luận là hồng quan hay vi quan, chúng ta chẳng thể không biết. Vì sao? Tất cả đều là môi trường chúng ta sinh sống. Đức Phật nói về những vũ trụ này, trong những đời quá khứ ta đã từng sống ở nơi đó, tương lai thì sao? Tương lai cũng có khả năng về đó ở nữa, quí vị chẳng thể không biết. Đó là nguyên nhân vì sao đức Phật nói cho chúng ta biết. Thật sự có cơ hội. Nếu bản thân ta tu thiền định, quí vị nên biết, tu thiền định là tổng khái niệm trong Phật pháp. Đạo Phật nói 84000 pháp môn, vô lượng pháp môn. Pháp là phương pháp, môn là cửa. Phương pháp này tu điều gì? Đều là tu thiền định, nhất định quí vị phải hiểu rõ, chẳng phải chỉ có thiền tông tu thiền định đâu, nghĩ như vậy là sai, chỉ cần là Phật pháp thì tất cả đều là thiền định, sử dụng phương pháp không giống nhau. Ngày nay chúng ta dùng phương pháp gì? Chúng ta dùng phương pháp trì danh niệm Phật để tu thiền định, phương pháp bất đồng nhưng thiền định đạt được thì như nhau, là một việc thôi.