/ 600
820

Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa

Tập 62

Chủ giảng: Tịnh Không pháp sư

Chuyển ngữ: Tử Hà

Biên tập: Bình Minh

Giảng ngày: 19 tháng 06 năm 2010

Địa điểm: Phật Đà Giáo Dục Hiệp Hội- HongKong

 

Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, xin mời ngồi xuống. Mời xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang năm mươi tám, hàng thứ năm đếm từ dưới lên, chúng ta xem từ câu thứ hai.

Cố nhất pháp viên mãn nhất thiết pháp chi công đức thị danh viên mãn cụ đức. Đại Sớ vân, như bắc thần sở cư, chúng tinh củng chi.

Hôm qua chúng ta học đến đoạn, “chủ bạn viên minh cụ đức”. Chủ bạn là nói về tất cả pháp, tất cả pháp ở đây, thông thường chúng ta dùng sáu chữ để nói, gồm tánh tướng, lý sự, nhân quả của tất cả pháp.  Bất luận là pháp thế gian hay pháp xuất thế gian, trong Phật pháp gọi là y báo và chánh báo, khoa học gọi là vật chất và tinh thần, lớn nói đến vũ trụ, nhỏ nói đến tinh thần. Bất cứ pháp nào trong đây, trong kinh điển đại thừa thường đưa ra ví dụ, một vi trần, một lỗ chân lông, vi trần là vật nhỏ nhất trong y báo, mao đoan là lỗ chân lông của chúng ta, là vật nhỏ nhất trong chánh báo, không gì chẳng phải là viên minh cụ đức. Viên là viên mãn, không khiếm khuyết bất cứ điều gì, cả vũ trụ đều ở trong một vi trần một cọng lông, sự việc này không cách nào tưởng tượng ra được, cho nên cảnh giới này, trên đề phẩm Tứ Thập Hoa Nghiêm nói: “nhập bất tư nghị giải thoát cảnh giới”, là nói về điều này. Cảnh giới này chúng ta không thể tưởng tượng được, cũng không thể nói rõ ràng được.  Đức Thế Tôn có trí huệ, có phương tiện thiện xảo, ngài đã nói rõ ràng cho ta biết, nhưng ta khó mà hiểu được. Nguyên nhân gì vậy? Bởi ta bị nghiệp chướng, thật sự đức Phật đã nói rất rõ ràng, nghiệp chướng của ta làm trở ngại trí huệ, nên ta nghe không hiểu. Nghiệp chướng là gì? Là nghi ngờ, phân biệt, chấp trước, nên không thể hiểu được. Dùng phương pháp gì mới có thể  hiểu kinh Phật vậy? Không nghi ngờ, không phân biệt, không chấp trước, thì  sẽ hiểu . Trong Khởi Tín Luận, Bồ Tát Mã Minh dạy rằng: Nghe kinh không chấp ngôn thuyết, không nên chấp trước ngôn ngữ, không nên chấp trước danh tự, không nên suy nghĩ ý nghĩa của những danh từ thuật ngữ trong kinh. Nếu nghe được như vậy sẽ hiểu được, và nhập vào cảnh giới đó. Đọc kinh cũng như vậy, văn tự trong kinh điển, văn tự là phù hiệu của ngôn ngữ. Cho nên nghe kinh không được chấp trước ngôn ngữ, đọc kinh không được chấp trước văn tự, chấp trước văn tự thì hỏng việc. Đồng thời cũng không được chấp trước danh từ thuật ngữ, không nên suy nghĩ ý nghĩa của nó. Vì sao không được suy nghĩ ý nghĩa của nó? Quí vị vừa nghĩ là sai rồi, nghĩ là ý của mình, chứ không phải ý của Phật. Vì sao? Phật không có ý. Pháp thân Bồ Tát đã chuyển tám thức thành bốn trí rồi, ý nằm trong tám thức, thức thứ sáu là ý thức, thức thứ bảy là ý căn, ý nằm trong hai thức này. Bây giờ quí vị chuyển đổi rồi, chuyển thức thứ sáu thành diệu quan sát trí, chuyển thức thứ bảy thành bình đẳng tánh trí, không còn ý nữa, nếu có ý là phàm phu rồi. Nghĩa là thế nào? Là dùng A Lại Da, A Lại Da là vọng tâm, quí vị không dùng chân tâm. Đức Phật giảng kinh thuyết pháp cho tất cả chúng sanh, thậm chí thị hiện nhiều hình thức khác nhau, đều là chân tâm, là bổn tánh. Cho nên từ tánh đức lưu xuất ra mới viên mãn, viên mãn ở đây là nói về đức, minh là nói về huệ, tánh đức viên mãn, trí huệ viên mãn. Trong kinh Hoa Nghiêm đức Thế Tôn dạy rằng: “tất cả chúng sanh đều có đức tướng trí huệ của Như Lai”. Câu này chúng ta nghe nhiều rồi,  rất quen tai, cũng có thể nói được nữa, nhưng đó chẳng phải là cảnh giới của ta. Chuyển thức thành trí mới là cảnh giới này, gọi là chứng ngộ. Chúng ta học nhiều năm rồi, biết được như vậy, nhưng phải có thiện căn. Thiện căn là gì? Tin tưởng lời chư Phật Bồ Tát nói không chút nghi ngờ, bản thân mình phải mở rộng tâm lượng ra, cho nên hàng đương cơ của kinh Hoa Nghiêm là pháp thân đại sĩ. Đại sư Thanh Lương nói về mười hạng người, trong mười hạng người này, hạng cuối cùng là phàm phu, là hạng phàm phu nào? Là đại tâm phàm phu, tâm lượng rộng lớn. Đối với tất cả sự, tất cả lý, không tính toán thiệt hơn, người ta thường nói tâm lớn hóa giải tất cả, người như vậy nghe được kinh Hoa Nghiêm. Nếu là người bảo thủ, chấp trước, cái gì cũng phải tính toán, không khế cơ với Hoa Nghiêm, người đó không thích hợp nghe bộ kinh này. Nghe bộ kinh này tâm lượng phải rộng lớn, tâm không tính toán điều gì, tâm như thế tương ưng với Hoa Nghiêm. Cho nên viên mãn không hề khiếm khuyết điều gì. Hai chữ viên minh là then chốt, giống như đại sư Huệ Năng, khi ngài thấy tánh có nói: “đâu ngờ tự tánh vốn tự đầy đủ”, có nghĩa là như vậy. Tuy không hiển nhưng chẳng thiếu điều gì.

/ 600