Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa
Tập 61
Chủ giảng: Tịnh Không pháp sư
Chuyển ngữ: Tử Hà
Biên tập: Bình Minh
Giảng ngày: 18 tháng 06 năm 2010
Địa điểm: Phật Đà Giáo Dục Hiệp Hội- HongKong
Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, xin mời ngồi xuống. Mời xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang năm mươi tám, hàng thứ tám.
Đệ thập: Chủ bạn viên minh cụ đức môn. Hoành thụ vạn pháp thành vi nhất đại duyên khởi, pháp pháp giao triệt, cố tùy cử nhất pháp, kỳ tha nhất thiết pháp tức bạn chi nhi duyên khởi, diệc tức cử nhất pháp vi chủ, tắc kỳ tha nhất thiết pháp giai vi bạn, nhi phó ư thử nhất pháp cánh dĩ tha pháp vi chủ, tức dư pháp thành bạn nhi tận tập chi. Cố nhất pháp viên mãn nhất thiết pháp chi công đức, thị danh viên mãn cụ đức. Chúng ta học đến đây.
Đây là môn cuối cùng của Thập Huyền, giống như những bài văn khác, môn đầu tiên là tổng cương, môn cuối cùng là tổng kết, đều rất quan trọng. Nhất là môn tổng kết này vô cùng thù thắng. Thế nào là chủ? Thế nào là bạn? Thế nào gọi là viên minh cụ đức? Trong đoạn này đều giải thích rõ.
Xin xem kinh văn: “hoành thụ vạn pháp”, tám môn trước nói về hoành, môn thứ chín nói về thụ. Hoành là gì? Hoành là nói về không gian, hoành biến mười phương. Thụ là nói về thời gian, quá khứ, hiện tại, vị lai, thụ cùng tam tế, nghĩa là bao gồm hết cả vũ trụ, không cái gì lọt ra ngoài. Pháp của thế và xuất thế gian không rời thời gian và không gian. Trong Phật pháp gọi là hoành thụ, muôn sự muôn vật trong thời gian và không gian gọi là vạn pháp, chúng ta cũng ở trong đó, chẳng riêng con người ở trong đó, tất cả động vật ở trong đó, hoa cỏ cây cối ở trong đó, sơn hà đại địa ở trong đó, vô lượng tinh cầu, tinh hệ đều ở trong đó, bất đồng không gian duy thứ cũng ở trong đó. Trước đây nói, tương dung tương tức, trùng trùng vô tận, đó là gì? Là tự tánh! Trong kinh đức Phật thường nói, tự tánh pháp nhĩ như thị, pháp này vốn là như vậy.
Không phải do con người làm, nên không phải sáng tạo ra, tánh đức vốn là như vậy. Trong giáo pháp đại thừa đức Phật thường dùng một câu để miêu tả, gọi là bất khả tư nghị. Quí vị không thể suy nghĩ, chắc chắn suy nghĩ không tới, nếu quí vị suy nghĩ, càng nghĩ càng phức tạp. Vì sao? Vì nghĩ chính là thức thứ sáu. Công năng của thức thứ sáu là năng biến, vạn pháp là sở biến, càng nghĩ nó biến hóa càng nhiều. Cho nên không thể suy nghĩ.
Nghị có nghĩa là gì? Là nghị luận, là nói không được, không cách nào nói được. Bất khả tư nghị là chân thật, nếu con người thật sự buông bỏ ý niệm, không suy nghĩ, không nói nữa, hay quá, chân tướng liền hiện tiền. Chỉ cần quí vị không suy nghĩ, không nói nữa, thì quí vị sẽ đại triệt đại ngộ. Tánh tướng, lý sự, nhân quả trong vũ trụ, đều ở trước mặt, quí vị hiểu được hết. Đạo lý gì vậy? chắc quí vị đã hiểu, chúng ta học ở trong giảng đường nhiều năm như thế, quí vị không suy nghĩ điều gì, không nói điều gì, chẳng phải đã buông bỏ hết vọng tưởng phân biệt chấp trước rồi sao? Buông bỏ hết chẳng phải thành Phật rồi sao? Như thế quí vị sẽ thật sự nhập cảnh giới Hoa Nghiêm, không nhập được vì chúng ta vẫn còn tưởng, vẫn còn thảo luận, nghị luận, như thế không được đâu. Chỉ cần quí vị có tưởng, quí vị vẫn đang nghị luận, nói thiệt, đứng bên lề cũng không có phần.
Trong kinh Hoa Nghiêm, kinh Hoa Nghiêm là đại học Phật giáo, trường học này là một ngôi trường viên mãn, từ tiểu học đến đại học, tiểu học lớp 1 là Bồ Tát Sơ Tín vị trong Thập Tín. Sơ Tín là Bồ Tát tiểu học lớp 1, chúng ta vào đó được chăng? Không được. Vì sao? Vì điều kiện vào đó là phải buông bỏ tâm thô nhất, phiền não thô nhất là kiến hoặc. Trong tam giới, dục giới, sắc giới, vô sắc giới, phải buông bỏ quan niệm sai lầm trong tam giới. Quan niệm sai lầm có rất nhiều, đức Phật quy nạp thành 88 phẩm, phẩm nghĩa là loại, chia thành 88 loại. Trong quá trình dạy học, đức Phật Thích Ca Mâu Ni dùng phương tiện thiện xảo, quy nạp 88 loại này thành 5 loại, như vậy dễ học, tiện lợi cho hàng sơ cơ.
Năm loại, thứ nhất là thân kiến, lục đạo phàm phu chúng ta coi thân này là của ta. Đức Phật nói đây là điều thứ nhất trong kiến giải sai lầm. Thân là gì? Thân không phải là mình. Không phải là ta vậy là gì? Thân là cái ta có, chứ không phải ta . Giống như quần áo, quần áo không phải ta, quần áo là cái ta có. Quí vị nghĩ xem, chẳng những chúng ta nhìn sai, mà trong lục đạo, trời dục giới, trời sắc giới, trời vô sắc giới, đều sai lầm, đều chấp thân này là ta. Trời vô sắc giới thông minh hơn chúng ta. Vì sao? Bởi họ không có thân, không có thân, nhưng họ chấp linh hồn là ta, vẫn là sai lầm! Linh hồn không phải là ta. Cái gì là ta? Linh tánh mới là ta! Linh hồn không phải là mình. Vì sao? Vì linh hồn là giả không có thật. Sao gọi là giả? Bởi nó biến, nó có sanh diệt. Chân ngã bất sanh bất diệt. Có chăng? Có ! Ở đâu? Ở ngay thân này. Bộ phận nào trên thân? Kinh Lăng Nghiêm nói rất hay: Vua Ba Tư Nặc cũng không biết chân tướng sự thật này, thỉnh giáo với đức Phật Thích Ca Mâu Ni, đức Phật nói cho vua biết chân tướng sự thật. Đức Phật có rất nhiều phương tiện, vua Ba Tư Nặc bằng tuổi với đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Đức Phật nói với vua về chân ngã, chân ngã ở đâu? Đức Phật hỏi vua: Lần thứ nhất ông thấy sông Hằng năm ấy bao nhiêu tuổi? Vua trả lời: Năm lên 3 tuổi mẫu thân dẫn con đi ngang qua sông Hằng, đây là lần đầu tiên con thấy sông Hằng. Đức Phật hỏi: Năm 3 tuổi ông thấy sông Hằng, cái thấy thấy sông Hằng đó, và năm 13 tuổi ông thấy sông Hằng, có khác biệt chăng? Không, không có khác biệt. Năm 23 tuổi thì sao? Cũng không khác biệt, con thấy rất rõ mà, lên 3 tuổi thấy như vậy, 13 tuổi thấy vẫn như vậy. Đức Phật hỏi, năm nay ông bao nhiêu tuổi? Năm nay con 62 tuổi. Vua 62 tuổi thì đức Phật Thích Ca Mâu Ni cũng 62 tuổi, hai người bằng tuổi nhau. Đức Phật nói, bây giờ ông thấy sông Hằng, và ngày xưa ông thấy sông Hằng có khác chăng? Không khác, thấy không khác. Đức Phật nói, năm nay ông 62 tuổi, so với 10 về trước thân ông thế nào? Thân con không tốt, nó già suy rồi. So với 20 năm về trước thì sao? Lại càng già hơn. Đức Phật nói với vua: Ông xem thân của ông có già, nhưng cái thấy không già. Thân có biến hóa, mỗi ngày đều lão hóa, nhưng cái thấy của ông không già. Đức Phật nói tiếp: có già là giả, không già là chân. Vua Ba Tư Nặc cũng là người thông minh, nên đã hiểu được.