Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa
Tập 60
Chủ giảng: Pháp Sư Tịnh Không
Chuyển ngữ: Tử Hà
Biên tập: Bình Minh
Giảng ngày: 17 tháng 06 năm 2010
Địa điểm: Phật Đà Giáo Dục Hiệp Hội – Hongkong
Các vị pháp sư, các vị đồng học, mời ngồi xuống. Mời xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang năm mươi bảy, hàng thứ hai đếm từ dưới lên.
Đệ cửu: Thập thế cách pháp dị thành môn. Thử môn biểu diên xúc. Dĩ thượng bát môn hoành thị viên dung chi tướng, thử thị thụ thị thập thế giả quá hiện vị tam thế, mỗi thế hựu các hữu quá hiện vị tam thế ư thị thành vi cửu thế, cửu thế hỗ nhập, vi nhất tổng thế, tổng thế dữ tiền cửu tương hợp nhi vi thập thế.
Tám môn trước, dùng cách nói ngày nay, là nói về không gian, nói về tương ưng, vô ngại tương ưng, vô ngại tương dung, tương tức, nói về vi tế an lập. Tất cả đều nói về không gian. Chúng ta đã biết, biến pháp giới hư không giới là một thể, quan hệ của nó là một thể. Đứng về mặt thời gian mà nói, có quá khứ, hiện tại, vị lai, có phải cũng bao gồm trong đó chăng? Không sai! Vì sao? Thời gian và không gian, được sanh ra từ một niệm, nó cũng không thật có. Trong tự tánh không có thời gian và không gian, ở tám môn trước chúng ta đã lãnh hội được rồi.
Môn này nói về thời gian. Trong văn nói: “thử môn biểu diên xúc”, diên là thời gian dài, diên trường; xúc là ngắn, thời gian ngắn. Vô ngại nghĩa là không có dài ngắn, một niệm là vô lượng kiếp, vô lượng kiếp là thời gian dài, một niệm là thời gian ngắn. Vô lượng kiếp chính là một niệm. Trong kinh Hoa Nghiêm nói: “niệm kiếp viên dung”, niệm là thời gian ngắn, kiếp là thời gian dài, viên dung, tự tại, không chướng ngại. Nếu hỏi rằng: đoạn phiền não thành Phật cần mất bao nhiêu thời gian? Đứng về lý mà nói là một niệm, một niệm giác ngộ, phàm phu thành Phật, một niệm mê Phật biến thành chúng sanh. Đức Phật có biến thành phàm phu chăng? Đức Phật không biến. Vì sao? Bởi đức Phật không mê, sau khi giác rồi không mê trở lại nữa. Đây là sự thật, không dối gạt đâu. Trong Đại Kinh rất rõ ràng, không phải đức Phật nói với chúng ta một lần, mà rất nhiều lần ngài nói với chúng ta. Chư Phật Bồ Tát vô cùng từ bi, thời thời khắc khắc nhắc nhở chúng ta, khi nào chúng ta thật sự giác ngộ rồi. Thế nào là giác ngộ? Buông bỏ là giác ngộ, điều này cần nên biết, không buông bỏ là chưa giác ngộ. Khi chưa giác ngộ thì phải thường xuyên nhắc nhở quí vị.
Ngộ có hai là giải ngộ và chứng ngộ. Giải ngộ nghĩa là hiểu nhưng chưa làm được, chưa làm được có thật sự lý giải được hay không? Chương Gia đại sư nói với tôi rằng, chưa lý giải được! Không nên cho rằng mình đã giác ngộ, cho rằng mình đã giác ngộ, đây là sai lầm rất lớn. Thật sự buông bỏ rồi mới là giác ngộ. Đại sư đưa ra một ví dụ, khiến tôi hiểu được đạo lý này. Ngài nói, trên bàn phía bên này để một đồng tiền bằng đồng, bên kia để một đồng tiền bằng vàng, cho quí vị lấy một đồng, quí vị lấy đồng nào? Dĩ nhiên chúng ta lấy tiền bằng vàng, chứ ai lấy tiền bằng đồng. Đó là gì? Là đã giác ngộ, chắc chắn biết chọn, chọn được chính xác. Người không hiểu, không giác ngộ, họ thầy tiền bằng đồng cũng rất tốt, nhất là tiền đồng mới thì nhìn rất đẹp mắt, tiền bằng vàng mà cũ thì không đẹp bằng tiền đồng, quí vị lấy cái nào? Chúng ta hiểu được hàm nghĩa này, cho nên thật sự giác ngộ, sao quí vị không chọn chư Phật Bồ Tát? Chắc chắn quí vị sẽ về đó, chắc chắn quí vị sẽ chọn Thật Báo Trang Nghiêm độ, chứ không chọn lục đạo luân hồi đâu. Ở trong lục đạo thật sự giác ngộ rồi, chắc chắn sẽ chọn thế giới cực lạc, quí vị còn làm những việc ngốc đó nữa sao?
Quí vị xem, ở ngay trước mắt chúng ta, người niệm Phật vãng sanh, hiện ra điềm lành cho chúng ta thấy, người ta đã giác ngộ, giác ngộ điều gì? Buông bỏ vạn duyên. Sau khi giác ngộ thì như thế nào? Thật sự là một bộ kinh Vô Lượng Thọ, bốn chữ hồng danh, A Di Đà Phật, chứ không nói đến sáu chữ. Ngoài những thứ này ra, trong tâm họ trong sạch không có bất cứ thứ gì, không hề vướng mắc điều gì, ra đi vô cùng tiêu dao tự tại, thật sự đã vãng sanh, không hề giả dối tí nào. Những người sống ở gần đều nhìn thấy nhà người này phóng hào quang, và có mùi hương lạ. Tất cả những người này ở trong thời mạt pháp chứng minh cho ta thấy, họ thật sự đã giác ngộ. Người giác ngộ sẽ không còn làm việc ngu ngốc nữa, người giác ngộ sẽ không làm cho mình phiền phức, họ đã giác ngộ rồi. Người giác ngộ cũng không làm phiền đức Phật Thích Ca Mâu Ni nữa, chánh pháp cửu trụ thế gian. Chúng ta ngày nay từ chỗ giải ngộ, có giải ngộ, không thể đi đến chỗ giác ngộ, là vì chưa buông bỏ được tự tư tự lợi, danh văn lợi dưỡng, tham luyến ngũ dục lục trần không buông bỏ, tập khí phiền não tham sân si mạn không buông bỏ. Cho nên mặc dù nghe hiểu Đại Kinh, nhưng trong cuộc sống hàng ngày vẫn lấy phiền não làm nhà, chứ không lấy giác tánh làm nhà. Giác tánh là Bồ đề tâm, chúng ta dùng mười chữ để miêu tả tâm bồ đề, thì mọi người sẽ dễ hiểu: chân thành, thanh tịnh, bình đẳng, chánh giác, từ bi. Thể của bồ đề tâm là chân thành, chân là vĩnh hằng bất biến. Trong vũ trụ cái gì vĩnh hằng bất biến? Chỉ có chân tâm vĩnh hằng bất biến. Chân tâm chính là bổn tánh, là tự tánh. Trong Hoàn Nguyên Quán nói: “tự tánh thanh tịnh viên minh thể, vĩnh hằng bất biến”. Thấy tánh là thấy điều gì? Thấy như vậy, minh tâm kiến tánh, kiến tánh thành Phật.